ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2023/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 12 tháng 01 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2019/NĐ-CP NGÀY 19/11/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai”; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ “sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai”;
Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ “sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa”;
Căn cứ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính Phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”;
Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính Phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 462/TTr-TNMT ngày 01/12/2023 “Ban hành quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Văn bản số 145/TNMT-TTr ngày 10/01/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Báo cáo thẩm định số 288/BC-STP ngày 30/10/2021 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/11/2022 của Chính phủ).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2023.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, các đơn vị có liên quan liên quan của Tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2019/NĐ-CP NGÀY 19/11/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau đây viết tắt là Nghị định số 91/2019/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất trước khi vi phạm.
Điều 3. Trách nhiệm thực hiện khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP có trách nhiệm phải thực hiện việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.
2. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm chỉ đạo cơ quan tham mưu trình hồ sơ xử lý vi phạm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan yêu cầu đối tượng vi phạm thực hiện khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quyết định của người có thẩm quyền.
Điều 4. Mức độ khôi phục, biện pháp khôi phục
1. Mức độ khôi phục tại Quy định này gồm 03 mức độ: khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
2. Khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm bao gồm những biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng của loại đất đó trước khi bị tác động bởi hành vi vi phạm của đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.
3. Khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất bao gồm những biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng của loại đất, để phục hồi lại mục đích sử dụng của loại đất đó trước khi bị tác động. Đất khi được khôi phục đạt yêu cầu phải có tính chất tương đồng với các thửa đất xung quanh có cùng mục đích sử dụng và đảm bảo không ảnh hưởng đến việc sử dụng các thửa đất xung quanh.
4. Các biện pháp khôi phục nêu trên bao gồm các tác động cơ học (san ủi, đắp, đầm, đào..), sinh hóa học (bổ sung phân, thuốc, hóa chất phù hợp, tăng cường độ ẩm...) và một số biện pháp khác phù hợp.
Chương II
MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM
Điều 5. Đối với các vi phạm quy định tại Điều 9, 10, 11, 12 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Đối với vị trí, loại đất đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được chấp thuận dự án đầu tư, thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
2. Đối với vị trí, loại đất đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì buộc đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 6. Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/11/2022 của Chính phủ)
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thì buộc đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất để giữ mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Điều 7. Đối với vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Đối với diện tích đất lấn, chiếm mà tại vị trí này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận dự án đầu tư, thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
2. Đối với diện tích đất lấn, chiếm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 8. Đối với vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Trường hợp làm biến dạng địa hình đối với đất trong nhóm đất nông nghiệp thì buộc đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Trường đặc biệt không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì căn cứ vào mức độ biến dạng địa hình, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn có liên quan và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì cơ quan tham mưu xử lý vi phạm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn có liên quan và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
3. Trường hợp làm suy giảm chất lượng đất thì yêu cầu đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Các biện pháp khôi phục chất lượng đất phụ thuộc vào mức độ suy giảm cụ thể, theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn có liên quan.
Điều 9. Đối với vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
Trường hợp gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10: Tổ chức thực hiện.
1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện việc khắc phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.
2. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, người có thẩm quyền xử lý vi phạm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này./.