ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2021/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 23 tháng 02 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi; Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2021 và thay thế Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các Cơ sở nuôi dưỡng và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2021/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Sở Tư pháp, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tài chính, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); cơ sở nuôi dưỡng và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam là thành viên.
2. Không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan.
3. Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời.
4. Rút ngắn tối đa thời hạn xác minh nguồn gốc của trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi để tạo điều kiện cho trẻ em sớm tìm được gia đình thay thế ở nước ngoài và được chữa trị, chăm sóc sức khỏe trong điều kiện y tế hiện đại.
1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Tổ chức họp liên ngành.
3. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết.
4. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành.
5. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ quan chủ quản của các cơ sở nuôi dưỡng gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương.
2. Cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh gồm: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, Trung tâm Hoạt động nhân đạo tỉnh Hải Dương và Cơ sở nuôi dưỡng khác được thành lập theo quy định của pháp luật có hoạt động cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài.
NỘI DUNG PHỐI HỢP TRONG GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Điều 6. Lập biên bản trẻ em bị bỏ rơi
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm:
a) Tiến hành lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; tìm người hoặc tổ chức tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã về việc trẻ bị bỏ rơi và thực hiện đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (sau đây gọi là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP).
b) Trong khi tìm người hoặc tổ chức tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Nếu có gia đình, cá nhân nhận chăm sóc trẻ em thì lựa chọn gia đình, cá nhân đó (ưu tiên gia đình, cá nhân cư trú tại địa bàn cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi), quyết định giao, nhận trẻ em cho gia đình, cá nhân nhận chăm sóc theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Trẻ em (sau đây gọi là Nghị định số 56/2017/NĐ-CP). Trường hợp không có gia đình, cá nhân nào đăng ký nhận chăm sóc thay thế hoặc tạm thời nuôi dưỡng trẻ em thì Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành lập hồ sơ chuyển trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
c) Nếu có gia đình, cá nhân đến nhận là thân nhân của trẻ bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với gia đình, cá nhân đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật tiến hành giải quyết.
2. Công an cấp xã khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về trường hợp trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm lập biên bản và báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi, thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
Biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi được lập thành 03 bản, 01 bản lưu tại cơ quan lập, 02 bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi.
Điều 7. Rà soát, tìm người nhận trẻ em làm con nuôi
1. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Hàng tháng rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được gia đình, cá nhân, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
b) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm được quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi.
2. Cơ sở nuôi dưỡng:
a) Đánh giá việc trẻ em đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng cần được nhận làm con nuôi, lập danh sách trẻ em cần được chuyển hình thức chăm sóc thay thế ở cơ sở nuôi dưỡng đến gia đình nhận trẻ em làm con nuôi theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.
b) Lập hồ sơ trẻ em bao gồm các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 32 của Luật Nuôi con nuôi; Điều 14 Nghị định số 19/2011/NĐ- CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi Con nuôi (sau đây gọi là Nghị định số 19/2011/NĐ-CP); khoản 6 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi Con nuôi (sau đây gọi là Nghị định số 24/2019/NĐ-CP) và có văn bản gửi Cơ quan chủ quản về việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em.
3. Cơ quan chủ quản của Cơ sở nuôi dưỡng:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ do Cơ sở nuôi dưỡng gửi, Cơ quan chủ quản có ý kiến gửi Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ trẻ em để thông báo tìm người nhận con nuôi.
4. Sở Tư pháp:
a) Sau khi tiếp nhận hồ sơ trẻ em do Cơ quan chủ quản chuyển đến, Sở Tư pháp thực hiện các thủ tục tìm người nhận trẻ em làm con nuôi theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
Trong thời gian đăng tin tìm gia đình thay thế cho trẻ em, nếu có người nhận con nuôi thì Sở Tư pháp hướng dẫn cho người nhận và làm các thủ tục theo quy định.
b) Trường hợp trẻ em thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP và không có người đăng ký nhu cầu nhận con nuôi thì Sở Tư pháp xác nhận trẻ em đủ điều kiện được cho làm con nuôi nước ngoài gửi Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp cùng 01 bộ hồ sơ trẻ em theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 32 Luật Nuôi con nuôi và các giấy tờ sau:
- Văn bản xác minh của Công an tỉnh đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi;
- Văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ; ý kiến của trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài;
- Văn bản lấy ý kiến của Giám đốc Cơ sở nuôi dưỡng về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài (nếu trẻ em đang sống tại Cơ sở nuôi dưỡng).
c) Sở Tư pháp phối hợp với Báo Hải Dương; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hải Dương đảm bảo đăng tải công khai, rộng rãi thông tin về việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em.
Điều 8. Xác minh hồ sơ và lấy ý kiến cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài đối với trẻ em bị bỏ rơi
1. Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Công an tỉnh xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi nước ngoài kèm theo các giấy tờ sau:
a) Giấy khai sinh của trẻ em;
b) Phiếu khám sức khỏe trẻ em;
c) Bản tóm tắt đặc điểm, sở thích, thói quen của trẻ em;
d) Quyết định tiếp nhận trẻ em vào Cơ sở nuôi dưỡng;
đ) Biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi;
Sau khi nhận được văn bản xác minh của Công an tỉnh, Sở Tư pháp thực hiện các thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ- CP được sửa đổi, bổ sung theo khoản 7 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP.
2. Công an tỉnh:
a) Có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp. Trường hợp xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ em thì nêu rõ các thông tin về: họ, tên, nơi cư trú, năm sinh (nếu có) của cha, mẹ đẻ trẻ em.
b) Phối hợp với Sở Tư pháp trong trường hợp cần tiếp tục xác minh bổ sung về nguồn gốc của trẻ em.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cha, mẹ đẻ của trẻ em có trách nhiệm niêm yết thông báo về việc trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài tại trụ sở theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo khoản 7 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP.
Hết thời hạn niêm yết hoặc trong quá trình niêm yết (đối với trường hợp có thông tin về cha, mẹ đẻ trẻ em), Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở Tư pháp.
Điều 9. Xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài
1. Sở Tư pháp tiến hành xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo khoản 7 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP.
Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp có văn bản xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để xác định trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài theo diện đích danh được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP.
2. Cơ quan, đơn vị có liên quan khác
Có trách nhiệm phối hợp cho ý kiến theo đề nghị của Sở Tư pháp kịp thời, đúng thời hạn để đảm bảo trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài.
Điều 10. Giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài
1. Việc giới thiệu trẻ em không thuộc diện quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP phải bảo đảm các căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài quy định tại Điều 35 Luật Nuôi con nuôi và thực hiện như sau:
a) Trường hợp họp liên ngành thì thành phần gồm:
Đại diện lãnh đạo: Sở Tư pháp (chủ trì cuộc họp), Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Cơ quan chủ quản của Cơ sở nuôi dưỡng có trẻ em được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài, Cơ sở nuôi dưỡng nơi có trẻ em được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp có thể mời chuyên gia y tế, tâm lý, gia đình, xã hội tham gia ý kiến để tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi cho các đại biểu tham gia họp liên ngành ít nhất 03 ngày trước ngày họp phương án giới thiệu trẻ em kèm theo hồ sơ của trẻ em và báo cáo tóm tắt hồ sơ của người nhận con nuôi.
Trong cuộc họp, các đại biểu tham gia họp liên ngành cho ý kiến, thảo luận về các phương án giới thiệu trẻ em cho người nhận con nuôi, Lãnh đạo Sở Tư pháp chủ trì họp liên ngành tổng hợp ý kiến và kết luận về phương án giới thiệu trẻ em.
Căn cứ vào kết luận của cuộc họp liên ngành, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả giới thiệu trẻ em làm con người nước ngoài.
b) Trường hợp trao đổi ý kiến bằng văn bản thì Sở Tư pháp gửi công văn kèm theo hồ sơ của trẻ em và phụ lục báo cáo đánh giá của người nhận con nuôi cho các cơ quan, tổ chức nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều này đề nghị cho ý kiến về các phương án giới thiệu trẻ em cho người nhận con nuôi.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức được hỏi ý kiến có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu hoặc giải trình ý kiến và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến về việc đồng ý hoặc không đồng ý với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài của Sở Tư pháp. Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài, thì trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài cho Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp. Trường hợp không đồng ý với giới thiệu của Sở Tư pháp, thì Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo rõ lý do bằng văn bản để Sở Tư pháp tiến hành giới thiệu lại. Sau 03 tháng kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh không đồng ý mà Sở Tư pháp không giới thiệu được thì Sở Tư pháp phải gửi trả lại hồ sơ của người nhận con nuôi cho Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp kèm theo văn bản nêu rõ lý do.
1. Sở Tài chính:
Căn cứ vào thông báo của Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp về số kinh phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài chuyển về địa phương, Sở Tài chính có trách nhiệm thông báo phân bổ dự toán cho các đơn vị để thực hiện việc rút dự toán chi tiêu trong phạm vi số kinh phí được điều chuyển hoặc dự toán được cấp có thẩm quyền giao đầu năm và có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị này sử dụng, chấp hành và quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài:
a) Lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm bảo đảm cho công tác giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Các nội dung chi được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 114/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Chủ trì tổ chức thực hiện Quy chế này, hằng năm tổng kết đánh giá sự phối hợp liên ngành về giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tham mưu Chủ tị ch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm việc tìm người nhận trẻ em làm con nuôi theo quy định pháp luật.
2. Chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm việc tìm người nhận trẻ em làm con nuôi theo quy định của pháp luật.
3. Chủ trì việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã trong việc rà soát, đánh giá và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được gia đình, cá nhân, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định.
4. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới.
5. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và sâu rộng về ý nghĩa nhân đạo và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với công tác giải quyết nuôi con nuôi.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Đôn đốc, theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện công tác phối hợp trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, gửi cơ quan chủ trì tổng hợp, xây dựng báo cáo chung theo Quy chế này.
2. Chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở nuôi dưỡng thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng và lập hồ sơ trẻ em.
3. Chủ trì việc rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cơ sở trợ giúp xã hội nhằm tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh.
4. Thực hiện công tác giám sát, quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi của các cơ sở nuôi dưỡng thuộc trách nhiệm quản lý, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài đúng thời hạn theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.
Điều 15. Trách nhiệm của Công an tỉnh
Thực hiện xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi người nước ngoài theo đề nghị của Sở Tư pháp hoặc cơ quan có liên quan. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Y tế
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp trong việc xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi tại các cơ sở khám, chữa bệnh hoặc các sự kiện sinh khác theo yêu cầu của Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Tư pháp.
Điều 17. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Thông báo cho Sở Tư pháp, cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh số chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài do Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp chuyển về địa phương.
2. Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc lập dự toán ngân sách bảo đảm cho công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định.
3. Bảo đảm, bố trí kinh phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài tại địa phương và bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế này.
Điều 18. Trách nhiệm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh
1. Chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở nuôi dưỡng thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng và lập hồ sơ trẻ em.
2. Chủ trì việc rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở nuôi dưỡng thuộc phạm vi quản lý; tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cơ sở nuôi dưỡng nhằm tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh.
3. Thực hiện công tác giám sát, quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi của các cơ sở nuôi dưỡng thuộc trách nhiệm quản lý, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thực hiện đúng các nội dung phối hợp quy định tại Quy chế này.
2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi và tuyên truyền pháp luật về nuôi con nuôi.
Điều 20. Trách nhiệm của cơ sở nuôi dưỡng
1. Tạo điều kiện hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để người nhận con nuôi được tiếp xúc, làm quen với trẻ em khi đến Việt Nam nhận con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Nuôi con nuôi.
2. Báo cáo việc tiếp nhận, sử dụng và quản lý các khoản hỗ trợ nhân đạo theo quy định pháp luật và báo cáo Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo của cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam theo định kỳ 06 tháng và hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.
Các cơ quan, tổ chức trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có quy định chưa phù hợp thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Tư pháp để nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành./.
- 1 Quyết định 42/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 2 Quyết định 74/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3 Quyết định 43/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp về việc giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 4 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5 Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật nuôi con nuôi
- 6 Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2018 về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập,tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội
- 8 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em
- 9 Nghị định 114/2016/NĐ-CP Quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài
- 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch
- 11 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 12 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 13 Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi
- 14 Luật nuôi con nuôi 2010
- 1 Quyết định 23/2014/QĐ-UBND quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do tỉnh Hải Dương ban hành
- 2 Quyết định 42/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 3 Quyết định 74/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 4 Quyết định 43/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp về việc giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 5 Quyết định 07/2021/QĐ-UBND Quy chế phối hợp về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 6 Quyết định 09/2021/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 7 Quyết định 26/2021/QĐ-UBND Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 8 Quyết định 44/2021/QĐ-UBND Quy chế phối hợp về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh