Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 07/2008/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005; Nghị quyết số 15/2008/QH-12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12 ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Công văn số 6779/VPCP-VI ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh; Công văn số 20/CV-BCĐ ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Văn phòng Ban Chỉ đạo) trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Hà Nội (cũ) với Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Hà Tây (cũ).

Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy

1. Vị trí, chức năng:

Văn phòng Ban Chỉ đạo là bộ máy tham mưu, giúp việc Trưởng ban và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố trong việc triển khai chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Văn phòng Ban Chỉ đạo có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và tài khoản của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố để giao dịch và hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện chương trình, kế hoạch đó;

b) Đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trên địa bàn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

c) Phối hợp hoạt động của các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân thành phố để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố;

d) Thực hiện kiểm tra một số vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm, báo cáo Trưởng ban và Ban Chỉ đạo xử lý;

đ) Kiểm tra, đôn đốc việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ, việc tham nhũng trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

e) Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố;

g) Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện;

h) Lập kế hoạch và chuẩn bị nội dung, chương trình các cuộc họp, hội nghị, hội thảo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo; chủ động báo cáo hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu cần thiết; làm thư ký các cuộc họp; thông báo kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo tại các cuộc họp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo;

i) Theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố với Trưởng ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố và theo quy định hiện hành;

k) Thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ hồ sơ, tài liệu của Ban Chỉ đạo theo đúng quy định hiện hành của pháp luật;

l) Quản lý cán bộ, công chức, lao động hợp đồng và tài chính, tài sản của cơ quan theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước;

m) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao theo quy định.

3. Quyền hạn:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi thành phố báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu báo cáo việc xử lý vụ, việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng;

b) Đề nghị khen thưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Kiến nghị Trưởng ban Chỉ đạo xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi lợi dụng việc chống tham nhũng để vu cáo, hãm hại người tố cáo; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia và thực hiện chống tham nhũng;

c) Trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo;

d) Tham dự các cuộc họp, làm việc với các cơ quan, tổ chức, đơn vị về những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố.

4. Tổ chức bộ máy và biên chế:

a) Tổ chức bộ máy:

a.1) Lãnh đạo Văn phòng:

Lãnh đạo Văn phòng gồm có Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng.

a.2) Các phòng chuyên môn:

- Phòng Kế hoạch – Tổng hợp;

- Phòng Nghiệp vụ 1;

- Phòng Nghiệp vụ 2;

- Phòng Nghiệp vụ 3;

b) Biên chế:

Biên chế của Văn phòng Ban Chỉ đạo bao gồm biên chế được giao năm 2008 của Văn phòng Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội (cũ) và Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Hà Tây (cũ).

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức biên chế của các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Hà Nội; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng BCĐTƯ về PCTN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Đoàn ĐBQH TP; UBMTTQ TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các Ban Đảng Thành ủy;
- Các Ban HĐND TP;
- CVP, PVP; các CVNCTH;
- Lưu: Văn thư, Chung NC1 (2b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo