ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2021/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 04 tháng 02 năm 2021 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
Căn cứ Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 73/2018/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 05/2019/TT-BNNPTNT ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 02 năm 2021.
Quyết định này bãi bỏ Quyết định số 1799/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định về tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 1051/QĐ-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc điều chỉnh, bổ sung một số điều của Quyết định số 1799/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định về tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Cao Bằng; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2021/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
1. Quy định này Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
2. Đối với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác, việc tổ chức quản lý, vận hành do chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) quyết định trên cơ sở vận dụng hướng dẫn của Quy định này và các hướng dẫn khác theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, sử dụng có hiệu quả.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi
1. Quản lý thống nhất theo hệ thống công trình thủy lợi, từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nước phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế.
2. Việc quản lý, vận hành các công trình thủy lợi lớn, quan trọng đặc biệt, kỹ thuật vận hành phức tạp được giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, khai thác và thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi phải có đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của từng công trình, hệ thống công trình được giao theo quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi và các quy định pháp luật liên quan.
Điều 4. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
1. Giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi: Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân huyện, Thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) theo phân cấp trực tiếp quản lý, cụ thể như sau:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do cấp tỉnh quản lý.
b) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện (Phòng Kinh tế Thành phố) là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do cấp huyện quản lý.
2. Giao khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi:
a) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là công trình thủy lợi lớn, công trình quan trọng đặc biệt, kỹ thuật vận hành phức tạp được giao cho doanh nghiệp nhà nước để khai thác theo các phương thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ và các phương thức khác.
b) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi không thuộc tài sản quy định tại điểm a khoản này được giao cho đơn vị khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo các phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng và các phương thức khác.
c) Đối với công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý và quyết định phương thức khai thác.
3. Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi:
a) Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải được sử dụng đúng mục đích và đảm bảo yêu cầu về tưới, tiêu thoát nước.
b) Khi sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi vào cung cấp sản phẩm, dịch vụ có mục đích kinh doanh không được làm ảnh hưởng đến hoạt động tưới, tiêu thoát nước và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Điều 5. Nội dung của công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi
1. Quản lý nước bao gồm nội dung chính sau đây:
a) Thu thập thông tin dự báo khí tượng thủy văn; đo đạc, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực; quan trắc, dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, số lượng, chất lượng nước; kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, phân tích nhu cầu sử dụng nước.
b) Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước, sử dụng nước; kiểm soát chất lượng nước; thực hiện phương án ứng phó thiên tai.
c) Bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào công trình thủy lợi.
d) Lập, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật về quản lý, phân phối nước trong hệ thống công trình thủy lợi.
2. Quản lý công trình bao gồm nội dung chính sau đây:
a) Đo đạc, quan trắc, giám sát, kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn công trình thủy lợi.
b) Quản lý, tổ chức thực hiện bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố công trình, máy móc, thiết bị; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
c) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai và phương án bảo vệ công trình thủy lợi.
d) Lập, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật về quản lý công trình thủy lợi.
3. Quản lý kinh tế bao gồm nội dung chính sau đây:
a) Tổ chức lập, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
b) Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.
c) Ký kết, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.
d) Xây dựng mô hình tổ chức hợp lý để quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và các nguồn lực được giao.
đ) Định kỳ đánh giá hiệu quả quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khai thác tổng hợp, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ để phát huy năng lực công trình thủy lợi.
e) Lập, lưu trữ hồ sơ về quản lý tài sản, tài chính.
Điều 6. Trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi
1. Đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước, trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý công trình thủy lợi cấp tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý công trình thủy lợi thuộc cấp tỉnh và có trách nhiệm bàn giao công trình thủy lợi cho đơn vị khai thác.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý công trình thủy lợi cấp huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện (Phòng Kinh tế Thành phố) giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý công trình thủy lợi thuộc cấp huyện và có trách nhiệm bàn giao công trình thủy lợi cho đơn vị khai thác.
2. Đối với công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý.
Điều 7. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi
1. Các công trình thuộc cấp tỉnh quản lý: Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các công trình thủy lợi liên huyện và các công trình thủy lợi có tiêu chí dưới đây:
a) Đập có chiều cao từ 10m trở lên hoặc hồ chứa nước có dung tích từ 200.000m3 nước trở lên.
b) Hệ thống công trình thủy lợi, các trạm bơm điện có nhiệm vụ tưới, tiêu cho diện tích đất canh tác từ 30ha trở lên. Đơn vị được giao khai thác công trình thủy lợi thực hiện quản lý, khai thác từ công trình đầu mối đến mặt ruộng.
c) Công trình kè thủy lợi bảo vệ cho khu vực có diện tích trên 500ha.
2. Các công trình thuộc cấp huyện quản lý: Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi bao gồm:
a) Thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.
b) Các khoản cấp, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
c) Các khoản hợp pháp khác.
2. Nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước sử dụng cho các mục đích sau đây:
a) Thực hiện các nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy định tại Điều 5 của Quy định này.
b) Bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
c) Mục đích khác theo quy định của pháp luật.
3. Nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo quy định.
Điều 9. Bảo vệ công trình thủy lợi
Thực hiện theo Quyết định số 33/2019/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và các văn bản quy định khác có liên quan.
Điều 10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, theo dõi kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn củng cố, kiện toàn tổ chức thủy lợi cơ sở.
3. Tổ chức hướng dẫn tập huấn cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Hằng năm xây dựng kế hoạch để kiểm tra công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân giao danh mục các công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý cho các doanh nghiệp có nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo khoản 1, Điều 7, Chương II của Quy định này.
6. Ký kết, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đặt hàng cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đối với các công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý.
Điều 11. Ủy ban nhân dân các huyện, Thành phố
1. Căn cứ khoản 2, Điều 7 của Quy định này và điều kiện thực tế của địa phương, có trách nhiệm quyết định phân giao danh mục các công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý cho các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
2. Quí I hằng năm, có trách nhiệm rà soát, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh mục các công trình thủy lợi hoàn thành được đưa vào khai thác theo Điều 7 của Quy định này.
3. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện thành lập, củng cố, kiện toàn phát triển tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn huyện để quản lý khai thác công trình thủy lợi, sử dụng tốt, đạt hiệu quả.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật vận hành, áp dụng các biện pháp tưới, tiêu khoa học, công việc duy tu, bảo dưỡng công trình cho các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi thực hiện tốt các nội dung quy định tại Điều 5 của Quy định này.
Điều 12. Các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi
1. Có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đảm bảo hiệu quả theo đúng nội dung nêu tại Điều 5, Chương II của Quy định này.
2. Định kỳ báo cáo hoặc báo cáo đột xuất khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình và tình hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi về Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân cấp quản lý./.