Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

 


BỘ CÔNG THƯƠNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 01/2008/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

 

CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG SỐ 01/2008/QĐ-BCT NGÀY 03 THÁNG 01 NĂM 2008 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XUẤT KHẨU XĂNG DẦU VÀ QUY CHẾ KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT XĂNG DẦU

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

 

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, đại lý, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu,

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xuất khẩu xăng dầu và Quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu.

Điều 2. Bãi bỏ Quyết định số 1752/2003/QĐ-BTM ngày 15 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công thương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng TW và Ban Kinh tế TW;
- Viện KSND tối cao; Toà án ND tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan TW của các Đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp; Công báo;
- Website Chính phủ;
- Các Sở Thương mại/Sở Thương mại và Du lich;
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng,
 các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, XNK.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyển Cẩm Tú

 

QUY CHẾ

 

XUẤT KHẨU XĂNG DẦU
(ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều l. Xăng dầu quy định trong Quy chế này bao gồm: xăng động cơ, dầu diesel, dầu hoả, dầu ma zut, nhiên liệu máy bay, các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hoá lỏng.

Điều 2. Việc xuất khẩu xăng dầu thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC XUẤT KHẨU XĂNG DẦU

Điều 3. Chỉ thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu mới được xuất khẩu xăng dầu.

Bộ Công Thương cấp phép cho thương nhân xuất khẩu xăng dầu theo quy định hiện hành trên cơ sở cân đối nguồn hàng, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, kế hoạch đăng ký tiêu thụ sản phẩm của thương nhân sản xuất, chế biến xăng dầu để đảm bảo việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến cung cầu thị trường trong nước.

Điều 4. Xăng dầu xuất khẩu phải thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

Điều 5. Thương nhân xuất khẩu xăng dầu chịu trách nhiệm về giá bán, bảo đảm bù đắp đủ chi phí nhập khẩu hoặc chi phí sản xuất, chế biến và phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định hiện hành. Nhà nước không bù giá.

Điều 6. Thương nhân nêu tại Điều 3 có nhu cầu xuất khẩu xăng dầu gửi văn bản (theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Quy chế này) đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép. Trong 7 ngày làm việc, Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất khẩu cho thương nhân thực hiện hoặc có văn bản thông báo lý do không cấp phép.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Thương nhân xuất khẩu xăng dầu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình xuất khẩu xăng dầu gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Điều 8. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu xăng dầu vi phạm các quy định tại Quy chế này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

TÊN DOANH NGHIỆP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:

V/v cấp giấy phép xuất khẩu xăng dầu

Hà Nội, ngày .... tháng .... năm 200

 

                                                 Kính gửi: Bộ Công Thương

 

Doanh nghiệp: ...................

Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: số ....... ngày ........ tháng ....... năm .......

Căn cứ Quy chế kinh doanh xuất khẩu xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu xăng dầu cụ thể:

- Số lượng: . ..... m3/tấn (theo từng chủng loại)

- Nguồn hàng xuất khẩu: nêu rõ nguồn do doanh nghiệp tự nhập khẩu, mua của doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu hay lấy từ nguồn sản xuất, pha chế trong nước

(kèm theo hợp đồng mua hàng nếu mua xăng dầu của doanh nghiệp khác và/hoặc đăng ký kế hoạch tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của doanh nghiệp sản xuất, chế biến nếu lấy từ nguồn sản xuất trong nước)

Doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nội dung kê khai trên đây và cam kết thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Quy chế xuất khẩu xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Bộ Công Thương.

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

Ký tên và đóng dấu

 

 

QUY CHẾ

KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT XĂNG DẦU
(ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Xăng dầu quy định trong Quy chế này bao gồm: xăng động cơ, dầu diesel, dầu hoả, dầu ma zut, nhiên liệu máy bay, các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ không bao gồm các loại khí hoá lỏng.

Điều 2. Tạm nhập tái xuất xăng dầu là việc thương nhân Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu xăng dầu ra khỏi Việt Nam hoặc bán cho thương nhân thuộc các khu vực hải quan riêng trên lãnh thổ Việt Nam như khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu bảo thuế, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong đó quy định quan hệ mua bán trao đổi hàng hoá giữa các khu vực này với nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Thủ tướng Chỉnh phủ có quy định khác.

Điều 3. Việc thương nhân Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam để bán cho các đối tượng sau đây cũng được áp dụng các quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất tại Quy chế này:

1. Máy bay của các hãng hàng không nước ngoài cập cảng hàng không Việt Nam, máy bay của các hãng hàng không Việt Nam bay trên các tuyến bay quốc tế.

2. Tầu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam, tầu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT XĂNG DẦU

Điều 4. Thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu xăng dầu được kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu.

Ngoài ra, thương nhân bán xăng dầu cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này phải đăng ký ngành nghề kinh doanh cung ứng xăng dầu hàng không; thương nhân bán xăng dầu cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy chế này phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ cung ứng tầu biển hoặc thông qua công ty cung ứng tầu biển là đại lý của mình để tái xuất xăng dầu.

Điều 5. Thủ tục tạm nhập tái xuất xăng dầu giải quyết tại cơ quan hải quan cửa khẩu và việc tạm nhập tái xuất xăng dầu thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 6. Thương nhân được phép tạm nhập xăng dầu theo nột lô lớn và tái xuất nguyên tô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa trong nội địa của thương nhân theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập.

Điều 7. Xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất phải được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối. Trường họp thương nhân bán xăng dầu cho thương nhân thuộc các khu vực hải quan riêng nằm trên lãnh thổ Việt Nam nêu tại Điều 2 của Quy chế này và các hãng hàng không Việt Nam có máy bay bay tuyến quốc tế, thương nhân Việt Nam có tầu biển chạy tuyến quốc tế quy định tại Điều 3 của Quy chế này thực hiện thanh toán bằng đồng Việt Nam.

Điều 8. Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu được chuyển vào tiêu thụ nội địa số xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết sau khi hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, tài chính, kể cả chịu phạt chậm nộp thuế (nếu có) theo quy định, và phải tuân thủ các quy định hiện hành về quy chuẩn chất lượng xăng dầu nhập khẩu lưu thông trên thị trường trong nước.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 9. Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về tình hình kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Điều 10. Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu vi phạm các quy địa tại Quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và theo quy định của pháp luật hiện hành.