Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2008/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 18 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP VIỆC CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC VẬT LIỆU SAN LẤP VÀ TẬN THU BÙN TRẤP TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CHO UBND CẤP HUYỆN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Thông tư số 01/2006/TT-BTNMT ngày 23/01/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 3054/TNMT-KS ngày 29/10/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp việc cấp giấy phép khai thác, tận thu vật liệu san lấp và tận thu bùn trấp trên địa bàn cho UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) theo các nội dung cụ thể sau:

1. Cấp giấy phép khai thác đất san lấp:

Ủy ban nhân dân cấp huyện, xét cấp giấy phép khai thác đất san lấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn căn cứ vào các điều kiện sau đây:

- Khu vực cấp phép phải phù hợp quy hoạch khoáng sản đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 72/2006/NQ-HĐND ngày 19/7/2006.

- Khu vực xin khai thác có diện tích nhỏ hơn 05 ha đối với tổ chức và nhỏ hơn 01 ha đối với cá nhân.

- Công suất khai thác nhỏ hơn 50.000m3/năm.

- Thời gian khai thác không quá 03 năm, kể cả thời gian gia hạn.

- Khu vực khai thác phải đảm bảo yêu cầu: Không làm thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi khai thác xong.

2. Cho phép tận thu đất san lấp trong quá trình cải tạo đất:

Khi các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án đã được phê duyệt, yêu cầu cải tạo mặt bằng khu vực trước khi thực hiện dự án và làm phát sinh một khối lượng đất dôi dư thì UBND cấp huyện xét, cho phép tận thu nguồn đất san lấp này để phục vụ cho các công trình san lấp khác. Quá trình xem xét hồ sơ cần lưu ý như sau:

- Khu vực cải tạo đất phù hợp quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

- Việc cải tạo đất không gây ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất; không gây ô nhiễm môi trường sinh thái và việc sử dụng đất của các khu vực lận cận.

3. Cho phép tận thu bùn trấp trong quá trình đào, cải tạo ao nuôi trồng thủy sản:

Trong quá trình cải tạo, đào ao nuôi trồng thủy sản, nếu phát sinh một khối lượng bùn trấp có thể tận thu để làm phân vi sinh hay đất sạch phục vụ cung cấp cho ngành nông nghiệp, thì UBND cấp huyện xét, cho phép hộ gia đình, cá nhân được tận thu khối lượng đất với điều kiện:

- Khu vực đào, cải tạo đất là khu vực đã được UBND cấp huyện quy hoạch là đất nuôi trồng thủy sản;

- Việc tận thu đất không gây ảnh hưởng đến môi trường khu vực.

4. Tất cả các khối lượng khoáng sản khai thác, tận thu được trong các quá trình trên đều phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định.

5. Định kỳ hàng quý UBND cấp huyện báo cáo kết quả cấp phép về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Cục Địa chất và Khoáng sản, UBND tỉnh.

6. Quý IV hàng năm, UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua, lập kế hoạch khai thác đất san lấp cho năm sau gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

7. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về việc quản lý các hoạt động khai thác, tận thu đất san lấp; tận thu bùn trấp trên địa bàn. Tổ chức lực lượng chủ động kiểm tra, xử lý các sai phạm trong khai thác, tận thu của các tổ chức, cá nhân cũng như ngăn chặn, xử lý triệt để các hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo ngay về UBND tỉnh để được chỉ đạo xử lý kịp thời.

8. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác, tận thu vật liệu san lấp và tận thu bùn trấp bất hợp pháp mà không xử lý hoặc không báo cáo kịp thời theo quy định nêu trên, Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND cấp huyện trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ cấp phép theo đúng quy định và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của UBND cấp huyện.

Các Sở, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ UBND cấp huyện thực hiện tốt việc phân cấp này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục thuế Đồng Nai, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UB NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh