Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:  04/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA ỦY BAN DÂN TỘC

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP , ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP , ngày 09 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg , ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban Dân tộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Người phát ngôn của Ủy ban Dân tộc và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
- VP TW, các Ban của Đảng;
- VP Chính phủ;
- HĐ Dân tộc QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan TW của các Đoàn thể;
- Các cơ quan báo, đài TW;
- Bộ trưởng, CN, các PCN UBDT;
- Các đơn vị trực thuộc UBDT;
- Ban Dân tộc các tỉnh;
- Lưu VT, VTT (3b)

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Giàng Seo Phử

 

QUY CHẾ

PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA ỦY BAN DÂN TỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/QĐ-UBDT, ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc).

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Quy chế này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban Dân tộc theo các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành.

Điều 2. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban Dân tộc (sau đây gọi là Người phát ngôn) là Chánh Văn phòng Ủy ban hoặc người được Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về lĩnh vực công tác dân tộc.

Họ tên, chức vụ của Người phát ngôn được Ủy ban Dân tộc công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

2. Trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban trực tiếp phát ngôn hoặc ủy quyền cho người khác có trách nhiệm thuộc Ủy ban Dân tộc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao.

3. Chỉ có Người phát ngôn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của điểm này mới được nhân danh Ủy ban Dân tộc trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Những trường hợp không được giao nhiệm vụ phát ngôn thì không được nhân danh Ủy ban để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

4. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Dân tộc được báo chí đề nghị trả lời phỏng vấn phải báo cáo, xin phép Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc bằng văn bản (trình bày rõ nội dung phỏng vấn) và chỉ được trả lời phỏng vấn khi Lãnh đạo đồng ý. Việc cung cấp thông tin cho báo chí phải tuân thủ các quy định về đảm bảo bí mật Nhà nước, bí mật công vụ và chính xác, trung thực, khách quan. Những trường hợp khác, người trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin cho báo chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà mình đã cung cấp.

Điều 3. Tiêu chuẩn của Người Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Người được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

1. Là cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế chính thức, đang công tác tại Ủy ban Dân tộc, giữ chức vụ Vụ trưởng hoặc tương đương.

2. Có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan.

3. Có am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc của Ủy ban Dân tộc; nắm chắc đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định của pháp luật về báo chí.

4. Có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí.

Chương 2.

PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ

Điều 4. Phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ

1. Ủy ban Dân tộc tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về các nội dung chủ yếu sau:

a) Phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên quan điểm: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.

b) Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

c) Kế hoạch, chương trình công tác dân tộc, các văn bản chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.

d) Thông tin định hướng về lĩnh vực công tác dân tộc; tình hình hoạt động của Ủy ban Dân tộc và kết quả thực hiện chính sách các chương trình, dự án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

2. Ủy ban Dân tộc tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí thông qua các hình thức sau:

a) Định kỳ 3 tháng một lần cung cấp thông tin cho báo chí trên Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc (http://www.cema.gov.vn).

b) Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Việc tổ chức họp báo thực hiện theo quy định của pháp luật.

c) Khi thấy cần thiết, Người phát ngôn hay người được Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy quyền sẽ cung cấp thông tin cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí do Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức.

3. Các nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và phải được Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc phê duyệt.

Điều 5. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường

Người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:

1. Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng gây tác động lớn trong xã hội, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc, nhằm định hướng dư luận và cảnh báo kịp thời trong xã hội; thông tin làm rõ quan điểm của Ủy ban Dân tộc đối với các sự kiện, vấn đề đó.

Trong trường hợp vụ việc xảy ra ở vùng dân tộc thiểu số cần có ngay ý kiến ban đầu của Ủy ban Dân tộc; thì Người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí hoặc trong thời gian chậm nhất là 02 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.

2. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc được nêu trên báo chí.

3. Khi có căn cứ về việc báo chí đăng tin thông tin sai sự thật về lĩnh vực công tác dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc quản lý, thì Người phát ngôn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

4. Việc tổ chức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường được thực hiện thông qua các hình thức:

a) Thông tin trên Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc.

b) Họp báo.

c) Thông tin bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho báo chí.

Điều 6. Quyền và trách nhiệm của Người phát ngôn

1. Người phát ngôn được nhân danh, đại diện cho Ủy ban Dân tộc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Thông tin do Người phát ngôn cung cấp là thông tin chính thức của Ủy ban Dân tộc.

Các cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin được cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên Người phát ngôn của Ủy ban Dân tộc theo quy định hiện hành.

2. Người phát ngôn có quyền yêu cầu các Vụ, đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin để tổng hợp cho việc phát ngôn và thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy chế này.

3. Người phát ngôn có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về nội dung phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trước khi công bố.

4. Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau:

a) Những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn.

b) Những thông tin liên quan đến các vụ án đang được điều tra, các vụ việc đang trong quá trình thanh tra hoặc khi chưa có kết luận chính thức của cấp có thẩm quyền; trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí về những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

c) Những văn bản về chính sách dân tộc, đề án, chương trình thuộc lĩnh vực công tác dân tộc đang trong quá trình soạn thảo chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

d) Những vụ việc xảy ra ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới liên quan đến an ninh quốc gia, mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

5. Người phát ngôn có trách nhiệm đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ủy quyền người khác thay thế trong thời gian mình vắng mặt hoặc các trường hợp cần thiết khác.

6. Người phát ngôn chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.

7. Hoạt động của Người phát ngôn tuân theo Luật Báo chí và các quy định của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác tư tưởng, thông tin cho báo chí và theo quy định tại Quy chế này.

Điều 7. Trách nhiệm tổng hợp, cung cấp thông tin cho Người phát ngôn

1. Văn phòng Ủy ban Dân tộc là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm tổng hợp và cung cấp thông tin phục vụ cho Người phát ngôn.

2. Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, Ban dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các nội dung thông tin phục vụ việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đề nghị của Người phát ngôn

3. Trung tâm Thông tin, Báo Dân tộc và Phát triển có trách nhiệm đăng nội dung thông tin của Người phát ngôn cung cấp cho báo chí trên Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc và Báo dân tộc và Phát triển.

4. Vụ Hợp tác Quốc tế và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Người phát ngôn trong việc tổng hợp, xử lý thông tin hoạt động đối ngoại về lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp cần thiết.

5. Thủ trưởng các đơn vị cung cấp thông tin chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng, Chủ nhiệm về nội dung và tính chính xác, trung thực của thông tin do đơn vị mình cung cấp cho Người phát ngôn.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Văn phòng Ủy ban có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Tuyên truyền duy trì việc liên lạc thường xuyên với các cơ quan báo chí, tổ chức họp báo định kỳ và đột xuất để Người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện quy chế, định kỳ báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, Trưởng Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Quy chế này với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình; kịp thời phản ánh với Ủy ban Dân tộc (thông qua Văn phòng) những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Người phát ngôn phối hợp với Thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc để thực hiện nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định tại Quy chế này.

Điều 9. Xử lý vi phạm

Các cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ủy ban Dân tộc, nếu vi phạm các quy định tại Quy chế này, thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.