Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2008/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 03 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA UBND TỈNH VÀ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 30/6/1990;

Căn cứ Quyết định số 04/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Căn cứ cuộc họp ngày 22/10/2007 giữa UBND tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Quy chế này thay thế Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh ngày 06/5/2005 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan ngang Sở thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Hoàn Kim

 

QUY CHẾ

VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 03/01/2008 của UBND tỉnh)

Căn cứ Quyết định số 04/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh xây dựng quy chế về mối quan hệ công tác như sau:

Điều 1. Quy chế này quy định một số điểm cụ thể về quan hệ phối hợp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh, nhằm phát huy vai trò của Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng, triển khai quán triệt và kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, thực hiện các cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan trực tiếp đến sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức và người lao động, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, góp phần bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức và người lao động; đồng thời tổ chức, giáo dục, động viên cán bộ, công chức và người lao động tích cực thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Điều 2. Trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động. Sở, ngành tỉnh được giao chủ trì có trách nhiệm lấy ý kiến của Liên đoàn Lao động tỉnh theo quy chế làm việc của UBND tỉnh. Trường hợp ý kiến của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh khác với ý kiến của cơ quan được giao chủ trì, thì Thủ trưởng cơ quan được giao chủ trì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Điều 3. Việc tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, công chức và người lao động:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng trong phạm vi toàn tỉnh.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tham gia với các cơ quan chức năng tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức và người lao động; tổ chức hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham gia công tác sơ kết, tổng kết công tác thi đua; chấp hành và giám sát việc chấp hành Luật Thi đua khen thưởng.

3. Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức và người lao động gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Điều 4.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cán bộ, công chức và người lao động; động viên, tổ chức cho đoàn viên, cán bộ, công chức và người lao động tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức và viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Công đoàn thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.

3. Khi cần thiết Liên đoàn Lao động tỉnh đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về việc thực hiện các chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động theo pháp luật lao động và Luật Công đoàn. Liên đoàn Lao động tỉnh cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện các chế độ, chính sách, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc do các Sở, ban ngành tổ chức.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh và các thành viên của Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Liên đoàn lao động tỉnh.

Điều 5. Về việc giải quyết các kiến nghị của cán bộ, công chức và người lao động.

1. Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm phối hợp, giám sát việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động ở các ban, ngành, địa phương.

Liên đoàn Lao động tỉnh cần kịp thời phản ánh tới các Sở, ban ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã về các vấn đề phát sinh hoặc thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ngang Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã việc giải quyết các vấn đề này hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết.

2. Trong trường hợp Liên đoàn Lao động tỉnh còn có ý kiến khác với kết quả giải quyết của các Sở, ban ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã về đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức, người lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 6.

1. Hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch và dự toán thu, chi ngân sách công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động gửi Sở Tài chính. Trường hợp nguồn thu không đảm bảo chi các nhu cầu cần thiết, Liên đoàn Lao động tỉnh lập dự toán chi hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh gửi Sở Tài chính, để Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đề ra những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ thu, chi nguồn quỹ công đoàn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính.

Điều 7. Về chế độ thông tin báo cáo.

1. Các Sở, cơ quan ngang Sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thông tin cho Liên đoàn Lao động tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và các chủ trương, chính sách của Nhà nước mới ban hành liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.

2. Khi cần thiết Ủy ban nhân dân tỉnh cử người đại diện dự các kỳ hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh để nghe các kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thông báo những vấn đề về chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.

3. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất khi cần thiết về tình hình việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động và hoạt động công đoàn với Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 8.

1. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh được mời dự các phiên họp của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các hội nghị chuyên đề giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động hoặc liên quan đến hoạt động công đoàn.

2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc các thành viên của Ủy ban nhân dân tỉnh được mời dự các kỳ họp của Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh về các vấn đề có liên quan đến việc làm, đời sống của cán bộ, công chức và người lao động.

3. Hàng năm (hoặc khi cần thiết) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức họp liên tịch (hoặc làm việc) để trao đổi về những vấn đề cần thiết trong mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh. Thời gian, chương trình làm việc do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh chuẩn bị.