Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2015/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 09 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP THUỘC ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03/6/2008;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009; Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 245/2009/TT-BTC ;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định về việc phê chuẩn quy định phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc địa phương quản lý;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 2142/TTr-STC ngày 19/12/2014 về việc ban hành Quyết định quy định phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc địa phương quản lý,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc địa phương quản lý”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3126/2007/QĐ-UBND ngày 17/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý Nhà nước đối với tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Đoàn Hồng Phong

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP THUỘC ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ
(Kèm theo Quyết định số: 03/2015/QĐ-UBND ngày 09/01/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định về việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị).

2. Tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là những tài sản nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi của đơn vị hoặc tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật, gồm:

a. Đất đai (theo Luật Đất đai).

b. Nhà, các tài sản khác gắn liền với đất.

c. Phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước.

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

- Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 3. Nội dung phân cấp quản lý tài sản nhà nước

1. Quyết định thuê tài sản nhà nước.

2. Quyết định mua sắm tài sản nhà nước.

3. Quyết định thu hồi tài sản nhà nước.

4. Quyết định điều chuyển tài sản nhà nước.

5. Quyết định bán tài sản nhà nước.

6. Quyết định thanh lý tài sản nhà nước.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Thẩm quyền quyết định thuê trụ sở làm việc đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thuê trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 52/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 52/2009/NĐ-CP) như sau:

- Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được thuê trụ sở làm việc và Giám đốc Sở Tài chính.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được thuê trụ sở làm việc.

2. Thẩm quyền quyết định thuê tài sản khác không phải là trụ sở làm việc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 52/2009/NĐ-CP như sau:

Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định và nguồn kinh phí được giao, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định thuê các tài sản là phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác không phải là trụ sở làm việc để phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản nhà nước

1. Đối với tài sản là nhà, công trình kiến trúc và tài sản khác gắn liền với đất, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Đối với tài sản là phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác:

a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm tài sản nhà nước trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, gồm:

- Ô tô các loại;

- Tài sản khác có giá trị mua sắm từ 300 triệu đồng trở lên đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh và giá trị mua sắm từ 500 triệu đồng trở lên đối với các huyện, thành phố.

b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định mua sắm tài sản nhà nước (trừ ô tô các loại) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

c. Thủ trưởng các sở, ban, ngành quyết định mua sắm tài sản nhà nước (trừ ô tô các loại) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.

d. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập quyết định mua sắm tài sản nhà nước (trừ ô tô các loại) có giá trị dưới 200 triệu đồng.

Điều 6. Thẩm quyền quyết định xử lý thu hồi tài sản nhà nước

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi tài sản nhà nước:

a. Tài sản là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, các tài sản khác gắn liền với đất bị bỏ trống hoặc không sử dụng quá 12 tháng, ô tô các loại và các tài sản khác có nguyên giá trên sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản từ 500 triệu đồng trở lên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị do địa phương quản lý (Riêng đất đai được quản lý theo Luật Đất đai) trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và các cơ quan liên quan.

b. Các tài sản khác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng không đúng mục đích, sai chế độ nhà nước quy định, không có nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ và các nguyên nhân khác theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và các cơ quan liên quan.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định thu hồi tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý là xe mô tô và các tài sản khác có nguyên giá trên sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản từ 300 đến dưới 500 triệu đồng theo đề nghị xử lý tài sản nhà nước của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (trừ các tài sản đã quy định tại Khoản 1 của Điều này).

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định thu hồi tài sản nhà nước (trừ các tài sản đã quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nội bộ ngành mình, cấp mình quản lý.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản nhà nước

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển tài sản nhà nước là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, các tài sản khác gắn liền với đất, ô tô các loại và các tài sản khác có nguyên giá trên sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản từ 500 triệu đồng trở lên trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và các cơ quan liên quan.

2. Giám đốc Sở Tài chính căn cứ đề nghị xử lý tài sản nhà nước của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và chế độ quản lý tài sản nhà nước hiện hành để quyết định điều chuyển tài sản nhà nước có nguyên giá trên sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản dưới 500 triệu đồng (trừ các tài sản đã quy định tại khoản 1 của Điều này) giữa các sở, ban, ngành thuộc cấp tỉnh và cấp huyện với nhau.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định điều chuyển tài sản nhà nước (trừ các tài sản đã quy định tại khoản 1 Điều này) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nội bộ ngành mình, cấp mình quản lý.

Điều 8. Thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán tài sản nhà nước là nhà, các tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô các loại và các tài sản khác có nguyên giá trên sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản từ 500 triệu đồng trở lên theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và các cơ quan liên quan.

2. Giám đốc Sở Tài chính căn cứ đề nghị bán tài sản nhà nước của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và chế độ quản lý tài sản nhà nước hiện hành để quyết định bán tài sản nhà nước (trừ các tài sản đã quy định tại khoản 1 của Điều này) là xe mô tô và các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản từ 300 đến dưới 500 triệu đồng.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định bán tài sản nhà nước (trừ các tài sản đã quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này) có nguyên giá theo sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản dưới 300 triệu đồng thuộc phạm vi của ngành mình, cấp mình quản lý.

4. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quyết định bán tài sản nhà nước không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 9. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thanh lý tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị do địa phương quản lý trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và các cơ quan liên quan bao gồm:

- Nhà, các tài sản khác gắn liền với đất.

- Xe ô tô các loại.

- Các tài sản khác có nguyên giá trên sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.

2. Giám đốc Sở Tài chính căn cứ đề nghị xử lý tài sản nhà nước của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và chế độ quản lý tài sản nhà nước hiện hành để quyết định thanh lý tài sản nhà nước (trừ các tài sản đã quy định tại khoản 1 của Điều này) là xe mô tô và các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản từ 300 đến dưới 500 triệu đồng.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định thanh lý tài sản nhà nước (trừ các tài sản đã quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này) có nguyên giá theo sổ sách kế toán trên 1 đơn vị tài sản dưới 300 triệu đồng thuộc phạm vi của ngành mình, cấp mình quản lý.

4. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quyết định thanh lý tài sản nhà nước không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài chính

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý đối với tài sản nhà nước theo phân cấp quy định tại Nghị định 52/2009/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Hướng dẫn các sở, ban, ngành khối tỉnh; UBND các cấp thực hiện việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước thuộc địa phương quản lý theo quy định này.

- Đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý tài sản nhà nước (thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tài sản).

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị; kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

- Tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản nhà nước hàng năm theo quy định về UBND tỉnh và Bộ Tài chính.

Điều 11. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp

- Trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo phân cấp tại quy định này các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Quy định chế độ quản lý, sử dụng, xử lý tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc và chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh về quyết định của mình.

- Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị về trình tự, thủ tục mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý tài sản nhà nước.

- Đề xuất phương án xử lý tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

- Tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản nhà nước về Sở Tài chính trước ngày 31/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính.

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

- Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Hồ sơ, trình tự, thủ tục mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý tài sản tuân thủ theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng, phổ biến quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị mình.

- Kê khai, đăng ký tài sản nhà nước đúng quy định hiện hành; quản lý, sử dụng tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

- Đề xuất phương án xử lý tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh về UBND tỉnh (Sở Tài chính) để xem xét, giải quyết./.