Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2024/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 08 tháng 3 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 95/TTr-SNV ngày 29 tháng 02 năm 2024 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 09/BC- STP ngày 15 tháng 01 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2024 và thay thế Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quy định tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức cấp xã làm việc tại các xã miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp;
- Vụ CQĐP, Vụ pháp chế - Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi;
- Đài Phát thanh truyền hình tỉnh;
- VPUB: PCVP(NC), CBTH;
- Lưu: VT, NC(Vi369).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hoàng Tuấn

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 và Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Các nội dung không quy định trong Quy định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan.

2. Việc thực hiện quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã phải đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.

3. Khi văn bản dẫn chiếu tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Chương II

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 4. Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ cán bộ cấp xã

Cán bộ, công chức cấp xã ngoài thực hiện theo tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 7 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố còn đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:

1. Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy

a) Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông.

c) Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên.

Riêng đối với Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã làm việc tại các xã thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên.

Trường hợp Điều lệ Đảng có quy định khác với quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng.

d) Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên. Trường hợp Điều lệ Đảng có quy định khác với quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng.

đ) Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

a) Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông.

c) Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên.

Riêng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm việc tại các xã thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên.

Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

d) Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên.

đ) Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, của pháp luật có liên quan, quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

3. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam

a) Độ tuổi: Theo quy định của luật, điều lệ tổ chức và quy định của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông.

c) Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên.

Riêng đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam xã làm việc tại các xã, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt nghiệp từ trung cấp trở lên.

Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác với quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ đó.

d) Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên. Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác với quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ đó.

đ) Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

Điều 5. Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh công chức cấp xã

1. Tiêu chuẩn của công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

2. Tiêu chuẩn của công chức Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội như sau:

a) Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên.

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông.

c) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Riêng đối với công chức xã làm việc tại các xã thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã

a) Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng chức danh công chức cấp xã quy định tại Phụ lục kèm theo Quy định này (có Phụ lục kèm theo).

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ chuyên ngành đào tạo ghi trên văn bằng tốt nghiệp để thực hiện tuyển dụng, bố trí phù hợp với chức danh công chức cấp xã. Trường hợp cần thiết có thể đối chiếu nội dung, chương trình của chuyên ngành đào tạo và quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với cán bộ, công chức cấp xã được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tiếp nhận trước khi Quyết định này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng các tiêu chuẩn theo Quy định này thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2023 (ngày Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) phải đáp ứng tiêu chuẩn theo Quy định này. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức

1. Sở Nội vụ

a) Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

2. Các sở, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ theo dõi, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách.

3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn tiêu chuẩn đối với các chức vụ cán bộ cấp xã liên quan đến ngành, lĩnh vực phù hợp với Điều lệ Đảng, điều lệ, luật có liên quan và tình hình thực tiễn địa phương.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Hằng năm tiến hành rà soát để có kế hoạch, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cử cán bộ, công chức cấp xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đạt chuẩn theo quy định.

b) Thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã: Hằng năm tiến hành rà soát để đăng ký cử cán bộ, công chức cấp xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạt chuẩn theo quy định./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC NGÀNH ĐÀO TẠO PHÙ HỢP VỚI YÊU CẦU NHIỆM VỤ CỦA TỪNG CHỨC DANH CÔNG CHỨC CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Quy định Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Chức danh công chức cấp xã

Ngành đào tạo

1

Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự

Thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

2

Văn phòng - thống kê

Quản trị nhân lực; Quản trị kinh doanh; Quản lý công; Quản lý nhà nước; Quản trị văn phòng; Hành chính văn phòng; Luật; Kinh tế; Quản lý Kinh tế; Kinh tế số; Thống kê kinh tế; Thống kê; Thống kê doanh nghiệp; Kế toán; Kiểm toán; Công nghệ thông tin; Văn thư hành chính; Văn thư - Lưu trữ; Lưu trữ; Lưu trữ học.

3

Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường

 

3.1

Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn)

Quản lý đất đai; Trắc địa - Địa hình - Địa chính; Đo đạc địa chính; Trắc địa công trình; Kỹ thuật trắc địa bản đồ; Đo đạc bản đồ; Bản đồ, viễn thám và hệ thông tin địa lý; Quản lý tài nguyên và môi trường; Khoa học môi trường; Kỹ thuật môi trường; Bảo vệ môi trường đô thị; Quản lý đô thị và công trình; Quy hoạch vùng và đô thị; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Quản lý xây dựng; Kỹ thuật xây dựng; Kinh tế xây dựng.

3.2

Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã)

Quản lý đất đai; Trắc địa - Địa hình - Địa chính; Đo đạc địa chính; Trắc địa công trình; Kỹ thuật trắc địa bàn đồ; Đo đạc bản đồ; Bản đồ, viễn thám và hệ thông tin địa lý; Quản lý tài nguyên và môi trường; Khoa học môi trường; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Quản lý xây dựng; Kỹ thuật xây dựng; Kinh tế xây dựng; Nông nghiệp; Nông học; Khoa học cây trồng; Trồng trọt; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Khuyến nông; Chăn nuôi; Kinh tế nông nghiệp; Phát triển nông thôn; Khuyến nông lâm; Quản lý tài nguyên rừng; Bảo vệ thực vật; Lâm nghiệp; Lâm sinh; Lâm học; Thú y.

4

Tài chính - kế toán

Kiểm toán; Kế toán; Kế toán lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội; Tài chính - ngân hàng.

5

Tư pháp - hộ tịch

Luật hoặc các chuyên ngành Luật có liên quan tới vị trí, chuyên môn, nghiệp vụ Tư pháp - hộ tịch.

6

Văn hóa - xã hội

Quản lý văn hóa; Văn hóa học; Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; Quản lý thông tin; Truyền thông đại chúng; Truyền thông đa phương tiện; Du lịch; Báo chí; Lịch sử; Bảo tàng; Bảo tàng học; Việt Nam học; Đông phương học; Dân tộc học; Bảo hiểm; Quản lý lao động tiền lương và bảo trợ xã hội; Bảo hộ lao động; Quan hệ lao động; Lao động - Xã hội; Công tác xã hội; Xã hội học; Quản lý nhà nước; Luật; Kế toán.