Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 07/2010/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 18 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN, TĂNG CƯỜNG CHO CÁC HUYỆN VÀ CÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);
Căn cứ Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999 - 2005; bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn;
Căn cứ Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;
Căn cứ Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;
Căn cứ Thông báo kết luận số 845-TB/TU ngày 04 tháng 3 năm 2009 của Thường trực tỉnh uỷ Yên Bái về chính sách áp dụng đối với cán bộ được điều động, luân chuyển, tăng cường từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã và từ xã tăng cường cho xã áp dụng cho các huyện trong toàn tỉnh;
Căn cứ văn bản số 01/TT.HĐND ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức được tăng cường trên địa bàn tỉnh Yên Bái;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng, thời gian, nguồn cán bộ tăng cường

1. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức xã, thị trấn (gọi chung là công chức xã) được điều động, luân chuyển, tăng cường liên tục từ 3 đến 5 năm và cán bộ, công chức cấp huyện tăng cường cho cấp xã với thời gian không liên tục từ 3 - 5 năm (thời gian làm việc tại xã tối thiểu 10 ngày/tháng trở lên) áp dụng cho các huyện trong toàn tỉnh.

2. Chính sách hỗ trợ tại Quyết định này không áp dụng đối với cán bộ, công chức đến tăng cường tại thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái.

Điều 2. Các mức hỗ trợ

1. Chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đi tăng cường liên tục từ 3 đến 5 năm:

a) Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh tăng cường cho huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường cho các xã, thị trấn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 164/QĐ-TTg ngày 11/7/2006; Quyết định 113/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, được hỗ trợ ban đầu một lần 4 triệu đồng/người và trợ cấp thêm hàng tháng bằng 50% mức lương và phụ cấp hiện hưởng (nếu có).

(Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được luân chuyển, tăng cường về đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các xã, thị trấn thuộc huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải được hưởng chính sách hỗ trợ, trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

b) Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được luân chuyển, tăng cường cho xã, thị trấn vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; được hỗ trợ ban đầu một lần 3 triệu đồng/người và trợ cấp thêm hàng tháng bằng 40% mức lương và phụ cấp hiện hưởng (nếu có) .

c) Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh tăng cường cho cấp huyện (trừ huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải); cán bộ tỉnh, huyện tăng cường cho các xã, thị trấn không thuộc các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn; được hỗ trợ ban đầu một lần 2 triệu đồng/người và trợ cấp thêm hàng tháng băng 30% mức lương và phụ cấp hiện hưởng (nếu có).

2. Chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức xã, thị trấn đi tăng cường liên tục từ 3 đến 5 năm:

a) Tăng cường cho các xã, thị trấn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 164/QĐ-TTg ngày 11/7/2006; Quyết định 113/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ; được hưởng mức lương và phụ cấp (nếu có) của chức vụ đảm nhiệm; được hỗ trợ ban đầu một lần 4 triệu đồng/người và trợ cấp thêm hàng tháng bằng 50% mức lương và phụ cấp hiện hưởng (nếu có) .

b) Tăng cường cho xã, thị trấn vùng khó khăn theo Quyết định 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của thủ tướng Chính phủ được hưởng mức lương và phụ cấp (nếu có) của chức vụ đảm nhiệm; được hỗ trợ ban đầu một lần 3 triệu đồng/người và trợ cấp thêm hàng tháng bằng 40% mức lương và phụ cấp hiện hưởng (nếu có).

c) Tăng cường cho xã, thị trấn không thuộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng mức lương và phụ cấp (nếu có) của chức vụ đảm nhiệm, được hỗ trợ hỗ trợ ban đầu một lần 2 triệu đồng/người và trợ cấp thêm hàng tháng bằng 30% mức lương và phụ cấp hiện hưởng (nếu có).

3. Đối với cán bộ, công chức cấp huyện tăng cường cho cấp xã với thời gian không liên tục từ 3 đến 5 năm (thời gian làm việc tại xã tối thiểu 10 ngày/tháng trở lên), được hỗ trợ ban đầu một lần 2 triệu đồng/người.

Điều 3. Quyền lợi của cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã đi tăng cư­ờng được giữ nguyên lương, phụ cấp trách nhiệm, các quyền lợi khác (nếu có) và biên chế ở cơ quan, đơn vị cử đi; trường hợp địa bàn đến công tác có phụ cấp khu vực cao hơn thì được hưởng mức phụ cấp này. Khi hết thời hạn tăng c­ường, trong thời gian 3 tháng, đơn vị cũ có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp. Trong thời gian tăng cường nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đ­ược ư­u tiên xét dự thi nâng ngạch, bậc lương trước thời hạn (tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định) và được xem xét, bổ nhiệm vào chức danh thích hợp khi cơ quan, đơn vị có nhu cầu.

Trợ cấp thêm hàng tháng của cán bộ được nhận cùng kỳ l­ương hàng tháng và không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Điều 4. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện chính sách điều động, luân chuyển, tăng cường do ngân sách cấp tỉnh bảo đảm; riêng kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức luân chuyển tăng cường về xã theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg do ngân sách nhà nước bảo đảm và được tính trong tổng kinh phí thực hiện đề án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, tăng cường trực tiếp chi trả.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Bãi bỏ khoản 1 Điều 7 Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 05/9/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2008 - 2010.

Trường hợp cán bộ, công chức đã được điều động, luân chuyển, tăng cường về các huyện, các xã theo chủ trương của Tỉnh uỷ trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành cũng được tính hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này. Thời gian được tính hưởng trợ cấp từ ngày cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều động, tăng cường.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao cho Sở Tài chính có trách nhiệm đảm bảo ngân sách chi trả kinh phí hỗ trợ ban đầu, chi phí trợ cấp thêm hàng tháng; hướng dẫn xây dựng dự toán, thẩm định và cấp phát kinh phí về sở, ngành, huyện có cán bộ đi tăng cường.

2. Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, tổng hợp nhu cầu điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ thuộc khối nhà nước; quản lý về mặt biên chế, đảm bảo quy trình thủ tục điều động, bổ nhiệm cán bộ; theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm với Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3. Các sở, ngành, huyện có cán bộ đi tăng cường phối hợp ban hành quy chế làm việc đối với cán bộ đi tăng cường cho các huyện, xã; quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác với cơ sở.

- Gặp gỡ, trao đổi với cán bộ được cử đi tăng cường, làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, thông báo cho cán bộ về tình hình đặc điểm cơ sở nơi đến công tác, giao nhiệm vụ cho cán bộ.

- Phối hợp, tập huấn cho cán bộ đi tăng cư­ờng những kỹ năng cơ bản về phương pháp làm việc, phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng.

- Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ và chi trả cho cán bộ đi tăng cư­ờng.

- Phối hợp với cơ sở để quản lý cán bộ điều động tăng c­ường. Hàng năm có nhận xét đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với từng cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ báo cáo Sở Nội vụ tổng hợp.

4. Các huyện chịu trách nhiệm sắp xếp bố trí nơi ăn ở cho cán bộ đến tăng cường.

5. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, các tổ chức và cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- TT UBND tỉnh;
- Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Sở Tư pháp;
- TT Công báo tỉnh;
- Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Yên Bái;
- Như Khoản 5- Điều 6 QĐ; 
- Lưu: VT, NC.
 

T.M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH



Hoàng Thương Lượng