Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-HĐBT/TĐ

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 02-HĐBT/TĐ NGÀY 13-9-1985 VỀ MỨC TIỀN MẶT ĐƯỢC ĐỔI NGAY KHI PHÁT HÀNH TIỀN NGÂN HÀNG MỚI, THU ĐỔI TIỀN NGÂN HÀNG CŨ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 4-7-1981;
Căn cứ Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước công bố ngày 13-9-1985 về việc phát hành tiền Ngân hàng mới, thu đổi tiền Ngân hàng cũ;
Tiếp theo Quyết định số 01-HĐBT/TĐ ngày 13-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng;

QUYẾT ĐỊNH

1. Thu đổi ngay 4 loại tiền lớn: 100 đồng, 50 đồng, 30 đồng, 20 đồng. Các loại tiền từ 10 đồng trở xuống tạm thời lưu hành song song với tiền mới theo tỷ lệ 10 đồng bằng 1.

2. Mức tiền mặt đổi ngay cho từng hộ:

- Mỗi hộ gia đình được đổi ngay tối đa 2.000 đồng tiền mới.

- Mỗi hộ độc thân, mỗi người trong hộ tập thể (đơn vị bộ đội, công an, công nhân, viên chức, học sinh...) được đổi ngay tối đa 1.500 đồng tiền mới.

- Mỗi hộ kinh doanh công thương nghiệp có môn bài bậc cao (1 và 2) được đổi ngay tối đa 5.000 đồng tiền mới.

Đối với số tiền vượt mức đổi ngay thì nộp cho bàn đổi tiền, lấy giấy biên nhận. Ban chỉ đạo thu đổi tiền cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã sẽ xem xét giải quyết sau.

3. Khách vãng lai được đổi ngay tối đa 1.500 đồng tiền mới; số tiền còn lại nộp cho bàn đổi tiền nơi kê khai, lấy giấy biên nhận đưa về Ngân hàng nơi mình cư trú giải quyết.

4. Ngoại kiều cư trú tại Việt Nam hưởng quy chế như đối với người Việt Nam. Ngoại kiều không cư trú tại Việt Nam hoặc Việt kiều về nước được đổi ngay tất cả số tiền mặt căn cứ theo chứng từ lĩnh tiền tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

5. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, đơn vị bộ đội, công an và các tổ chức khác nhận kinh phí cấp phát của ngân sách Nhà nước được đổi ngay số tiền mặt tối đã bằng mức tồn quỹ đã thoả thuận với Ngân hàng. Số tiền mặt vượt mức tồn quỹ thì thu hồi nhập vào tài khoản của Ngân sách đã cấp phát số tiền đó.

6. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các tổ chức khác được đổi ngay số tiền mặt tối đa bằng mức tiền quỹ đã thoả thuận với Ngân hàng. Số tiền mặt vượt mức tồn quỹ thì nhập vào tài khoản của mình tại Ngân hàng nơi đơn vị giao dịch và phải chịu phạt theo quy định về quản lý tiền mặt.

7. Tồn quỹ tiền mặt của các đoàn Ngoại giao, các tổ chức Quốc tế hưởng quy chế ngoại giao được đổi căn cứ vào chứng từ lĩnh tiền tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

8. Việc xử lý số tiền mặt trên mức đổi ngay quy định như sau:

a) Cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, công an, nhân dân lao động có số tiền mặt trên mức đổi ngay thì tiếp tục đổi tại Ngân hàng nơi mình cư trú trong thời hạn một tháng kể từ ngày thu đổi tiền. Nhà nước hoan nghênh và khuyến khích người có tiền chưa dùng đến gửi vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa.

b) Số tiền mặt trên mức đổi ngay của các hộ kinh doanh công thương nghiệp thì chuyển vào tài khoản tiền gửi ngân hàng để sử dụng vào việc kinh doanh, theo chế độ đăng ký vốn kinh doanh và quản lý tiền mặt của Ngân hàng.

c) Số tiền mặt do đầu cơ, buôn lậu, nhận tiền phân tán và do các nguồn thu nhập bất chính khác đều bị tịch thu nhập vào tài khoản của ngân sách tỉnh, thành phố, đặc khu.

9. Ban chỉ đạo thu đổi tiền quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm xét và giải quyết số tiền mặt trên mức đổi ngay theo đúng các quy định trên đây. Gặp những trường hợp phức tạp thì phải thỉnh thị, chờ quyết định của Ban thu đổi tiền tỉnh (thành phố, đặc khu) hoặc Trung ương.

 

Phạm Văn Đồng

(Đã ký)