Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 22 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc phê chuẩn Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10/TTr-SNNPTNT ngày 14 tháng 01 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, với các nội dung sau:

1. Mục tiêu, nhiệm vụ:

a) Mục tiêu:

- Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 198.150 ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp đến năm 2020, trong đó: rừng đặc dụng 42.185 ha (chiếm 21,3%), rừng phòng hộ 115.529 ha (chiếm 58,3%) và rừng sản xuất 40.436 ha (chiếm 20,4%); nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng đến năm 2015 đạt trên 45% và đến năm 2020 là 50%, giảm thiểu tình trạng khô hạn (cả về diện rộng và độ dài thời gian).

- Phát triển lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hoá. Đẩy mạnh trồng rừng gắn chặt với quản lý bảo vệ rừng. Bảo tồn và phát huy giá trị của 2 Vườn quốc gia (Phước Bình và Núi Chúa); phát triển rừng phòng hộ, nhất là những nơi rất xung yếu và xung yếu, trồng rừng trên các vùng đất cát ven biển, chống sa mạc hoá;

- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua việc cải thiện một cách hợp lý cơ cấu cây trồng lâm nghiệp trong rừng sản xuất.

- Đưa dịch vụ chi trả môi trường rừng là nguồn thu cơ bản của ngành lâm nghiệp. Phấn đấu giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản là 5 - 7%, đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 20%.

b) Nhiệm vụ:

- Nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng đến năm 2015 đạt trên 45% và đến năm 2020 là 50% (độ che phủ của rừng năm 2011 là 43,5%), giảm thiểu tình trạng khô hạn (cả về diện rộng và độ dài thời gian).

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường rừng) từ 5 đến 7%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20% trong GDP.

- Phấn đấu đến năm 2020 cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là bằng các loài cây có giá trị kinh tế cao (cao su, điều…) là 9.815 ha với sản lượng mủ cao su là 3.500 tấn/năm.

- Khai thác gỗ hàng năm 10.000 - 12.000 m3, 5.000 - 6.000 tấn củi đảm bảo cung cấp các nhu cầu gỗ, củi phục vụ xây dựng cơ bản và dân sinh.

- Chế biến lâm sản với công suất đến năm 2015 bằng 50% và đến năm 2020 là 100% sản lượng khai thác gỗ của tỉnh.

- Nâng cao nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng, cơ chế phát triển sạch (CDM), du lịch sinh thái, phòng hộ chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, ....

2. Quy hoạch ba loại rừng

Quy hoạch đất lâm nghiệp ổn định đến năm 2020 của tỉnh là 198.150 ha (chiếm 100%), rừng đặc dụng là 42.185 ha (chiếm 21,3%), rừng phòng hộ là 115.529 ha (chiếm 58,3%) và rừng sản xuất là 40.436 ha (chiếm 20,4%).

3. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

a) Bảo vệ rừng: bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng.

- Diện tích khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, tập thể, hộ gia đình là 62.000 ha/năm bằng nguồn vốn của Chương trình bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình 30a của Chính phủ.

- Diện tích do các đơn vị chủ rừng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng là 80.000 ha.

- Các dịch vụ môi trường rừng: áp dụng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bắt đầu từ năm 2012.

b) Phát triển rừng:

- Khoanh nuôi: 7.357 ha/21.985 lượt ha.

- Trồng rừng:

+ Trồng rừng mới tập trung: 24.640 ha.

+ Trồng lại rừng sau khai thác rừng trồng: 797 ha.

- Nuôi dưỡng rừng: 6.936 ha/19.582 lượt ha.

- Cải tạo rừng: 9.815 ha.

- Trồng cây lâm nghiệp phân tán: 6 triệu cây.

- Làm giàu rừng: 2.207 ha/6.006 lượt ha;

c) Khai thác rừng:

- Gỗ:

+ Khai thác rừng tự nhiên 4.259 ha, sản lượng gỗ khai thác 10.000 - 12.000 m3/năm.

+ Khai thác gỗ rừng trồng là 797 ha.

- Lâm sản ngoài gỗ: lồ ô 100.000 cây/năm, song mây 20.000 đoạn/năm.

d) Chế biến gỗ:

- Công suất chế biến: giai đoạn 2011 - 2015 chế biến 50%, giai đoạn 2016 - 2020 chế biến 100% sản lượng gỗ khai thác trong tỉnh.

- Nguồn nguyên liệu: từ khai thác gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng trong tỉnh, ngoài ra nhập từ các tỉnh lân cận, từ nước ngoài phục vụ nguyên liệu chế biến.

- Sản phẩm, thị trường tiêu thụ:

+ Các sản phẩm chính của các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh chủ yếu là: gỗ xẻ, đồ mộc tinh chế cao cấp (bàn ghế ngoài trời, trong nhà và hàng trang trí nội thất), gỗ dân dụng, gỗ đóng tàu thuyền, ván MDF, các loại lâm sản ngoài gỗ như lồ ô, song mây, nhựa thông, ...

- Thị trường tiêu thụ: phục vụ nhân dân, các công trình xây dựng ... trong tỉnh và những tỉnh lân cận. Xuất khẩu các mặt hàng tinh chế cao cấp (bàn ghế, tủ...), xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

e) Các hoạt động khác:

- Các hoạt động nông lâm kết hợp là 1.099 ha.

- Về cây giống: trên cơ sở duy trì hệ thống các khu rừng giống, vườn ươm hiện có và phát triển thêm các vườn ươm để cung cấp giống chất lượng cao.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng: đường lâm nghiệp, trạm bảo vệ rừng, chòi canh lửa, bảng báo, …

4. Tổng hợp vốn đầu tư và nguồn vốn:

Tổng vốn đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020 là 2.688,48 tỷ đồng, trong đó:

a) Phân theo nội dung đầu tư:

- Khoán quản lý bảo vệ rừng: 125,78 tỷ đồng (chiếm 4,7%).

- Phát triển rừng: 772,39 tỷ đồng (chiếm 28,7%).

- Cải tạo rừng: 932,43 tỷ đồng (chiếm 34,8%).

- Sử dụng rừng: 199,22 tỷ đồng (chiếm 7,4%).

- Xây dựng cơ bản: 457,50 tỷ đồng (chiếm 17,0%).

- Chi phí PCCCR hàng năm: 4,00 tỷ đồng (chiếm 0,1%).

- Dự án, đề tài nghiên cứu khoa học: 65,67 tỷ đồng (chiếm 2,4%).

- Chi phí quản lý dự án: 131,49 tỷ đồng (chiếm 4,9%);

b) Phân theo nguồn vốn:

- Vốn Trung ương: 1.380,72 tỷ đồng (chiếm 51,4%).

- Vốn địa phương: 140,17 tỷ đồng (chiếm 5,2%).

- Vốn liên doanh trồng rừng: 926,12 tỷ đồng (chiếm 34,4%).

- Vốn dự án phi Chính phủ: 16,10 tỷ đồng (chiếm 0,6%).

- Vốn đóng góp của các đơn vị, tổ chức: 225,37 tỷ đồng (chiếm 8,4%);

c) Phân theo giai đoạn thực hiện:

- Giai đoạn 2011 - 2013 (đã thực hiện): 244,48 tỷ đồng (chiếm 9,09%).

- Giai đoạn 2014 - 2020: 2.444 tỷ đồng (chiếm 90,91%).

5. Các giải pháp thực hiện:

a) Giải pháp về khoán quản lý bảo vệ rừng:

Thực hiện khoán bảo vệ rừng áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, đồng bào dân tộc, các cộng đồng dân cư địa phương trên cơ sở các quy hoạch quản lý bảo vệ và sử dụng rừng đã được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt;

b) Giải pháp về tổ chức quản lý và sản xuất:

- Thiết lập lâm phận ổn định theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô, với mốc và ranh giới rõ ràng trên bản đồ và thực địa. Đến năm 2020, về cơ bản tất cả diện tích rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng) và đất lâm nghiệp là rừng sản xuất phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế theo đúng quy định của pháp luật.

- Tổ chức lại các Ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ theo hướng tăng cường chủ động huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức cá nhân vào lĩnh vực sử dụng giá trị môi trường và cảnh quan rừng.

- Các đơn vị chủ rừng đều phải xây dựng phương án sản xuất và tổ chức lực lượng bảo vệ rừng.

- Đối với những diện tích tập trung rừng và đất lâm nghiệp do Ủy ban nhân dân xã quản lý cần chuyển hình thức quản lý như: giao cho các đơn vị quản lý rừng để thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng (đặc biệt quan tâm đến diện tích do Ủy ban nhân dân xã quản lý tại huyện Bác Ái là 9.804 ha và huyện Ninh Sơn là 5.023 ha);

c) Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Không ngừng ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất lâm nghiệp.

- Tăng cường công tác điều tra cơ bản về rừng để đánh giá đúng diễn thế rừng, đất đai; tài nguyên động, thực vật.

- Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất lâm - nông kết hợp, hỗ trợ xây dựng trang trại lâm nghiệp, đào tạo nghề, …;

d) Giải pháp về vốn:

- Nhà nước đầu tư vốn để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, nhằm ổn định diện tích rừng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Đối với rừng sản xuất chủ yếu phát triển bằng nguồn vốn vay và vốn tự có của các doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân.

- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê cảnh quan để huy động vốn cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ;

e) Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, năng lực hoạt động cho cán bộ ngành lâm nghiệp ở các cấp.

- Mở rộng và đa dạng hoá các hình thức đào tạo nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, trình độ tay nghề cho người lao động thông qua các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề dài hạn và ngắn hạn; thông qua các lớp khuyến nông - khuyến lâm và thực tiễn các mô hình sản xuất…;

f) Giải pháp về kỹ thuật lâm sinh:

- Phát triển rừng:

+ Do đặc thù điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và địa hình của tỉnh Ninh Thuận hình thành 3 phân vùng chính: (i) phân vùng núi cao đại diện là các kiểu rừng lá rộng thường xanh, rừng lá kim; (ii) phân vùng đồi gò bán sơn địa đại diện là các kiểu rừng rụng lá (rừng khép); (iii) phân vùng đồng bằng, ven biển là các dải rừng phòng hộ ven biển. Tùy từng phân vùng để có những giải phát phát triển rừng cho phù hợp.

+ Đối với những diện tích hiện trạng là đất rẫy: cần điều tra, kiểm kê chi tiết để xác định vị trí, quy mô diện tích, đối tượng từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp như trồng rừng tập trung, nông lâm kết hợp, trồng cây đa mục đích, ...

+ Gắn việc thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 với việc quy hoạch sử dụng có hiệu quả quỹ đất trống.

+ Tiếp tục chuyển đổi cây trồng theo hướng trồng lại bằng cây cao su, trồng rừng kinh tế trên diện tích thuộc đối tượng rừng nghèo, không có giá trị kinh tế và không còn khả năng phục hồi thành rừng thuộc đối tượng rừng sản xuất.

+ Nghiên cứu, khảo nghiệm để tìm ra những loại cây giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của từng vùng sinh thái trong tỉnh, phù hợp với từng đối tượng rừng để tiến tới cải thiện cơ bản cơ cấu cây trồng.

- Khoanh nuôi tái sinh rừng, làm giàu rừng: tiếp tục quy hoạch cụ thể diện tích, đối tượng từng loại rừng để bố trí kế hoạch khoanh nuôi tái sinh rừng cho phù hợp. Đối với những trạng thái rừng khộp rải rác (RI) và trạng thái đất trống có cây gỗ rải rác (IC) cần được ưu tiên để thực hiện giải pháp này;

g) Giải pháp về sử dụng rừng và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản

- Khai thác, sử dụng rừng:

+ Từng bước đưa dịch vụ chi trả môi trường rừng là nguồn thu cơ bản của ngành lâm nghiệp.

+ Khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đồng thời cũng là biện pháp lâm sinh để tái tạo và cải thiện chất lượng rừng; rừng được hướng dẫn khai thác phù hợp với chức năng và mức độ phòng hộ của rừng.

+ Trên cơ sở quy phạm thiết kế khai thác, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng hướng dẫn việc khai thác rừng tự nhiên trong cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt của tỉnh.

+ Khai thác tối đa các dịch vụ môi trường từ rừng như: phòng hộ đầu nguồn, ven biển và đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tín dụng CO2 trong cơ chế phát triển sạch, ... để tạo nguồn thu tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

+ Đẩy mạnh gây trồng, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh như lồ ô, tre - le, song, mây, …

- Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản:

+ Tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre. Củng cố và hỗ trợ nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ.

+ Hỗ trợ chế biến lâm sản, từng bước phát triển và hiện đại hoá công nghiệp chế biến lâm sản quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn. Khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ.

+ Đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo và bột giấy, giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng.

+ Tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ để từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến.

+ Đa dạng hoá và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và cấp chứng chỉ cho các mặt hàng xuất khẩu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Quy hoạch, có trách nhiệm cụ thể hoá các nội dung của Quy hoạch và kế hoạch hàng năm; xây dựng các dự án cụ thể để thực hiện đảm bảo hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định Nhà nước hiện hành.

2. Giao các Sở: Kế hoạch và Đầu, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp thực hiện Quy hoạch đảm bảo hiệu quả.

3. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn quản lý.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà