Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2016/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 23 tháng 3 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA,XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Đê điều ngày 29/11/2006; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/ 2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đê điều; Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng chống lụt bão; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2016.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Nguyễn Dương Thái

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
 (Kèm theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về trách nhiệm, nội dung phối hợp trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều (sau đây gọi tắt là vi phạm) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về đê điều, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác tuyên truyền, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Tuân thủ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đê điều, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành, Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm, đảm bảo quy định của pháp luật các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm

1. Các sở, ngành có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đê điều và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nghiên cứu, đề xuất, triển khai các biện pháp, giải pháp công trình và phi công trình nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều;

b) Giao Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt, bão (sau đây viết tắt là Chi cục QLĐĐ&PCLB) thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về đê điều và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Hạt Quản lý đê các huyện, thành phố, thị xã (sau đây viết tắt là Hạt Quản lý đê các huyện) tham mưu cho UBND cấp huyện, hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; phát các tin, bài về vi phạm và xử lý vi phạm trên hệ thống thông tin của địa phương.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện: Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn ; chỉ đạo UBND cấp xã định kỳ thông tin, phổ biến pháp luật về đê điều tới nhân dân, nhất là các hộ dân ven đê; phát các tin, bài về vi phạm và xử lý vi phạm đê điều trên đài truyền thanh, hệ thống thông tin của địa phương; tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích trong công tác bảo vệ đê điều, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng, đặc biệt là nhân dân ven đê và các đối tượng có hoạt động liên quan đến đê điều; tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng và quản lý, bảo vệ đê điều; biểu dương những tấm gương làm tốt, phê phán, đấu tranh với vi phạm.

Điều 4. Kiểm tra, phát hiện, tiếp nhận và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều phải thông báo ngay cho cơ quan nhà nước quản lý đê điều, UBND nơi xảy ra vi phạm hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý.

Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan nhà nước quản lý đê điều, lực lượng công an, các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi thông tin về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra thuộc phạm vi, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Kiến nghị UBND cấp huyện có biện pháp xử lý và báo cáo UBND tỉnh đối với các vi phạm mà Chi cục QLĐĐ&PCLB đã kiến nghị UBND cấp huyện xử lý nhưng vi phạm vẫn tiếp tục tồn tại, gia tăng hoặc quá thời hạn quy định chưa được xử lý;

b) Báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý với UBND tỉnh, Tổng cục Thủy lợi đối với các vi phạm nghiêm trọng hoặc kéo dài chưa được xử lý;

c) Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục QLĐĐ&PCLB xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; thực hiện công tác quản lý nhà nước về đê điều trên địa bàn tỉnh và tham mưu cho UBND tỉnh việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Công an tỉnh: Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an cấp huyện, công an cấp xã thực hiện:

a) Phối hợp với Chi cục QLĐĐ&PCLB, Hạt Quản lý đê các huyện kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật về đê điều và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

b) Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin, phản ánh về hành vi vi phạm ,tùy theo nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, người có thẩm quyền của công an các cấp có quyết định xử phạt hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và tổ chức thực hiện theo quy định; trường hợp đối tượng vi phạm không tự nguyện thực hiện phải tổ chức cưỡng chế thi hành theo quy định; trường hợp tính chất, mức độ vi phạm vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý với người có thẩm quyền để xử lý;

c) Xử lý hình sự theo thẩm quyền các vụ vi phạm khi tiếp nhận hoặc phát hiện theo quy định;

d) Có trách nhiệm cử lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn, ngăn chặn các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND các cấp hoặc người có thẩm quyền khi được yêu cầu;

đ) Kiểm tra, xử lý các xe có tải trọng vượt quá tải trọng được đi trên đê theo quy định.

4. Sở Giao thông vận tải:

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND cấp huyện trong việc xử lý vi phạm tại các vị trí chồng lấn hành lang bảo vệ đê điều và hành lang an toàn đường bộ;

b) Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục QLĐĐ&PCLB kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các phương tiện vi phạm vượt quá tải trọng được đi trên đê khi có đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp cắm biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê kết hợp làm đường giao thông.

5. Thanh tra tỉnh:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh theo quy định.

6. Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt, bão:

a) Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của quy chế này;

b) Sau khi nhận được báo cáo của Hạt Quản lý đê tại Mục d, Khoản 2 Điều này, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, phải tổ chức kiểm tra hiện trường, có văn bản kiến nghị xử lý vi phạm với UBND cấp huyện và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Trường hợp đã kiến nghị UBND cấp huyện xử lý mà vi phạm vẫn tiếp diễn hoặc quá thời hạn xử lý theo quy định nhưng vẫn chưa được xử lý thì báo cáo, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND cấp huyện xử lý vi phạm và báo cáo UBND tỉnh;

d) Trong quá trình xử lý, tuỳ theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền và quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện công tác quản lý nhà nước về đê điều: Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác xử lý vi phạm trên địa bàn tỉnh; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thống kê, báo cáo công tác xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

7. Hạt Quản lý đê các huyện:

a) Chủ động kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm trên địa bàn quản lý và xử lý theo quy định; khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về hành vi vi phạm phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, buộc chấm dứt hành vi vi phạm và báo UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm để phối hợp ngăn chặn, xử lý, đồng thời có quyết định tạm đình chỉ và có văn bản kiến nghị xử lý với UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm, báo cáo UBND cấp huyện, Chi cục QLĐĐ&PCLB theo quy định của Luật Đê điều;

b) Phối hợp với UBND cấp xã và tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB trong việc lập hồ sơ vi phạm hành chính, xác định cụ thể về điều khoản vi phạm, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thời gian khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm; giám sát, kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền quá trình xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý; tổng hợp, báo cáo công tác xử lý vi phạm định kỳ, kiến nghị xử lý vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn quản lý theo quy định;

c) Trường hợp đã kiến nghị UBND cấp xã xử lý mà hành vi vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra hoặc đã quá thời hạn quy định (trong quyết định xử lý của Chủ tịch UBND cấp xã) nhưng vẫn chưa được xử lý, vẫn tồn tại vi phạm thì ngoài việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, chậm nhất trong thời hạn ba (03) ngày làm việc phải có văn bản báo cáo, kiến nghị biện pháp xử lý với UBND cấp huyện và báo cáo Chi cục QLĐĐ&PCLB;

d) Trường hợp đã kiến nghị UBND cấp huyện xử lý mà vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra hoặc quá thời hạn quy định (trong quyết định xử lý của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc của người có thẩm quyền khác) nhưng vẫn chưa được xử lý, vẫn tồn tại vi phạm thì Hạt quản lý đê phải có văn bản báo cáo Chi cục QLĐĐ&PCLB kiến nghị xử lý theo quy định.

8. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc phòng ngừa, chủ trì xử lý vi phạm trên địa bàn; phối hợp, trao đổi thông tin công tác quản lý, xử lý vi phạm đê điều với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan theo quy định;

b) Sau khi nhận được thông tin kiến nghị, báo cáo về hành vi vi phạm của UBND cấp xã, của cơ quan quản lý nhà nước (quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều này) hoặc qua các kênh thông tin khác, UBND cấp huyện chủ trì, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, quyết định biện pháp xử lý và tổ chức thực hiện, đảm bảo ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm;

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm Chủ tịch UBND cấp huyện có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và tổ chức thực hiện theo quy định; trường hợp đối tượng vi phạm không tự nguyện thực hiện phải tổ chức cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật;

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì Chủ tịch UBND cấp huyện chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý theo quy định;

c) Báo cáo kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý với UBND tỉnh đối với các vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Chủ tịch UBND cấp huyện;

d) Thực hiện nghiêm các nội dung phối hợp thực hiện các quyết định xử phạt, cưỡng chế vi phạm trên địa bàn huyện của người có thẩm quyền khác theo quy định;

đ) Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác trong công tác quản lý, xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn huyện theo quy định (kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về vi phạm và trách nhiệm xử lý vi phạm của cấp, người có thẩm quyền).

e) Việc quản lý, xử lý vi phạm thuộc khu vực giáp ranh giữa các huyện, các xã: Trường hợp đê điều do địa phương này quản lý nhưng đất đai lại do địa phương khác quản lý, khi vi phạm xảy ra trên đất thuộc địa phương nào quản lý thì địa phương đó chủ trì xử lý; địa phương quản lý đoạn đê có vi phạm phải kiểm tra, phát hiện và phối hợp xử lý.

9. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, chủ trì xử lý vi phạm trên địa bàn theo quy định; chủ động động kiểm tra, tiếp nhận thông tin, phát hiện kịp thời các vi phạm để xử lý; phối hợp, trao đổi thông tin về các mặt trong công tác quản lý, xử lý vi phạm đê điều với Hạt Quản lý đê các huyện và các cơ quan liên quan theo quy định;

b) Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm hoặc nhận được báo cáo, kiến nghị của Hạt Quản lý đê các huyện quy định tại Mục a, Khoản 2, Điều này, UBND cấp xã chủ động thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Hạt Quản lý đê kiểm tra hiện trường, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, buộc chấm dứt hành vi vi phạm, không để vi phạm gia tăng;

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và tổ chức thực hiện theo quy định; trường hợp đối tượng vi phạm không tự nguyện thực hiện thì tổ chức cưỡng chế thi hành theo quy định;

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, Chủ tịch UBND cấp xã chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý theo quy định;

c) Báo cáo kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý với UBND cấp huyện đối với các vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Chủ tịch UBND cấp xã;

d) Thực hiện nghiêm nội dung phối hợp thực hiện các quyết định xử phạt, cưỡng chế vi phạm trên địa bàn xã của người có thẩm quyền theo quy định.

Điều 5. Cưỡng chế, khắc phục hậu quả

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:

Khi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND cấp xã không được đối tượng vi phạm tự nguyện chấp hành, Chủ tịch UBND cấp xã ra Quyết định và chủ trì tổ chức thực hiện cưỡng chế; trình tự thủ tục cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Khi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND cấp huyện (hoặc Chủ tịch UBND cấp xã) không được đối tượng vi phạm tự nguyện chấp hành, Chủ tịch UBND cấp huyện ra Quyết định và chủ trì tổ chức thực hiện cưỡng chế; trình tự thủ tục cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật

3. Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB:

a) Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả theo thẩm quyền; trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật (lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, đề nghị UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm huy động lực lượng, phương tiện, đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp và tổ chức thực hiện);

b) Chỉ đạo Hạt quản lý đê các huyện phối hợp thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, khắc phục hậu quả các hành vi vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn theo quy định.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Chỉ đạo Chi cục QLĐĐ&PCLB phối hợp thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, khắc phục hậu quả các hành vi vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh của người có thẩm quyền theo quy định;

c) Giao Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả theo thẩm quyền; trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện theo quy định.

5. Công an tỉnh:

a) Các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện, Công an cấp xã có trách nhiệm phối hợp, xây dựng kế hoạch, biện pháp, huy động lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền khi được yêu cầu;

b) Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đê điều thuộc lực lượng công an: Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả của mình và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định của pháp luật: Chủ trì, lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng của Công an, của địa phương nơi xảy ra vi phạm, dự trù kinh phí, đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp và tổ chức thực hiện theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết./.