Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 0391/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CƠ ĐIỆN TỬ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
Căn cứ Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở tích hợp kỹ thuật cơ khí với điện tử và công nghệ thông tin làm nền tảng.

b) Phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử một cách có hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài. Tập trung phát triển một số nhóm sản phẩm và sản phẩm trọng điểm nhằm khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, tài nguyên, nguồn nhân lực trong nước.

c) Phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử có tính đến yếu tố lưỡng dụng, đáp ứng một phần yêu cầu của quốc phòng (không thuộc dạng bí mật và trùng lặp với các dự án về công nghiệp quốc phòng).

d) Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển ngành cơ điện tử với các quy mô, loại hình khác nhau, từ đào tạo, nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp, dịch vụ; đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.

đ) Phát triển ngành cơ điện tử phải đảm bảo phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung:

- Xây dựng công nghiệp Cơ điện tử Việt Nam nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước.

- Ưu tiên phát triển sản xuất một số nhóm sản phẩm thiết thực, có tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Khai thác tốt các lợi thế so sánh, nâng dần giá trị gia tăng nội sinh cho sản phẩm.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Giá trị sản xuất (giá thực tế): năm 2015 đạt giá trị sản xuất đạt khoảng 3100 tỷ, năm 2025 đạt khoảng 8200 tỷ đồng.

- Giá trị xuất khẩu: năm 2015 đạt giá trị xuất khẩu 18-20 triệu USD, năm 2025 đạt 60 – 65 triệu USD.

3. Định hướng phát triển

- Từng bước xây dựng những sản phẩm chủ lực. Tạo ra các sản phẩm “thông minh”, có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có khả năng làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo hoặc tích hợp.

- Đầu tư mới, kết hợp đầu tư chiều sâu để giai đoạn 2015 sản xuất được những thiết bị Cơ điện tử trình độ khu vực.

- Phát triển các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ có cân đối yếu tố lưỡng dụng có khả năng đáp ứng nhất định đối với quốc phòng.

4. Quy hoạch phát triển công nghiệp cơ điện tử Việt Nam

4.1. Sản phẩm chủ lực:

- Nhóm máy công cụ CNC: Trung tâm tiện CNC, Trung tâm phay CNC, Trung tâm phay – tiện CNC, Máy cắt kim loại tấm CNC…

- Thiết bị Cơ điện tử phục vụ xây dựng và giao thông vận tải: Cần cẩu tháp, Cần trục bánh xích, Cần trục bánh lốp, Xe đào xúc, Trạm trộn bê tông ….

- Thiết bị Cơ điện tử phục vụ chế biến nông sản;

- Hàng tiêu dùng cơ điện tử;

- Thiết bị Cơ điện tử phục vụ trong y tế: (Máy chụp X quang, Máy chụp cắt lớp, Máy chụp cộng hưởng từ (MRI), Máy chạy thận nhân tạo, Máy tán sỏi ngoài cơ thể, Máy phẫu thuật khúc xạ laser, Máy đo huyết áp điện tử cầm tay…).

- Nhóm Cơ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng;

4.2. Phương án phát triển

a) Về sản phẩm chủ lực

- Đến năm 2015 đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm cơ điện tử chủ lực được quy hoạch, cụ thể như sau:

+ Máy công cụ CNC: 20%

+ Máy móc và thiết bị phục vụ xây dựng và giao thông vận tải: 30%

+ Thiết bị Cơ điện tử phục vụ chế biến nông sản: 75%

+ Hàng tiêu dùng Cơ điện tử: 75%

+ Thiết bị Cơ điện tử y tế: 16%

+ Từng bước đáp ứng nhu cầu Thiết bị Cơ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng.

- Đến năm 2025 đáp ứng nhu cầu các sản phẩm cơ điện tử chủ lực được quy hoạch, cụ thể:

+ Máy công cụ CNC: 30%

+ Máy móc và thiết bị phục vụ xây dựng và giao thông vận tải: 50%

+ Thiết bị Cơ điện tử phục vụ chế biến nông sản: 90%

+ Hàng tiêu dùng Cơ điện tử: 90%

+ Thiết bị Cơ điện tử y tế: 60%

+ Đáp ứng kịp thời nhu cầu Thiết bị Cơ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng.

b) Về công nghệ và công nghiệp hỗ trợ

- Đến 2015: sản xuất được theo phương thức sản xuất OEM (sản xuất lắp ráp với chi tiết của nhà sản xuất gốc).

- Sau 2015: có thể sản xuất được một số loại sản phẩm theo hình thức ODM (tương tự OEM nhưng theo thiết kế riêng).

- Đến 2025: có được một số loại thiết bị được làm chủ hoàn toàn – tổ chức sản xuất theo hình thức OBM (sản xuất theo nhãn hiệu riêng).

- Trong giai đoạn quy hoạch, chú trọng sản xuất theo quan điểm tích hợp, từng bước nâng cao giá trị gia tăng thông qua thông minh hóa sản phẩm, nâng cao tính sáng tạo và công nghệ phục vụ thiết kế, thử nghiệm, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm tổng thành (sản phẩm cuối).

4.3. Tổng hợp vốn đầu tư

- Giai đoạn đến 2015: đầu tư khoảng 125 triệu USD

- Giai đoạn 2016 - 2025: đầu tư khoảng 134 triệu USD

- Tổng vốn cả thời kỳ đến 2025: đầu tư khoảng 259 triệu USD.

4.4. Nguồn huy động vốn

Giai đoạn đến 2015: đầu tư 125 triệu USD, bao gồm vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ của nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác.

Giai đoạn 2016 – 2025: đầu tư 134 triệu USD, vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ của nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác.

5. Các chính sách và giải pháp chủ yếu

5.1. Các giải pháp:

a) Về thị trường:

- Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm cơ điện tử nội địa thông qua chính sách thuế.

- Liên tục cập nhật và công bố các sản phẩm cơ điện tử trong nước đã sản xuất được, làm cơ sở thiết lập hàng rào kỹ thuật nhằm khuyến khích hợp lý sản phẩm sản xuất trong nước.

- Khuyến khích các Hiệp hội tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

b) Về đầu tư:

- Ưu tiên đầu tư sản xuất sản phẩm cơ điện tử sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tiêu tốn ít tài nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh.

- Dự án sản xuất sản phẩm cơ điện tử sử dụng vốn nhà nước được xem xét, áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm cơ điện tử thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, trang thiết bị.

c) Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:

- Doanh nghiệp trong nước chế tạo sản phẩm cơ điện tử được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học – công nghệ quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực.

- Xây dựng, nâng cấp, tổ chức một số cơ sở nghiên cứu đầu đàn, các phòng thí nghiệm trọng điểm đủ năng lực tư vấn, thiết kế chuyên sâu về cơ điện tử, tiếp nhận và chuyển giao cho các doanh nghiệp trong nước.

- Nghiên cứu đề xuất xây dựng chương trình khoa học công nghệ nhà nước chuyên về cơ điện tử.

- Hỗ trợ để cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu mở rộng liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế.

- Ưu tiên dành nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp các dự án đầu tư sản phẩm cơ điện tử trọng điểm.

- Tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích và thu hút chất xám trong và ngoài nước.

d) Về nguồn nhân lực

- Đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, truyền tải kiến thức liên ngành cơ điện tử, kích thích sáng tạo. Tăng cường gắn kết với thực tiễn công nghiệp trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi học thuật quốc tế.

- Ưu tiên tuyển chọn và gửi các cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý ngành cơ điện tử đi đào tạo ở các nước phát triển.

- Đổi mới đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Ưu tiên nâng cấp các cơ sở đào tạo nhân lực cho công nghiệp cơ điện tử.

đ) Về tài chính:

- Hỗ trợ thông qua các chính sách thuế phù hợp với các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam. Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, sử dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết WTO và quy định của pháp luật hiện hành.

- Thường xuyên xem xét cập nhật danh mục các sản phẩm cơ điện tử, đề xuất danh mục các sản phẩm cơ điện tử được hưởng ưu đãi của luật công nghệ cao.

e) Về quản lý ngành:

- Củng cố các doanh nghiệp mạnh có vốn Nhà nước để có thể đảm nhiệm tốt vai trò định hướng chủ đạo. Đẩy mạnh cổ phần hóa để đa dạng nguồn vốn sở hữu.

- Thông qua Tổng hội Cơ khí, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí. Hội cơ điện tử, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử, … để đề xuất và tổ chức việc phối hợp giữa các doanh nghiệp.

g) Giải pháp khác:

Tăng cường vai trò của các Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực cơ điện tử để củng cố quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, trao đổi thông tin về thị trường, công nghệ và đầu tư. Tăng cường thông tin tuyên truyền về cơ điện tử, tạo thống nhất từ nhận thức, lý luận đến thực tiễn.

5.2. Các chính sách:

- Các dự án sản xuất sản phẩm cơ điện tử sử dụng công nghệ cao và các sản phẩm cơ điện tử thuộc Danh mục công nghệ cao và Danh mục sản phẩm công nghệ cao, ban hành theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ được hưởng các chính sách ưu đãi theo Luật công nghệ cao số 21/2008/QH11.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan bổ sung các dự án sản xuất sản phẩm cơ điện tử và các sản phẩm cơ điện tử là đối tượng điều chỉnh của Quy hoạch này vào Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm ban hành theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ để được hưởng các chính sách ưu đãi của Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm và các chính sách ưu đãi có liên quan hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố Quy hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo,… theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công thương cụ thể hóa các chính sách, giải pháp nêu trong Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án, chương trình phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử được thực hiện đồng bộ và phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

4. Các Hiệp hội ngành nghề có liên quan phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Website Bộ Công thương;
- Các Cục, Vụ, Viện NCCLCSCN thuộc Bộ Công thương;
- Lưu: VT, CNNg (5).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CHO CÁC NĂM TỚI
(Kèm theo Quyết định số 0391/QĐ-BCT ngày 24 tháng 01 năm 2011)

Dự án

Nội dung

Vốn đầu tư (triệu USD)

Địa điểm

Đến 2015

Sau 2015

Nhà máy chế tạo – lắp ráp máy CNC 1

Sản xuất các chi tiết chính (trục chính, vitme-đai ốc bi, mâm cặp, ụ động), lắp ráp máy công cụ CNC.

24

4

Khu công nghiệp phía Bắc

Nhà máy chế tạo – lắp ráp máy CNC 2

Chế tạo các hệ thống thay dao tự động và các dụng cụ gá lắp.

 

15

Khu công nghiệp miền Trung

Nhà máy sản xuất – lắp ráp bộ điều khiển CNC

Sản xuất tích hợp các bộ điều khiển với cấu hình đa dạng

 

15

Khu công nghiệp phía Nam

Nhà máy sản xuất và lắp ráp cẩu lốp và xích

Đến 2015: 20 cẩu xích & 30 cẩu lốp/năm

2025: 35 cẩu xích & 70 cẩu lốp/năm

17

10

Hải Dương

Nhà máy sản xuất và lắp ráp xe đào xúc

2015: 230 xe/năm

2025: 500 xe/năm

19

12

Đồng Nai

Nhà máy sản xuất thiết bị phân loại hạt theo màu sắc và thiết bị định lượng đóng bao phục vụ chế biến nông sản (*)

Sản xuất máy phân loại hạt các cỡ công suất 2-5 T/h

Sản xuất các mô đun định lượng đóng bao cho các dây chuyền chế biến nông sản

 

186

Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Nhà máy chế tạo, lắp ráp thiết bị chẩn đoán hình ảnh y tế

- Máy chụp X quang: 2016 – 2025: 450 chiếc/năm

- Máy chụp cắt lớp vi tính: 2016 – 2025: 45 chiếc/năm

- Máy chụp cộng hưởng từ: 2016 – 2015: 5 chiếc/năm

- Máy tán sỏi: 2016 – 2025: 20 chiếc/năm

 

21,6

Hà Nội hoặc Vĩnh Phúc

Nhà máy chế tạo, lắp ráp máy quang học y tế

- Máy phẫu thuật khúc xạ laser: 2016 – 2025: 30 chiếc/năm

 

8,8

Bình Dương hoặc Đồng Nai

Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử y tế chuyên dụng

- Máy chạy thận nhân tạo: 2016 – 2025: 200 chiếc/năm

- Máy đo huyết áp điện tử cầm tay: 2016 – 2025: 140.000 chiếc/năm

- Các sản phẩm trung gian (card các loại) cho các nhà máy khác: 10.000 chiếc/năm

 

21,6

Bình Dương hoặc Đồng Nai

(*): Có thể thay thế bằng việc đầu tư mở rộng, bổ sung đối với các doanh nghiệp mạnh về sản xuất dây chuyền thiết bị chế biến nông sản có sẵn trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực này.