Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2016/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 07 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI TỈNH YÊN BÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ Quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản;

Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;

Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 763/TTr-STNMT ngày 25 tháng 11 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung về công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái; Quyết định số 38/2010/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 36/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, TNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thị Thanh Trà

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này cụ thể hoá một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Yên Bái.

2. Những nội dung về bảo vệ môi trường không nêu trong Quy định này được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA TỈNH

Điều 3. Hình thức, nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Tùy điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hình thức lập Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh.

2. Nội dung của Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP).

Điều 4. Trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh, xây dựng đề cương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi thực hiện việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

2. Các Sở, ban, ngành và đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến vào quy hoạch bảo vệ môi trường theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Thẩm định, phê duyệt và công khai thông tin quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân cấp huyện và cá nhân được tham vấn; lập hồ sơ và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo kết quả thẩm định và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

3. Trong thời gian không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định phê duyệt và các nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh trên cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Mục 2. BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHI TIẾT

Điều 6. Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết

1. Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

2. Đối tượng phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản (sau đây viết tắt là Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT).

Điều 7. Tiếp nhận, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết

1. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây viết tắt là dự án, cơ sở) trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; quyết định thành lập đoàn kiểm tra phục vụ thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết; tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường chi tiết thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT.

Chi cục Bảo vệ môi trường là cơ quan thường trực thẩm định giúp việc cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác tổ chức thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

3. Việc tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Điều 8 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2015TT-BTNMT) và Điều 7 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT.

4. Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được thẩm định thông qua với yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung phải thẩm định lại nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Nộp lại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã chỉnh sửa, bổ sung sau hai tư (24) tháng, kể từ ngày cơ quan thường trực thẩm định có văn bản thông báo kết quả thẩm định;

b) Thay đổi địa điểm thực hiện của dự án, cơ sở so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thẩm định;

c) Thay đổi quy mô, công suất, công nghệ hoặc những thay đổi khác dẫn đến các công trình bảo vệ môi trường không có khả năng giải quyết được các vấn đề môi trường gia tăng so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thẩm định.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết sau khi chủ dự án, chủ cơ sở chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện theo kết quả thẩm định.

Điều 8. Xác nhận và gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt

1. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp nhận quyết định phê duyệt từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và xác nhận vào mặt sau của trang phụ bìa của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết về việc đã phê duyệt báo cáo, đề án.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi quyết định phê duyệt, kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đến chủ dự án, chủ cơ sở thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường; gửi quyết định phê duyệt cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi dự án, cơ sở thực hiện; gửi quyết định phê duyệt kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đến Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh nơi dự án, cơ sở thực hiện; gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được xác nhận đến Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường sao lục quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi dự án, cơ sở thực hiện và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đối với dự án, cơ sở thực hiện trong khu công nghiệp.

Điều 9. Trách nhiệm chủ dự án, cơ sở sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt

Ngoài việc thực hiện đầy đủ những nội dung yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, chủ dự án, cơ sở phải thực hiện những nội dung sau đây:

1. Thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, thi công xây dựng và kiểm tra nghiệm thu các công trình bảo vệ môi trường đã đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường có hạng mục xây dựng.

2. Đối với dự án xây dựng hồ chứa thủy điện hoặc hồ chứa thủy lợi, chủ dự án phải lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch vệ sinh lòng hồ, gửi văn bản đề nghị đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức kiểm tra, chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện việc tích nước vào hồ. Những hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích hồ chứa từ một triệu (1.000.000) mét khối trở lên phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện cắm mốc giới trên thực địa theo phương án được phê duyệt; bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã để quản lý bảo vệ trước khi thực hiện việc tích nước vào hồ.

Điều 10. Thay đổi phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt

1. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu dự án, cơ sở có những thay đổi về phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; thay đổi các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường hoặc những thay đổi khác trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt, chủ dự án, chủ cơ sở phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan trực tiếp đến vấn đề môi trường của dự án, cơ sở, các chuyên gia (nếu cần thiết) tổ chức kiểm tra, đánh giá và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận cho dự án, cơ sở thay đổi về phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 11. Kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường

1. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; kiểm tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chi cục Bảo vệ môi trường là cơ quan thường trực giúp Sở Tài nguyên và Môi trường trong tổ chức hoạt động kiểm tra, xác nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Hoạt động kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; kiểm tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP; Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT và Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT.

Mục 3. KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƠN GIẢN

Điều 12. Đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản

1. Đối tượng lập kế hoạch bảo vệ môi trường là các dự án, phương án đầu tư mới và dự án, phương án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục II và Phụ lục IV Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

2. Đối tượng lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản là các cơ sở theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT.

Điều 13. Tổ chức xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các dự án, cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục kèm theo Quy định này.

Chi cục Bảo vệ môi trường là cơ quan tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án, phương án trên địa bàn thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, trừ các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này.

Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với dự án, phương án, cơ sở quy mô hộ gia đình khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền bằng văn bản.

Cán bộ địa chính tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với trường hợp được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền.

4. Việc tổ chức thực hiện xác nhận, ký, đóng dấu xác nhận và gửi bản kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT; Khoản 4 Điều 12, Điều 13 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT.

Điều 14. Kiểm tra, xử lý việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được xác nhận

1. Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã (khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền xác nhận) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản do cơ quan, địa phương mình đã xác nhận và các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường trong quá trình dự án, cơ sở thực hiện.

2. Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và cán bộ địa chính theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm tham mưu giúp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện nội dung tại Khoản 1 Điều này.

Mục 4. CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 15. Đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung

Đối tượng phải lập phương án cải tạo phục hồi môi trường (sau đây viết tắt là phương án), phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung (sau đây viết tắt là phương án bổ sung) trong hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP).

Điều 16. Tiếp nhận, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt phương án, phương án bổ sung

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.

Chi cục Bảo vệ môi trường là cơ quan thường trực thẩm định giúp việc cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động tổ chức thẩm định và trình phê duyệt phương án và phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản.

3. Việc tổ chức thẩm định phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản (sau đây viết tắt là Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT).

4. Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản sau khi đã được tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện theo kết quả thẩm định.

Điều 17. Xác nhận và gửi phương án, phương án bổ sung đã được phê duyệt

1. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp nhận quyết định phê duyệt từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và xác nhận vào mặt sau trang phụ bìa của phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản về việc đã phê duyệt phương án, phương án bổ sung.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi quyết định phê duyệt, kèm theo phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản cho chủ dự án, chủ cơ sở thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường; gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi dự án, cơ sở thực hiện; gửi quyết định phê duyệt cho Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái nơi tiếp nhận tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 18. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái theo đúng phương án, phương án bổ sung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có tính tới yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái ngoài việc thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP còn có trách nhiệm:

a) Kiểm tra tính chính xác của khoản tiền ký quỹ của tổ chức, cá nhân theo phương án, phương án bổ sung đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và có tính tới yếu tố trượt giá tại thời điểm nhận ký quỹ;

b) Kịp thời đề xuất, kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân không nộp ký quỹ, chậm nộp ký quỹ theo quy định pháp luật.

Điều 19. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung

1. Việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung trong hoạt động khai thác khoáng sản được thực hiện như sau:

a) Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền kiểm tra, xác nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Trình tự, thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung được thực hiện theo quy định tại các Điều 17, 18 và 19 Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT.

2. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án, phương án bổ sung được thực hiện như sau:

a) Việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án, phương án bổ sung được thực hiện lồng ghép trong quá trình nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lồng ghép việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án, phương án bổ sung với việc phê duyệt, nghiệm thu đóng cửa mỏ khoáng sản theo trình tự, thủ tục do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định;

c) Trường hợp khi lập đề án đóng cửa mỏ mà nội dung cải tạo, phục hồi môi trường thay đổi so với phương án hoặc phương án bổ sung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, chủ cơ sở không phải lập phương án bổ sung; nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được đưa vào đề án đóng cửa mỏ, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

Mục 5. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC, ĐẤT VÀ KHÔNG KHÍ

Điều 20. Bảo vệ môi trường nước lưu vực sông nội tỉnh và các nguồn nước hồ, ao, suối, kênh, mương

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường nước lưu vực sông nội tỉnh theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập kế hoạch bảo vệ, điều hòa chế độ nước của hồ, ao, suối, mương; lập và thực hiện kế hoạch cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, suối, mương gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước và làm mất mỹ quan đô thị.

Điều 21. Bảo vệ môi trường đất

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất; kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; xử lý các khu vực đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hoặc không xác định được đối tượng gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.

2. Việc tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất; kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; xử lý các khu vực đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hoặc không xác định được đối tượng gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 13 và Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.

Điều 22. Bảo vệ môi trường không khí

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh trên địa bàn và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Mục 6. QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Điều 23. Quản lý chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải thực hiện việc quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (sau đây viết tắt là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP) và Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT).

2. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện mới được xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái và phải thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và các quy định tại Điều 9 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý đối với chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và quy định tại Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

Điều 24. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

2. Các doanh nghiệp, đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm và quyền hạn thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 18 và Điều 22 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh;

b) Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP;

c) Ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn;

d) Định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng về tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Sở Tài chính chủ trì và phối hợp với các Sở, ban, ngành có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Bố trí kinh phí thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Tổ chức thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; xây dựng mức thu phí vệ sinh cho các đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở tổ chức trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

6. Sở Xây dựng chủ trì và phối hợp với các Sở, ban, ngành có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải rắn theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; lập kế hoạch hằng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn;

b) Xây dựng phương án giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh gửi Sở Tài chính để tổ chức thẩm định.

7. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo đơn vị chức năng và Ủy ban nhân dân cấp xã trong địa bàn tổ chức thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tổng hợp, báo cáo tình hình phát sinh và công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 3 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Điều 25. Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

2. Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường mới được xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh Yên Bái và phải thực hiện các nội dung quy định tại Điều 33 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường từ các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh theo nội dung quy định tại Điều 35 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Điều 26. Quản lý nước thải

1. Các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, các cơ sở phải có hệ thống thu gom nước mưa, thu gom và xử lý nước thải theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

2. Các khu công nghiệp và các cơ sở nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát) trên địa bàn tỉnh khi đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nước thải với các nội dung theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Điều 27. Quản lý khí thải công nghiệp

1. Các nhà máy xi măng hoạt động trên địa bàn tỉnh phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý số liệu quan trắc nhận được và truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Yêu cầu kỹ thuật, chuẩn kết nối dữ liệu quan trắc khí thải công nghiệp từ các nhà máy xi măng đến Sở Tài nguyên và Môi trường và từ Sở Tài nguyên và Môi trường đến Bộ Tài nguyên và Môi trường được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 28. Quản lý vỏ bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp

1. Bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định đối với chất thải nguy hại.

2. Trên cơ sở quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp hướng dẫn việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến và thực hiện việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý vỏ bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tại địa phương; khắc phục tình trạng vỏ bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp không được thu gom, lưu giữ gây ô nhiễm môi trường.

Mục 7. XỬ LÝ Ô NHIỄM, PHỤC HỒI VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG

Điều 29. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, phát hiện và lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 104 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

2. Nguyên tắc và căn cứ xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường; danh mục và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường và biện pháp xử lý thực hiện theo quy định tại các Điều 33, 34, 35, 36 Nghị định số 19/2005/NĐ-CP.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện liên quan có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 30. Khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; phòng ngừa sự cố môi trường; xác định thiệt hại và khắc phục sự cố môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phòng ngừa sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh với các nội dung:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh;

b) Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường;

c) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường hằng năm và định kỳ 05 (năm) năm.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn.

Mục 8. QUAN TRẮC, THÔNG TIN, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Điều 31. Quan trắc môi trường

1. Tổ chức, cá nhân quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở hoạt động trên địa bàn tỉnh phải thực hiện chương trình quan trắc phát thải và các thành phần môi trường; quản lý, công bố và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường.

3. Chương trình quan trắc môi trường, quản lý và công bố kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 32. Thông tin môi trường

1. Tổ chức, cá nhân quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình với Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Việc công bố, cung cấp thông tin môi trường được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 33. Chỉ thị và thống kê môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường của tỉnh trên cơ sở bộ chỉ thị môi trường quốc gia;

b) Tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của tỉnh; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.

2. Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường của tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 34. Trách nhiệm lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm, báo cáo hiện trạng môi trường

1. Trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm được thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn;

c) Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn;

d) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh lập báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh năm (05) năm một lần; lập báo cáo chuyên đề về những vấn đề môi trường bức xúc của tỉnh.

3. Việc lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm, lập báo cáo hiện trạng môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục 9. THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 35. Trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hằng năm lập kế hoạch và phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 36. Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại về môi trường

1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai xã, thị trấn, thị tứ trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn mình;

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, thành phố, thị xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, thành phố, thị xã trở lên thuộc phạm vi quan quản lý của tỉnh.

4. Việc tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường; tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường được thực hiện theo quy định tại Chương II, III, IV Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ Quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường.

Mục 10. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC; MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH YÊN BÁI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ- XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 37. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các nội dung cụ thể được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hoặc ủy quyền tại Quy định này.

Điều 38. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh

1. Sở, ban, ngành của tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành quy định, chính sách về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Sở, ban, ngành mình quản lý.

2. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành được quy định như sau:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và dự án, công trình thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức triển khai việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý trong phạm vi tỉnh Yên Bái;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất thải trong nông nghiệp và hoạt động khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành trong phạm vi tỉnh Yên Bái;

c) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý, phát triển ngành công nghiệp môi trường và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý của ngành trong phạm vi tỉnh Yên Bái;

d) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng về cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung và hoạt động khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành trong phạm vi tỉnh Yên Bái;

đ) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện giao thông vận tải và hoạt động khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành trong phạm vi tỉnh Yên Bái;

e) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm; hoạt động mai táng, hỏa táng; tổ chức thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý chất thải của bệnh viện, cơ sở y tế và hoạt động khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành trong phạm vi tỉnh Yên Bái;

g) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý của ngành trong phạm vi tỉnh Yên Bái;

h) Công an tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng chống tội phạm về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó với sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;

i) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quốc phòng; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;

k) Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp về môi trường giữa các cơ sở trong khu công nghiệp với nhau hoặc với các tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi khu công nghiệp; phối hợp kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các cơ sở trong khu công nghiệp; thực hiện các chức năng quản lý khác về bảo vệ môi trường khu công nghiệp theo chức năng nhiệm vụ được giao hoặc được ủy quyền;

l) Các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quy định này và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

3. Sở, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quy định này và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của mình; hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuộc Sở, ban, ngành quản lý.

Điều 39. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn với các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Điều 40. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái, của tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về bảo vệ môi trường, cộng đồng dân cư

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

2. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tỉnh Yên Bái thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Điều 145 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; tuyên truyền vận động hội viên, thành viên nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường.

3. Cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 146 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

4. Cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng dân cư thực hiện các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Tổ chức thực hiện

1. Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phổ biến Quy định này cho Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, doanh nghiệp có các hoạt động liên quan tới môi trường trên địa bàn quản lý.

3. Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện Quy định này.

4. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến thường xuyên Quy định này.

Điều 42. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, tùy theo điều kiện thực tiễn hoặc có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật do cấp trên ban hành, Quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN/CƠ SỞ THUỘC THẨM QUYỀN XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƠN GIẢN CỦA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

STT

DỰ ÁN/CƠ SỞ

QUY MÔ

1

Dự án/cơ sở nằm trên địa bàn 02 huyện trở lên

Tất cả

2

Dự án/cơ sở có sử dụng đất của khu di tích lịch sử - văn hóa; khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp tỉnh;

 

 

Dự án/cơ sở làm mất rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; chuyển đổi mục đích đất trồng lúa

Tất cả đối với dự án/cơ sở có sử dụng đất của khu di tích lịch sử - văn hóa; khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp tỉnh;

 

Tất cả các đối tượng dưới 5 ha đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
Từ 01 ha đến dưới 10 ha đối với rừng tự nhiên;
Từ 10 ha đến dưới 50 ha đối với các loại rừng khác;
Từ 01 ha đến dưới 5 ha đối với đất trồng lúa chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp

3

Dự án/cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế khác

Dưới 50 giường bệnh

4

Dự án/cơ sở sản xuất Clinker

Công suất dưới 100.000 tấn clinker/năm

5

Dự án/cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng

Công suất dưới 500.000 m2 tấm lợp fibro xi măng/năm

6

Dự án xây dựng cảng sông/cảng sông đang hoạt động

Tiếp nhận tàu trọng tải dưới 1.000 DWT

7

Dự án xây dựng nhà máy thủy điện/nhà máy thủy điện đang hoạt động

Có hồ chứa dung tích dưới 100.000 m³ nước hoặc công suất dưới 10 MW

8

Dự án xây dựng công trình hồ chứa nước/hồ chứa nước đang hoạt động

Có dung tích hồ chứa dưới 100.000 m³ nước

9

Dự án/cơ sở khai thác cát hoặc nạo vét lòng sông

Công suất dưới 50.000 m³ vật liệu nguyên khai/năm

10

Dự án/cơ sở khai thác khoáng sản rắn (không sử dụng các chất độc hại, hóa chất hoặc vật liệu nổ công nghiệp)

Có khối lượng mỏ (bao gồm khoáng sản và đất đá thải) dưới 50.000 m³ nguyên khai/năm hoặc có tổng khối lượng mỏ (bao gồm khoáng sản và đất đá thải) dưới 1.000.000 m³ nguyên khối

11

Dự án/cơ sở chế biến khoáng sản rắn không sử dụng các chất độc hại, hóa chất

Công suất dưới 50.000 m³ sản phẩm/năm

12

Dự án/cơ sở tuyển, làm giàu đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ

Công suất dưới 500 tấn sản phẩm/năm

13

Dự án/cơ sở cơ sở tái chế, xử lý, chôn lấp hoặc tiêu hủy chất thải rắn thông thường

Công suất từ 05 đến dưới 10 tấn chất thải rắn thông thường/ngày

14

Dự án/cơ sở luyện kim

Sử dụng nguyên liệu không phải là phế liệu có công suất dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

15

Dự án/cơ sở cán thép

Công suất dưới 2.000 tấn sản phẩm/năm nếu sử dụng nguyên liệu không phải là phế liệu

16

Dự án/cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy

Tàu có trọng tải dưới 1.000 DWT

17

Dự án/cơ sở sản xuất, sửa chữa, lắp ráp xe máy, ô tô

Công suất dưới 5.000 xe máy/năm hoặc dưới 500 ô tô/năm

18

Dự án/cơ sở cơ sở chế tạo máy móc, thiết bị công cụ

Công suất dưới 1.000 tấn sảnphẩm/năm

19

Dự án/cơ sở mạ, phun phủ và đánh bóng kim loại

Công suất dưới 500 tấn sản phẩm/năm

20

Dự án/cơ sở sản xuất ván ép

Công suất dưới 100.000 m2/năm

21

Dự án/cơ sở sản xuất sứ vệ sinh

Công suất dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm hoặc dưới 10.000 sản phẩm/năm

22

Dự án/cơ sở sản xuất đường

Công suất dưới 10.000 tấn đường/năm

23

Dự án/cơ sở sản xuất bột ngọt

Công suất dưới 5.000 tấn sản phẩm/năm

24

Dự án/cơ sở chế biến thủy sản, bột cá, các phụ phẩm thủy sản

Công suất dưới 100 tấn sản phẩm/năm

25

Dự án/cơ sở sản xuất phân hóa học

Công suất dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

26

Dự án/cơ sở sản xuất dược phẩm, thuốc thú y; sản xuất nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả nguyên liệu hóa dược và tá dược)

Sản xuất dược phẩm, thuốc thú y không phải là vắc xin công suất dưới 50 tấn sản phẩm/năm

27

Dự án/cơ sở sản xuất hóa chất, chất dẻo, các sản phẩm từ chất dẻo, sơn

Công suất dưới 100 tấn sản phẩm/năm

28

Dự án/cơ sở sản xuất chất tẩy rửa, phụ gia

Công suất dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

29

Dự án/cơ sở sản xuất bột giấy và giấy từ nguyên liệu thô

Công suất dưới 300 tấn sản phẩm/năm

30

Dự án/cơ sở sản xuất giấy, bao bì các tông từ bột giấy hoặc phế liệu

Công suất dưới 5.000 tấn sản phẩm/năm

31

Dự án/cơ sở chế biến cao su, mủ cao su

Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

32

Dự án/cơ sở sản xuất ắc quy, pin

Công suất dưới 50.000 KWh/năm hoặc dưới 100 tấn sản phẩm/năm

33

Dự án/cơ sở sản xuất gạch ốp lát các loại

Công suất dưới 500.000 m2/năm

34

Dự án/cơ sở sản xuất gạch, ngói

Công suất từ 10 triệu viên/năm đến dưới 100 triệu viên gạch, ngói quy chuẩn/năm

35

Dự án xây dựng đường cấp IV miền núi

Từ 20 km đến dưới 50 km

36

Dự án xây dựng cầu đường bộ, cầu đường sắt

Chiều dài từ 50m đến dưới 500 m (không kể đường dẫn)

37

Dự án nạo vét lòng hồ

Nạo vét với khối lượng từ 10.000 m3/năm đến dưới 50.000 m³/năm

38

Dự án xây dựng đê, kè bờ sông

Có chiều dài 500 m đến dưới 1.000m

39

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu dân cư

Có diện tích từ 1,0 ha đến dưới 5 ha

40

Dự án xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, thoát nước khu dân cư; nạo vét kênh mương, lòng sông, hồ

- Có chiều dài công trình từ 5 km đến dưới 10 km đối với dự án xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, thoát nước khu dân cư;
 - Có diện tích khu vực nạo vét từ 1 ha đến dưới 5 ha đối với các dự án nạo vét kênh mương, lòng sông, hồ hoặc có tổng khối lượng nạo vét từ 10.000 m3 đến dưới 50.000 m³

41

Dự án xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại/siêu thị, trung tâm thương mại đang hoạt động

Có diện tích sàn từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2

42

Dự án/cơ sở lưu trú du lịch, khu dân cư

- Cơ sở lưu trú du lịch từ 20 phòng đến dưới 50 phòng;
 - Khu dân cư cho từ 100 người đến dưới 500 người sử dụng hoặc 50 hộ đến dưới 100 hộ

43

Dự án xây dựng khu du lịch; khu thể thao, vui chơi giải trí, sân golf/khu du lịch; khu thể thao, vui chơi giải trí, sân golf đang hoạt động

Có diện tích từ 5 ha đến dưới 10 ha

44

Dự án xây dựng nghĩa trang/nghĩa trang đang hoạt động

Có diện tích từ 5 ha đến dưới 20 ha

45

Dự án/cơ sở sản xuất, gia công các thiết bị điện, điện tử và các linh kiện điện tử

- Công suất từ 100.000 sản phẩm/năm đến dưới 500.000 sản phẩm/năm trở lên đối với thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử;

- Công suất từ 100 tấn sản phẩm/năm đến dưới 500 tấn sản phẩm/năm đối với thiết bị điện

46

Dự án xây dựng công trình tưới, cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp/công trình tưới, cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp

Tưới, tiêu thoát nước, cấp nước cho diện tích từ 100 ha đến dưới 500 ha

47

Dự án khai thác rừng/cơ sở khai thác rừng

- Khai thác rừng diện tích từ 50 ha đến dưới 200 ha đối với rừng trồng là rừng sản xuất áp dụng phương thức chặt trắng, có lô thiết kế khai thác diện tích tập trung;
 - Khai thác rừng tự nhiên từ 10 ha đến dưới 50 ha là rừng tự nhiên sản xuất áp dụng phương thức chặt trắng với diện tích tập trung

48

Dự án vùng trồng cây công nghiệp; vùng trồng cây thức ăn gia súc; vùng trồng cây dược liệu; vùng trồng rau, hoa tập trung/vùng trồng cây công nghiệp; vùng trồng cây thức ăn gia súc; vùng trồng cây dược liệu; vùng trồng rau, hoa tập trung

Diện tích từ 10 ha đến dưới 50 ha

49

Dự án/cơ sở chế biến gỗ, dăm gỗ từ gỗ tự nhiên

Công suất từ 1.000 m3 đến dưới 3.000 m³ sản phẩm/năm

50

Dự án/cơ sở sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm

Công suất từ 100 đến dưới 500 tấn sản phẩm/năm

51

Dự án/cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Công suất từ 50 gia súc/ngày đến dưới 200 gia súc/ngày trở lên; từ 500 đến dưới 3.000 gia cầm/ngày

52

Dự án/cơ sở sản xuất cồn, rượu

Công suất từ 50.000 lít sản phẩm/năm đến dưới 500.000 lít sản phẩm/năm

53

Dự án/cơ sở sản xuất nước lọc, nước tinh khiết đóng chai

Công suất từ 500 m3 nước/năm đến dưới 2.000 m³ nước/năm

54

Dự án/cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, tinh bột các loại

- Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm đến dưới 10.000 tấn sản phẩm/năm đối với công nghệ sản xuất, chế biến khô;
 - Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm đối với công nghệ sản xuất, chế biến ướt.

55

Dự án/cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi

Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

56

Dự án/cơ sở nuôi trồng thủy sản

Diện tích mặt nước từ 1 ha đến dưới 10 ha, riêng các dự án nuôi quảng canh từ 10 ha đến dưới 50 ha

57

Dự án/cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung

- Có quy mô chuồng trại từ 500 m2 đến dưới 1.000 m2 đối với gia súc, gia cầm;
 - Có quy mô chuồng trại từ 200 m2 đến dưới 500 m2 đối với động vật hoang dã

58

Dự án xây dựng kho chứa thuốc nổ cố định; kho chứa hóa chất/ kho chứa thuốc nổ cố định; kho chứa hóa chất

Kho chứa thuốc nổ cố định từ 1 tấn đến dưới 5 tấn;
Từ 100 tấn đến dưới 500 tấn đối với kho chứa hóa chất

59

Dự án/cơ sở sản xuất gas CO2 chiết nạp hóa lỏng, khí công nghiệp

Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm đến dưới 3.000 tấn sản phẩm/năm

60

Dự án/cơ sở sản xuất các sản phẩm nhựa, hạt nhựa

Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

61

Dự án/cơ sở sản xuất chất tẩy rửa, phụ gia

Công suất dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

62

Dự án xây dựng kho chứa hóa chất/kho chứa hóa chất

Công suất dưới 500 tấn

63

Dự án/cơ sở sản xuất và gia công các sản phẩm dệt, may

Công suất từ 10.000 sản phẩm/năm đến dưới 50.000 sản phẩm/năm trở lên có công đoạn giặt tẩy

64

Dự án/cơ sở giặt là công nghiệp

Công suất từ 10.000 sản phẩm/năm đến dưới 50.000 sản phẩm/năm

65

Dự án/cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, ô tô

Công suất từ 1.000 xe máy/năm đến dưới 5.000 xe máy/năm; từ 100 ô tô/năm đến dưới 500 ô tô/năm

66

Các dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất/các cơ sở đã cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất

Có quy mô, công suất tới mức tương đương với dự án/cơ sở thứ tự từ 1 đến 66

67

Dự án/cơ sở có có hạng mục với quy mô hoặc tính chất tương tự các dự án/cơ sở thứ tự từ 01 đến 66 Phụ lục này.

Tất cả