Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/2009/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 21 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; phường, thị trấn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Thắng

 

QUY CHẾ

ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 04/2009/QĐ-UBND ngày 21/01/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị (gồm: thành phố, thị xã, thị trấn) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với đường, phố, công trình công cộng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 3. Mục đích, ý nghĩa

Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hoá - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá và cách mạng cho các thế hệ.

Chương II

NGUYÊN TẮC VỀ ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005); Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ (Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006) và Quy chế này.

2. Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét đặt tên.

3 . Việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng phải căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường, phố và công trình công cộng để đặt tên cho tương xứng với ý nghĩa, tầm quan trọng của danh nhân, địa danh, di tích, danh thắng, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng và những chiến thắng chống xâm lược đã được chọn.

4. Không đặt tên đường, phố và công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị. Trừ trường hợp danh nhân đó sinh ra tại Ninh Bình.

5. Không dùng tên danh nhân, tên sự kiện lịch sử chưa được xác định rõ ràng hoặc còn đang tranh cãi và các tên không có ý nghĩa, tên dung tục để đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng.

6. Không đặt tên cho ngõ, ngách. Ngõ được gọi theo biển số nhà đầu ngõ, tính từ đầu phố kèm theo tên phố; ngách được gọi theo biển số nhà đầu ngách, tính từ đầu ngõ.

7. Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi (quen thuộc, gắn bó và ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ, trừ trường hợp quy định tại Điều 5 Quy chế này.

8. Không đổi từ ''đường'' thành ''phố'' và ngược lại khi đã được viết trên biển tên đường, phố mà nhân dân đã quen gọi là ''đường'' hoặc ''phố'' trừ trường hợp thật cần thiết.

Điều 5. Đặt tên đường, phố và công trình công cộng

1. Tên để đặt cho đường, phố, công trình công cộng được lựa chọn một trong các tên như: Tên danh nhân; Tên địa danh; Tên di tích lịch sử văn hoá, danh lam, thắng cảnh; Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược và phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Yêu cầu đặt tên đường, phố và công trình công cộng:

a) Tên danh nhân được chọn phải là người tiêu biểu trong những người nổi tiếng, có đức, có tài, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước;

b) Tên địa danh được chọn phải là những địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá của đất nước hoặc địa phương; Địa danh đã quen dùng từ xa xưa và đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân hoặc tên địa phương kết nghĩa có mối quan hệ đặc biệt;

c) Tên di tích lịch sử văn hoá; tên danh lam, thắng cảnh được chọn phải là những di tích, danh thắng tiêu biểu, quen thuộc với nhân dân và đã được công nhận xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá;

d) Tên các sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng và những chiến thắng chống xâm lược phải là những sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng và những chiến thắng chống xâm lược tiêu biểu đã được ghi nhận trong lịch sử và ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân;

đ) Ưu tiên lựa chọn tên các danh nhân được sinh ra tại Ninh Bình hoặc là người địa phương khác có cuộc đời sự nghiệp gắn bó với tỉnh Ninh Bình, những địa danh, sự kiện lịch sử của tỉnh để chọn đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Điều 6. Đổi tên đường, phố và công trình công cộng

Đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng tác động xấu trong xã hội thì đổi tên nhưng cần xem xét thận trọng.

Chương III

THẨM QUYỀN ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Điều 7. Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định:

a) Đặt tên, đổi tên đường, phố thuộc thành phố, thị xã, thị trấn;

b) Đặt tên, đổi tên các công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.

2. Quyết định đặt tên, đổi tên các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh trừ công trình công cộng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quyết định đặt tên, đổi tên các công trình công cộng thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Khoản 2 Điều này.

4. Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn; cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn và tổ thư ký giúp việc Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

5. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền về việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng và thực hiện gắn biển tên đường, phố, công trình công cộng.

Điều 8. Hội đồng tư vấn

1. Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (Hội đồng tư vấn) do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Thành phần Hội đồng tư vấn gồm có: Chủ tịch Hội đồng do Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đảm nhiệm; hai Phó Chủ tịch Hội đồng, các Uỷ viên của Hội đồng là một số nhà khoa học và đại diện lãnh đạo của các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã có liên quan. Tổ thư ký gồm: Tổ trưởng do đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đảm nhiệm và các thành viên là những chuyên viên có kinh nghiệm thuộc các cơ quan có đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng tư vấn.

2. Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, quyết định các vấn đề theo
đa số.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn

a) Thực hiện những nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 17 của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 và những nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Mục V của Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006;

b) Thoả thuận bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã ở địa phương về việc đặt tên, đổi tên công trình công cộng được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền.

Điều 9. Cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn

1. Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng
tư vấn.

2. Nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn

a) Xây dựng kế hoạch hàng năm về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các ngành hữu quan tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường, phố và công trình
công cộng; thu thập, tổng hợp thông tin lập đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 của Quy chế này;

c) Tổ chức lấy ý kiến của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của huyện, thành phố, thị xã nơi có đường, phố và công trình công cộng được đổi tên, đặt tên và các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, các nhà khoa học về đổi tên, đặt tên đường, phố và công trình công cộng;

d) Công bố công khai dự kiến đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để nhân dân tham gia ý kiến;

đ) Tổ chức các cuộc họp với Hội đồng tư vấn và các cấp, các ngành có liên quan;

e) Hoàn chỉnh hồ sơ Đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trình cấp có thẩm quyền quyết định;

f) Giúp Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết đơn thư đề nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 10. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

1. Đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

2. Phối hợp với cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan có chức năng trong việc triển khai khảo sát, lập Đề án đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng ở địa phương.

3. Tổ chức lấy ý kiến của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở phường, thị trấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của địa phương.

4. Lập hồ sơ đặt tên công trình công cộng và xin ý kiến thoả thuận với Hội đồng tư vấn tỉnh đối với việc đặt tên công trình công cộng được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quyết định đặt tên.

5. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đặt biển tên đường, phố và công trình công cộng theo quy định được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

Chương IV

QUY TRÌNH, THỦ TỤC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Điều 11. Quy trình thực hiện

1. Lập danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên.

2. Lập Đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

3. Tổ chức lấy ý kiến về những nội dung đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ở địa phương theo quy định.

4. Công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố và công trình công cộng để nhân dân tham gia ý kiến.

5. Hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng.

6. Tổ chức việc đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 12. Hồ sơ của cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Tờ trình đề nghị đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng.

2. Đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

3. Báo cáo tóm tắt ý nghĩa hoặc lý lịch các tên dự kiến để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

4. Bản đồ xác định vị trí cụ thể đường, phố và công trình công cộng dự kiến đặt tên.

5. Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến tham gia của các cấp, các ngành và nhân dân vào những nội dung được lấy ý kiến.

Điều 13. Hồ sơ của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Tờ trình đề nghị đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng.

2. Danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên.

3. Bản đồ xác định đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên.

4. Các tài liệu khác có liên quan đến yêu cầu về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng do Hội đồng tư vấn tỉnh yêu cầu.

Điều 14. Kinh phí bảo đảm

1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí hàng năm cho công tác đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) xem xét, quyết định.

2. Kinh phí tổ chức đặt biển tên đường, phố, công trình công cộng do Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã đảm nhiệm.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức hữu quan triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Điều 16. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng sẽ được động viên, khen thưởng kịp thời theo chế độ thi đua khen thưởng hiện hành của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Giải quyết vướng mắc và sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình triển khai và thực hiện Quy chế nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cấp, các ngành phản ánh kịp thời về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời./.