Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2022/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 24 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 17 tháng 06 năm 2020;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 15 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 03 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an thành phố tại Tờ trình số 257/TTr-CATP-ANCTNB ngày 14/02/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2022 và thay thế Quyết định số 07/2016/QĐ-UB ngày 16/02/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế - Bộ Công an;
- Cục Kiểm tra VB QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Thành ủy, TT HĐND;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- Văn phòng UBND TP;
- Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an;
- Doanh nghiệp trên địa bàn TP;
- Như điều 3 (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Phòng An ninh chính trị nội bộ - CATP;
- Lưu VT, NC, CATP (Phòng ANCTNB).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Trung Chinh

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 02/2022/QĐ-UBND ngày 24/02/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Các nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước không được quy định tại Quy chế này được thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan thuộc Ủy ban nhân thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị, địa phương) và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiếp cận, quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước

Thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và Điều 2 của Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Nghị định 26/2020/NĐ-CP).

1. Căn cứ theo Danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành, người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành tài liệu hoặc tạo ra vật chứa bí mật nhà nước có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.

Việc ủy quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải được thể hiện trong nội quy bảo vệ bí mật nhà nước hoặc quy chế làm việc hoặc văn bản phân công công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

2. Đề xuất xác định bí mật nhà nước

a) Đề xuất xác định bí mật nhà nước phải được thể hiện tại Phiếu trình; tờ trình duyệt ký văn bản hoặc văn bản xác định độ mật của vật, địa điểm, lời nói, hoạt động chứa bí mật nhà nước.

b) Đề xuất xác định bí mật nhà nước phải thể hiện rõ căn cứ đề xuất xác định bí mật nhà nước; độ mật (Mật, Tối mật, Tuyệt mật) được đề xuất; nơi nhận; số lượng bản phát hành; được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (trong trường hợp thời hạn bảo vệ thông tin bí mật nhà nước ít hơn thời hạn bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018).

c) Tài liệu dự thảo mang nội dung bí mật nhà nước gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cũng phải được xác định bí mật nhà nước và đóng dấu độ mật trên bản thảo. Văn bản dự thảo và các văn bản liên quan phát sinh trong quá trình dự thảo phải được lập hồ sơ công việc cùng với bản gốc hoặc bản chính văn bản mật được ban hành. Sau khi giải quyết xong, phải hoàn chỉnh hồ sơ của từng công việc và định kỳ bàn giao lại cho người làm công tác lưu trữ của cơ quan để quản lý thống nhất.

Điều 4. Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và Điều 3 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật.

2. Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật:

a) Người quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Người đứng đầu các sở, ban, ngành (hoặc tương đương trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố);

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện;

d) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân thành phố quản lý.

3. Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Mật:

a) Người được quy định tại khoản 1, 2 Điều này;

b) Người đứng đầu các đơn vị cấp phòng thuộc các sở, ban, ngành địa phương và tương đương; trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện và tương đương.

4. Bộ đội biên phòng thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố thực hiện quy định về thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

5. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, 2 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo khoản 5 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

6. Bản sao tài liệu bí mật nhà nước phải đóng dấu “Bản sao số” ở trang đầu và dấu “Bản sao bí mật nhà nước” ở trang cuối của tài liệu, trong đó phải thể hiện số thứ tự bản sao, hình thức sao y bản chính hoặc sao lục, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền sao, chữ ký, họ tên của người có thẩm quyền và con dấu của cơ quan, đơn vị, địa phương (nếu có).

Trường hợp sao nhiều bản sao tài liệu bí mật nhà nước có thể thực hiện nhân bản từ bản sao đầu tiên đã có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu “Bản sao số”, “Bản sao bí mật nhà nước”, ghi hình thức sao, thời gian, số lượng, nơi nhận bản sao. Sau đó đóng dấu của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương không có con dấu riêng thì người có thẩm quyền ký trực tiếp tại mẫu dấu “Bản sao bí mật nhà nước”.

Điều 5. Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ

Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và Điều 5 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP.

1. Thẩm quyền cho phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước để phục vụ công tác ở nước ngoài do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố hoặc các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được ủy quyền (việc ủy quyền phải theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố và Quyết định phân công công việc của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố) cho phép; nếu đi thành đoàn phải báo cáo với Trưởng đoàn công tác.

2. Trình tự, thủ tục việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ được thực hiện theo Điều 5 Nghị định 26/2020/NĐ-CP.

Điều 6. Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước

1. Người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Quy chế này được quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thực hiện thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Công an thành phố thực hiện thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Quy trình cung cấp, chuyển giao cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, người Việt Nam thực hiện theo khoản 3, 4, 5, 6 Điều 15 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

Điều 7. Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài bí mật nhà nước độ Tuyệt mật.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài độ Tối Mật, Mật.

2. Quy trình cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 16 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

Điều 8. Tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước

Thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và Điều 6 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước không có yếu tố nước ngoài của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Quy chế này.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Công an thành phố quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Trước khi các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền, cụ thể:

a) Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo bằng văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

4. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì tham mưu tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp phải có Tờ trình, báo cáo hoặc kế hoạch trình người có thẩm quyền quyết định tổ chức. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp phải tuân thủ các quy định sau:

a) Tổ chức tại phòng họp kín trong trụ sở làm việc (trường hợp tổ chức ngoài trụ sở phải có văn bản đề nghị Công an thành phố bố trí lực lượng bảo vệ, phải được kiểm tra an ninh, an toàn người tham dự, phòng họp và trang thiết bị sử dụng); thời gian tổ chức từ hai ngày trở lên phải niêm phong phòng họp sau mỗi ngày tổ chức; ban hành nội quy, quy định; nếu cần thiết phải bố trí máy phá sóng trong suốt thời gian tổ chức; sử dụng micro có dây và các phương tiện thiết bị đã được Công an thành phố kiểm tra an ninh, an toàn. Trường hợp tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến phải chịu trách nhiệm bảo vệ đường truyền theo quy định.

b) Kiểm soát chặt chẽ thành phần tham dự hội nghị, hội thảo, cuộc họp; người tham dự không được mang các thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình vào trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật. Trường hợp cần thiết ghi âm, ghi hình để tuyên truyền, lưu trữ tư liệu phải có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức, phải giới hạn thời gian ghi âm, ghi hình. Tư liệu ghi âm, ghi hình cuộc họp, hội thảo có chứa bí mật nhà nước phải được bảo vệ theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Tư liệu ghi âm, ghi hình phục vụ cho công tác tuyên truyền phải được cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì kiểm duyệt, xóa bỏ các nội dung bí mật nhà nước.

Điều 9. Quản lý, bảo vệ hồ sơ công việc có chứa tài liệu bí mật nhà nước

1. Hồ sơ công việc có chứa tài liệu bí mật nhà nước phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Hồ sơ được bảo vệ và đóng dấu chỉ độ mật ngoài bìa hồ sơ theo mức độ mật cao nhất của tài liệu bí mật nhà nước có trong hồ sơ.

2. Phải thống kê riêng tài liệu bí mật nhà nước có trong hồ sơ công việc theo Biểu mẫu số 18 Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 10. Biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước

Biểu mẫu phục vụ cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo Quy chế này được quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 11. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ bí mật nhà nước

Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất đối với từng vụ, việc hoặc đối với từng cá nhân, từng bộ phận công tác, từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

1. Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo thẩm quyền đối với cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc Điều 2 Quy chế này; việc thanh tra, kiểm tra đột xuất giao Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo, thực hiện ngay khi phát hiện cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước xét thấy cần thiết phải tiến hành thanh tra, kiểm tra.

2. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố thực hiện việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước đối với từng đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Sau mỗi lần kiểm tra phải có báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên, đồng gửi cơ quan Công an cùng cấp để theo dõi.

3. Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước phải đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm; chỉ rõ những sơ hở, thiếu sót và kiến nghị các biện pháp khắc phục.

4. Khi có khiếu nại, tố cáo về bảo vệ bí mật nhà nước, Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

Chương III

TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 12. Trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức

1. Công an thành phố chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch và phương án bảo vệ bí mật nhà nước.

b) Sơ kết, tổng kết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

c) Phòng, chống, xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, sửa đổi Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

e) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố thành phố

a) Phối hợp với Công an thành phố trong công tác tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn thành phố.

b) Phân công công chức chuyên trách về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

c) Tiếp nhận, quản lý, phát hành, lưu trữ, thống kê tài liệu, vật mang bí mật nhà nước của Ủy ban nhân dân thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố theo đúng quy định.

d) Phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước đúng quy định.

3. Sở Tài chính

Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương và khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính xem xét, tổng hợp kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành có liên quan.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp Công an thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định các hình thức khen thưởng về bảo vệ bí mật nhà nước; phối hợp tham mưu xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Các cơ quan chuyên môn, các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện

a) Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi đơn vị quản lý.

b) Phân công người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước tại bộ phận Văn phòng hoặc đơn vị hành chính, tổng hợp.

c) Chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo định kỳ và đột xuất kết quả việc thực hiện quy định của pháp luật, nội quy về bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Báo cáo định kỳ kết quả sơ kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước trước ngày 17 tháng 12 hằng năm về Công an thành phố. Nội dung báo cáo theo Quy định tại Điều 8 Nghị định 26/2020/NĐ-CP.

d) Chỉ đạo xử lý và kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

đ) Tổ chức thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi người được phân công quản lý bí mật nhà nước thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, từ trần hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước.

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Nếu vi phạm Quy chế này và các quy định khác của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, hậu quả tác hại gây ra sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, phát sinh, các đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Công an thành phố) để xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp./.