Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 05/2008/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 31 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ CỦA TỈNH VĨNH LONG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, ngày 14/11/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
Căn cứ Nghị định số 24/2007/NĐ-CP, ngày 14/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Khoa học - Công nghệ, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh Vĩnh Long và các sở, ngành chức năng có liên quan hướng dẫn cụ thể để các ngành, các cấp và các chủ dự án đầu tư triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 2104/2005/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 9 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học - Công nghệ, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện - thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và đăng Công báo tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Đấu

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ CỦA TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cam kết thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ngoài các chính sách chung của nhà nước, trong phạm vi, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, tỉnh quy định các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh theo các điều khoản của Quy định này.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long thực hiện đầy đủ, thuận lợi, nhanh chóng và ổn định chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh. Trong các trường hợp những quy định mới của tỉnh thay đổi không có lợi cho các nhà đầu tư đang thực hiện các quy định của Văn bản này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long bảo đảm cho nhà đầu tư được tiếp tục hưởng các ưu đãi theo quy định đối với thời gian còn lại của dự án theo giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư đã cấp. Trong các trường hợp những quy định mới thuận lợi, ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư so với các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư của Quy định này thì được áp dụng theo các quy định mới.

Điều 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long quản lý đầu tư trên địa bàn (ngoài khu công nghiệp tập trung và tuyến công nghiệp Cổ Chiên), có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các chủ đầu tư… thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư.

Điều 4. Ban Quản lý các khu công nghiệp là đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long quản lý đầu tư trong các khu công nghiệp tập trung và tuyến công nghiệp Cổ Chiên theo quy hoạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư trong các khu công nghiệp, tuyến công nghiệp Cổ Chiên (việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên do Ban Quản lý các khu công nghiệp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp theo đúng quy định).

Điều 5. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư.

Chương 2:

CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Mục I . NHỮNG CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ ƯU ĐÃI CHUNG CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Điều 6. Quyền của nhà đầu tư

1. Các nhà đầu tư được quyền lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, địa bàn đầu tư phù hợp theo quy hoạch, quy mô đầu tư, đối tác đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án, trực tiếp xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu; tiêu thụ sản phẩm và các quyền khác theo quy định của pháp luật đầu tư.

2. Đăng ký kinh doanh một hoặc nhiều ngành, nghề; thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tự quyết định về hoạt động đầu tư, kinh doanh đã đăng ký.

3. Được các cơ quan chức năng của địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và cung cấp nhanh chóng, kịp thời các thông tin về quy hoạch, địa bàn, danh mục dự án đầu tư, danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và các số liệu, thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của nhà đầu tư trong phạm vi pháp luật cho phép.

Điều 7. Ưu đãi đầu tư:

1. Các nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan như: Thuế các loại; ưu đãi về sử dụng đất; khấu hao tài sản...

2. Nhà đầu tư căn cứ vào các ưu đãi và điều kiện ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật để tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao:

1. Nếu công ty đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật có yêu cầu thì tuỳ theo điều kiện của từng khu chế xuất; khu công nghệ cao; khu công nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long sẽ đáp ứng yêu cầu về đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: Hệ thống điện; hệ thống cấp nước; hệ thống thoát nước; đường giao thông, đến bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

2. Các dự án đầu tư trong cụm, tuyến công nghiệp theo quy hoạch, thì nhà đầu tư phải bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có) cho người bị mất đất, sau đó được trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất nếu dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Tuỳ theo dự án cụ thể mà Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long xem xét hỗ trợ một phần chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: Hệ thống điện; hệ thống cấp nước; hệ thống thoát nước; đường giao thông đến ngoài hàng rào của doanh nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa không quá tổng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của dự án.

3. Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp (doanh nghiệp đầu tư trước thay cho tỉnh); doanh nghiệp sẽ được Uỷ ban nhân dân tỉnh thanh toán lại bằng cách khấu trừ dần tiền thuê đất; tiền sử dụng đất hoặc trả dần giá trị đầu tư công trình cho nhà đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày công trình hoàn thành và được nghiệm thu cùng với lãi suất kỳ hạn 5 năm (lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ở thời điểm công trình hoàn thành), nhưng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá tổng số tiền sử dụng đất hoặc thuê đất phải nộp của dự án.

4. Việc đầu tư, kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu chế xuất, khu công nghiệp cao, khu, tuyến, cụm công nghiệp được thực hiện bởi một hoặc nhiều nhà đầu tư; phải đảm bảo phù hợp và thống nhất với quy hoạch chi tiết xây dựng khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu, tuyến, cụm công nghiệp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Đền bù giải phóng mặt bằng:

1. Các dự án do nhà đầu tư tự chọn địa điểm để thuê đất thô hoặc xin giao đất để đầu tư theo mục tiêu của nhà đầu tư và phù hợp với quy hoạch được duyệt, nhà đầu tư sẽ được Uỷ ban nhân dân các cấp hỗ trợ khâu tổ chức xác định chi phí đền bù, tái định cư theo chính sách chung và tổ chức giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư hoàn trả toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện theo tiến độ. Ngoài ra, tỉnh còn chủ động thu hồi đất của một số cụm công nghiệp, thực hiện đền bù giải toả để tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư.

2. Trường hợp nhà đầu tư tự thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với chủ sử dụng đất được thực hiện theo cơ chế như sau:

a) Trường hợp thuộc diện nhà nước thu hồi đất:

- Đất dự án phát triển kinh tế thuộc diện nhà nước thu hồi mà nhà đầu tư đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho thực hiện theo phương thức tự thoả thuận với những người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

- Sau một trăm tám mươi (180) ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận mà còn 10% (mười) số người sử dụng đất không đồng thuận với nhà đầu tư thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi diện tích đất mà nhà đầu tư chưa thoả thuận được với người sử dụng đất.

- Giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có) đối với diện tích đất do Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi được tính bằng giá do nhà đầu tư đã thoả thuận với người sử dụng đất chấp thuận bồi thường tuỳ theo nhóm đất và khu vực theo quy định.

b) Trường hợp không thuộc diện nhà nước thu hồi đất:

Trường hợp nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất thì Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm hỗ trợ nhà đầu tư như sau:

- Chỉ đạo việc cung cấp các văn bản về chính sách, pháp luật, các hồ sơ về thửa đất có liên quan đến việc thoả thuận.

- Chủ trì việc tiến hành thoả thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất nếu có đề nghị của một hoặc các bên có liên quan.

- Chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục về chuyển nhượng, thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

3. Đối với các dự án đầu tư (như phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này) và các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu, tuyến, cụm công nghiệp chọn địa điểm thuê đất thô hoặc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để đầu tư theo mục tiêu của quy hoạch, ngoài việc được hưởng ưu đãi theo khoản 1, khoản 2 của Điều này còn được tỉnh xem xét hỗ trợ thêm kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng hoặc san lắp mặt bằng từ nguồn tiền thuê đất, sử dụng đất phải nộp (mức hỗ trợ theo các tiêu chí nêu trên chỉ được thực hiện 1 lần/dự án và tối đa không vượt quá tiền thuê đất hoặc sử dụng đất phải nộp).

Trong thời gian không quá 20 ngày (hai mươi) kể từ khi nhà đầu tư trả đủ toàn bộ chi phí đền bù, giải phóng xong mặt bằng và cung cấp đủ hồ sơ hợp lệ xin giao đất hoặc thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành thủ tục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định hiện hành.

Trong thời gian 12 tháng (mười hai) tính từ ngày nhận bàn giao đất nếu nhà đầu tư không triển khai dự án, tỉnh sẽ thu hồi lại đất đã giao cùng với mức tiền phạt bằng 2 lần chi phí đã bỏ ra để hoàn thành thủ tục thuê đất, giao đất của dự án đó. Riêng đối với các dự án thực hiện trên đất của nhà đầu tư nếu quá thời gian 06 tháng kể từ khi có đăng ký đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không triển khai dự án thì sẽ bãi bỏ dự án đó.

Điều 10. Trường hợp chuyển nhượng dự án:

Trong thời gian thực hiện, nếu phát sinh chuyển nhượng dự án phù hợp với mục tiêu quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư đã chi và tiền thuê đất nộp trước còn lại (nếu có) do hai bên tự thoả thuận. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các ngành có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư mới làm các thủ tục giao đất hoặc thuê đất kể từ ngày hoàn thành chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới và các thủ tục chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất. Giá thuê đất, tiền sử dụng đất còn lại tính theo giá tại thời điểm chuyển nhượng và số năm giao đất hoặc thuê đất còn lại chưa thanh toán.

Điều 11. Ưu đãi chi phí quảng cáo:

Trong vòng 03 (ba) năm, kể từ khi dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Long hoặc đầu tư vào địa bàn thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn do Chính phủ ban hành tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP đi vào hoạt động, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo sản phẩm theo Pháp lệnh Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh (Đài Phát thanh, Truyền hình và Báo Vĩnh Long) mức hỗ trợ tối đa không quá 02 triệu đồng/lần và tối đa 06 lần/năm.

Điều 12. Kinh phí xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Long hoặc vào địa bàn huyện Trà Ôn (thông qua Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư) khi tham gia hội chợ, triển lãm để tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đối với quảng bá thương hiệu mức hỗ trợ là 70% theo quy định tại điểm 1.6 Phần II Thông tư 86/2002/TT-BTC, ngày 27/9/2002 của Bộ Tài chính, nội dung chương trình được hỗ trợ quy định tại Điều 9 trong quy chế ban hành kèm theo Quyết định 279/2005/QĐ-TTg, ngày 03/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nếu tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh kể cả cán bộ công chức đang công tác tại các cơ quan nhà nước, Đảng và đoàn thể (trừ những cán bộ, công chức có trách nhiệm trực tiếp ở Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp), các viên chức thuộc các doanh nghiệp có công trong việc kêu gọi đầu tư và vận động, cùng xúc tiến các công việc cần thiết để dự án của các nhà đầu tư ngoài tỉnh và ngoài nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư, khi dự án triển khai xây dựng và hoàn thành cơ bản đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được Uỷ ban nhân dân tỉnh thưởng bằng 0,2% tổng số vốn xây dựng và thiết bị của dự án được quyết toán (thông qua Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư). Với mức thưởng bằng tiền được quy định như sau:

- Đối với các dự án có vốn đầu tư trong nước (nhà đầu tư ngoài tỉnh): Mức thưởng tối đa không quá 60 triệu đồng/dự án.

- Đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ tính 3 hình thức đầu tư như: Hợp đồng hợp tác kinh doanh, 100% vốn nước ngoài và liên doanh): Mức thưởng tối đa không quá 15.000 USD/dự án.

Điều 13. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

1. Đối tượng được hỗ trợ đào tạo:

- Các dự án, các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuộc phụ lục danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Long.

- Các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế.

- Các dự án đầu tư vào địa bàn huyện Trà Ôn.

2. Hình thức và kinh phí hỗ trợ đào tạo:

a) Hỗ trợ mở các lớp đào tạo ngắn ngày:

Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức mở các lớp bồi dưỡng tập trung ngắn ngày để hỗ trợ các doanh nghiệp như sau:

- Lớp maketing, nghiên cứu thị trường, nghiệp vụ,…

- Kiến thức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO.

- Kiến thức quản lý và điều hành doanh nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp.

- Kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế và WTO...

b) Hỗ trợ đào tạo nghề:

* Các tiêu chí hỗ trợ đào tạo:

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có dự án, ngành nghề sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng theo khoản 1 nêu trên, nếu có nhu cầu đào tạo nghề sẽ được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo theo các tiêu chí như sau:

- Thời gian đào tạo theo khoá (khoá từ 1 - 3 tháng và khoá từ 4 - 6 tháng).

- Ngành nghề đào tạo gồm: Các ngành nghề mà trung tâm đào tạo của tỉnh hoặc của huyện có khả năng đào tạo.

- Số lượng lao động đào tạo tối đa không quá 200 lao động/1doanh nghiệp/năm và mỗi lao động chỉ được đào tạo 1 lần trong suốt thời gian làm việc tại doanh nghiệp.

- Kế hoạch, nội dung kinh phí cụ thể và nhu cầu đào tạo nghề theo đề nghị của các doanh nghiệp sẽ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Kinh phí đào tạo nghề hàng năm sẽ giao cho các trung tâm dạy nghề của tỉnh hoặc huyện quản lý, thực hiện trên cơ sở dự toán do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập, Sở Tài chính thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

* Mức kinh phí hỗ trợ đào tạo:

- Lao động đào tạo với thời gian từ 1 - dưới 3 tháng thì mức kinh phí nhà nước hỗ trợ tối đa là 300.000đ/người/khoá.

- Lao động đào tạo với thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng thì mức kinh phí nhà nước hỗ trợ tối đa là 500.000đ/người/khoá.

- Phần kinh phí đào tạo còn lại (nếu có) do các doanh nghiệp có lao động đi đào tạo tự cân đối và chi trả cho các trung tâm đào tạo của tỉnh hoặc của huyện, thị.

Điều 14. Ưu đãi về thuê đất chưa đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật (đất thô), giao đất có thu tiền và thuê lại đất ở trong các khu, tuyến, cụm công nghiệp:

1. Về thuê đất thô và giao đất có thu tiền sử dụng đất:

Giá thuê đất thô, miễn giảm tiền thuê đất thô và giá giao đất có thu tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất ở trong các khu, tuyến, cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Về thuê lại đất:

Giá thuê lại đất, miễn giảm tiền thuê lại đất (nếu có) ở trong các khu, tuyến, cụm công nghiệp sẽ do các đơn vị kinh doanh cơ sở hạ tầng trong các khu, tuyến, cụm công nghiệp ban hành và thoả thuận với các nhà đầu tư.

Điều 15. Áp dụng giá, phí, lệ phí thống nhất:

Trong quá trình hoạt động đầu tư tại Vĩnh Long, các nhà đầu tư trong và ngoài nước được áp dụng thống nhất giá, phí, lệ phí đối với hàng hoá, dịch vụ do nhà nước kiểm soát.

Mục II. NHỮNG ƯU ĐÃI CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC

Điều 16. Kinh phí chuẩn bị đầu tư:

Các nhà đầu tư trong nước sẽ được hỗ trợ 50% chi phí lập dự án và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (khi dự án đi vào hoạt động), nếu đầu tư vào ngành nghề và lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, trên cơ sở hợp đồng tư vấn với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Vĩnh Long hoặc với đơn vị tư vấn khác, nhưng phải được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định về chi phí tư vấn và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định mức chi phí lập dự án và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật được áp dụng theo Văn bản số 1751/BXD-VP, ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình với mức hỗ trợ tối đa là 150 triệu đồng/dự án.

Mục III. NHỮNG ƯU ĐÃI CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 17. Kinh phí lập các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và dự án đầu tư:

Các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề và lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long sẽ được hỗ trợ (100%) chi phí lập các hồ sơ, thủ tục cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chi phí lập dự án đầu tư (trừ các chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng theo Điều 9 của Quy định này và chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), khi dự án đi vào hoạt động, trên cơ sở hợp đồng tư vấn với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Vĩnh Long hoặc với đơn vị tư vấn khác, nhưng phải được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định về chi phí tư vấn và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Định mức chi phí lập dự án và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật được áp dụng theo Văn bản số 1751/BXD-VP, ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình với mức hỗ trợ tối đa là 300 triệu đồng/dự án.

Các thủ tục thanh toán chi phí hỗ trợ sẽ được quy định cụ thể theo quy định quản lý sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư và xúc tiến thương mại.

Điều 18. Ưu đãi về cấp thị thực, xuất nhập cảnh:

Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư, chuyên gia và lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc thường xuyên tại dự án được đầu tư ở Vĩnh Long, các thành viên gia đình họ được cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh nhiều lần, thời hạn của thị thực tối đa là 5 năm cho mỗi lần cấp.

Điều 19. Ưu đãi về lĩnh vực đầu tư có điều kiện:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư trong các lĩnh vực không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhưng trong quá trình hoạt động, lĩnh vực đã đầu tư được bổ sung vào danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư vẫn được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đó.

Chương 3:

CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ

Mục I . THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI CÁC CƠ QUAN

Điều 20. Cơ quan đầu mối:

Tất cả các nội dung có liên quan đến thủ tục thành lập, triển khai thực hiện dự án và các khó khăn, vướng mắc phát sinh cần xử lý được tập trung giải quyết theo cơ chế một cửa, nhà đầu tư không phải đi nhiều nơi. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, quản lý nhà nước giải quyết hoặc phối hợp với các ngành giải quyết, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đối với dự án đầu tư trong và ngoài nước ở ngoài các khu công nghiệp tập trung, tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Đối với các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp tập trung, tuyến công nghiệp Cổ Chiên sẽ do Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long làm đầu mối giải quyết và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 21. Công tác dịch vụ:

Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long thực hiện cơ chế "một cửa" cho các nhà đầu tư trong việc thành lập doanh nghiệp, cấp mã số thuế, khắc con dấu, cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm dịch vụ cho nhà đầu tư về tư vấn đầu tư và xây dựng, lập dự án đầu tư, thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư và tư vấn thương mại theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Mục II. ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC

Điều 22. Thời gian thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư:

1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư thời gian thực hiện thẩm tra hồ sơ như khoản 1 Điều 25 của Quy định này.

2. Đối với dự án điều chỉnh và thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư thời gian thực hiện thẩm tra như khoản 2 Điều 25 của Quy định này.

Điều 23. Đăng ký kinh doanh:

Thực hiện cơ chế phối hợp giữa các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an tỉnh về thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã; Luật Doanh nghiệp nhà nước tập trung một đầu mối tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư góp phần thu hút đầu tư để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; giảm thiểu thời gian và chi phí cho việc thành lập mới doanh nghiệp, thành lập chi nhánh, thành lập văn phòng đại diện của tổ chức và công dân. Được thực hiện như sau:

1. Trường hợp đăng ký kinh doanh thành lập mới:

Từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến trả kết quả giải quyết trong thời hạn tối đa không quá 08 (tám) ngày làm việc.

- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời chuyển hồ sơ đăng ký thuế của doanh nghiệp tới Cục Thuế tỉnh và chuyển hồ sơ giải quyết khắc dấu tới Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh để khắc dấu, cấp con dấu và chứng nhận đăng ký mẫu dấu.

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế của doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh chuyển kết quả giải quyết đăng ký thuế đến Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Trong thời hạn 04 (bốn) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh gởi kết quả giải quyết (con dấu và chứng nhận đăng ký mẫu dấu) đến Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Trường hợp đăng ký kinh doanh thành lập chi nhánh, văn phòng đại điện, đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký kinh doanh dẫn tới thay đổi nội dung đăng ký thuế, thay đổi mẫu dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện:

Từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến trả kết quả giải quyết trong thời hạn tối đa không quá 07 (bảy) ngày làm việc.

- Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện; đồng thời chuyển hồ sơ đăng ký thuế, khắc dấu hoặc thay đổi đăng ký thuế, mẫu dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện tới Cục Thuế tỉnh và tới Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh để làm thủ tục đăng ký thuế, khắc dấu, cấp con dấu và chứng nhận đăng ký mẫu dấu hoặc thay đổi đăng ký thuế, mẫu dấu và chứng nhận đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc hồ sơ thay đổi đăng ký thuế, mẫu dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, Cục Thuế tỉnh chuyển kết quả giải quyết cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Trong thời hạn 04 (bốn) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thay đổi của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh gởi kết quả giải quyết (con dấu và chứng nhận đăng ký mẫu dấu) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký kinh doanh dẫn tới phải thay đổi đăng ký thuế nhưng không làm thay đổi mẫu dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện:

Từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến trả kết quả giải quyết trong thời hạn tối đa không quá 07 (bảy) ngày làm việc.

- Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thay đổi của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; đồng thời chuyển hồ sơ thay đổi đăng ký thuế của doanh nghiệp tới Cục Thuế tỉnh.

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thay đổi đăng ký thuế của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; Cục Thuế tỉnh chuyển kết quả giải quyết đăng ký thuế đến Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Nhà đầu tư trong nước có yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đồng thời với thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thì thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư có nội dung bao gồm nội dung giấy chứng nhận đầu tư và nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 24. Đăng ký đầu tư, xác nhận ưu đãi đầu tư:

1. Dự án không phải đăng ký đầu tư:

Nhà đầu tư không phải đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 (mười lăm) tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nếu nhà đầu tư có nhu cầu được xác nhận ưu đãi đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư thì thực hiện đăng ký đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

2. Dự án phải đăng ký đầu tư:

- Nhà đầu tư trong nước phải đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ 15 (mười lăm) tỷ đồng Việt Nam đến dưới 300 (ba trăm) tỷ đồng Việt Nam và thuộc các trường hợp sau:

Dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư.

Dự án không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

- Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc xác nhận ưu đãi đầu tư thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư căn cứ vào nội dung văn bản đăng ký đầu tư để cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký đầu tư hợp lệ.

Mục III. ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 25. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng thuê đất:

1. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư mới:

* Đăng ký đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài:

Trong thời hạn 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp thành lập tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư) hợp lệ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đầu tư.

* Thẩm tra dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư:

- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của sở, ngành liên quan; trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.

- Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được hỏi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.

- Trong thời hạn 18 (mười tám) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư.

- Đối với dự án do Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong thời hạn 18 (mười tám) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý tổng hợp ý kiến các cơ quan được hỏi ý kiến để quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư.

2. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh:

* Đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư:

Trong thời hạn 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cấp mới hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

* Thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư:

Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư thẩm tra những nội dung điều chỉnh và cấp mới hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Trường hợp ra văn bản chấp thuận: Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Ban Quản lý các khu công nghiệp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra văn bản chấp thuận trong thời gian:

- Tối đa không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đối với các trường hợp: Mở chi nhánh giao dịch, văn phòng giao dịch, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, kho tàng, đại lý tiêu thụ sản phẩm...

- Tối đa không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đối với các trường hợp: Thay đổi địa điểm trụ sở, địa điểm đầu tư trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính...

4. Thủ tục hợp đồng thuê đất:

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… cho người được giao đất, thuê đất theo Điều 122, Điều 123 Luật Đất đai năm 2003.

Điều 26. Triển khai dự án, tổ chức sản xuất kinh doanh và điều hành doanh nghiệp:

1. Triển khai thực hiện dự án:

Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan hỗ trợ và xúc tiến giải quyết các thủ tục hành chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư như: Đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp; đăng ký trụ sở doanh nghiệp; khắc và đăng ký con dấu; mở tài khoản; thủ tục cung ứng lao động và giấy phép lao động; thủ tục xin xuất cảnh, nhập cảnh cho người nước ngoài; đăng ký hành nghề; đăng ký sử dụng phương tiện thông tin liên lạc; đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá, thành lập văn phòng điều hành, mở chi nhánh, văn phòng đại diện và các thủ tục hành chính khác… trong thời gian tối đa 07 (bảy) ngày làm việc cho một loại công việc.

2. Trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh và điều hành doanh nghiệp:

Trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh, góp vốn, mua cổ phần, chuyển đổi hình thức đầu tư theo quy định của Chính phủ thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cấp mới hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp:

Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh làm đầu mối phối hợp giải quyết (hoặc trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết) các vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc phạm vi tỉnh quản lý theo thẩm quyền và đề nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.

 Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp hoặc thông qua các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, lấy ý kiến đóng góp cho các giải pháp điều hành, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.

Điều 28. Xử lý vi phạm và khen thưởng:

- Nếu tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách thu hút đầu tư có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho các nhà đầu tư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường toàn bộ phần thiệt hại đã gây ra.

- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư thì được khen thưởng theo quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 29. Trách nhiệm của cơ quan đầu mối:

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện - thị xã tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc thực hiện Quy định này.

- Định kỳ hàng năm sơ kết, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện và những vấn đề mới phát sinh, vướng mắc cần xử lý giải quyết.

Điều 30. Phối hợp của các sở, ban, ngành, huyện - thị:

Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp cùng với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước và bố trí cán bộ đủ năng lực để làm công tác đầu tư. Đồng thời, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình cũng như có kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với các nhà đầu tư, dự án đầu tư như: Công tác tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn nguyên liệu, nguồn lao động,…

Điều 31. Áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được ưu đãi đầu tư theo Quyết định 2104/2005/QĐ-UBND, ngày 12/9/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh:

- Trường hợp các quy định mới theo Quy định này về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư của Vĩnh Long làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng theo Quyết định 2104/2005/QĐ-UBND, ngày 12/9/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh (nhưng không trái với quy định của Trung ương) thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm hưởng các ưu đãi như quy định tại Quyết định số 2104/2005/QĐ-UBND và giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư đã cấp.

- Trường hợp các quy định mới về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Long có các quyền lợi, ưu đãi cao hơn so với quyền lợi, ưu đãi mà nhà đầu tư đã được hưởng trước đó và theo Quyết định 2104/2005/QĐ-UBND thì nhà đầu tư được hưởng các quyền lợi, ưu đãi theo chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư mới của tỉnh Vĩnh Long.

Trường hợp các quy định ưu đãi mà Quy định này không đề cập, nhưng nhà đầu tư thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư thì thực hiện theo quy định tại các văn bản của Chính phủ.

Điều 32. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà đầu tư báo cáo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc 2 cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp để tháo gỡ, xử lý kịp thời. Đồng thời, Quy định này được cập nhật điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước. Các tổ chức, các cơ quan có liên quan xem xét, điều chỉnh lại những nội dung có liên quan của quy chế hoạt động của cơ quan mình cho phù hợp với các nội dung của Quy định này./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC LĨNH VỰC ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

1. Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo:

- Sản xuất các loại vật liệu xây dựng nhẹ.

- Sản xuất dụng cụ chỉnh hình, xe, dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh.

- Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, thiết bị thông tin, viễn thông, internet và sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.

- Sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện điện tử kỹ thuật cao; sản xuất sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số; cung cấp các dịch vụ phần mềm, nghiên cứu công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

- Đầu tư sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác; thiết bị, máy móc kiểm tra, kiểm soát an toàn quá trình sản xuất công nghiệp; rô bốt công nghiệp.

- Sản xuất: Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu bệnh; thuốc phòng, chữa bệnh cho động vật, thuỷ sản; thuốc thú y.

- Phát triển nguồn dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu.

- Đầu tư sản xuất và sửa chữa, đóng tàu thuỷ; thiết bị phụ tùng cho các tàu vận tải.

- Đầu tư sản xuất máy công cụ, máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, máy chế biến thực phẩm, thiết bị tưới tiêu.

2. Nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới:

- Đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thuỷ sản và thực phẩm.

- Sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp.

- Sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

- Dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

- Sản xuất giống nhân tạo, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới và có hiệu quả kinh tế cao.

- Nuôi trồng nông, thuỷ sản trên vùng nước chưa được khai thác.

3. Sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao:

- Sản xuất thiết bị xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường.

- Đầu tư xây dựng cơ sở, công trình kỹ thuật: Phòng thí nghiệm, trạm thí nghiệm nhằm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; đầu tư thành lập viện nghiên cứu.

- Thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.

4. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng:

- Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn.

- Xây dựng nhà máy nước, hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.

- Xây dựng, cải tạo cầu, đường bộ, bến cảng, nhà ga, bến xe, nơi đỗ xe.

5. Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục, thể thao và văn hoá dân tộc:

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các cơ sở giáo dục, đào tạo; đầu tư xây dựng trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo dân lập, tư thục ở các bậc học: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục đại học.

- Thành lập bệnh viện dân lập, bệnh viện tư nhân, lập trung tâm lão khoa, hoạt động cứu trợ tập trung, chăm sóc người tàn tật, trẻ mồ côi.

- Đầu tư xây dựng: Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao; nhà tập luyện; câu lạc bộ thể dục thể thao và đào tạo, huấn luyện thể thao cho người tàn tật; xây dựng cơ sở thể thao có thiết bị, phương tiện luyện tập và thi đấu đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế; cơ sở sản xuất, chế tạo, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện tập luyện thể dục thể thao.

- Đầu tư xây dựng: Khu du lịch quốc gia, khu du lịch sinh thái; khu công viên văn hoá có các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí.

6. Phát triển ngành nghề truyền thống:

Xây dựng và phát triển các ngành nghề truyền thống sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (trừ sản xuất kinh doanh gạch, ngói và gốm sứ), chế biến nông sản thực phẩm.

7. Những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác:

- Đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên và xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.

- Phát triển vận tải công cộng bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên; vận tải bằng phương tiện thuỷ nội địa chở khách hiện đại.

- Đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nội thị.

- Đầu tư xây dựng chợ loại I, loại II, khu triển lãm.

- Sản xuất đồ chơi trẻ em.

- Dự án đầu tư sản xuất trong các khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

8. Địa bàn ưu đãi đầu tư:

Tất cả các dự án đầu tư vào địa bàn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long./.