Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT, TỈNH LÂM ĐỒNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được Đại hội lần thứ II của Hội, nhiệm kỳ (2015-2020) thông qua ngày 27/11/2015.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Lưu: VT, TKCT.

CHỦ TCH




Đoàn Văn Việt

 

ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)

HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT, TỈNH LÂM ĐỒNG
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi

- Tên tiếng Việt “Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt”.

- Tên giao dịch tiếng Anh: “Dalat Association for Oversea Vietnammese Relations” (viết tắt là DALAVIER).

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

- Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt là tổ chức xã hội của các cá nhân có người thân ở nước ngoài tự nguyện thành lập, hoạt động.

- Mục đích hoạt động của hội là làm cầu nối giữa nhân dân thành phố Đà Lạt với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào nắm được thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện để kiều bào đoàn kết gắn bó với quê hương, gia đình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Phối hợp tham gia bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, của kiều bào góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng và phát triển thành phố theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Điều 3. Lĩnh vực, phạm vi hoạt động

1. Hội hoạt động với các hình thức phù hợp trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố Đà Lạt.

2. Hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Lạt. Hội được thành lập theo quyết định cho phép của UBND tỉnh Lâm Đồng và hoạt động theo Điều lệ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.

2. Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, đồng thuận, tự quản, tự trang trải kinh phí; tuân theo hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Điều 5. Tư cách pháp nhân của hội

1. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và mở tài khoản riêng tại ngân hàng.

2. Nơi làm việc của hội: Văn phòng của hội đặt tại khu cơ quan khi đoàn thể thành phố, số 29 đường 3 tháng 4, phường 3, thành phố Đà Lạt.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 6. Nhiệm vụ của hội

1. Thiết lập và thúc đẩy mối quan hệ liên lạc, giao lưu, kết nối, gắn bó giữa nhân dân thành phố Đà Lạt và người Việt Nam ở nước ngoài.

2. Tổ chức các buổi họp mặt, sinh hoạt, cung cấp, trao đổi thông tin về các chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin giữa đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài.

3. Làm cầu nối giữa kiều bào với các tổ chức liên quan ở địa phương khi kiều bào có nhu cầu về thăm quê hương, sinh sống, định cư, tiến hành các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện hoặc kinh doanh, sản xuất, dịch vụ và các hoạt động khác trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

4. Chủ động phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân, hoạt động nhân đạo từ thiện theo yêu cầu của địa phương bằng nguồn kinh phí do các nhà hảo tâm, kiều bào, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ.

5. Xây dựng, củng cố phát triển tổ chức hội theo quy định của Điều lệ; vận động hội viên và kiều bào tham gia các chủ trương, chính sách của địa phương. Phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của hội viên và kiều bào ở nước ngoài.

6. Thực hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ là tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Lạt.

Điều 7. Quyền hạn của hội

1. Đại diện cho hội viên và tổ chức hội trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hội.

2. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hội, hội viên.

3. Được hưởng các quyền và lợi ích đã được thừa nhận, quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước về tổ chức hoạt động và quản lý hội.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 8. Hội viên

Công dân sống trên địa bàn thành phố Đà Lạt có người thân ở nước ngoài, đại diện các tổ chức trong thành phố Đà Lạt và người Việt Nam ở nước ngoài tán thành điều lệ hội, có đơn tự nguyện tham gia vào hội đều có thđược xem xét để trở thành hội viên.

Hội có 02 loại hội viên:

1. Hội viên chính thức: là đại diện tổ chức, công dân Việt Nam sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Đà Lạt, quan tâm đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và có điều kiện tham gia hoạt động hội.

2. Hội viên danh dự: các tổ chức, cá nhân khác quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào đang ở nước ngoài tham gia, đóng góp cho hoạt động của hội được xem xét làm hội viên danh dự của hội.

Điều 9. Quyền của hội viên

1. Được tạo điều kiện để phát huy năng lực đóng góp xây dựng đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân kiều bào.

2. ng cử, bầu cử vào ban lãnh đạo của hội.

3. Phát biểu ý kiến, kiến nghị thông qua tổ chức hội đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận để được xem xét giải quyết.

4. Được hội giúp đỡ, tạo điều kiện khi gặp khó khăn trong đời sống, sản xuất kinh doanh trong phạm vi khả năng, quyền hạn của tổ chức hội và không trái với pháp luật đã quy định.

5. Được cấp thẻ hội viên.

6. Được tự nguyện xin ra khỏi tổ chức hội.

7. Hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của hội và quyền ứng cử, bầu cử Ban lãnh đạo, Ban kiểm tra.

Điều 10. Nghĩa vụ của hội viên

1. Tôn trọng và chấp hành Điều lệ, các Quyết định và Nghị quyết của hội.

2. Tham gia tích cực công tác hội, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của hội viên nơi làm việc và nơi cư trú.

3. Đóng hội phí theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

Điều 11. Hội được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, đồng thuận, tập thể bàn bạc thảo luận, phân công cá nhân phụ trách trên cơ sở hiệp thương dân chủ.

Tổ chức hội được thành lập ở thành phố và các chi hội ở phường, xã theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Chi hội phường, xã là đơn vị cơ sở của tổ chức hội thành phố Đà Lạt.

Điều 12. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu là cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần với các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua và thảo luận, thống nhất nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động của hội trong nhiệm kỳ tiếp theo.

2. Quyết định số lượng và hiệp thương cử Ban chấp hành hội, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra của hội.

3. Thông qua Điều lệ, quyết định sửa đổi Điều lệ của hội.

4. Quyết định những vấn đề kinh tế, tài chính và những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của hội.

Điều 13. Ban chấp hành

Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo hội giữa hai kỳ Đại hội. Số lượng Ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quy định. Ban chấp hành hội có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Thực hiện Nghị quyết Đại hội và lãnh đạo toàn bộ hoạt động của hội giữa hai kỳ Đại hội; Quyết định thời gian triệu tập Đại hội khi kết thúc nhiệm kỳ.

2. Bầu Ban Thường vụ hội đđiều hành công việc thường xuyên của hội. Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ do Ban chấp hành quyết định nhưng không được quá 1/3 số lượng Ủy viên Ban chấp hành.

3. Bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch trong số các y viên Thường vụ.

4. Bầu Ban kiểm tra gồm Trưởng ban và một số y viên.

5. Quyết định thành lập các tổ chức theo đề án, dự án đã được chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

6. Quy định mức hội phí.

7. Quy định về các hình thức khen thưởng và kỷ luật trong hoạt động của hội và quyết định việc khen thưởng, kỷ luật.

8. Quyết định việc hội viên gia nhập hội, chương trình kế hoạch hoạt động, dự toán và quyết toán kinh phí của hội.

9. Miễn nhiệm hoặc bổ sung, thay thế ủy viên Ban chấp hành khi xét thấy cần thiết.

10. Ban chấp hành hội họp thường kỳ 6 tháng một lần. Khi có yêu cầu cấp thiết hoặc nếu có quá nửa tổng số Ủy viên Ban chấp hành đề nghị thì Ban chấp hành hội có thể tổ chức phiên họp bất thường.

Điều 14. Ban Thường vụ

1. Ban Thường vụ hội gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các y viên Thường vụ. Ban Thường vụ thay mặt Ban chấp hành hội điều hành công việc của hội giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành.

2. Chủ tịch hội có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ công việc của hội và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của hội.

3. Các Phó Chủ tịch hội giúp việc cho Chủ tịch hội, chịu trách nhiệm từng phần công việc khi được Chủ tịch hội phân công, thay mặt Chủ tịch hội giải quyết công việc khi được ủy quyền.

4. Ban Thường vụ hội có các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, chương trình hoạt động, các quyết định của Ban chấp hành hội, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận các đoàn thể, tổ chức xã hội khác có liên quan đến hội;

b) Thành lập và điều hành bộ máy giúp việc, xây dựng nội dung kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của hội;

c) Hướng dẫn hoạt động của các tổ chức chi hội trực thuộc và hội viên;

d) Ban Thường vụ hội sinh hoạt thường kỳ mỗi quý một lần.

Điều 15. Ban kiểm tra

- Ban kiểm tra do Ban chấp hành hội bầu ra gồm Trưởng ban và một số Ủy viên.

- Số lượng Ban kiểm tra do Ban chấp hành quy định.

- Ban kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các nội dung, chương trình hoạt động, tài chính của hội theo quy định của Điều lệ hội và pháp luật Nhà nước.

Điều 16. Văn phòng hội và các Ban chuyên môn

Văn phòng hội và các Ban chuyên môn giúp việc do Ban Thường vụ hội thành lập và có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, chương trình công tác được Ban Thường vụ giao.

Chương V

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 17. Các nguồn tài chính và tài sản

1. Hội hoạt động trên cơ sở tự chủ tài chính, tự trang trải kinh phí hoạt động. Tài chính của hội gồm các nguồn thu:

a) Hội phí của hội viên;

b) Tự nguyện đóng góp ủng hộ, tài trợ của hội viên, của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ở nước ngoài;

c) Tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế và các hoạt động tài trợ khác trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam;

d) Các hoạt động có thu hợp pháp khác do hội tự tổ chức hoặc tham gia;

đ) Kinh phí được giao khi thực hiện nhiệm vụ của chính quyền tại địa phương;

e) Tài chính của hội được sử dụng cho hoạt động của hội. Chế độ thu, chi tài chính được thực hiện theo quy chế của Ban chấp hành hội và tuân thủ theo chế độ tài chính hiện hành của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Tài sản của hội gồm: các tài sản do Nhà nước giao (nếu có), do các cá nhân và tổ chức trong nước và nước ngoài hiến tặng. Việc nhận, quản lý và sử dụng tài sản của hội theo quy định của pháp luật.

3. Khi giải thể, toàn bộ tài sản của hội được xử lý theo pháp luật Nhà nước quy định.

Chương VI

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 18. Khen thưởng

1. Hội viên, kiều bào và các tổ chức hội có thành tích xuất sắc trong công tác hội, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc được Ban chấp hành hội khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Nhà nước các cấp khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Hình thức khen thưởng do Ban chấp hành hội quy định theo Luật thi đua khen thưởng của Nhà nước.

Điều 19. Kỷ luật

Các tổ chức trực thuộc hội, hội viên vi phạm Điều lệ hội hoặc hoạt động trái với các Nghị quyết của hội, gây tổn hại đến uy tín và lợi ích của hội thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, đưa ra khỏi hội.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Sửa đổi Điều lệ hội

Chỉ có Đại hội của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt mới có quyền bổ sung và sửa đổi Điều lệ của hội.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt gồm 7 Chương, 21 Điều đã được Đại hội đại biểu hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt lần thứ II (nhiệm kỳ 2015 - 2020) thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

2. Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ hội, Ban chấp hành Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Đà Lạt có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.