Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2017/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM QUY MÔ TRANG TRẠI, CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 06 năm 2015;

n cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 23 tháng 06 năm 2014;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 2 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

n cứ Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết một số điều của Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản;

Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết một số điều của Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học;

Theo đề nghị của Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tại tờ trình số 427/TTr-TNMT-MT ngày 22/11/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2017.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư Pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN Tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV, Cổng thông tin điện tử;
- Lưu: VT, TN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM QUY MÔ TRANG TRẠI, CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 07/2017/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.

2. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô trang trại, công nghiệp theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đánh giá tác động môi trường: Là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó;

2. Khu vực đông dân cư: Là khu vực dân cư ở tập trung (theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt), chợ cố định, bến phà, bến xe, tụ điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và các công trình công cộng khác;

3. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm: Là nơi diễn ra các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm có địa điểm cố định; được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định (đối với các trường hợp phải đăng ký theo quy định);

4. Gia súc là các động vật nuôi phổ biến như: Trâu, bò, dê, lợn, hươu, nai, ngựa, thỏ.

5. Gia cầm là các động vật nuôi phổ biến như: Gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, bồ câu, chim cút, đà điểu, chim yến.

6. Chăn nuôi hộ gia đình: Là chăn nuôi ở quy mô chưa đạt tiêu chí của kinh tế trang trại theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Chăn nuôi tập trung: Là chăn nuôi trang trại của các tổ chức, cá nhân có quy mô chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

8. Nước mặt: Là nước tồn tại trên mặt đất liền, bao gồm: nước sông, suối, ao, hồ, kênh, mương, khe, rạch, đầm.

9. Nước dưới đất: Là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.

10. Nước thải: Bao gồm (nước phân, nước tiểu, nước chứa máu của gia súc, gia cầm; nước vệ sinh từ chuồng trại, từ các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, và các loại chất lỏng khác (thuốc thú y dạng lỏng; dung dịch xử lý chuồng trại).

11. Chất thải rắn: Là phân, lông, các phế phẩm khác từ động vật; bã thức ăn chăn nuôi, xác động vật, bao bì thuốc thú y và các chất thải rắn khác thải ra trong quá trình chăn nuôi, giết mổ.

12. Khí thải: Là các loại khí thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi như NH3, H2S, CO2, CH4 và các khí có mùi khác.

13. Chất thải nguy hại: Là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Chất thải nguy hại phát sinh từ cơ sở chăn nuôi bao gồm: bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, giẻ lao dính dầu, vỏ bao bì thuốc thú y, xác gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh; chế phẩm hóa chất khử trùng.

14. Quản lý chất thải: Là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn vào môi trường tiếp nhận gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường đất, môi trường nước (nước mặt, nước dưới đất) và môi trường không khí. Nghiêm cấm việc chuyển giao (bán, cho, tặng...) chất thải rắn nguy hại chưa xử lý cho các cá nhân, đơn vị không có chức năng xử lý.

2. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung gần bệnh viện, trường học, chợ, công sở, khu vui chơi, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, đường giao thông và khu vực đông dân cư. Cơ sở chăn nuôi không nằm trong quy hoạch chăn nuôi của tỉnh và của địa phương.

3. Để gia súc, gia cầm phóng uế ở nơi công cộng và nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu đông dân cư.

4. Giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm bị bệnh hay nghi mắc bệnh. Trong trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, xác gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải kịp thời báo cáo cho cơ quan thú y và tổ chức tiêu hủy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại vị trí do cơ quan thú y quy định.

5. Nhập gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đúng theo các quy định hiện hành.

6. Chăn thả gia súc, gia cầm trong đô thị, các khu vực công cộng, các tuyến đường giao thông.

7. Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của Pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Chưa được triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

4. Phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm.

5. Khắc phục ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại môi trường (nếu có) do hoạt động của mình gây ra.

6. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.

7. Xây dựng kế hoạch quan trắc và giám sát môi trường định kỳ theo cam kết và báo cáo kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở định kỳ hàng năm đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo phân cấp.

8. Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường.

9. Nộp phí môi trường đối với nước thải theo đúng quy định tại Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

10. Quy định về vị trí, địa điểm

a) Địa điểm xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, tập trung phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, địa phương, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cho phép; theo quy định về bảo vệ môi trường hiện hành.

+ Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô chuồng trại từ 1,000 m2 trở lên: Khoảng cách từ cơ sở chăn đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt...tối thiểu 500m.

+ Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hơn 1.000 m2: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt... tối thiểu 300m.

b) Nơi xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho hoạt động chăn nuôi; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

11. Quy định về chuồng, trại: thực hiện theo nội dung Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

a) Đối với chuồng nuôi gia súc:

- Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại.

- Trại chăn nuôi phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách thăm quan; khu cách ly gia súc ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu lưu giữ chất thải nguy hại; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ khác (nếu có).

- Cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng.

- Chuồng nuôi gia súc phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng theo quy định hiện hành về chuồng trại.

- Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3-5% đối với chuồng nền.

- Vách chuồng phải nhẵn, không có góc sắc, đảm bảo gia súc không bị trầy xước khi cọ sát vào vách chuồng.

- Mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nước khi mưa.

- Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

- Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa.

- Các dụng cụ khác trong các chuồng trại (xẻng, xô, ...) phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.

- Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hóa chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị,... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

- Có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu theo quy chuẩn QCVN 62- MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải chăn nuôi.

b) Đối với chuồng nuôi gia cầm:

- Có hàng rào hoặc tường kín bao quanh cách biệt với bên ngoài để bảo đảm hạn chế người và động vật từ bên ngoài xâm nhập vào trại.

- Trước cổng có hố khử trùng và phương tiện khử trùng, tiêu độc, có biển báo một số điều cấm hoặc hạn chế đối với khách ra vào trại.

- Có phòng làm việc của các cán bộ chuyên môn, nơi mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm (đối với trại có quy mô lớn).

- Có nơi để dụng cụ, thuốc, sổ sách ghi chép tình hình sản xuất, dịch bệnh và sử dụng vắc xin, thuốc của đàn gia cầm.

- Có phòng thay bảo hộ lao động, khử trùng, tiêu độc trước khi vào khu chăn nuôi.

- Có thiết bị tẩy uế khử trùng các loại phương tiện vận chuyển, người và vật dụng tại cổng ra vào trại, khu chăn nuôi.

- Có kho chứa thức ăn cách biệt với khu chăn nuôi, phải khô ráo, thoáng mát, thường xuyên có biện pháp diệt chuột, mối mọt, gián và các loại côn trùng gây hại khác. Không để các loại thuốc sát trùng, hóa chất độc hại trong kho chứa thức ăn. Không dự trữ thức ăn trong kho quá thời hạn sử dụng.

- Chuồng trại phải bảo đảm thông thoáng, ánh sáng, nhiệt độ, âm độ phù hợp với các giai đoạn nuôi dưỡng gia cầm (gia cầm con, hậu bi, sinh sản).

- Có hố khử trùng ở lối ra vào chuồng nuôi, có ngăn cách giữa các khu chăn nuôi (Khu nuôi gia cầm con; khu nuôi gia cầm hậu bị; khu nuôi gia cầm sinh sản).

- Cống rãnh thoát nước thải phải có độ dốc thích hợp khoảng 3-5%, không bị ứ đọng nước.

- Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với số lượng gia cầm.

- Máng ăn, máng uống được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

- Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn chụp sưởi và các dụng cụ khác phải bảo đảm an toàn cho người chăn nuôi và gia cầm.

- Có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu theo quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải chăn nuôi.

- Yêu cầu đối với nhà ấp trứng: Đối với các trại chăn nuôi gia cầm giống, có khu vực ấp trứng gia cầm thì tuân theo các điều kiện sau đây:

+ Có hàng rào ngăn cách với bên ngoài và các khu vực khác trong trại chăn nuôi.

+ Nhà ấp trứng được bố trí phải phù hợp thuận lợi bảo đảm nguyên tắc một chiều tránh ô nhiễm chéo trong khu vực bao gồm nơi nhận, phân loại và sát trùng trứng; kho bảo quản trứng; phòng để máy ấp trứng và soi trứng; phòng để máy nở; phòng chọn trống mái, đóng hộp gia cầm con và phòng xuất sản phẩm.

12. Quy định về xử lý chất thải

a) Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường.

b) Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành. Khi chất thải rắn được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo quy định về vận chuyển chất thải hiện hành.

c) Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành.

d) Đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh, xác vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì phải thực hiện công bố dịch và tiêu hủy theo quy định.

đ) Chất thải nguy hại như: bóng đèn huỳnh quang thải; dầu thải; giẻ lao dính dầu; gia súc, gia cầm chết (do dịch bệnh); chất thải có các thành phần nguy hại từ quá trình vệ sinh chuồng trại... phải được quản lý và xử lý theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNTMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Riêng gia súc, gia cầm chết (do dịch bệnh) còn được quản lý và xử lý theo quy định về vệ sinh phòng bệnh

13. Đảm bảo chất lượng không khí xung quanh và tiếng ồn theo quy định hiện hành.

Điều 6. Trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân

1. Trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân:

a) Phải thực hiện việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương, cụ thể:

- Đối với các cơ sở có quy mô chuồng trại dưới 1.000 m2 phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã theo đúng quy định đã được phân cấp để được hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục về môi trường.

- Đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô diện tích từ 1.000 m2 trở lên phải hoàn tất hồ sơ trình sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục về môi trường.

b) Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

c) Chấp hành các quy định về điều kiện vệ sinh thú y và môi trường theo quy định của pháp luật.

d) Chủ nuôi phải khai báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan thú y gần nhất khi phát hiện động vật có biểu hiệu bất thường.

đ) Khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi huyện, tỉnh hoặc nhập động vật vào cơ sở phải khai báo với cơ quan thú y để được kiểm tra theo quy định của pháp luật.

e) Tuyệt đối không tái đàn trong thời gian có dịch.

g) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đúng theo quy chuẩn hiện hành.

2. Quyền lợi:

Các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này sẽ được xem xét hỗ trợ các chính sách của nhà nước khi đàn vật nuôi bị thiên tai, dịch bệnh.

Điều 7. Quy định về lập hồ sơ môi trường

1. Dự án đầu tư xây dựng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

a) Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên được quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 4 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ (Phụ lục II: Danh mục dự án phải thực hiện Đánh giá tác động môi trường).

b) Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Điều 12 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ Quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và Phụ lục 2.3 kèm theo Thông tư số 27/2015/TT- BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nộp về sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, tổ chức thẩm định.

c) Chủ dự án phải trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng và trước khi quyết định đầu tư dự án.

d) Chủ cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đi vào hoạt động (còn được gọi là cơ sở đang hoạt động) nhưng chưa thực hiện quy định về lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Dự án đầu tư xây dựng phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường

a) Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong trường hợp không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất tương đương với quy mô nói trên, phải lập bản Kế hoạch bảo vệ môi trường.

b) Nội dung Kế hoạch bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ Quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và Phụ lục 5.5; 5.6 kèm theo Thông tư số 27/2015/TT- BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

c) Chủ dự án hoặc chủ cơ sở phải đăng ký bản Kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi triển khai hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm.

d) Chủ cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải lập bản Kế hoạch bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động (còn được gọi là cơ sở đang hoạt động) nhưng không có Kế hoạch bảo vệ môi trường, ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, trong thời hạn không quá (02) năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực phải lập Đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản nộp tại Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (qua Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố) để đăng ký và xác nhận.

3. Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50 m2 không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được quy định tại phụ lục IV Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ. Các cơ sở thuộc đối tượng này phải tiến hành khai báo với chính quyền địa phương (cấp phường, xã) và được xác nhận cam kết trong hoạt động chăn nuôi (Phụ lục đính kèm Quy định).

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, UBND CẤP HUYỆN, CẤP XÃ VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TRONG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm.

b) Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quy định này.

c) Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật.

d) Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trình UBND tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn các địa phương công bố và triển khai quy hoạch của từng địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thẩm định, tiếp nhận các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh.

c) Tổ chức nghiên cứu, triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm bền vững, công nghệ tiên tiến và an toàn sinh học theo điều kiện cụ thể của địa phương.

d) Tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm.

đ) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường; phối hợp với đơn vị có liên quan để hướng dẫn việc thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

e) Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; hướng dẫn tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các hoạt động khác.

g) Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm và kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm.

3. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tập huấn hướng dẫn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh lây nhiễm bệnh qua người và cộng đồng dân cư xung quanh.

4. Các cơ quan thông tấn báo chí

Phối hợp đơn vị có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; xây dựng các chuyên mục bảo vệ môi trường; phát hiện và nêu gương các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình điển hình tích cực có các mô hình tốt về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm; phản ánh các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

5. Mặt trận tổ quốc, các Đoàn thể xã hội và các đơn vị có liên quan khác, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao phối hợp với cơ quan chức năng chuyên môn tổ chức thực hiện, tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Quy định này.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã

1. Trách nhiệm UBND cấp huyện

a) Tổ chức thực hiện các văn bản, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương.

b) Phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công bố quy hoạch vùng chăn nuôi tại địa phương; ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

c) Hướng dẫn các chủ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trình tự thủ tục lập, đăng ký bản kế hoạch bảo vệ môi trường; xem xét, thẩm định và thông báo chấp thuận hoặc không chấp thuận bản kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền quy định.

d) Chỉ đạo công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm theo thẩm quyền phân cấp quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trường hợp cơ sở vi phạm các quy định pháp luật về môi trường, thực hiện xử lý vi phạm theo thẩm quyền tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

đ) Tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh đúng theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm về sản phẩm gia súc, gia cầm tại địa phương.

2. Trách nhiệm UBND cấp xã

a) Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý của mình; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định tại tại Luật Bảo vệ môi trường 2014;

c) Quản lý các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thuộc vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

d) Phát hiện báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp; phát hiện và ngăn chặn không cho phép xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các vùng không quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương.

đ) Hòa giải các tranh chấp về môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trên địa bàn theo quy định của Pháp luật về hòa giải.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Khắc phục ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại môi trường (nếu có) do hoạt động của mình gây ra.

3. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.

4. Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường.

5. Nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

6. Trong trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm phải xử lý, tiêu hủy phải thực hiện theo quy định của Luật Thú y và Luật Bảo vệ môi trường.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm được xem xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của bản Quy định này và các quy định của pháp luật về hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phổ biến, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu tại Quy định này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

4. Đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đang hoạt động nhưng chưa đáp ứng quy định tại Điều 5 của Quy định này thì phải khắc phục trong thời gian không quá 6 tháng kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành./.

 

PHỤ LỤC

MẪU ĐĂNG KÝ
(Kèm theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

UBND HUYỆN (THỊ XÃ)………
XÃ (PHƯỜNG)…………………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

 

…….., ngày   tháng   năm  

 

GIẤY ĐĂNG KÝ CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI
(áp dụng cho quy mô chăn nuôi hộ cá thể diện tích nhỏ hơn 50 m2)

Kính gửi: UBND xã (phường) ......................................................

Họ và tên chủ hộ: ................................................................................................................

Địa chỉ: ................................................................................................................................

- Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường

- Căn cứ Quyết định số       /QĐ-UBND ngày ...tháng.... năm 2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế,

Tôi đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi tại gia đình, cụ thể như sau:

A. Hiện trạng:

1. Quy mô nuôi:

- Gia cầm:.... (loại); …………….(số lượng con);

- Gia súc: …..(loại);…………...... (số lượng con);

2. Vị trí nuôi:

- Phía Nam giáp: ............................................................................................................

- Phía Bắc giáp: ............................................................................................................

- Phía Tây giáp; ............................................................................................................

- Phía Đông giáp: ............................................................................................................

3. Diện tích chuồng nuôi: ………………… m2, diện tích đất: …………..….m2. Loại chuồng (kín hay hở): ...............................................................................................

4. Nước thải phát sinh:……. m3/ngày, nguồn tiếp nhận nước thải là: ...............................

5. Phân phát sinh: ……………….. kg/ngày, biện pháp xử lý/thu gom hiện tại ……………

B. Cam kết của hộ gia đình, cá nhân:

1. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, hạn chế tối đa việc phát sinh mùi hôi và ruồi, ngăn bằng các giải pháp như phun xịt chế phẩm khử, không làm ảnh hưởng môi trường xung quanh.

2. Chất thải rắn phát sinh như phân, xác động vật chết phải được xử lý kịp thời, đảm bảo điều kiện thú y và vệ sinh môi trường.

3. Nước thải phát sinh phải được xử lý sơ bộ trước khi thoát ra môi trường.

4. Tôi cam kết thực hiện các biện pháp xử lý chất thải phát sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. Tiêm phòng dịch bệnh định kỳ, nếu xảy ra dịch bệnh, tôi sẽ báo cáo ngay cho UBND xã (phường) được biết để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Trong quá trình chăn nuôi, nếu để xảy ra việc ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến khu vực và người dân xung quanh, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Giầy đăng ký cam kết này được lập thành 02 bản: UBND xã (phường) lưu giữ 01 bản và người đăng ký giữ 01 bản./.

 

XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ
(PHƯỜNG)

NGƯỜI ĐĂNG KÝ
(Kỹ và ghi rõ họ tên)