Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2012/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ, Y TẾ, VĂN HÓA,  THỂ THAO, MÔI TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh Mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 22/2008/NQ-HĐND ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về các biện pháp chủ yếu đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường của thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đến năm 2020.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký.

2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định này theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Sơn

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ, Y TẾ, VĂN HÓA, THỂ THAO, MÔI TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này cụ thể hóa những ưu đãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ được quy định tại Mục V của Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đến năm 2020.

2. Các nội dung khác về chính sách khuyến khích xã hội hóa không quy định tại quy định này được thực hiện theo các quy định của Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực hiện theo Khoản 2 Mục I Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Điều 3. Điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa

Cơ sở xã hội hóa phải thuộc danh mục các loại hình, đảm bảo các tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn, các điều kiện để được ưu đãi và các tiêu chuẩn khác quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Điều 4. Trách nhiệm của cơ sở thực hiện xã hội hóa

Trách nhiệm của cơ sở thực hiện xã hội hóa được thực hiện theo Mục XII Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường như sau:

1. Các cơ sở thực hiện xã hội hóa phải đăng ký với cơ quan thuế khi hoạt động. Định kỳ hàng quý và hàng năm lập báo cáo hoạt động nghiệp vụ chuyên môn gửi cơ quan quản lý ngành (cơ quan cấp phép hoạt động). Báo cáo hoạt động tài chính gửi cơ quan quản lý ngành và cơ quan tài chính cùng cấp.

2. Cơ sở thực hiện xã hội hóa phải tuân thủ theo điều lệ hoạt động, bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật để cung cấp cho xã hội các sản phẩm, dịch vụ đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về nội dung và chất lượng.

3. Hàng năm, các cơ sở thực hiện xã hội hóa phải thực hiện công khai hoạt động của cơ sở và công khai tình hình hoạt động tài chính. Hội đồng quản trị (hay Hội đồng trường) hoặc Thủ trưởng (đối với cơ sở không có Hội đồng quản trị) cơ sở xã hội hóa thực hiện công khai theo điều lệ hoạt động của cơ sở ngoài công lập. Đặc biệt cần công khai các nội dung sau:

- Công khai mức thu phí, lệ phí.

- Công khai mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho cơ sở thực hiện xã hội hóa.

- Công khai các Khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của cơ sở thực hiện xã hội hóa.

4. Cơ sở thực hiện xã hội hóa do tổ chức, cá nhân thành lập phải đăng ký nội dung hoạt động chuyên môn với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đăng ký hoạt động với cơ quan thuế để làm căn cứ ưu đãi hoặc tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

5. Cơ sở thực hiện xã hội hóa có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê; thực hiện kiểm toán hàng năm và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Chương II

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA

Điều 5. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Các dự án xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện như sau:

1. Quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất

Nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

2. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

a) Về nguyên tắc Nhà nước giao đất sạch để Nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo quỹ đất sạch.

b) Trường hợp không có đất sạch thì Nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã đầu tư đối với diện tích đất phục vụ hoạt động xã hội hóa sẽ được ngân sách nhà nước hoàn trả, nhưng không vượt quá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phương thức và thời gian hoàn trả kinh phí cho từng dự án cụ thể.

Điều 6. Chế độ giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Cơ sở thực hiện xã hội hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 3 Quy định này được miễn, giảm tiền sử dụng đất (khi giao đất) và tiền thuê đất, chuyển Mục đích sử dụng đất, cụ thể như sau:

1. Được giảm 100% tiền sử dụng đất khi chuyển Mục đích sử dụng đất, được miễn 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (khi được giao đất, cho thuê đất) phải nộp ngân sách nhà nước đối với các dự án xã hội hóa thực hiện tại địa bàn các huyện.

2. Được giảm 60% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khi chuyển Mục đích sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với các dự án xã hội hóa thực hiện tại địa bàn các quận: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt.

3. Được giảm 40% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khi chuyển Mục đích sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với các dự án xã hội hóa thực hiện tại địa bàn quận Ninh Kiều.

Các trường hợp được xét giảm trên đây, tính trên toàn bộ diện tích đất được giao, cho thuê để thực hiện các dự án, áp dụng trong thời hạn giao đất, cho thuê đất. Trường hợp, cơ sở thực hiện xã hội hóa không tiếp tục thực hiện dự án xã hội hóa, cơ sở phải nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khi chuyển Mục đích sử dụng đất đã được miễn, giảm vào ngân sách nhà nước theo giá đất tại thời điểm nộp ngân sách.

Điều 7. Danh Mục quy hoạch kêu gọi xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường

(Đính kèm phụ lục các danh Mục quy hoạch kêu gọi xã hội hóa)

1. Từng giai đoạn, căn cứ vào khả năng ngân sách; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển ngành và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ điều chỉnh, bổ sung danh mục quy hoạch kêu gọi xã hội hóa.

2. Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa thì thực hiện chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu theo quy định để lựa chọn dự án đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành

1. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể yhao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành để hướng dẫn các thủ tục, xác định nhu cầu các dự án xã hội hóa cần thực hiện, xác định vị trí, quy mô diện tích, loại hình dự án xã hội hóa gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát đầu tư trong quá trình thực hiện dự án xã hội hóa; thực hiện việc quản lý nhà nước, giám sát việc thi hành pháp luật đối với các hoạt động của cơ sở xã hội hóa theo chức năng nhiệm vụ; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Là đầu mối giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn thành phố.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở quản lý chuyên ngành xác định dự án thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét; trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền đối với từng dự án cụ thể, làm cơ sở để các Sở, ngành có liên quan thực hiện việc hỗ trợ và áp dụng các chính sách khuyến khích phù hợp với Quy định này.

c) Chủ trì cùng với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện chính sách này.

3. Sở Tài chính

a) Xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất khi giao đất, tiền thuê đất đối với dự án xã hội hóa để chủ đầu tư và các Sở, ngành thực hiện.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện việc giải phóng mặt bằng, các Khoản giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển Mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa tại Quy định này, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Thẩm định nhu cầu sử dụng đất các dự án xã hội hóa; hướng dẫn, thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển Mục đích sử dụng đất; cung cấp các thông tin về kế hoạch sử dụng đất đến các dự án xã hội hóa cho các nhà đầu tư khi có yêu cầu;

b) Trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án xã hội hóa của các ngành trên từng địa bàn quận, huyện. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, lập kế hoạch sử dụng đất dành cho các lĩnh vực xã hội hóa trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

c) Hướng dẫn chủ đầu tư quy trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án xã hội hóa theo pháp luật quy định.

5. Cục Thuế thành phố

Hướng dẫn công tác đăng ký kê khai thu nộp và quyết toán thuế đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa, báo cáo tình hình ưu đãi về thuế đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo quy định

Điều 9. Ủy ban nhân dân quận, huyện

1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho nhu cầu xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn;

2. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho các lĩnh vực xã hội hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3. Chỉ đạo việc triển khai, theo dõi, quản lý các cơ sở thực hiện xã hội hóa thuộc phạm vi quản lý;

4. Định kỳ hàng quý trước ngày 18 cuối quý và hàng năm trước ngày 15 tháng 11 Ủy ban nhân dân quận, huyện lập báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của các cơ sở thực hiện xã hội hóa gửi các Sở chuyên ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và các bộ quản lý chuyên ngành theo từng lĩnh vực.

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các Sở quản lý chuyên ngành hướng dẫn cơ sở thực hiện xã hội hóa thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, gây khó khăn đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, phạm vi và hậu quả gây ra sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC QUY HOẠCH KÊU GỌI XÃ HỘI HÓA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

A. Đối với lĩnh vực giáo dục

I. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông

STT

Tên cơ sở giáo dục

Địa điểm

Quy mô tối thiểu

Diện tích đất tối thiểu (m2)

Khái toán tổng mức đầu tư

Ghi chú

1

Trường mầm non (04 trường)

Quận Ninh Kiều

100 trẻ/trường

800m2/trường

9 tỷ đồng/trường

8 m2/trẻ

2

Trường tiểu học (02 trường)

Quận Ninh Kiều

10 lớp/trường

2.100m2/trường

15 tỷ đồng/trường

6m2/học sinh

3

Trường trung học cơ sở (02 trường)

Quận Ninh Kiều

8 lớp/trường

2.160m2/trường

12 tỷ đồng/trường

6m2/học sinh

4

Trường trung học phổ thông (03 trường)

Quận Ninh Kiều

6 lớp/trường

1.620m2/trường

9 tỷ đồng/trường

6m2/học sinh

5

Trường mầm non (02 trường)

Quận Bình Thủy

100 trẻ/trường

800m2/trường

9 tỷ đồng/trường

8 m2/trẻ

6

Trường mầm non (02 trường)

Quận Cái Răng

100 trẻ/trường

800m2/trường

9 tỷ đồng/trường

8 m2/trẻ

7

Trường mầm non (01 trường)

Quận Ô Môn

100 trẻ/trường

800m2

9 tỷ đồng

8 m2/trẻ

8

Trường mầm non (01 trường)

Quận Thốt Nốt

100 trẻ/trường

800m2

9 tỷ đồng

8 m2/trẻ

9

Trường mầm non (01 trường)

Huyện Phong Điền

50 trẻ/trường

600m2

9 tỷ đồng

12 m2/trẻ

10

Trường mầm non (01 trường)

Huyện Thới Lai

50 trẻ/trường

600m2

9 tỷ đồng

12 m2/trẻ

11

Trường mầm non (01 trường)

Huyện Cờ Đỏ

50 trẻ/trường

600m2

9 tỷ đồng

12 m2/trẻ

12

Trường mầm non (01 trường)

Huyện Vĩnh Thạnh

50 trẻ/trường

600m2

9 tỷ đồng

12 m2/trẻ

II. Đối với đào tạo nghề nghiệp

STT

Tên cơ sở đào tạo

Địa điểm

Quy mô tối thiểu

Diện tích đất
tối thiểu (m2)

Khái toán tổng mức đầu tư

Ghi chú

1

Trường trung cấp chuyên nghiệp (04 trường)

Các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng

200 học sinh/trường

6.000 m2/trường

12 tỷ đồng/trường

30 m2/học sinh

B. Đối với lĩnh vực Dạy nghề

STT

Loại hình

Địa điểm

Quy mô đào tạo tối thiểu

Diện tích đất sử dụng tối thiểu (m2)

Khái toán tổng mức đầu tư

Ghi chú

1

Trường Cao đẳng nghề

(Cơ khí chế tạo, Quản trị cơ sở
dữ liệu, cơ điện tử…)

Quận Cái Răng

500 học sinh, sinh viên

30.000m2

46,470 tỷ đồng

 

2

Trường trung cấp nghề (Sửa chữa thiết bị may, sửa chữa máy tàu thủy, lắp đặt thiết bị cơ khí…)

Quận Cái Răng

500 học sinh

10.000m2

22,930 tỷ đồng

 

3

Trường Trung cấp nghề (kỹ thuật điêu khắc gỗ, trang trí nội thất, gia công và thiết kế sản phẩm mộc…)

Huyện Phong Điền

500 học sinh

10.000m2

22,930 tỷ đồng

 

4

Trường trung cấp nghề (Sửa chữa thiết bị in, công nghệ in, sửa chữa thiết bị tự động hóa…)

Quận Bình Thủy

500 học sinh

10.000m2

22,930 tỷ đồng

 

5

Trường trung cấp nghề (Điều hành tour du lịch, quản trị dịch vụ giải trí, thể thao, kỹ thuật chế biến món ăn…)

Quận Ninh Kiều

500 học sinh

10.000m2

22,930 tỷ đồng

 

6

Trung tâm dạy nghề (sửa chữa máy nông nghiệp, nề - hoàn thiện…)

Huyện Vĩnh Thạnh

500 học sinh

5.000m2

22,930 tỷ đồng

 

7

Trung tâm dạy nghề (Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, phòng và chữa bệnh thủy sản…)

Quận Thốt Nốt

500 học sinh

5.000m2

22,930 tỷ đồng

 

8

Trung tâm dạy nghề (Trồng cây lương thực, thực phẩm, chọn và nhân giống cây trồng…)

Huyện Cờ Đỏ

500 học sinh

5.000m2

22,930 tỷ đồng

 

C. Đối với lĩnh vực y tế

STT

Tên cơ sở khám, chữa bệnh

Địa điểm

Quy mô

Diện tích đất (m2)

Khái toán tổng mức đầu tư

Ghi chú

1

Bệnh viện điều dưỡng và chăm sóc người già

Quận Bình Thủy

100 giường bệnh

20.000m2

140 tỷ đồng

 

2

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hội chức năng

Quận Bình Thủy

100 giường bệnh

10.000m2

140 tỷ đồng

 

3

Bệnh viện Mắt

Quận Ninh Kiều

50 giường bệnh

5.000m2

100 tỷ đồng

 

4

Bệnh viện Răng Hàm Mặt

Quận Cái Răng

50 giường bệnh

5.000m2

100 tỷ đồng

 

5

Bệnh viện Tai Mũi Họng

Quận Cái Răng

50 giường bệnh

5.000m2

100 tỷ đồng

 

6

Bệnh viện chuyên khoa nội tiết

Quận Ninh Kiều

50 giường bệnh

5.000m2

100 tỷ đồng

 

D. Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao

STT

Tên cơ sở

Địa điểm

Quy mô

Diện tích đất tối thiểu (m2)

Khái toán tổng mức đầu tư

Ghi chú

I

Lĩnh vực văn hóa

 

 

 

 

 

1

Trung tâm văn hóa ở các huyện

Các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh

 

2.500m2/trung tâm

18 tỷ đồng/trung tâm

 

2

01 cơ sở chiếu phim

Quận Ninh Kiều

Ít nhất 60 buổi chiếu/năm

Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của rạp chiếu phim theo quy định

5 tỷ đồng

 

II

Lĩnh vực thể dục thể thao

 

 

 

 

 

1

Hệ thống các sân thể thao (sân điền kinh, sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân quần vợt, sân bóng rổ, sân bóng ném, sân tập, sân vận động)

Quận Bình Thủy

9 sân

20.000m2

1 tỷ đồng/sân

 

2

Nhà tập luyện thể thao

Các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh

01 nhà tập đa môn, 01 nhà tập đơn môn/quận, huyện 

200m2/nhà đa môn, 100m2/nhà đơn môn

 

10 tỷ đồng/nhà tập đa môn, 3 tỷ đồng/ nhà tập đơn môn

 

3

Sân thể thao

Các quận, huyện: Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh

01 sân tập thể thao/quận, huyện

100m2/sân tập loại nhỏ, 500m2/sân tập loại trung bình trở lên

01 tỷ đồng/ sân tập

 

4

Bể bơi

Các quận, huyện: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ninh Kiều

01 bể bơi/quận, huyện

400m2/bể bơi

(riêng Q, Ninh Kiều có từ 400-1.000m2)

 

10 tỷ đồng/bể bơi

 

E. Đối với lĩnh vực môi trường

STT

Loại hình nghề nghiệp

Địa điểm

Quy mô

Diện tích đất

Khái toán tổng mức đầu tư

Ghi chú

1

Nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại (kể cả chất thải y tế)

Quận Ô Môn hoặc huyện
Thới Lai

500 tấn/ngày

20ha

500 tỷ đồng

 

2

Cơ sở xử lý nước thải sinh hoạt tập trung

Các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh,
Thới Lai, Cờ Đỏ

15.000m3/ngày đêm/01 hệ thống

20ha/hệ thống

150 tỷ đồng/hệ thống

 

3

Cơ sở xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các đô thị

Nội ô các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng

20 nhà vệ sinh

70m2/nhà vệ sinh

500 triệu đồng/nhà vệ sinh

 

4

Cơ sở hỏa táng, điện táng

Quận Ninh Kiều hoặc Ô Môn

3 lò

500 m2

30 tỷ đồng

 

5

Cơ sở cung cấp nước sạch nông thôn

Các huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh

2.500m3/ngày đêm/01 hệ thống

01 ha/hệ thống

10 tỷ đồng/1 hệ thống

 

Ghi chú: Các danh Mục quy hoạch xã hội hóa nêu trên đều thực hiện theo tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa của Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.