ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2016/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 29 tháng 01 năm 2016 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THOÁT NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẤC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý thoát nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các cấp; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH |
QUẢN LÝ THOÁT NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Ban hành Quy định quản lý thoát nước nhằm tạo khung pháp lý cho việc quản lý, khai thác sử dụng, khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thoát nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải (sau đây gọi chung là thoát nước) tại các khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Quy hoạch thoát nước viết tắt là QHTN;
Hệ thống thoát nước viết tắt là HTTN;
Đầu tư xây dựng viết tắt là ĐTXD;
Ủy ban nhân dân viết tắt là UBND;
Ban quản lý viết tắt là BQL;
Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao gọi chung là khu công nghiệp và viết tắt là KCN;
Xử lý nước thải viết tắt là XLNT;
Dịch vụ thoát nước viết tắt là DVTN;
Nước thải sinh hoạt viết tắt là NTSH;
Vốn ngân sách nhà nước viết tắt là vốn NSNN;
UBND huyện, thị xã, thành phố gọi chung là UBND cấp huyện;
Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh gọi tắt là cơ sở y tế;
UBND xã, phường, thị trấn gọi chung là UBND cấp xã;
Các phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị gọi chung là phòng quản lý xây dựng cấp huyện, viết tắt là phòng QLXD cấp huyện.
1. HTTN gồm mạng lưới thoát nước (đường ống, cống, kênh, mương, hồ điều hòa,...), đập ngăn, đê ngăn lũ, các trạm bơm thoát nước mưa, các giếng tách dòng, các trạm bơm nước thải, các công trình XLNT và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải, tiêu thoát, lưu giữ, điều hòa nước mưa, chống ngập úng, thu gom nước và XLNT.
a) HTTN chung là hệ thống trong đó nước thải, nước mưa được thu gom chung trong cùng một hệ thống mạng lưới cống.
b) HTTN riêng là hệ thống mạng lưới cống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt.
c) HTTN nửa riêng là HTTN chung có các giếng tách dòng và tuyến cống bao để tách nước thải đưa về nhà máy XLNT.
2. Hoạt động thoát nước là các hoạt động về lập định hướng phát triển, lập quy hoạch, lập các chương trình, dự án, thiết kế, ĐTXD, quản lý, vận hành HTTN cho các đô thị, KCN, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế.
3. DVTN và XLNT (gọi chung là DVTN) là các hoạt động về quản lý, vận hành HTTN nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước mưa, nước thải và XLNT theo các quy định của pháp luật.
4. Đơn vị thoát nước là tổ chức cung ứng dịch vụ quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng các công trình HTTN theo hợp đồng quản lý vận hành với chủ sở hữu HTTN.
5. Hộ thoát nước là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước, người nước ngoài sinh sống và hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xả nước thải vào HTTN.
6. Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất do sử dụng hoặc do các hoạt động của con người xả vào HTTN hoặc ra môi trường.
7. NTSH là nước thải ra từ các hoạt động sinh hoạt của con người như ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân...
8. Nước thải khác là nước đã qua sử dụng mà không phải là NTSH.
9. Hồ điều hòa là các hồ tự nhiên hoặc nhân tạo có chức năng tiếp nhận nước mưa và điều hòa tiêu thoát nước cho HTTN.
10. Điểm đấu nối là các điểm xả nước của các hộ thoát nước vào HTTN.
11. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (trong phạm vi quy định này) là phí mà hộ thoát nước xả nước mưa, nước thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận phải trả để cải tạo phục hồi môi trường do nước thải gây ra.
12. Ống nối là đoạn ống dẫn nước thải từ hố kiểm tra tới điểm đấu nối để xả nước thải vào HTTN.
1. UBND cấp huyện là chủ sở hữu HTTN đô thị.
2. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề là chủ sở hữu HTTN các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề.
3. UBND cấp xã là chủ sở hữu HTTN điểm dân cư nông thôn.
4. Các cơ sở y tế là chủ sở hữu HTTN y tế do cơ sở đầu tư.
5. Các chủ đầu tư xây dựng đô thị mới là chủ sở hữu HTTN trong đô thị mới.
6. Các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới, khu nhà ở có trách nhiệm quản lý vận hành HTTN trong khu đô thị, khu nhà ở đến khi bàn giao theo quy định.
Điều 6. ĐTXD hệ thống thoát nước
1. Vốn đầu tư HTTN
a) HTTN các đô thị, điểm dân cư nông thôn, các cơ sở y tế công lập được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn NSNN, ODA và vốn tài trợ khác (nếu có).
b) UBND tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia ĐTXD một phần hoặc toàn bộ HTTN phù hợp với quy hoạch xây dựng, QHTN theo các quy định pháp luật; ưu tiên ĐTXD theo hình thức PPP.
2. Chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư
Dự án thoát nước và XLNT đô thị, KCN, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế do các tổ chức, cá nhân ĐTXD được ưu đãi và hỗ trợ:
a) Được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo lĩnh vực bảo vệ môi trường.
b) Được hỗ trợ ĐTXD công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, cấp nước, thoát nước, viễn thông) ngoài hàng rào bằng nguồn vốn NSNN.
c) Được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác theo các quy định pháp luật.
3. Lập kế hoạch ĐTXD công trình thoát nước
a) UBND cấp huyện lập kế hoạch ĐTXD các công trình thoát nước trong đô thị, khu vực nông thôn, cụm công nghiệp và làng nghề; cải tạo, nâng cấp các công trình thoát nước ở các khu, điểm dân cư cũ đảm bảo không ngập úng và ô nhiễm môi trường.
b) Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh lập kế hoạch ĐTXD các công trình thoát nước trong KCN.
c) Sở Y tế lập kế hoạch ĐTXD các công trình thoát nước cho các cơ sở y tế.
d) Chủ đầu tư các khu đô thị, KCN lập kế hoạch ĐTXD các công trình thoát nước do mình làm chủ đầu tư.
1. Nước thải từ HTTN đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, KCN, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế xã vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
2. Nước thải từ các nhà máy trong KCN xả vào HTTN tập trung của KCN phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý môi trường KCN và các quy định của cơ quan quản lý thoát nước trong KCN.
3. Nước thải từ các hộ thoát nước, cơ sở sản xuất xả vào HTTN đô thị phải bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về nước thải xả vào HTTN đô thị.
1. Các hộ thoát nước có trách nhiệm đấu nối vào HTTN theo hợp đồng, thỏa thuận đấu nối với đơn vị thoát nước, không được tự ý đấu nối. Đơn vị thoát nước có trách nhiệm ký hợp đồng, thỏa thuận đấu nối với hộ thoát nước, trong đó có nêu rõ các nội dung vị trí đấu nối, cao độ đấu nối, chi phí đấu nối, chi phí XLNT, trách nhiệm của đơn vị thoát nước, trách nhiệm của hộ thoát nước.
2. Chủ sở hữu HTTN có trách nhiệm ĐTXD HTTN bao gồm mạng lưới thu gom và chuyển tải từ hộp đấu nối đến cống cấp 3, cấp 2 và cấp 1.
3. Hộp đấu nối được xác định nằm trên tuyến thu gom của HTTN, tại vị trí điểm đấu nối và đặt trên phần đất công sát ranh giới giữa phần đất công và đất của mỗi hộ thoát nước.
4. Các hộ thoát nước có trách nhiệm đầu tư đường cống thoát nước trong phạm vi diện tích đất của mình và đấu nối vào hộp đấu nối. Việc ĐTXD lắp đặt HTTN trong khuôn viên công trình, nhà ở của hộ thoát nước phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các yêu cầu trong hợp đồng, thỏa thuận đấu nối và hợp đồng sử dụng DVTN.
5. Trường hợp HTTN của KCN, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế đấu nối vào HTTN đô thị thì được coi như một hộ thoát nước và phải tuân theo các quy định trong hợp đồng sử dụng DVTN và phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu chứng minh chất lượng nước thải sau xử lý cục bộ đạt yêu cầu được phép xả vào HTTN đô thị, phù hợp với chỉ tiêu đầu vào của nhà máy XLNT.
6. Các trường hợp không được đấu nối vào HTTN gồm:
a) Gần nguồn tiếp nhận mà chất lượng nước thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường.
b) Tại địa bàn chưa có mạng lưới thu gom của HTTN tập trung.
7. Các hộ thoát nước được cung cấp:
a) Một vị trí đấu nối chung cho cả nước thải và nước mưa nếu HTTN của khu vực là HTTN chung.
b) Một vị trí đấu nối vào cống thoát nước thải và một vị trí đấu nối vào cống thoát nước mưa nếu HTTN của khu vực là HTTN riêng.
Điều 9. Quản lý bùn thải từ HTTN và bùn bể phốt
1. Quản lý bùn thải từ HTTN
a) Bùn thải được phân loại để quản lý và lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, góp phần giảm chi phí vận chuyển, chi phí xử lý.
b) Phân loại bùn thải; lựa chọn công nghệ xử lý bùn thải; thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường và các Quy định pháp luật khác.
c) Khi ĐTXD nhà máy XLNT phải xây dựng công trình xử lý bùn thải; bùn thải khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.
2. Quản lý bùn bể tự hoại
a) Các hộ thoát nước trong quá trình sử dụng bể tự hoại tùy theo các thông số thiết kế của bể, định kỳ phải làm sạch và hút cặn bể bằng kinh phí của mình.
b) Các phương tiện, trang thiết bị thông hút, thu gom và vận chuyển bùn bể tự hoại phải là các phương tiện chuyên dụng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
c) Bùn bể tự hoại phải được đưa về các nhà máy XLNT để xử lý.
Điều 10. Lựa chọn đơn vị thoát nước
1. Chủ sở hữu HTTN có trách nhiệm tổ chức lựa chọn đơn vị thoát nước thực hiện việc quản lý, vận hành HTTN.
2. Đối với HTTN đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung được đầu tư bằng vốn NSNN, vốn nhà nước ngoài ngân sách. Việc lựa chọn đơn vị thoát nước theo quy định pháp luật về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích và các quy định pháp luật khác về lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành, khai thác theo hình thức hợp đồng O&M (Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý).
3. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phát triển khu đô thị mới, khu nhà ở, KCN tổ chức quản lý, vận hành HTTN do mình đầu tư đến khi bàn giao cho các cơ quan, đơn vị theo quy định pháp luật.
4. Đơn vị thoát nước phải có nhân lực, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cần thiết để thực hiện các yêu cầu và nhiệm vụ của công tác quản lý, vận hành HTTN.
Điều 11. Hợp đồng quản lý, vận hành HTTN
1. Chủ sở hữu và đơn vị thoát nước phải thực hiện ký kết Hợp đồng quản lý, vận hành HTTN theo quy định pháp luật.
2. Nội dung và thời hạn hợp đồng quản lý, vận hành HTTN đảm bảo theo quy định pháp luật. Trước khi ký hợp đồng chủ sở hữu HTTN phải tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp về nội dung hợp đồng đối với các hợp đồng sử dụng nguồn vốn NSNN để chi trả.
Điều 12. Bàn giao, tiếp nhận HTTN từ các chủ đầu tư
1. Chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở, khu đô thị trong thời hạn 6 tháng kể từ khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng bàn giao HTTN cho chính quyền đô thị đối với các dự án xây dựng trong đô thị, cho UBND cấp xã đối với các dự án xây dựng ở địa bàn xã thuộc huyện. Ngay sau khi nhận bàn giao, chính quyền đô thị giao cho đơn vị quản lý thoát nước để vận hành HTTN.
2. Đơn vị thoát nước được quyền từ chối nhận bàn giao công trình thoát nước và XLNT nếu chất lượng công trình không đảm bảo hoặc xây dựng không đúng theo dự án ĐTXD được duyệt.
3. Chủ đầu tư các dự án ĐTXD hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, khu nhà ở, các công trình thoát nước có trách nhiệm bàn giao cho các cơ quan, đơn vị tiếp nhận hồ sơ hoàn công công trình thoát nước. Đơn vị nhận bàn giao có trách nhiệm bàn giao hồ sơ hoàn công cho đơn vị thoát nước.
Điều 13. Quản lý cao độ HTTN, hồ điều hòa
1. UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đơn vị thoát nước có trách nhiệm quản lý cao độ của HTTN gồm:
a) Xác định và quản lý cao độ mực nước các hồ điều hòa, kênh mương thoát nước nhằm bảo đảm tối đa khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa, chống úng ngập và bảo vệ môi trường.
b) Quản lý cao độ các tuyến cống chính và cống thu gom nước thải, nước mưa.
c) Cung cấp cao độ của HTTN cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
2. Quản lý hồ điều hòa
a) Các hồ điều hòa được xây dựng mới phải đảm bảo chức năng điều hòa thoát nước, các hoạt động kinh tế khác không được ảnh hưởng đến chức năng điều hòa, thoát nước của hồ.
b) Các hồ, ao trong đô thị, khu dân cư nông thôn có chức năng điều hòa nước phải được nạo vét, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng.
c) Đơn vị thoát nước (trong trường hợp chưa có đơn vị thoát nước thì Phòng quản lý xây dựng cấp huyện) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện:
- Lập danh mục các hồ điều hòa trên địa bàn.
- Kiểm soát các hành vi xả NTSH và nước thải khác chưa qua xử lý đổ trực tiếp vào hồ điều hòa.
- Kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng hồ, ao điều hòa để đảm bảo chức năng điều hòa nước mưa và môi trường; duy trì mực nước ổn định của hồ điều hòa, đảm bảo tốt nhiệm vụ điều hòa nước mưa và các yêu cầu khác.
- Định kỳ nạo vét, vệ sinh hồ, ao; xây dựng quy trình quản lý, khai thác, sử dụng hồ, ao điều hòa.
Điều 14. Xác định khối lượng nước thải
1. Đối với NTSH
a) Hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải được tính bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước.
b) Hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải được xác định theo tiêu chuẩn sử dụng nước bình quân đầu người là bốn 4 m3/người/tháng.
2. Đối với các loại nước thải khác
a) Hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải được tính bằng 80% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước.
b) Hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được xác định thông qua đồng hồ đo lưu lượng nước thải. Trường hợp không lắp đặt đồng hồ, đơn vị thoát nước và hộ thoát nước căn cứ hợp đồng DVTN để thống nhất về khối lượng nước thải cho phù hợp.
Điều 15. Giá DVTN và lộ trình tăng giá
1. Hộ thoát nước xả nước thải vào HTTN phải thanh toán giá sử dụng DVTN.
2. Hộ thoát nước xả nước thải trực tiếp ra môi trường đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật có nghĩa vụ trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật.
3. Giá DVTN thực hiện theo quy định của UBND tỉnh. Riêng đối với KCN thì giá DVTN do chủ đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng KCN thỏa thuận với các hộ thoát nước trong KCN và quyết định về mức giá (trước khi quyết định phải có ý kiến thỏa thuận của BQL các KCN tỉnh và Sở Tài chính).
4. Giá DVTN được tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để thực hiện các nội dung quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng; chi phí khấu hao thiết bị, máy móc, nhà xưởng, công trình HTTN, XLNT; chi phí khấu hao xe, máy, công cụ lao động, nhà xưởng của đơn vị thoát nước; và các chi phí, thuế, nghĩa vụ, bảo hiểm xã hội và lợi nhuận định mức hợp lý theo quy định của pháp luật.
5. Trong trường hợp giá sử dụng DVTN do UBND cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng, tính đủ các chi phí DVTN và mức lợi nhuận hợp lý thì được UBND cấp tỉnh cấp bù từ NSNN để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị thoát nước.
6. Lộ trình tăng giá sử dụng DVTN do UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc từng bước đáp ứng và tiến tới bù đắp hoàn toàn chi phí DVTN.
Điều 16. Phương thức thu, thanh toán tiền DVTN
1. Đối với hộ thoát nước
a) Tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cấp nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền DVTN thông qua hóa đơn tiền nước đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung và chuyển tiền thu được vào tài khoản của đơn vị thoát nước sau khi trừ đi chi phí dịch vụ thu.
b) Đơn vị thoát nước trực tiếp thu tiền DVTN đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
c) Hộ thoát nước đã thanh toán tiền DVTN thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
2. Chủ sở hữu HTTN thanh toán phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và doanh thu từ giá sử dụng DVTN cho đơn vị thoát nước (nếu có).
Điều 17. Mức, giảm giá DVTN đối với NTSH
1. Hộ thoát nước thuộc đối tượng phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình liệt sỹ được Nhà nước miễn giá DVTN.
2. Hộ thoát nước thuộc đối tượng là gia đình có người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, hộ nghèo (có chứng nhận của Sở Lao động, Thương binh và xã hội) được Nhà nước giảm 50% giá DVTN.
Điều 18. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
1. Sở Xây dựng
a) Tham mưu, giúp UBND tỉnh chỉ đạo về công tác lập quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng HTTN; hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình quy hoạch, quản lý ĐTXD, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý vận hành HTTN trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước tại đô thị loại I, công trình thoát nước đi qua địa giới hành chính 2 huyện (trừ KCN); Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền.
c) Quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của HTTN trên địa bàn tỉnh (trừ KCN); cung cấp thông tin về cao độ nền đô thị cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để đảm bảo thoát nước.
d) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích ĐTXD HTTN đô thị, làng nghề.
đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án giá DVTN đối với HTTN được đầu tư từ NSNN, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
e) Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định phương án giá DVTN được đầu tư từ nguồn vốn khác ngoài NSNN.
g) Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ĐTXD và quản lý vận hành, khai thác HTTN đô thị, KCN, làng nghề, cơ sở y tế, điểm dân cư nông thôn theo quy định pháp luật.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường theo phân cấp.
b) Phối hợp, hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, cấp phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận và tổ chức đánh giá tác động môi trường đối với các dự án ĐTXD HTTN theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chất lượng nước thải của HTTN và các hộ thoát nước trên địa bàn tỉnh xả thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận; tổ chức quản lý các điểm xả, chất lượng nước thải xả vào nguồn tiếp nhận.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì thẩm định phương án giá DVTN trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn NSNN, vốn nhà nước ngoài ngân sách, trình UBND tỉnh quyết định.
b) Chủ trì cho ý kiến thỏa thuận về giá DVTN trong KCN để các chủ đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng KCN làm cơ sở quyết định về mức giá theo quy định.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định dự toán, mức trợ giá hợp đồng quản lý, vận hành HTTN thông qua hình thức giao dịch vụ công ích theo quy định pháp luật, trình UBND tỉnh quyết định.
d) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thu và sử dụng giá DVTN của chủ sở hữu HTTN và XLNT đô thị, KCN, làng nghề được đầu tư từ nguồn vốn NSNN, vốn nhà nước ngoài ngân sách.
đ) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc bảo đảm cân đối vốn đầu tư từ NSNN, xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn vốn cho công tác quy hoạch, đầu tư phát triển HTTN đô thị, điểm dân cư nông thôn, làng nghề.
e) Tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý về tài chính đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và các nguồn vốn nhà nước khác cho đầu tư phát triển HTTN.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Hàng năm tổng hợp, cân đối nhu cầu vốn trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bố trí vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng các dự án ĐTXD HTTN từ nguồn vốn NSNN.
b) Chủ trì thẩm định Kế hoạch ĐTXD các công trình thoát nước trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.
c) Chủ trì xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích ĐTXD HTTN đô thị, làng nghề.
d) Là đầu mối đăng ký với các bộ, ngành trung ương kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho đầu tư phát triển HTTN.
đ) Tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án ĐTXD HTTN theo hình thức PPP, vốn ODA, vốn NSNN, vốn nhà nước ngoài ngân sách; thẩm định các dự án ĐTXD HTTN theo hình thức PPP.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý hệ thống các công trình thủy lợi Iiên quan đến thoát nước đô thị, KCN, làng nghề, điểm dân cư nông thôn; vận hành các trạm bơm tiêu nước đệm trước các trận mưa để thoát nước, chống ngập úng; phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và đơn vị thoát nước trong việc bảo đảm yêu cầu về cao độ, vị trí xả thải ra công trình thủy lợi nhằm đảm bảo thoát nước.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan giám sát chất lượng nước thải của các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giấy phép của tổ chức, cá nhân được cấp phép xả nước vào hệ thống công trình thủy lợi và xử lý vi phạm theo quy định.
c) Chủ trì, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp phép, gia hạn và điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trình UBND tỉnh cấp phép.
d) Tổ chức thực hiện nâng cấp, mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, mương thủy lợi, các trạm bơm đảm bảo việc tiêu thoát nước nông nghiệp, đô thị, KCN, khu dân cư nông thôn; chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi bơm nước đảm bảo không ngập úng đô thị, KCN, điểm dân cư nông thôn.
6. Sở Y tế
a) Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước trong các cơ sở y tế theo quy định pháp luật.
b) Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong thanh tra, kiểm tra hoạt động thoát nước của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
7. Sở Giao thông vận tải
Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý nhà nước về đấu nối các công trình thoát nước trong các công trình giao thông vào HTTN.
Bàn giao HTTN trong các công trình đường giao thông cho chủ sở hữu liên quan để quản lý và vận hành.
8. Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh
a) Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước trong KCN theo quy định pháp luật.
b) Tổ chức lập quy hoạch xây dựng các KCN trong đó có HTTN, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; quản lý ĐTXD HTTN trong các KCN.
c) Kiểm tra việc quản lý, vận hành, khai thác HTTN của các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN.
d) Phối hợp với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và Sở Tài chính trong việc lập, thỏa thuận về giá DVTN trong KCN.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, giám sát nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN xây dựng HTTN theo quy hoạch và thực hiện các quy định về quản lý thoát nước.
e) Chịu trách nhiệm lập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của HTTN trong KCN; tập hợp, lưu trữ hồ sơ quản lý thoát nước; báo cáo công tác quản lý hoạt động thoát nước trong KCN theo định kỳ hằng năm, đột xuất về Sở Xây dựng và UBND tỉnh.
9. Công an tỉnh
Phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thoát nước theo quy định.
Điều 19. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về đảm bảo chống ngập úng trên địa bàn.
2. Tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch ĐTXD HTTN bao gồm mạng lưới thu gom và nhà máy XLNT, hồ điều hòa, trạm bơm trên hệ thống... và là chủ sở hữu công trình thoát nước đô thị được đầu tư từ nguồn vốn NSNN, vốn nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn theo phân cấp.
3. Hàng năm tổ chức lập dự toán, thẩm định và bố trí kinh phí để duy trì HTTN; tổ chức quản lý, vận hành, khai thác HTTN do mình làm chủ sở hữu, gồm: Lựa chọn đơn vị thoát nước, ký kết và thực hiện hợp đồng với đơn vị được lựa chọn; tổ chức lập giá DVTN, trình Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
4. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thực hiện các quy định về quản lý hoạt động thoát nước.
5. Phối hợp với cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý chuyên ngành trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động thoát nước trên địa bàn.
6. Tập hợp, lưu trữ hồ sơ quản lý HTTN; báo cáo công tác quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn theo định kỳ và đột xuất về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 20. Trách nhiệm của UBND cấp xã
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về đảm bảo chống ngập úng trên địa bàn.
2. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về thoát nước; báo cáo kịp thời UBND cấp huyện khi phát hiện các hành vi vi phạm về hoạt động thoát nước trên địa bàn để xử lý theo thẩm quyền.
3. Tổ chức giám sát cộng đồng trong quá trình ĐTXD HTTN.
1. Trách nhiệm của đơn vị thoát nước
a) Vận hành HTTN theo hợp đồng đã ký với chủ sở hữu HTTN, đảm bảo không ngập úng trên địa bàn.
b) Quản lý cao độ của HTTN bảo đảm tối đa khả năng tiêu thoát nước, điều hòa nước mưa, chống ngập úng.
c) Phối hợp với cơ quan, đơn vị được giao quản lý các sông, hồ, kênh mương, trạm bơm có liên quan đến việc thoát nước trong việc bảo đảm yêu cầu về thoát nước, chống ngập úng.
2. Trách nhiệm của các Công ty khai thác công trình thủy lợi, Xí nghiệp thủy nông
a) Thường xuyên tổ chức nạo vét kênh mương thủy lợi, đảm bảo tiêu thoát nước nông nghiệp, đô thị, KCN, điểm dân cư nông thôn, ưu tiên cho việc tiêu thoát nước chống ngập úng.
b) Phối hợp với đơn vị thoát nước trong việc bảo đảm yêu cầu về thoát nước, vận hành các trạm bơm nông nghiệp để tiêu nước đệm trước các trận mưa chống ngập úng nông nghiệp, đô thị, KCN và điểm dân cư nông thôn.
1. Các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy định này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 31/2015/QĐ-UBND quy định quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 2 Quyết định 29/2015/QĐ-UBND Quy định phân công, phân cấp về quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4 Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải
- 5 Luật bảo vệ môi trường 2014
- 6 Quyết định 23/2013/QĐ-UBND về Quy chế quản lý thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 1 Quyết định 23/2013/QĐ-UBND về Quy chế quản lý thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 2 Quyết định 29/2015/QĐ-UBND Quy định phân công, phân cấp về quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 3 Quyết định 31/2015/QĐ-UBND quy định quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Sơn La