Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 05/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ này 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tại tờ trình số 42/TTr-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 4022/BKH-TĐ&GSĐT ngày 04 tháng 6 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a. Huy động cao nhất mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2020 cơ cấu kinh tế của tỉnh chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ;

b. Tập trung cao vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, có giá trị hàm lượng công nghệ cao, từng bước hướng mạnh ra xuất khẩu, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế;

c. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp và dịch vụ;

d. Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, giảm chênh lệch về mức sống giữa các khu vực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Các mục tiêu chủ yếu

a. Về kinh tế

- Đưa nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt 10 - 11%; giai đoạn 2011 - 2015 là 12%; giai đoạn 2016 - 2020 là 12%;

- Phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 34,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,5%; đến năm 2015, tỷ trọng này tương ứng là 44,7% - 35,1% - 20,3% và đến năm 2020 là 49,2% - 37,1% - 13,7%.

- Phấn đấu giảm dần mức chênh lệch GDP/người so với trung bình cả nước và vượt mức các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị đối với vùng trung du miền núi phía Bắc.

b. Về văn hóa, xã hội:

- Tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng các lĩnh vực: văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2006 - 2010 giảm bình quân 3,3%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 giảm bình quân mỗi năm ít nhất 1,8 - 2%, giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân mỗi năm 0,5 - 0,8%). Phấn đấu từ năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo bằng với mức bình quân của cả nước.

- Đến năm 2010, tỷ lệ hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học đạt 80% và đến năm 2015, tỷ lệ này đạt 100%. Năm 2010, số trường học được kiên cố hóa đạt 90% và đạt 100% vào năm 2015;

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị xuống khoảng 4,5% vào năm 2010, 4,3% vào năm 2015 và 4% vào năm 2020. Nâng thời gian sử dụng lao động khu vực nông thôn lên 90% năm 2010 và đạt 93 - 95% năm 2020; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 30% vào năm 2010 và 50% vào năm 2020;

- Phấn đấu đến năm 2010 có 82% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đến năm 2015 là 87% và đến năm 2020 là 90%. Đến năm 2010, có 60% làng, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa được cấp huyện công nhận, đạt 70% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020; đến năm 2010, có 85% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa và đến năm 2020 đạt trên 90%.

c. Về môi trường:

- Tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, từng bước tạo thói quen, nếp sống vì môi trường xanh, sạch đẹp. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Nâng độ che phủ của rừng lên 40,5% vào năm 2010 và 43% vào năm 2020 (kể cả diện tích cây ăn quả trên đất lâm nghiệp);

- Bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và cân bằng sinh thái;

- Các đô thị và khu công nghiệp tập trung phải được xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường Việt Nam;

- Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ dân số ở thành thị dùng nước hợp vệ sinh đạt 95% và ở nông thôn đạt 85%; đến năm 2020 các tỷ lệ tương ứng là 99,5% và 95%. Tỷ lệ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt 75% vào năm 2010, năm 2015 là 85% và năm 2020 là 100%.

d. Về quốc phòng, an ninh:

- Phát huy sức mạnh tổng hợp từ các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

- Củng cố hệ thống chính trị các cấp, tăng cường năng lực phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong Chương trình cải cách hành chính, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Phương hướng phát triển ngành công nghiệp - xây dựng

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 21% giai đoạn 2006 - 2010, đạt 18% giai đoạn 2011 - 2015 và đạt khoảng 14,5% giai đoạn 2016 - 2020. Đưa Bắc Giang từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ là chủ yếu.

- Tập trung cao độ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu lao động. Xác định khu công nghiệp, cụm công nghiệp là địa bàn kinh tế quan trọng, tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị và dịch vụ;

- Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 350 - 500 triệu đô la Mỹ vào năm 2020; đưa tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công nghiệp - xây dựng từ 8,86% lên gần 22% vào năm 2020;

- Bố trí các khu công nghiệp gắn với dịch vụ và phát triển đô thị theo các trục không gian phát triển chủ yếu gồm: trục Nam - Bắc gắn với quốc lộ 1A, trục Tây Nam - Đông Bắc gắn với quốc lộ 31, trục Tây - Nam gắn với quốc lộ 37 và trục Tây Bắc - Đông Nam gắn với tỉnh lộ 398 nối với hành lang đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

2. Phương hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt bình quân khoảng 4% năm giai đoạn 2006 - 2010, đạt 3,8% năm giai đoạn 2011 - 2015 và 3,5% năm giai đoạn 2016 - 2020;

- Bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát triển nhóm cây, con có thế mạnh là “4 cây (cây ăn quả, cây lương thực, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày), 2 con (lợn và bò)”; nâng cao giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác, phấn đấu đạt khoảng 45 triệu đồng vào năm 2020. Tỷ suất hàng hóa nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 40%, giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 50%.

- Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sinh thái sạch, công nghệ cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mở rộng diện tích vụ Đông, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển trồng rau an toàn, trồng hoa và cây cảnh ở vùng ven đô, ven thị trấn, thị tứ;

- Tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi lên khoảng 45% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành trồng trọt còn chiếm khoảng 49% và tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp tăng lên 6% trong cả giai đoạn quy hoạch;

- Năng suất lao động nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân khoảng 5,5%/năm. Ổn định diện tích và nâng cao chất lượng cây ăn quả, quy mô diện tích khoảng 45 nghìn ha, trong đó chủ lực là vải thiều với diện tích khoảng 35 nghìn ha. Thực hiện thâm canh, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại giống để rải vụ thu hoạch; đồng thời, sử dụng công nghệ sinh học để có vùng vải chất lượng cao và an toàn, phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

b. Lâm nghiệp:

- Xây dựng lâm phận ổn định theo 3 loại rừng, phấn đấu đưa cơ cấu của ngành chiếm khoảng 3% trong tổng GDP vào cuối thời kỳ quy hoạch;

- Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 145.974,7 ha. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng giữ ổn định ở mức 15.411,3 ha, rừng phòng hộ 18.803 ha và rừng sản xuất 111.760,4 ha.

c. Thủy sản:

Phấn đấu đến năm 2020, khai thác 90% tổng số diện tích có khả năng nuôi thủy sản (gần 13 nghìn ha). Áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản đạt 25 đến 30 tạ/ha theo hình thức nuôi trồng công nghiệp và bán công nghiệp. Nâng tổng sản lượng cá nuôi toàn Tỉnh đạt 25 - 30 nghìn tấn vào năm 2010 và đạt 38 - 40 nghìn tấn vào năm 2020. Đưa tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thủy sản đạt khoảng 15%/năm.

3. Phương hướng phát triển các ngành dịch vụ

- Phấn đấu đạt mức tăng trưởng các ngành dịch vụ giai đoạn 2006 - 2010 vào khoảng 9,9%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 khoảng trên 12% và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 13,6%. Tập trung phát triển các ngành thương mại dịch vụ, du lịch để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế quan trọng; ưu tiên phát triển các ngành thương mại, vận tải, kho bãi, bưu chính viễn thông, ngân hàng, tài chính tín dụng, bảo hiểm, bất động sản và du lịch. Trong đó, hướng mạnh nền kinh tế vào hoạt động xuất khẩu với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân từ 15 - 16%/năm giai đoạn 2006 - 2020;

- Đến năm 2010, lực lượng lao động trong các ngành dịch vụ đạt tỷ trọng trên 18% và 27% vào năm 2020. Từng bước đầu tư hạ tầng các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

4. Định hướng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội

a. Giáo dục - đào tạo và dạy nghề

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến. Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Bố trí đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, 100% giáo viên đạt chuẩn và nâng cao tỷ lệ giáo viên trên chuẩn;

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ phòng học kiên cố ngành học phổ thông đạt 100%, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100%; phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2015.

- Khuyến khích phát triển các hình thức đào tạo, dạy nghề theo hướng xã hội hóa. Quy hoạch xây dựng các trường đại học, đào tạo nghề có chất lượng cao theo hướng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu lao động của Tỉnh và Vùng; tăng cường đào tạo tại chỗ, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50% vào năm 2020.

b. Y tế - dân số, gia đình và trẻ em:

- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế công lập, phát triển dịch vụ y tế ngoài công lập. Thực hiện tốt các chính sách xã hội trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, về khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

- Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phối kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Tiếp tục củng cố và phát triển y tế cơ sở, đẩy mạnh công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã; phấn đấu đến năm 2020, có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế;

- Thực hiện có kết quả Chiến lược dân số, ổn định quy mô dân số ở mức 1,84 triệu người vào năm 2020; phấn đấu đạt và giữ vững mức sinh thay thế. Quan tâm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn khoảng 10%.

c. Văn hóa - thông tin, thể dục thể thao:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phấn đấu đến năm 2020, có 90% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 80% làng, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa được cấp huyện công nhận và trên 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Tăng cường xây dựng, củng cố các thiết kế văn hóa thông tin ở cơ sở. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân cư sống trên địa bàn;

- Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao. Quan tâm đầu tư toàn diện, đồng bộ cho nhóm các môn thể thao thế mạnh, phấn đấu đến năm 2010, đạt thành tích quốc gia ở một số môn thể thao có thế mạnh.

d. Khoa học - công nghệ và bưu chính - viễn thông:

- Nghiên cứu ứng dụng và triển khai là hướng ưu tiên đổi mới công nghệ với cơ cấu nhiều trình độ, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo nền kinh tế phát triển tốc độ cao. Tăng cường tiếp nhận công nghệ phù hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết căn bản được vấn đề cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao;

- Đẩy mạnh tốc độ phát triển mạng lưới bưu chính - viễn thông, đảm bảo liên lạc thông suốt; phấn đấu đến năm 2010 có 80 - 90% điểm bưu điện văn hóa xã có dịch vụ Internet. Đến năm 2010, đạt bình quân 35 - 40 máy điện thoại cố định/100 dân, năm 2020 đạt 70 máy/100 dân. Hoàn thành cáp quang hóa các cáp thuê bao tại thành phố và phần lớn các xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhân dân.

đ. Thực hiện các chính sách xã hội và giải quyết việc làm:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn. Phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,8 đến 2 vạn lao động, trong đó xuất khẩu 3 - 4 nghìn lao động;

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo, huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa, đẩy mạnh tốc độ xoá đói, giảm nghèo; làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và trợ giúp các đối tượng chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân.

e. Quốc phòng, an ninh:

- Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, chú trọng xây dựng lực lượng quân sự địa phương vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại. Xây dựng phòng thủ khu vực, xây dựng các đường cơ động chiến lược, các điểm cao quân sự và thực hiện tốt chương trình giáo dục quốc phòng.

g. Bảo vệ môi trường:

Bảo vệ, phát triển bền vững môi trường và tài nguyên; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn cho phép về mặt sinh thái và bảo vệ môi trường; xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường.

5. Phương hướng phát triển không gian đô thị

a. Phát triển, phân bố hợp lý mạng lưới đô thị, các điểm dân cư trên địa bàn Tỉnh; gắn phát triển các khu công nghiệp với phát triển khu đô thị và dịch vụ. Tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng đồng bằng, trung du và miền núi; phát triển hài hòa giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt 16m2 diện tích nhà ở bình quân/người vào năm 2010 và 21m2 vào năm 2020;

b. Chùm đô thị trung tâm được hình thành và phát triển dọc theo quốc lộ 1A cũ từ Nếnh đến Kép. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của Tỉnh gồm thành phố Bắc Giang với vị trí là Trung tâm về kinh tế - chính trị được xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng mọi mặt của đô thị, mở rộng không gian đô thị sau năm 2010; có đô thị công nghiệp, dịch vụ vệ tinh như Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu, Vân Trung, Việt - Hàn; các đô thị Kép, Vôi, Bích Động, Nếnh, Quế Nham, phát triển một số khu đô thị gắn với các khu công nghiệp, nâng cấp một số đô thị vệ tinh trở thành đô thị loại IV;

c. Hệ thống đô thị phía Đông: hướng phát triển chính dọc theo quốc lộ 31 từ Đồi Ngô đến An Châu; hướng phát triển phụ dọc theo tỉnh lộ 293, 289. Các đô thị gồm các thị trấn Chũ, An Châu, Biển Động, Kép II, Phố Lim, Tân Sơn, Long Sơn, Vân Sơn và Thanh Sơn. Đô thị trung tâm của khu vực là thị trấn Chũ, phấn đấu trở thành đô thị loại IV;

d. Hệ thống đô thị phía Tây: hình thành và phát triển theo các trục quốc lộ 37, 398, tỉnh lộ 292 gồm các thị trấn Thắng, Cầu Gồ, Bố Hạ, Nhã Nam, Cao Thượng và các thị tứ khác trong Vùng. Thị trấn Thắng là trung tâm của Vùng, phấn đấu trở thành đô thị loại IV.

6. Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội các vùng trọng điểm

a. Vùng động lực phát triển:

Vùng kinh tế động lực gồm thành phố Bắc Giang, một phần của huyện Lạng Giang, Yên Dũng và Việt Yên với các khu công nghiệp (Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu, Vân Trung, Việt - Hàn…). Xây dựng hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển thương mại với các trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc, Thủ đô Hà Nội, Trung Quốc và các nước ASEAN.

b. Vùng kinh tế nông, lâm, công nghiệp Lục Ngạn:

Lấy đô thị Chũ làm trung tâm, bao gồm phần lớn diện tích các huyện Lục Ngạn, Sơn Động và phần phía Đông Bắc huyện Lục Nam. Vùng này, có vị trí địa lý, địa hình, khí hậu và thời tiết thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng và có điều kiện thuận lợi để phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm nghiệp gắn với chế biến nông sản và du lịch sinh thái.

c. Vùng kinh tế kết hợp quốc phòng:

Vùng kinh tế kết hợp quốc phòng bao gồm phần phía Bắc và Đông Bắc huyện Lạng Giang, phía Tây Bắc huyện Lục Ngạn, phía Đông huyện Lục Nam và huyện Yên Dũng. Vị trí địa lý và địa hình tạo cho Vùng này trở thành một địa bàn chiến lược về quốc phòng. Ranh giới của Vùng chỉ là tương đối, cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

d. Khu trọng điểm kinh tế Hiệp Hòa:

Với vị trí nằm sát với địa phận Thủ đô Hà Nội có các tuyến giao thông khá thuận lợi, giúp cho thông thương với Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc. Dự kiến trong quy hoạch phát triển mở rộng không gian Thủ đô Hà Nội, huyện Hiệp Hòa nằm trên đường vành đai 4 và nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch xây dựng một số khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư từ Hà Nội và đón việc di dời một số nhà máy nằm trong nội thành Hà Nội.

7. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể là:

- Nâng cấp đường quốc lộ 1A mới đạt tiêu chuẩn đường cao tốc và quốc lộ 1A cũ đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; nâng cấp, mở rộng các quốc lộ 31, 37 và quốc lộ 279 đạt tiêu chuẩn cấp IV;

- Hoàn thành việc nâng cấp, trải bê tông nhựa hệ thống đường tỉnh lộ dài 390 km vào năm 2015. Trước mắt, ưu tiên nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 398, tỉnh lộ 296 nối với quốc lộ 3 và hệ thống đường xương cá cho 4 trục không gian phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;

- Phấn đấu nâng cấp, trải nhựa hoặc bê tông hóa đạt tỷ lệ 70 - 80% hệ thống đường xã; nâng cấp, cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, gồm cả cầu trên đường đến các xã, bảo đảm đi lại thuận lợi cả 2 mùa đạt 100% vào năm 2020;

- Nâng cấp hệ thống đường sông, đường sắt đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để lưu thông hàng hóa thuận lợi;

- Nâng cấp hệ thống bến bãi, cảng sông, cảng nội địa, trạm, kho hàng hóa, xăng dầu, hạ tầng bưu chính viễn thông, hạ tầng du lịch phục vụ cho phát triển kinh tế. Xây mới cảng container Đồng Sơn - Yên Dũng, cảng cạn ở Kép - Lạng Giang và cảng Quang Châu - Việt Yên; nâng cấp cảng chuyên dùng Bắc Giang và các cảng sông còn lại trên 3 con sông chính;

- Nâng cấp hệ thống điện, cấp thoát nước; hoàn thành nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi theo hướng kiên cố hóa để sử dụng tiết kiệm nước và cơ bản chủ động tưới tiêu cho nông nghiệp vào năm 2015;

- Xây dựng hạ tầng thương mại, du lịch, hệ thống siêu thị, cửa hàng; nâng cấp chợ nông thôn phục vụ phát triển thương mại; nâng cấp các tuyến đường vào các khu, điểm du lịch lớn (khu du lịch Khuôn Thần, Suối Mỡ, Tây Yên Tử);

- Nâng cấp các bệnh viện, trạm xá, trường học (gồm cả các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề) và các cơ sở nghiên cứu phát triển giống cây, giống con, các công trình phúc lợi, bảo tồn, bảo tàng di sản văn hóa.

8. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư (Phụ lục kèm theo).

III. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Để thực hiện được các mục tiêu Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, cần tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu sau:

1. Giải pháp về vốn đầu tư phát triển

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho việc thực hiện Quy hoạch là rất lớn so với khả năng nguồn lực của Tỉnh và hỗ trợ của Trung ương. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư, cần có các giải pháp huy động vốn nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa đầu tư; trong đó, phát huy nguồn nội lực là chủ yếu, huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất, khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao, cụ thể:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) tập trung cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội;

- Tiếp tục tạo nguồn vốn từ quỹ đất, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút các nguồn vốn vào xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu đô thị mới, khu công nghiệp … Sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp. Tiến hành rà soát, thu hồi các khu đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích;

- Khuyến khích các doanh nghiệp chuẩn bị tốt mọi điều kiện để có thể phát hành, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thu hút vốn vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh;

- Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc bê tông hóa kênh mương, xây dựng và kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn; hình thành các quỹ đầu tư của Tỉnh theo quy định của pháp luật;

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế thành lập doanh nghiệp mới và mở rộng doanh nghiệp hiện có theo Luật Doanh nghiệp; tích cực xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA).

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Kịp thời cụ thể hóa hệ thống luật pháp, các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của địa phương. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của Tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào vùng miền núi, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc;

- Nâng cao chất lượng về tổ chức, hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế;

- Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch trong giải quyết công việc đối với tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng mạng lưới dịch vụ pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận và nắm bắt kịp thời chính sách, pháp luật trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

- Tăng cường phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức gắn với việc sắp xếp, kiện toàn, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ;

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin theo mô hình Chính phủ điện tử và tổ chức triển khai áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 - 2001;

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng, thực hiện tốt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh; xây dựng kế hoạch và cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực việc đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ doanh nhân, quản trị doanh nghiệp; đồng thời, có cơ chế, chính sách thích đáng để thu hút cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề, các nghệ nhân về làm việc tại Tỉnh;

- Mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài Tỉnh để đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp góp vốn, trang bị, phương tiện nâng cao chất lượng đào tạo hoặc liên kết đào tạo. Xây dựng các cơ sở đào tạo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa về giáo dục, đào tạo để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo;

- Thúc đẩy hợp lý quá trình tích tụ ruộng đất và quá trình chuyển đổi một số lao động nông nghiệp sang làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Có cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

4. Giải pháp đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác

Tăng cường liên kết, hợp tác với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong vùng nhằm phát huy tốt lợi thế so sánh, nhất là trong phát triển công nghiệp, nông - lâm nghiệp, thương mại, du lịch, y tế, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường.

5. Giải pháp về phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội

- Tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, chống tái nghèo; nâng cao dân trí, thay đổi tập quán lạc hậu;

- Tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp trợ giúp phát triển kinh tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người nghèo;

- Đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển mạng lưới dạy nghề cho người lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề;

- Thực hiện tốt các chính sách xã hội như chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội … Thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc, miền núi;

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thông tin, thể dục, thể thao.

6. Giải pháp về tăng cường an ninh, quốc phòng

- Tiếp tục thực hiện chiến lược bảo vệ quốc phòng, an ninh. Phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng;

- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật trong cán bộ, nhân dân; công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn; kiên quyết trấn áp và xử lý các loại tội phạm. Đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình cơ sở, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân tạo niềm tin và môi trường xã hội an toàn, trong sạch.

7. Tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch

a. Công bố, phổ biến quy hoạch:

- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh bằng nhiều hình thức đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh;

- Tổ chức giới thiệu, quảng bá các dự án ưu tiên cho các nhà đầu tư.

b. Xây dựng chương trình hành động và xúc tiến đầu tư:

- Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, trên cơ sở các mục tiêu của Quy hoạch, phải tiến hành xây dựng chương trình hành động để từng bước thực hiện đạt mục tiêu Quy hoạch. Trước mắt, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVI.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng vào các dự án trọng điểm có sản phẩm chủ lực, có vai trò trong việc quyết định đến sự thành công của các mục tiêu Quy hoạch;

- Xây dựng một số chương trình sản phẩm chủ lực của Tỉnh và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, tạo động lực mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với việc phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chủ lực về thị trường, vốn, đất;

- Từng bước cụ thể hóa công tác quy hoạch và đưa vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện. Tuỳ theo sự thay đổi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch kịp thời cho phù hợp với quá trình phát triển;

- Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.

Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành khác), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nêu trong Quy hoạch sau khi đã được phê duyệt, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực… để bảo đảm sự phát triển đồng bộ.

2. Lập các kế hoạch 5 năm, hàng năm; các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, bố trí ưu tiêu đầu tư một cách hợp lý.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 4. Giao các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích đầu tư thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch. Đẩy nhanh đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất Vùng và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bắc Giang đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư nêu trong Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ban hành.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2009/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

A. CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội

2. Chương trình phát triển đô thị

3. Chương trình phát triển nguồn nhân lực

4. Chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp

5. Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

6. Chương trình phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch

7. Chương trình phát triển giao thông vận tải

8. Chương trình hợp tác phát triển kinh tế trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

9. Chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

B. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

I. CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

1. Nâng cấp Quốc lộ 31

2. Nâng cấp Quốc lộ 37

3. Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn

4. Hệ thống đường truyền tải và Trạm biến áp 110KV, 220KV

5. Mở rộng, nâng cấp công suất nhà máy Đạm và Hóa chất Hà Bắc lên 48 vạn tấn/năm.

6. Cải tạo nâng cấp kênh chính Sông Cầu.

7. Trường đại học Nông, lâm Bắc Giang.

8. Nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng thông tin truyền thông.

II. CÁC DỰ ÁN DO TỈNH QUẢN LÝ:

1. Nâng cấp các tỉnh lộ.

2. Cầu Cẩm Lý.

3. Cầu Đông Xuyên.

4. Đường nối và cầu bắc qua sông Cầu nối tỉnh lộ 398 với quốc lộ 18.

5. Các nút giao thông lập thể.

6. Xử lý rác thải tại các bệnh viện.

7. Bệnh viện Nhi Bắc Giang.

8. Bệnh viện Đa khoa thành phố Bắc Giang.

9. Bệnh viện Chuyên khoa phụ sản Bắc Giang.

10. Khu du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn.

11. Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.

12. Khu du lịch sinh thái Khuôn Thần.

13. Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử.

14. Tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.

15. Nhà máy nước Bắc Giang 2.

16. Dự án thoát nước các khu công nghiệp, khu đô thị.

17. Các khu đô thị, dân cư mới thành phố Bắc Giang.

18. Xây dựng khu đô thị phục vụ các khu, cụm công nghiệp.

19. Sân Vận động thành phố (đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia).

20. Trung tâm văn hóa, thể thao thành phố Bắc Giang.

21. Trường đại học theo mô hình quốc tế hoặc tư thục.

22. Trường dạy nghề chất lượng cao.

23. Trường cao đẳng công nghệ Việt Hàn.

24. Trường cao đẳng Y tế.

25. Trường cao đẳng nghệ thuật.

26. Trường đại học Ngô Gia Tự.

27. Khu đô thị trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh;

28. Xây dựng trụ sở cơ quan đảng, nhà nước các cấp, trụ sở xã, huyện.

29. Hệ thống kè thủy lợi chống sạt lở ven sông, khu dân cư.

30. Cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi hồ Sông Sỏi.

31. Dự án Cảng cạn Bắc Giang.

III. CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT KINH DOANH:

1. Hạ tầng Khu công nghiệp Vân Trung.

2. Hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hàn.

3. Khu công nghiệp Hiệp Hòa.

4. Khu công nghiệp Yên Dũng (Yên Lư).

5. Khu công nghiệp Lạng Giang (Xương Lâm - Hương Sơn).

6. Khu công nghiệp Tân Yên.

7. Các cụm công nghiệp huyện, thành phố.

8. Cảng Quang Châu.

9. Cảng container - Đồng Sơn.

10. Nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy thi công XD.

11. Nhà máy sản xuất thiết bị thông tin, truyền thông.

12. Các Nhà máy sản xuất điện tử dân dụng.

13. Nhà máy chế tạo ôtô - xe máy.

14. Nhà máy sản xuất thiết bị tàu biển.

15. Nhà máy cơ khí chính xác.

16. Nhà máy sản xuất vật liệu nhựa, compozit.

17. Nhà máy chế biến dược phẩm.

18. Nhà máy chế biến thức ăn gia súc.

19. Nhà máy sản xuất vải giả da, dày da xuất khẩu.

20. Các dự án khai thác khoáng sản.

21. Các nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ cho công nghiệp ô tô.

22. Vật liệu trang trí nội thất và tấm lợp cao cấp.

23. Nhà máy chế biến nông, lâm sản.

24. Khai thác đá, cát, sỏi xây dựng.

25. Nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

26. Trung tâm thương mại, siêu thị.

27. Phát triển khách sạn, nhà hàng.

Ghi chú: về vị trí, quy mô diện tích chiếm đất và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.