Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 01/2007/QĐ-UBND

Cần Giờ, ngày 16 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị Trưởng Phòng Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007 trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Điều 2. Căn cứ Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể huyện có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007 của các cơ quan, đơn vị và địa phương mình.

Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Phòng Tư pháp) có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giúp các xã, thị trấn, các ban ngành đoàn thể thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 7 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn Phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện; Trưởng Phòng Tư pháp, Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Thu

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ)

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

- Thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu và chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần bảo vệ kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, đảm bảo trật tự trị an, an toàn xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân;

- Nhằm tạo mọi điều kiện cho công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhằm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội;

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đổi mới trong phương thức thực hiện, đảm bảo tính khả thi, thiết thực, lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể tạo tính hấp dẫn, thu hút mọi người tham gia;

- Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phải lồng ghép với các cuộc vận động phong trào thi đua, gắn liền với công tác cải cách hành chính, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm và việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

II. NHỮNG NỘI DUNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT CHỦ YẾU CẦN PHỔ BIẾN TRONG NĂM 2007:

A. Trong 6 tháng đầu năm 2007:

1. Luật Nhà ở;

2. Bộ luật dân sự 2005;

3. Luật Bảo hiểm xã hội;

4. Luật Trợ giúp pháp lý;

5. Luật Cư trú;

6. Luật Kinh doanh bất động sản;

7. Luật Đất đai;

8. Luật Xây dựng;

9. Luật Phòng, chống tham nhũng;

10. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

B. Trong 6 tháng cuối năm 2007:

1. Luật Bình đẳng giới;

2. Luật Công chứng;

3. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;

4. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi);

5. Luật Giao thông đường bộ;

6. Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài những Bộ luật, Luật nêu trên tùy theo tình hình thực tế của địa phương có thể tổ chức tuyên truyền những văn bản luật quan trọng khác như: Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em…

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

a) Đối với Phòng Tư pháp:

- Chủ động, tham mưu xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật đồng thời hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Định kỳ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

- Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên tủ sách pháp luật ở xã, thị trấn.

- Tổ chức biên soạn và nhân bản tài liệu tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp có nội dung liên quan đến đời sống nhân dân. Cấp phát các loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật đến tận khu phố, ấp.

- Báo cáo Sở Tư pháp thành phố mời báo cáo viên pháp luật tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ chủ chốt huyện, xã, thị trấn.

- Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện; Củng cố đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

- Tổ chức hội thi, hội thảo tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức nhằm đưa nội dung pháp luật vào đời sống dân cư.

- Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện. Thực hiện tốt vai trò là đầu mối phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Đối với các ban, ngành, đoàn thể:

- Trung tâm Văn hóa huyện tiếp tục phổ biến tuyên truyền pháp luật, đảm bảo thời lượng phát thanh và đăng tải đầy đủ, kịp thời những quy định mới của pháp luật trên Tờ tin Cần Giờ. Nêu những gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong việc chấp hành pháp luật.

- Công an huyện phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục đào tạo tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, Luật Nghĩa vụ quân sự cho các đối tượng là thanh thiếu niên trên địa bàn huyện.

- Huyện đoàn phối hợp Phòng Tư pháp tổ chức giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng.

- Mặt trận Tổ quốc huyện, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động huyện, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến những quy định có liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách.

- Phòng Tài chính - Kế hoạch căn cứ vào chương trình Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện cấp kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

c) Đối với các xã, thị trấn:

- Căn cứ Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng Kế hoạch tuyên truyền pháp luật của đơn vị mình, đồng thời tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra.

- Chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp mời báo cáo viên pháp luật huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ngành chức năng tổ chức phổ biến pháp luật trên địa bàn xã, thị trấn.

- Củng cố lại đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở. Quản lý bố trí địa điểm thuận lợi đặt tủ sách pháp luật để khai thác có hiệu quả.

Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2007 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Thu