Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 01/2008/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC SỬ DỤNG CỌC NHỰA DÙNG ĐỂ PHÂN LÀN XE VÀ CẢNH BÁO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về việc sử dụng cọc nhựa để phân làn xe và cảnh báo an toàn giao thông đường bộ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng các Vụ; Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính); Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp)
- Cục Cảnh sát GTĐBĐS;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Lưu VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC SỬ DỤNG CỌC NHỰA ĐỂ PHÂN LÀN XE VÀ CẢNH BÁO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BGTVT, ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này áp dụng cho cọc nhựa dùng để phân làn xe và cảnh báo an toàn giao thông đường bộ.

Chương 2.

QUY ĐỊNH VỀ CẤU TẠO, THI CÔNG VÀ DUY TU BẢO DƯỠNG

Điều 2. Quy định về cấu tạo của cọc nhựa

1. Hình dáng

Cọc nhựa được cấu tạo bao gồm phần thân cọc và phần đế cọc, chia thành 2 loại như sau:

a. Loại A: Dùng cho đường có tốc độ thiết kế ≥ 60km/giờ, có 3 vạch phản quang màu trắng mỗi vạch cao 7cm, khoảng cách giữa các vạch phản quang 5cm (sắp xếp theo thứ tự tính từ đỉnh cọc như sau: nhựa, phản quang và tiếp tục lặp lại). Thân cọc hình côn, cao từ 70cm đến 75cm, đường kính đáy trên 8cm, đường kính đáy dưới từ 8cm đến 10 cm. Đế cọc là hình côn, cao 5m, đường kính đáy trên từ 8cm đến 10cm, đường kính đáy dưới từ 20cm đến 25 cm để cố định cọc trên mặt đường.

b. Loại B: Dùng cho đường có tốc độ thiết kế < 60km/giờ, có 2 vạch phản quang màu trắng mỗi vạch cao 7cm, khoảng cách giữa các vạch phản quang là 5cm (sắp xếp theo thứ tự tính từ đỉnh cọc như sau: nhựa, phản quang và tiếp tục lặp lại). Thân cọc hình côn, cao từ 40cm đến 45cm, đường kính đáy trên 8cm, đường đáy dưới từ 8cm đến 9cm. Đế cọc là hình côn, cao 5cm, đường đáy trên từ 8cm đến 9cm, đường kính đáy dưới từ 20cm đến 25cm để cố định cọc trên mặt đường.

2. Vật liệu

Vật liệu chế tạo cọc nhựa phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:

a. Phần thân cọc và đế cọc bằng vật liệu nhựa có tính đàn hồi;

b. Ổn định với môi trường, thuận lợi cho duy tu bảo dưỡng, có tính mềm dẻo, ít gãy xung lực đối với xe khi va chạm;

c. Lớp phản quang phải đảm bảo độ bền khi bị va chạm.

3. Màu sắc

Màu sắc của thân cọc là màu da cam hoặc đỏ nhạt. Lớp phản quang dán vào thân cọc là màu trắng và sử dụng loại phản quang theo quy định ở Bảng 1, Yêu cầu về chất lượng sau 2 năm sử dụng độ phản quang tối thiểu đạt 70% độ phản quang quy định ở Bảng 1.

Bảng 1. Tính năng phản quang của vật liệu dùng cho cọc nhựa

Góc quan trắc (0, độ)

Góc chiếu chiếu sáng (0, độ)

Tính năng phản quang (màu trắng) (cd/lx.m2)

0,2

-4

250

+30

150

0,5

-4

95

+30

65

Điều 3. Lắp đặt

1. Phạm vi và vị trí lắp đặt

Về nguyên tắc, cọc nhựa không nên lắp đặt trùng với “vạch kẻ phân làn” nhưng trong trường hợp cần tăng độ cảnh báo phân làn cho các phương tiện giao thông thì được phép lắp đặt trùng với “vạch kẻ phân làn”, khi đó phải cách nhau một khoảng nhất định để không làm mất chức năng của “vạch kẻ phân làn”.

Tại các nút giao thông có vạch sơn kẻ phân chia thành các đảo dẫn hướng, các cọc lắp đặt cách mép vạch sơn 50cm (cách mép làn xe) hoặc ở những vị trí đảm bảo cho cọc nhựa nằm bên ngoài phần đường dành cho xe chạy.

Chỉ lắp đặt cọc nhựa để phân chiều xe chạy ở các đoạn đường có đủ chiều rộng tối thiểu mặt đường theo công thức sau:

B = a + 2b + c

Trong đó:

B - Chiều rộng tối thiểu của mặt đường, m;

a - Chiều rộng lắp đặt cọc nhựa dẻo và dải an toàn hai bên cọc nhựa, lấy a = 0,5m;

b - Chiều rộng một làn xe theo thiết kế đường (nếu mặt đường nằm trong đường cong có bán kính nhỏ thì cộng thêm phần mở rộng), m;

c - Chiều rộng một làn xe máy, mô tô, lấy c = 1,5m

Ở các đoạn đường vùng núi có tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, chiều rộng mặt đường được giảm đi 1,0m so với cách tính trên.

2. Khoảng cách lắp đặt giữa các cọc

Tùy theo tốc độ thiết kế, khoảng cách thích hợp giữa các cọc nhựa có thể từ 2m đến 10m. Khoảng cách lắp đặt lựa chọn theo vị trí lắp như sau:

a. Điểm bắt đầu hàng rào bảo vệ dùng cho dải phân cách ở tim đường: từ 3m đến 5m bố trí 5 cọc liên tiếp, khoảng cách giữa các cọc tiếp theo tăng dần từ 5m - 7m - 10m/cọc;

b. Phía trước khu vực công trình có tiềm ẩn gây nguy hiểm va chạm với xe: từ 5m đến 10m;

c. Phía trước cửa hầm và trong đường hầm, đường ô tô trên cao có lưu lượng xe lớn, cần được phân chia làn xe: từ 3m đến 5m;

d. Có thể dùng thay thế rào chắn tạm thời ở đoạn đường đang thi công: từ 2m đến 3m.

e. Đoạn đường dự báo phía trước có nguy hiểm gây nên va chạm: từ 5m đến 10m, trên chiều dài từ 50m đến 100m.

f. Đoạn đường có tốc độ thiết kế > 60km/giờ thì tăng khoảng cách giữa các cọc và chiều dài cắm cọc, còn đoạn đường tốc độ thấp thì thu hẹp khoảng cách cọc và chiều dài cắm cọc.

Việc lắp đặt cọc nhựa phải cân nhắc tới việc duy tu bảo dưỡng, cảnh quan v.v… để lắp đặt tối thiểu số lượng cọc trong phạm vi cắm cọc.

Điều 4. Thi công

Dùng bu lông kết hợp với tắc kê có cánh để cố định cọc nhựa với mặt đường. Nếu bu lông nhô lên cao trên mặt đường sẽ gây nguy hiểm cho xe cộ, phải thi công sao cho không có phần bu lông nhô lên khỏi đế cọc.

1. Điều kiện thi công

Điều kiện thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng thi công. Do vậy, không được thi công cọc trong những điều kiện dưới đây:

a. Nhiệt độ của mặt đường và nhiệt độ không khí dưới 150C;

b. Độ ẩm tương đối trong không khí trên 80%;

c. Bề mặt đường chưa khô;

d. Bề mặt bê tông nhựa mới được rải (chưa quá 14 ngày),

2. Phương pháp thi công

a. Sử dụng chất kết dính kết hợp với bu lông để liên kết đế cọc nhựa với mặt đường;

b. Vùng xung quanh cọc nhựa khi thi công không được có bụi, mỡ, dầu, hơi nước, các mảnh vụn, sơn và các chất khác gây trở ngại cho cường độ dính bám của chất kết dính. Để làm sạch bụi bẩn trên mặt đường, khi cần thiết phải dùng bàn chải để đánh. Sau đó, thổi sạch mặt đường bằng áp suất khí nén rồi mới được rải chất kết dính.

c. Sau khi mặt đường và mặt đáy của đế cọc nhựa được đánh sạch, phủ lớp kết dính lên mặt đường trong phạm vi đế cọc, Chất kết dính phải được quét đều đủ lượng, sao cho bề mặt chất dính kết rộng hơn mặt đáy của đế cọc. Sau đó lắp đặt cọc vào vị trí và tiến hành xiết bu lông để liên kết chắc chắn giữa cọc với mặt đường.

Điều 5. Duy tu bảo dưỡng

Phải định kỳ kiểm tra trạng thái hư hỏng của cọc nhựa và lớp phản quang để duy tu bảo dưỡng như sau:

1. Trạng thái bị hư hỏng của cọc nhựa

- Kiểm tra cọc nhựa còn duy trì ở trạng thái ban đầu như khi mới thi công hay đã biến dạng nhiều. Trường hợp cọc bị bẻ cong hoặc bị hư hỏng thì phải thay thế ngay.

2. Trạng thái bị phá hỏng và bẩn lớp phản quang

Trên bề mặt của lớp quản quang phải luôn luôn sạch, không được để có các chất bẩn như bụi, bùn, khói xe v.v…

a. Lớp phản quang bị bẩn, phải rửa sạch;

b. Lớp phản quang bị bong ra hoặc bị hư hỏng, phải dán lại hoặc thay lớp mới;

c. Lớp phản quang có thể bị hư hỏng hoặc bong tróc cục bộ khi bị va đập mạnh bằng xung lực, phải sửa chữa hoặc thay thế cọc nhựa khác.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị, cá nhân kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng