Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH NÂNG CẤP, XÂY DỰNG, TRIỂN KHAI VÀ KHAI THÁC CÁC PHẦN MỀM ỨNG DỤNG TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định nâng cấp, xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

NÂNG CẤP, XÂY DỰNG, TRIỂN KHAI VÀ KHAI THÁC CÁC PHẦN MỀM ỨNG DỤNG TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 19/01/2013 của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về việc nâng cấp, xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xả và thành phố Huế; các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh.

2. Các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước thuộc tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Khung giải pháp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là phần mềm nhằm triển khai chung các dịch vụ hành chính công ở mức độ 3 trên Internet cho tất cả các dịch vụ hành chính công của tỉnh.

2. Hệ thống xác thực tập trung các phần mềm ứng dụng là hệ thống xác thực tài khoản để đăng nhập các phần mềm ứng dụng nhằm đảm bảo một cán bộ, công chức chỉ có duy nhất một tài khoản để sử dụng tất cả các phần mềm ứng dụng có liên quan đến cán bộ, công chức đó.

3. Hệ thống thông tin địa lý GISHUE là hệ thống thông tin địa lý được tổng hợp từ nhiều chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế và các công cụ cho phép người dùng lưu trữ, hỏi đáp, phân tích thông tin và hiển thị kết quả trên máy tính hoặc in ra dưới dạng bản đồ.

Điều 4. Quản lý nhà nước đối với việc xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng

1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định về xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương khi đầu tư phần mềm ứng dụng có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng, triển khai, khai thác, lưu trữ, sao lưu, công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật hệ thống.

3. Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng trong các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thi hành theo các nội dung của Quy định này.

Chương II

XÂY DỰNG, NÂNG CẤP CÁC PHẦN MỀM ỨNG DỤNG

Điều 5. Giải pháp xây dựng và nâng cấp các phần mềm ứng dụng

1. Thực hiện và áp dụng theo các tiêu chuẩn về xây dựng và nâng cấp các phần mềm ứng dụng của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Quy định về Khung giải pháp xây dựng các phần mềm ứng dụng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Các phần mềm ứng dụng xây dựng phải hướng tới việc kế thừa các giải pháp công nghệ của các dự án đã được xây dựng và đưa vào vận hành trước đây.

3. Phần mềm ứng dụng được xây dựng phải đảm bảo tính dễ sử dụng, khả năng mở rộng nhanh chóng, độ tin cậy cao, đảm bảo hiệu năng sử dụng cao, đảm bảo cân bằng tải (load balancing).

4. Phần mềm ứng dụng xây dựng phải đảm bảo tính bảo mật, có cơ chế mã hóa một số dữ liệu quan trọng (như dữ liệu tài khoản người dùng,…), tránh các lỗi về bảo mật thường gặp khi xây dựng ứng dụng Web như SQL Injection, XSS, Session fixation…

5. Khuyến khích áp dụng các nhóm giải pháp xây dựng phần mềm trên nền tảng mã nguồn mở để triển khai ứng dụng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 6. Xác định mối quan hệ tích hợp giữa các phần mềm

1. Tất cả các phần mềm đều phải được xác thực qua Hệ thống xác thực tập trung các phần mềm ứng dụng được cài đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông, trừ các phần mềm mang tính chất nội bộ đơn vị, nội bộ ngành.

2. Các phần mềm khi xây dựng mới có liên quan đến dịch vụ hành chính công thì phải kế thừa, tích hợp và đồng bộ được với Khung giải pháp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và Phần mềm một cửa điện tử.

3. Trước khi triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng, ngoài việc lấy ý kiến về thiết kế sơ bộ, cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xác định các mối liên hệ với các phần mềm khác như: Hệ thống xác thực tập trung các phần mềm ứng dụng, Khung giải pháp dịch vụ công mức độ 3, Phần mềm một cửa điện tử, Hệ thống chứng thực các văn bản pháp lý, Quản lý văn bản và điều hành…

Điều 7. Điều kiện để đầu tư xây dựng phần mềm ứng dụng

1. Các phần mềm ứng dụng được chọn xây dựng và triền khai phải đảm bảo tuân thủ Quyết định 988/QĐ-UBND ngày 14/5/2011 của UBND tỉnh quy định về khung giải pháp xây dựng các phần mềm ứng dụng trong các cơ quan nhà nước và phải có quy trình giải quyết công việc hoặc sẽ xây dựng song song với dự án phần mềm, gắn liền mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và dịch vụ công trực tuyến mức 3 trở lên.

2. Phải có ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông để thống nhất các chuẩn dữ liệu, thuộc tính dữ liệu và các thông số kỹ thuật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chia sẻ, và trích xuất thông tin giữa các ứng dụng.

3. Trong quá trình xây dựng phần mềm ứng dụng phải phối hợp với các đơn vị liên quan, bám sát các quy trình nghiệp vụ ở đơn vị áp dụng phần mềm đảm bảo phần mềm ứng dụng được xây dựng sát với thực tế ứng dụng, tránh đầu tư chồng chéo kém hiệu quả.

Điều 8. Kiểm thử phần mềm ứng dụng

Trước khi triển khai chủ đầu tư phải thực hiện việc kiểm thử phần mềm tại Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 9. Nâng cấp, cập nhật các phần mềm ứng dụng

1. Các phần mềm ứng dụng đã được triển khai trước khi Quy định có hiệu lực nếu có kế hoạch nâng cấp phiên bản mới thì phải tuân thủ các điều khoản của Quy định này.

2. Trong quá trình khai thác, sử dụng các phần mềm ứng dụng có phát sinh lỗi kỹ thuật, chức năng chưa phù hợp, chức năng cần bổ sung, dữ liệu chưa hợp lý thì đơn vị chủ trì cần có biện pháp xây dựng và cập nhật các bản vá lỗi, các chức năng bổ sung liên quan để cập nhật một cách hợp lý, thuận lợi.

3. Khi có nâng cấp, cập nhật mới cho phần mềm, đơn vị thi công phần mềm phối hợp với Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Chương III

TRIỂN KHAI PHẦN MỀM ỨNG DỤNG

Điều 10. Triển khai cài đặt phần mềm, lưu trữ dữ liệu của phần mềm ứng dụng

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Thống nhất về công tác quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên toàn tỉnh; việc cài đặt và vận hành các hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống xác thực tập trung, hệ thống an ninh - an toàn thông tin và các hệ thống thông tin có tính chất chuyên ngành được triển khai trên toàn tỉnh.

b) Chịu trách nhiệm quản trị, vận hành và bảo đảm hệ thống hoạt động thông suốt, liên tục, an toàn. Phòng chống Virus, Spam, liên tục cập nhật các bản vá lỗi mới vào hệ thống và bảo quản, sao lưu dữ liệu của đơn vị sử dụng dịch vụ trên hệ thống.

c) Tạo điều kiện để đơn vị thi công cài đặt, nâng cấp, bảo trì phần mềm, lưu trữ dữ liệu tại Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử.

2. Đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công phần mềm: cài đặt và lưu trữ phần mềm ứng dụng trung tại Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử.

3. Các tổ chức đơn vị có nhu cầu cài đặt và sử dụng tài nguyên tại Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử phải có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử trước ít nhất 7 ngày làm việc để chuẩn bị, đồng thời cử cán bộ phụ trách công nghệ thông tin phối hợp với Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử để tiến hành các thủ tục cài đặt.

4. Các yêu cầu khởi tạo tên miền cho phần mềm ứng dụng phải đặt theo quy định sử dụng tên miền trong cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức theo tiêu chí ngắn gọn, có ý nghĩa, phù hợp với phần mềm ứng dụng.

5. Phần mềm ứng dụng sử dụng các tài nguyên dùng chung tại Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử phải tuân theo nội quy, quy định về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin của Sở Thông tin và Truyền thông. Trong quá trình sử dụng nếu khối lượng dữ liệu tăng cao, đơn vị sử dụng phải có văn bản báo cáo với UBND Tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cho phép nâng cấp dung lượng lưu trữ.

Điều 11. Bảo mật trong quá trình triển khai

1. Các phần mềm ứng dụng cài đặt trên hệ thống không được chứa các mã độc, virus.

2. Đơn vị sử dụng tài nguyên lưu trữ phải tuân thủ các quy định kỹ thuật của hệ thống, không dùng tài nguyên vào các mục đích có thể gây hại cho hệ thống.

3. Các máy chủ của các đơn vị, tổ chức đặt tại Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử và các phần mềm ứng dụng cài đặt phải tuân theo các quy định về an toàn, bảo mật của hệ thống.

4. Mọi cá nhân, công chức, viên chức trong quá trình cài đặt phần mềm hoặc sử dụng hệ thống lưu trữ phải tuân thủ các biện pháp phòng chống virus, các thiết bị lưu trữ cầm tay phải được quét và diệt virus trước khi sử dụng.

Điều 12. Phạm vi triển khai phần mềm ứng dụng

1. Đơn vị chủ trì triển khai phải xác định phạm vi, quy mô của phần mềm ứng dụng trước khi xây dựng và triển khai đảm bảo thống nhất dùng chung toàn tỉnh, toàn ngành, toàn địa phương mình.

2. Các phần mềm có phạm vi, quy mô rộng, nhiều cấp sử dụng phải được phân cấp bảo mật theo tài khoản người dùng và phân quyền khai thác theo chức năng quản lý của đơn vị, cá nhân tham gia hệ thống.

Chương IV

KHAI THÁC, SỬ DỤNG PHẦN MỀM ỨNG DỤNG

Điều 13. Tổ chức khai thác về nội dung các phần mềm ứng dụng

1. Các đơn vị sử dụng các phần mềm ứng dụng đúng mục đích, quyền hạn; sử dụng các phần mềm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình đã được cấp phép sử dụng.

2. Các đơn vị được tiếp nhận khai thác phần mềm phải có nghĩa vụ đảm bảo sử dụng phần mềm đúng mục đích phục vụ cho công tác chuyên môn; quản lý tốt các phần mềm ứng dụng và các phần mềm có bản quyền khác, khi có ý định chuyển giao, chia sẻ cho các đơn vị khác sử dụng thì phải được sự đồng ý của Sở Thông tin và Truyền thông.

3. Các đơn vị có sử dụng các phần mềm ứng dụng chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin, số liệu của đơn vị đó như: danh sách tài khoản người dùng, danh sách các phòng ban và đơn vị trực thuộc, phân quyền tài khoản sử dụng chức năng trong từng phần mềm ứng dụng, tự bảo quản dữ liệu của đơn vị mình (bản chính), phối hợp với Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử sao lưu dữ liệu thường xuyên và phục hồi khi có sự cố.

4. Việc quản lý và đưa thông tin lên các phần mềm ứng dụng, Website phải tuân theo quy định của pháp luật, nội dung phải phù hợp với văn hóa, bản sắc của người Việt Nam.

5. Các đơn vị quản lý phần mềm phải tự chịu trách nhiệm về mặt nội dung dữ liệu, đảm bảo việc sử dụng nội dung dữ liệu vào các mục đích hợp pháp. Nghiêm cấm các trường hợp:

a) Đơn vị, cá nhân sử dụng hệ thống các phần mềm, Website để đưa các thông tin xấu, có mục đích chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

b) Đơn vị, cá nhân gửi, tạo liên kết bất kỳ loại dữ liệu nào mang tính bất hợp pháp hay các hình thức bị ngăn cấm khác dưới bất kỳ cách thức nào.

c) Đơn vị, cá nhân sử dụng các chương trình có khả năng làm tắc nghẽn hoặc đình trệ hệ thống, như gây cạn kiệt tài nguyên hệ thống, làm quá tải bộ vi xử lý và bộ nhớ.

d) Đơn vị, cá nhân sử dụng các phương tiện, công cụ sao chép, khôi phục dữ liệu từ hệ thống khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 14. Quy định về an toàn, bảo mật trong quá trình khai thác

1. Trong quá trình khai thác, sử dụng các phần mềm ứng dụng nếu có phát hiện liên quan đến bảo mật, an toàn của phần mềm thì cá nhân, tổ chức cần thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử và các đơn vị sử dụng liên quan để khắc phục kịp thời.

2. Nghiêm cấm các đơn vị, cá nhân tham gia sử dụng phần mềm:

a) Sử dụng tài khoản của người khác để đăng nhập khai thác.

b) Tạo lập các công cụ để giả lập hoặc đánh cắp tài khoản của người dùng trên hệ thống.

3. Về ứng cứu xử lý sự cố:

a) Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử kịp thời báo cáo phương án ứng cứu xử lý sự cố cho Sở Thông tin và Truyền thông

b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị sau đây để kịp thời đưa ra phương án khắc phục và xử lý sự cố:

- Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính VNCert;

- Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh;

- Trung tâm Công nghệ thông tin Văn phòng Tỉnh ủy;

- Trung tâm Tin học hành chính - Văn phòng UBND tỉnh;

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy định này, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng thu thập, quản lý, tích hợp, khai thác và sử dụng tốt cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh tùy theo thành tích cụ thể sẽ được khen thưởng theo quy định Nhà nước.

2. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện Quy định này.

2. Đối với các phần mềm đã được triển khai chính thức thì đơn vị chủ trì có văn bản lấy ý kiến Sở Thông tin và Truyền thông để có giải pháp nâng cấp, điều chỉnh phù hợp với quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, xem xét, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung./.