Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2005/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Vị trí, chức năng

Viện Nghiên cứu Hải sản ( sau đây gọi tắt là Viện Hải sản ) là tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ Thủy sản, có chức năng: điều tra nguồn lợi hải sản, môi trường biển, đa dạng sinh học và bảo tồn biển; nghiên cứu công nghệ khai thác và dự báo ngư trường, nguồn lợi hải sản; nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch; thực hiện chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về biển; đào tạo sau đại học các chuyên ngành được giao. Viện Hải sản có phạm vi hoạt động toàn quốc.

Viện Hải sản có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc nhà nước.

Tên giao dịch tiếng Anh: Research Institute For Marine Fisheries, viết tắt là RIMF.

Trụ sở chính của Viện Hải sản đặt tại 170 Phố Lê Lai, Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải phòng.

Điều 2. Nhiệm vụ.

Viện Hải sản có nhiệm vụ chính sau:

1. Xây dựng phương hướng nghiên cứu khoa học công nghệ thuỷ sản, lập kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn, 5 năm, hàng năm và tổ chức thực hiện sau khi được Bộ thủy sản phê duyệt;

2. Điều tra nguồn lợi hải sản; nghiên cứu sinh học nghề cá và các quy luật biến động nguồn lợi; đánh giá trữ l­ượng và khả năng khai thác bền vững nguồn lợi hải sản; xây dựng các bản đồ về nguồn lợi hải sản và dự báo ngư trường; nghiên cứu các biện pháp duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản. Tham gia xây dựng phương hướng phát triển nghề khai thác và công nghệ sau thu hoạch hải sản;

3. Nghiên cứu đa dạng sinh học biển làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý các hệ sinh thái biển; nghiên cứu các biện pháp khôi phục, tái tạo và phát triển nguồn lợi hải sản; đề xuất và xây dựng các khu bảo tồn biển; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học phục vụ công tác quy hoạch, quản lý các khu bảo tồn biển;

4. Nghiên cứu môi trư­ờng biển phục vụ phát triển nghề khai thác và nuôi trồng hải sản. Quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh hải sản; cung cấp các thông tin về chỉ tiêu chất lượng môi trường biển; nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường và quản lý môi trường biển;

5. Nghiên cứu, ứng dụng khoa công nghệ khai thác hải sản tiên tiến, phù hợp với đối tượng khai thác tại các ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản; nghiên cứu cải tiến, tiêu chuẩn hoá các loại ngư­ cụ, công nghệ khai thác và các vật liệu dùng trong khai thác hải sản; tham gia xây dựng cơ cấu hợp lý nghề khai thác hải sản;

6. Nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến hải sản nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm.

7. Nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn trong công tác điều tra nguồn lợi hải sản, nghiên cứu khoa học công nghệ các nghề khai thác, bảo quản và chế biến hải sản; các quy trình, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật khác thuộc các lĩnh vực được giao để áp dụng vào sản xuất;

8. Nghiên cứu các vấn đề kinh tế – xã hội nghề cá phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao;

9. Tham gia hoạt động khuyến ngư­ và chuyển giao công nghệ các nghề khai thác, bảo quản và chế biến hải sản cho các thành phần kinh tế; sản xuất thử nghiệm các sản phẩm có trình độ khoa học công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất thuỷ sản; liên doanh, liên kết với các tổ chức chính phủ, các đơn vị và cá nhân trong và ngoài nư­ớc theo quy định của pháp luật;

10. Đào tạo sau đại học, đào tạo theo chuyên đề, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ về khoa học- công nghệ trong lĩnh vực nghề hải sản;

11. Thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế được Bộ giao và theo quy định của pháp luật;

12. Thực hiện hoạt động thông tin khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ tin học trong nghiên cứu nghề hải sản; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu nghề cá biển; xây dựng bảo tàng và phòng mẫu vật chuẩn về nguồn lợi, đa dạng sinh học biển, khai thác và công nghệ sau thu hoạch hải sản;

13. Tư­ vấn, dịch vụ khoa học công nghệ cho các hoạt động phát triển sản xuất thuộc các lĩnh vực điều tra, quy hoạch phát triển nguồn lợi hải sản, môi trường, bảo tồn biển, khai thác và công nghệ sau thu hoạch hải sản theo quy định của Pháp luật;

14. Quản lý, sử dụng lao động, tài sản, tài chính của Viện Hải sản và các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Thủy sản giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

Viện Hải sản có Viện trư­ởng và không qúa 03 Phó Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Thủy sản bổ nhiệm.

Cơ cấu tổ chức của Viện gồm:

1. Văn phòng (Tổ chức cán bộ, hành chính và đào tạo);

2. Phòng Kế hoạch - Tài chính;

3. Phòng Tin học - Thông tin khoa học công nghệ;

4. Phòng Nghiên cứu nguồn lợi hải sản;

5. Trung tâm Quốc gia quan trắc, cảnh báo môi trường biển (có hệ thống các trạm quan trắc và cảnh báo môi trường trên toàn quốc);

6. Phòng Nghiên cứu Bảo tồn biển (có Trạm nghiên cứu bảo tồn biển);

7. Phòng Nghiên cứu công nghệ khai thác (có xưởng lắp ráp ngư, lưới cụ);

8. Phòng Nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch (có xưởng thực nghiệm công nghệ chế biến);

9. Trung tâm Đào tạo nghề và Chuyển giao công nghệ hải sản Miền Bắc;

Trụ sở đặt tại 170 Phố Lê Lai Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng

10. Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam (có Trạm nghiên cứu hải sản miền Trung và Trạm nghiên cứu hải sản Tây Nam Bộ);

Trụ sở dặt tại Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

11. Đội tàu Nghiên cứu và điều tra nguồn lợi biển;

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các văn bản sau:

Quyết định số 436-TS/QĐ ngày 19/8/1983 của Bộ trư­ởng Bộ Thủy sản về việc giao cơ sở vật chất và cán bộ còn lại của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản (ở Hải phòng) cho Viện Nghiên cứu Hải sản và quy định lại nhiệm vụ, tổ chức của Viện Nghiên cứu Hải sản;

Quyết định số 521/2000/QĐ-BTS ngày 8/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc chuyển giao nhiệm vụ nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (nước lợ và nư­ớc mặn) của Viện Nghiên cứu Hải sản cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I;

Công văn số 331/TS-TCCBLĐ ngày 15/2/2001 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc sắp xếp lại tổ chức của Viện Nghiên cứu Hải sản;

Và những quy định trư­ớc đây trái với Quyết định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Hải sản sau khi có sự chấp thuận của Bộ.

Chánh Văn phòng Bộ, Viện trư­ởng Viện Nghiên cứu Hải sản, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN



 
Tạ Quang Ngọc