ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2007/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 04 tháng 01 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÁC VỊ TRÍ ĐỔ BÙN NẠO VÉT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2005;
Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22 tháng 07 năm 2003 của Bộ Kế hoạch Và đầu tư về việc hướng dẫn nội dung trình, trình tự lập, thẩm định, quản lý quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ;
Quyết định số 791/QĐ-TTr ngày 12 tháng 8 năm 2005 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm 5 thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 và định hướng đến năng 2020;
Xét Tờ trình số 1317/TTr-SGT ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Sở Giao thông - Vận tải xin phê duyệt quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên dự án: quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vững Tàu.
2. Mục tiêu quy hoạch:
Dự án quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh được thực hiện với các mục tiêu sau:
- Đánh giá, tổng hợp nhu cầu khối lượng bùn, đất, cát nạo vét của tất cả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Xác định quy mô, vị trí các khu vực đổ bùn, đất, cát nạo vét phù hợp với các khu vực dự án, quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch các ngành, đảm bảo hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư, cũng như hạn chế thấp nhất khả năng ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn tỉnh.
Các vị trí đổ bùn đất nạo vét phải đảm bảo không làm ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng trong giới hạn cho phép tới môi trường trong đó chú ý tới hoạt động về nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt thuỷ sản, hoạt động du lịch.
- Tận dụng tối đa các sản phẩm của công tác nạo vét và các mục đích kinh tế khác như san lấp mặt bằng. . .
Đề xuất các giải pháp đổ chất thải nạo vét, giải pháp quản lý giám sát môi trường, cơ chế quản lý, phối hợp và tổ chức thực hiện.
3. Quy hoạch vị trí đổ đất:
Tổng khối lượng nạo vét các dự án trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 dự kiến là 32,44 triệu m3, trong đó: khối lượng nạo vét giai đoạn đến năm 2010 là: 31,115 triệu m3, giai đoạn sau 2010 đến năm 2020 là 3,489 triệu m3. Ngoài ra khối lượng nạo vét duy tu hàng năm sau năm 2020 khoảng 2,152 triệu m3/năm. vị trí đổ đất bao gồm:
3.1. Khu A - vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu:
Đây là vị trí đã được quy hoạch vị trí đổ bùn của Dự án cảng container quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Khu vực đổ cách mũi Vũng Tàu 10 km, có diện tích 100 km2, cho phép đổ khoảng 8,854 triệu m3. Vị trí này có toạ độ trong bảng như sau:
Điểm | Tọa độ (hệ HN72) | |
EAST (M) | NORTH (M) | |
A | 617997,480 | 1136732,760 |
B | 627997,480 | 1136732,760 |
C | 627997,480 | 1126732,760 |
D | 617997,480 | 1126732,760 |
Vị trí này ở ngoài khơi Vũng Tàu, do vậy vị trí này thích hợp để đổ bùn đất nạo vét của các dự án gần biển để tiết kiệm quãng đường vận chuyển cho các dự án và tiết kiệm chi phí làm bãi đổ đất. Yêu cầu đối với bùn đất đổ tại vị trí này chi là bùn đất nạo vét ở dưới sông không có dẫn rễ cây và các tạp chất khác để tránh làm ô nhiễm môi trường biển. Ngoài ra vị trí này cũng dự kiến làm nơi đổ cho việc nạo vét duy tu hàng năm của các luồng đường thủy trên địa bàn tỉnh trong những năm sau 2020.
3.2. Khu B: khu đổ tại phía Tây Bắc sông Rạng:
Là khu vực đổ các chất thải nạo vét chủ yếu là tầng phủ có chứa nhiều rễ cây, thành phần ít nước. Diện tích khu này khoảng 1175 ha đáp ứng nhu cầu đổ chất thải nạo vét khoảng 23,5 triệu m3 với chiều dày đổ đất là 2 m. Khu vực này hiện trạng là khu rừng đước ngập mặn được bao bọc bởi các kênh rạch như sau: phía Tây giáp Rạch Ông, phía Nam giáp sông Tắc Lớn, phía Đông giáp sông Cá Cóc, phía Bắc giáp sông Mỏ Nhát.
4. Giải pháp xử lý khu vực đổ đất:
4.1. Khu A - khu đổ tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu:
Khu vực đổ bùn được bố trí các phao báo hiệu để đánh dấu vị trí, khoảng cách giữa 2 phao là 1 km. Khu vực quy hoạch có dạng hình vuông với cạnh có chiều dài là 10 km, diện tích là 100 km2 Theo như tính toán mô hình toán về công tác đổ đất tại vị trí này ảnh hưởng tới môi trường là không đáng kể.
Đây và vị trí rất thuận lợi cho các sà lan vận chuyển và các loại tàu cuốc, tàu hút đổ đất nạo vét. Tại khu vực này, mọi phương tiện chuyên chở bằng đường thuỷ đều có thể di chuyển tới vị trí và đổ đất. Yêu cầu đối với phương pháp đổ tại vị trí này là phải có thiết bị dẫn bùn cát xuống sâu để tránh hiện tượng bùn cát khuếch tán đi xa vào các khu vực ven bờ.
4.2. Khu B - khu đổ tại phía Tây Bắc sông Rạng:
Để hạn chế tác động xấu của bùn và đất nạo vét đến môi trường xung quanh. Bãi chứa đất có bờ bao để không gây thiệt hại mùa màng, cây trồng xung quanh và không để nước đục chảy xuống kênh rạch. Bãi chứa đất nạo vét được thiết kế gồm 2 khu: khu chứa và khu lắng.
Kích thước bãi đổ không bắt buộc nhất định mà tùy theo đất có được, hình dạng cũng không nhất thiết phải vuông cạnh. Cụ thể để tăng cường độ ổn định của thân đê (nhất là ở vị trí qua hầm sâu, ao sâu) cần đóng cừ tràm và vỉ tre gia cố. Kết cấu của khu đổ bùn dùng bờ bao bằng đất tự nhiên xung quanh có hệ thống lọc nước và thoát nước.
Bùn, đất nạo vét của các dự án sẽ được vận chuyển bằng sà lan từ vị trí nạo vét tới khu vực đổ bùn theo tuyến rạch Tre, sông Mỏ Nhát và sông Rạng. Tại vị trí đổ bùn, bùn sẽ được hút từ sà lan lên bãi bằng hệ thống đường ống và trạm hút cố định hoặc phun trực tiếp từ tàu nạo vét. Qua bãi đổ gồm hỗn hợp cả bùn và nước, bùn được lắng đọng tại bãi nước được thải lại sông qua một hệ thống xử lý ô nhiễm. Sau khi bùn đất được cố kết hoặc đối với bùn đất là vật liệu rắn thì dùng máy ủi san lấp đạt mặt phẳng và chiều dày yêu cầu.
5. Tận thu nguồn cát nạo vét san lấp mặt bằng cảng:
Trong các dự án nạo vét luồng vào cảng, theo nghiên cứu phần lớn vật liệu nạo vét là bùn đất, tuy nhiên có một lượng vật liệu nạo vét là cát khoảng 2,258 triệu m3. Vật liệu là cát lẫn bùn này có thể tận dụng tốt cho san lấp mặt bằng xây dựng nhưng nằm phân tán trên các đoạn luồng. Do đó trong quá trình thi công nạo vét sẽ tận dụng nguồn cát nạo vét dùng cho san lấp mặt bằng cảng sẽ rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí xây dựng cảng, giảm cự ly vận chuyển và thống nhất được tiến độ nạo vét luồng và xây dựng cảng.
6. Biện pháp giảm thiểu và giám sát môi trường:
6.1. Biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường:
- Các xe và xà lan vận chuyển bùn cát nạo vét phải hạn chế bụi ở mức thấp nhất như phải dùng bạt che phủ.
- Tạo lớp phủ thực vật bằng cách trồng cây tại bãi đổ sau khi bùn đất đã có thời gian cố kết đồng thời trồng cây xung quanh vị trí bãi đổ.
- Giám sát việc đổ bùn đất nạo vét tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu đúng vị trí và đúng tiến độ đề ra.
Có bờ bao quanh khu vực đổ bùn tại vị trí khu B.
Tuyệt đối không đổ dầu máy, chất thải chứa dầu từ tàu nạo vét, các phương tiện nổi phục vụ thi công luồng xuống sông mà phải thu gom xử lý. Huấn luyện cho công nhân trên tàu nạo vét, sà lan, về phòng chống ô nhiễm.
- Xử lý đất bị ô nhiễm tại vị trí đổ đất bằng các biện pháp hóa học và sinh học.
- Xây dựng hệ thống thoát nước thải và thoát nước mưa tại khu vực đổ bùn.
- Thực hiện đền bù thoả đáng cho việc giải tỏa dân cư, nhà cửa các công trình hiện hữu.
6.2. Giám sát môi trường:
Để ngăn chặn các tác động đến môi trường trong quá trình vận hành, các mẫu thu gom (thông thường là nước thải và chất thải rắn) sẽ được giám sát thường xuyên để đảm bảo các ảnh hưởng của dự án trên đều nằm trong các thông số kỹ thuật thiết kế và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Kết quả phân tích mẫu sẽ được ghi lại để kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời.
7. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn:
Do các dự án nạo vét luồng và cảng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng lắp đặt phao định vị cho khu A; chi phí khảo sát đo đạc phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng bờ bao, thoát nước tại vị trí Tây Bắc sông Rạng (khu B); chi phí giám sát môi trường. Trong đó:
7.1. Chi phí ngân sách nhà nước: đầu tư lắp đặt phao định vị cho khu A và chi phí giám sát môi trường là 11,258 tỷ đồng, bao gồm:
Chi phí khảo sát, định vị và lắp phao báo hiệu khu A: 4.346.424.000 đồng.
Chi phí giám sát môi trường: 5.401.070.046 đồng
Chi phí quản lý: 487.374.702 đồng
Chi phí dự phòng: 1.023.486.875 đồng
Tổng cộng: 11.258.355.623 đồng
Trong đó: chi phí giám sát môi trường tính bằng 155/đồng/1m3 đất nạo vét, kể cả một số khối lượng nạo vét duy tu hàng năm.
7.2. Chi phí do các doanh nghiệp đổ đất đầu tư: chi phí khảo sát đo đạc phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, chi giải phóng mặt bằng và xây dựng bờ bao, thoát nước tại vị trí Tây Bắc sông Rạng (khu B) được tính vào chi phí các dự án đầu tư.
Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét:
1. Sở Giao thông - Vận tải là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về công bố và quản lý quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh sau khi phê duyệt. Trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các sở, ngành địa phương liên quan trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
2. Đối với khu vực A, giao cho Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan phân bổ cụ thể vị trí đổ đất các dự án có nhu cầu đổ đất trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt.
3. Đối với khu vực B, giao cho Sở Xây dựng, UBND huyện Tân Thành phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông - Vận tải khảo sát chi tiết toàn bộ khu vực, phân bổ và thỏa thuận địa điểm các vị trí đổ đất; hướng dẫn chủ đầu tư lập dự án khảo sát, lập thủ tục thu hồi giải phóng mặt bằng để làm khu vực đổ đất theo quy định của pháp luật.
4. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND huyện Tân Thành quản lý chặt chẽ quỹ đất theo quy định pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển theo quy hoạch được duyệt.
5. Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra giám sát thường xuyên hai khu vực đổ đất để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến môi trường.
6. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, giao cho Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục phối hợp với PORTCOAST khảo sát định vị lắp đặt hệ thống phao tiêu báo hiện khu vực ngoài khơi Vũng Tàu, cách mũi Vũng Tàu 10 km để phục vụ cho công tác nạo vét luồng Thị Vải - Cái Mép của Dự án cảng container quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
7. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng các khu đổ bùn được thực hiện theo quy định hiện hành về quy chế đầu tư và xây dựng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Thủy sản, Du lịch, Tài nguyên – Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU |
- 1 Quyết định 44/2011/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 2 Quyết định 44/2011/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 1 Quyết định 44/2015/QĐ-UBND Quy định quản lý bùn thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4 Thông tư 05/2003/TT-BKH hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành