ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 3 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2008/QĐ-UBND | Quận 3, ngày 19 tháng 8 năm 2008 |
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA XÂY DỰNG CÁC PHƯỜNG THUỘC QUẬN 3
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra Xây dựng xã - phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 133/2007/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra Xây dựng phường - xã, thị trấn tại thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân quận 3 về thành lập Thanh tra Xây dựng quận 3 và Thanh tra Xây dựng 14 phường quận 3;
Theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ quận 3 và Báo cáo thẩm định số 411/BC-TP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Phòng Tư pháp quận 3,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng các phường thuộc quận 3.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 07 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Trưởng Phòng Nội vụ, Chánh Thanh tra Xây dựng quận 3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 14 phường quận 3 có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA XÂY DỰNG CÁC PHƯỜNG THUỘC QUẬN 3
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân quận 3)
Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Xây dựng các phường thuộc quận 3 trong việc thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Quy định về trình tự đình chỉ thi công công trình; trình tự cưỡng chế phá dỡ công trình; thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và Thanh tra viên xây dựng các phường.
Đối tượng điều chỉnh của Quy chế này, bao gồm:
1. Thanh tra viên, cán bộ - công chức, cộng tác viên làm việc tại Thanh tra Xây dựng các phường trên địa bàn quận 3;
2. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức các ngành, đơn vị có liên quan đến phạm vi áp dụng và chức năng nhiệm vụ được quy định tại Quy chế này.
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Vị trí, chức năng của Thanh tra Xây dựng phường
Thanh tra Xây dựng phường là tổ chức Thanh tra trực thuộc Ủy ban nhân dân phường; có chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thực hiện công tác thanh tra, các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Xây dựng phường chịu sự chỉ đạo, quản lý về công tác của Ủy ban nhân dân phường, do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được phân công phụ trách. Đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Xây dựng quận 3. Thanh tra Xây dựng phường có địa điểm làm việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường bố trí, được trang bị các phương tiện làm việc cần thiết theo quy định của pháp luật, được sử dụng con dấu và tài khoản của Ủy ban nhân dân phường để hoạt động.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra Xây dựng phường
1. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở phường trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn phường.
2. Tiếp nhận và xác nhận việc chủ đầu tư xây dựng công trình nộp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình trên địa bàn theo quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 7 Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Thanh tra, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phát hiện và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như: xây dựng không phép; xây dựng sai giấy phép; xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ của công trình hạ tầng kỹ thuật, hành lang trên bờ sông, kênh, rạch (theo Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố) và các công trình khác theo quy định của pháp luật; lấn chiếm vỉa hè, đường phố; cơi nới, lấn chiếm không gian; vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về quản lý, sử dụng đất đai và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động xây dựng.
4. Lập biên bản vi phạm pháp luật về xây dựng (có yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình ngừng thi công xây dựng công trình và tháo dỡ ngay đối với công trình vi phạm); trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo trình tự quy định tại các Điều 9 và Điều 10 Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 17 Quy chế kèm theo Quyết định số 133/2007/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố. Hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm phải được gửi về Thanh tra Xây dựng quận để báo cáo và được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân phường.
5. Thường xuyên thông báo công khai trên bản tin phường, khu phố và tổ dân phố về các trường hợp vi phạm và hình thức xử lý liên quan đến xây dựng của Ủy ban nhân dân phường, quận.
6. Tổng hợp tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân phường và Thanh tra Xây dựng quận 3.
7. Thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác của cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng, về nhà ở, quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường tại địa phương trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
8. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và pháp luật về việc không phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
9. Thực hiện các quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp về:
a) Phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực liên quan theo đúng quy định.
b) Trong việc áp dụng các hình thức phạt bổ sung của quyết định xử lý vi phạm hành chính: tạm giữ phương tiện, công cụ, vật tư được dùng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính của tổ chức hoặc công dân; buộc tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình xây dựng vi phạm, công trình xây dựng không giấy phép.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường giao.
TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ VÀ CÔNG CHỨC
Điều 5. Tổ chức của Thanh tra Xây dựng phường
Thanh tra Xây dựng các phường do 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được phân công phụ trách, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Thanh tra Xây dựng quận và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Xây dựng phường.
Điều 6. Biên chế của Thanh tra Xây dựng phường
Thanh tra Xây dựng phường thuộc chỉ tiêu biên chế hành chính của Ủy ban nhân dân quận 3, số lượng được Ủy ban nhân dân quận 3 giao cụ thể hàng năm.
Trong những đợt công tác cao điểm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận có thể cho phép bố trí tăng cường lực lượng cộng tác viên Thanh tra Xây dựng phường để đáp ứng yêu cầu công tác.
Điều 7. Thanh tra viên, công chức và cộng tác viên làm việc tại Thanh tra Xây dựng phường
- Công chức và cộng tác viên làm việc tại Thanh tra Xây dựng phường chưa được bổ nhiệm Thanh tra viên chuyên ngành xây dựng phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 165/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời tiêu chuẩn Thanh tra viên ngành xây dựng quận - huyện và xã - phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Thanh tra viên, công chức Thanh tra Xây dựng các phường chịu sự quản lý, phân công, bố trí, điều động, luân chuyển, biệt phái của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trên cơ sở đề xuất của Chánh Thanh tra Xây dựng quận và ý kiến trình của Trưởng Phòng Nội vụ quận.
- Công chức tạm tuyển và cộng tác viên Thanh tra Xây dựng các phường do Chánh Thanh tra Xây dựng quận ký hợp đồng lao động và bố trí công tác sau khi có xác nhận của Phòng Nội vụ.
TRÌNH TỰ ĐÌNH CHỈ THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH, TRÌNH TỰ CƯỠNG CHẾ PHÁ DỠ CÔNG TRÌNH
Điều 8. Trình tự đình chỉ thi công xây dựng công trình
1. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, Thanh tra viên xây dựng phường phải lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng và tự phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình vi phạm.
2. Trong thời hạn 24 giờ từ khi lập biên bản (kể cả ngày lễ, ngày Tết, ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ khác), nếu chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng và không tự phá dỡ bộ phận công trình vi phạm thì người lập biên bản phải trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình.
3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị cấp điện, nước phải dừng ngay việc cấp điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm.
4. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và đình chỉ thi công xây dựng công trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chỉ đạo Trưởng Công an phường tổ chức cấm vận chuyển vật tư, vật liệu và công nhân vào thi công xây dựng công trình vi phạm.
5. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng công trình vắng mặt tại công trường thì các đơn vị cấp điện, nước, Công an phường vẫn ngừng cấp điện, nước và thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình.
Điều 9. Trình tự cưỡng chế phá dỡ công trình
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm, đồng thời phải tự phá dỡ các bộ phận công trình hoặc công trình vi phạm.
2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm hoặc vắng mặt thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định cưỡng chế phá dỡ và tổ chức phá dỡ bộ phận công trình vi phạm, trừ các công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân quận hoặc Sở Xây dựng cấp phép.
3. Đối với các công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân quận hoặc do Sở Xây dựng thành phố cấp giấy phép xây dựng, sau khi ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm gửi toàn bộ hồ sơ liên quan đến Thanh tra Xây dựng quận để tham mưu Ủy ban nhân dân quận xử lý.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Ủy ban nhân dân phường gửi, Chánh Thanh tra Xây dựng quận có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
4. Trường hợp đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm nhưng chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát và các tổ chức, cá nhân khác vẫn tiếp tục thi công xây dựng công trình thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phá dỡ có trách nhiệm lập hồ sơ để chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
THẨM QUYỀN CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG VÀ THANH TRA VIÊN XÂY DỰNG PHƯỜNG
Điều 10. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có thẩm quyền:
1. Quyết định đình chỉ thi công đối với tất cả các loại công trình xây dựng vi phạm pháp luật xây dựng trên địa bàn;
2. Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các loại công trình xây dựng vi phạm pháp luật xây dựng trên địa bàn, trừ các trường hợp công trình xây dựng vi phạm do Ủy ban nhân dân quận hoặc do Sở Xây dựng cấp phép.
Điều 11. Thẩm quyền của Thanh tra viên xây dựng phường
Thanh tra viên xây dựng phường đang thi hành công vụ được xử phạt theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 38 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2008), cụ thể:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạn hành chính, trừ biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng sai phép.
NHỮNG HÀNH VI BỊ CẤM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Thanh tra viên xây dựng phường, cộng tác viên và những cán bộ, công chức liên quan ngoài việc phải tuân theo những hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức còn bị cấm những hành vi sau:
1. Áp dụng hình thức phạt tiền cho tồn tại bộ phận công trình, công trình vi phạm;
2. Dung túng, bao che, không xử lý kịp thời các công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;
3. Nhận tiền, hiện vật hoặc đi ăn, uống và các hoạt động khác theo lời mời của chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu xây dựng;
4. Sách nhiễu, gây khó khăn cho chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu trong thi công xây dựng công trình khi đã có đủ các hồ sơ, thủ tục, giấy phép và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật;
5. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
1. Thanh tra viên xây dựng, cộng tác viên xây dựng các phường và các cán bộ, công chức liên quan vi phạm những hành vi bị cấm quy định tại Điều 12 Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
2. Thanh tra viên xây dựng, cộng tác viên xây dựng các phường không phát hiện kịp thời các công trình vi phạm, không lập biên bản đình chỉ vi phạm kịp thời, không trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định xử lý vi phạm hành chính và đình chỉ thi công xây dựng, cưỡng chế công trình vi phạm theo thời hạn và trình tự quy định tại Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật;
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường không ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo thời hạn và trình tự quy định tại Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Mẫu văn bản, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, phương tiện phòng vệ của Thanh tra Xây dựng và Thanh tra Xây dựng phường thực hiện theo Quyết định số 25/2007/QĐ-BXD ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quyết định việc tuyển dụng công chức vào làm việc tại Thanh tra Xây dựng phường sau khi có kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển của Sở Nội vụ tổ chức.
2. Giám đốc Sở Nội vụ thành phố tổ chức việc thi tuyển công chức vào làm việc tại Thanh tra Xây dựng phường theo chỉ tiêu đăng ký và quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Thanh tra viên chuyên ngành xây dựng phường theo quy định tại Quyết định số 165/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời tiêu chuẩn Thanh tra viên ngành xây dựng quận - huyện và xã - phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THANH TRA XÂY DỰNG PHƯỜNG
1. Thanh tra Xây dựng phường hoạt động theo giờ hành chính và bố trí các Thanh tra viên, trưng tập cộng tác viên trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày Tết, thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ khác để thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được phân công phụ trách Thanh tra Xây dựng phường có trách nhiệm phân công công việc, điều hành toàn bộ hoạt động của Thanh tra Xây dựng phường và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về hiệu quả công tác của Thanh tra Xây dựng phường.
3. Thanh tra viên xây dựng, cộng tác viên xây dựng phường được phân công nhiệm vụ cụ thể, mặc trang phục theo quy định, có bảng tên đặt tại bàn làm việc đồng thời phải đeo thẻ Thanh tra viên hoặc thẻ công chức khi thi hành nhiệm vụ; từng thành viên phải có tác phong làm việc tận tụy, thái độ lịch sự, khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, Thanh tra Xây dựng quận, của đồng nghiệp, của tổ chức và nhân dân trong quan hệ công tác.
Điều 17. Chế độ hội họp, báo cáo
1. Hàng tháng Thanh tra Xây dựng các phường dự họp giao ban với Thanh tra Xây dựng quận để báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, rút kinh nghiệm công tác và nghe phổ biến các chủ trương, kế hoạch, biện pháp mới của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân quận nhằm nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ;
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có thể tổ chức họp đột xuất Thanh tra Xây dựng phường để triển khai các công việc theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân phường, quận.
2. Hàng tuần, tháng, quý, 6 tháng và cuối năm, Thanh tra Xây dựng phường báo cáo sơ - tổng kết công tác và thống kê tình hình thực hiện các quyết định hành chính liên quan đối với Ủy ban nhân dân phường, quận và Thanh tra Xây dựng quận.
Điều 18. Chế độ chính sách đối với Thanh tra Xây dựng phường
1. Thanh tra viên và các chức danh khác được hưởng chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,6 mức tiền lương tối thiểu; Thanh tra viên xây dựng được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 202/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên, cụ thể: Thanh tra viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 20% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), Thanh tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
2. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được phân công phụ trách Thanh tra Xây dựng ngoài việc hưởng lương và phụ cấp theo chức vụ còn được hưởng phụ cấp như Phó Chánh Thanh tra Xây dựng.
3. Thanh tra viên và các chức danh khác khi thi hành công vụ được pháp luật bảo vệ, được khen thưởng và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
4. Thanh tra viên xây dựng và những người được cấp có thẩm quyền điều động làm công tác cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm pháp luật về xây dựng được hưởng 10% lương tối thiểu cho mỗi ngày tham gia.
Điều 19. Nguồn kinh phí hoạt động
Thanh tra Xây dựng các phường thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ.
Kinh phí hoạt động của Thanh tra Xây dựng phường do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Tỷ lệ trích và các khoản chi từ nguồn thu phạt
Để lại 100% các khoản thu phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường cho ngân sách phường để chi cho hoạt động chuyên môn, làm ngoài giờ hành chính, làm ngày lễ, ngày Tết, thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ khác của Thanh tra Xây dựng phường; mua bổ sung phương tiện, thiết bị kỹ thuật và trích thưởng cho Thanh tra Xây dựng phường. Mức chi cụ thể theo quy định của pháp luật.
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Điều 21. Mối quan hệ công tác đối với Thanh tra Xây dựng phường
1. Đối với Thanh tra Xây dựng quận:
Thanh tra Xây dựng phường giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thực hiện mối quan hệ phối hợp với Thanh tra Xây dựng quận trong việc cưỡng chế thi hành quyết định buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Ủy ban nhân dân quận trên địa bàn phường;
Thanh tra Xây dựng phường chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Xây dựng quận.
2. Đối với Ủy ban nhân dân phường:
Thanh tra Xây dựng phường chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân phường. Thanh tra Xây dựng phường trực tiếp nhận sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và phải thường xuyên báo cáo với Ủy ban nhân dân phường về kết quả thực hiện những mặt công tác đã được phân công.
3. Đối với Công an phường:
Công an phường hỗ trợ thi hành quyết định của Ủy ban nhân dân phường về ngăn chặn thi công, cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm pháp luật trên địa bàn.
4. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, ngành khác thuộc phường:
Thanh tra Xây dựng phường có mối quan hệ phối hợp và hỗ trợ công tác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định;
Khi các tổ chức nêu trên có yêu cầu, kiến nghị những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ liên quan, Thanh tra Xây dựng phường có trách nhiệm trình bày, giải quyết hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường giải quyết.
5. Đối với công chức phụ trách địa chính - xây dựng phường:
Công chức chuyên môn có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu quy định về xây dựng, quy hoạch, lộ giới, chỉ giới các loại hành lang an toàn trên địa bàn nhằm tạo điều kiện giúp Thanh tra Xây dựng phường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Điều 22. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này. Ủy ban nhân dân phường hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà ở làm thủ tục xin phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình, nhà ở theo quy định pháp luật; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về xây dựng.
Điều 23. Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường kịp thời báo cáo tình hình thực hiện, nêu những khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc những nội dung chưa phù hợp, thông qua Thanh tra Xây dựng quận và Phòng Nội vụ quận đề xuất trình Ủy ban nhân dân quận sửa đổi, bổ sung Quy chế này./.
- 1 Quyết định 264/2008/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng quận và Thanh tra xây dựng phường tại quận Thủ Đức do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 133/2007/QĐ-UBND thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra xây dựng phường - xã, thị trấn tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Quyết định 165/2007/QĐ-TTg Quy định tạm thời tiêu chuẩn thanh tra viên chuyên ngành xây dựng quận, huyện và xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 25/2007/QĐ-BXD về các mẫu văn bản; quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5 Quyết định 89/2007/QĐ-TTg thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 6 Nghị định 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước
- 7 Quyết định 202/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thanh tra viên do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- 9 Quyết định 150/2004/QĐ-UB về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1 Quyết định 190/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 264/2008/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng quận và Thanh tra xây dựng phường tại quận Thủ Đức do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Quyết định 56/QĐ-UBND năm 2020 công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh ban hành