Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số:  09/2000/QĐ-UB-VX

TP.Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 02 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THIẾU NHI QUẬN-HUYỆN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Quy định số 223/QĐ-TWĐ ngày 20 tháng 12 năm 1986 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về tổ chức và hoạt động của Nhà thiếu nhi ;
Căn cứ Thông tư Liên Bộ số 24/TT-LB ngày 26 tháng 3 năm 1994 của Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa-thông tin - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định chế độ cấp phát, quản lý tài chính đối với các Nhà thiếu nhi ;
Căn cứ Công văn số 311/BTCCBCP-TCBC ngày 16 tháng 12 năm 1999 của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ về việc tổ chức Nhà thiếu nhi ;
Xét đề nghị của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh về việc điều chỉnh quy định tổ chức và hoạt động của các Nhà thiếu nhi (công văn số 376-CV/TV.99 ngày 29 tháng 9 năm 1999) và Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố (tờ trình số 06/TCCQ ngày 18 tháng 01 năm 2000) ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tổ chức hoạt động của Nhà thiếu nhi quận-huyện.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc Nhà thiếu nhi quận-huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận :
 - Như điều 3  
- Thường trực Thành ủy  
- Thường trực HĐND.TP
- Thường trực UBND.TP
- VP/TU và các Ban của Thành ủy
- BCH Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
 và các Quận-Huyện Đoàn
- UBMTTQ và các Đoàn thể TP  
- Sở Kế hoạch và Đầu tư TP
- Sở Tài chánh-Vật giá TP
- Viện Kiểm sát nhân dân TP
- Công an TP (PC.13)
- Kho bạc Nhà nước TP
- Ban TCCQ thành phố (3b)
- VPUB : PVP/VX - Tổ VX
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Phương Thảo

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

TP.Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 02 năm 2000 

 

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THIẾU NHI QUẬN-HUYỆN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2000/QĐ-UB-VậT LIệU XÂY DựNG ngày tháng 02 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Chương 1:

 VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NHÀ THIẾU NHI.

Điều 1.- Vị trí :

Nhà thiếu nhi quận-huyện là Trung tâm giáo dục ngoài nhà trường cho trẻ em do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập ; giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận-huyện quản lý.

Nhà thiếu nhi quận-huyện là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp (theo Thông tư số 24/TT-LB ngày 26 tháng 3 năm 1994 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa-thông tin, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân quận-huyện giao và Đoàn Thanh niên quận-huyện có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn hoạt động.

Điều 2.- Chức năng, nhiệm vụ hoạt động của Nhà thiếu nhi.

2.1- Về chức năng :

1. Nhà thiếu nhi quận-huyện là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường cho trẻ em, tập hợp đông đảo thiếu nhi để giáo dục lòng yêu nước và Chủ nghĩa xã hội cho các em thông qua các hình thức tổ chức hoạt động quần chúng rộng rãi và hoạt động chuyên môn, góp phần hình thành nhân cách toàn diện cho trẻ em.

2. Nghiên cứu, tổng kết, bồi dưỡng và hướng dẫn phương pháp hoạt động Đội thiếu niên ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường ;

3. Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, phát huy tính sáng tạo của thiếu nhi.

2.2- Về nhiệm vụ :

1. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, vui chơi bổ ích,... để thu hút và đáp ứng nhu cầu, sở thích của đông đảo thiếu nhi ;

2. Tổ chức thực hiện và thể nghiệm các hoạt động trọng tâm theo chương trình của Đội Thiếu niên Tiền phong để giáo dục các em tham gia trong Nhà thiếu nhi và tạo ra kinh nghiệm hướng dẫn phong trào ;

3. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống cách mạng, các cuộc thi năng khiếu như văn nghệ, thể thao, khéo tay kỹ thuật, sáng tạo kỹ thuật cho tất cả thiếu nhi ;

4. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống thông qua các hình thức như : nói chuyện, kể chuyện, sinh hoạt chính trị-xã hội, tiếp xúc anh hùng, chiến sĩ, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, các nhà khoa học,... nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, các sự kiện chính trị của thành phố và theo các chủ điểm sinh hoạt của Đội ;

5. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng và phát hiện năng khiếu thiếu nhi thông qua việc mở các lớp ngắn hạn, dài hạn theo sở thích, hình thành các câu lạc bộ, đội nhóm năng khiếu chuyên môn ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật.

Chương 2:

TỔ CHỨC BỘ MÁY HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THIẾU NHI

Điều 3.- Bộ máy hoạt động của Nhà thiếu nhi.

- Bộ máy quản lý : Nhà thiếu nhi quận-huyện do Giám đốc phụ trách và có từ 1 đến 2 Phó Giám đốc giúp việc. Giám đốc, các Phó Giám đốc do Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản quận-huyện chọn cử và Ủy ban nhân dân quận-huyện bổ nhiệm.

- Cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà thiếu nhi quận-huyện được bố trí theo nguyên tắc bộ máy tinh gọn, có hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà thiếu nhi.

- Biên chế cho bộ khung quản lý Nhà thiếu nhi quận-huyện được tính trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp của quận-huyện.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Giám đốc Nhà thiếu nhi quận-huyện được tuyển dụng cộng tác viên phù hợp với nhiệm vụ quản lý theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH, KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THIẾU NHI

Điều 4.- Kinh phí hoạt động của Nhà thiếu nhi gồm có :

- Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp phát hàng năm trên cơ sở đảm bảo cho Nhà thiếu nhi hoạt động đúng chức năng, có hiệu quả.

- Kinh phí hỗ trợ của Đoàn Thanh niên quận-huyện trực tiếp định hướng hoạt động Nhà thiếu nhi.

- Quỹ đóng góp của các đoàn thể nhân dân, các cơ sở kinh tế và các tổ chức quốc tế.

- Thu từ các hoạt động của Nhà thiếu nhi.

Điều 5.-Việc xác định mức cấp của ngân sách hàng năm để đảm bảo các khoản kinh phí hoạt động cho Nhà thiếu nhi quận-huyện do Đoàn Thanh niên và cơ quan tài chánh quận-huyện xem xét trên cơ sở kế hoạch hoạt động và dự toán hàng năm của Nhà thiếu nhi để trình Ủy ban nhân dân quận-huyện xét duyệt và thông báo cho Nhà thiếu nhi. Nội dung kinh phí hoạt động của Nhà thiếu nhi quận-huyện thực hiện theo Thông tư Liên Bộ số 24/TT-LB ngày 26 tháng 3 năm 1994 của Bộ Tài chính-Bộ Văn hóa thông tin-Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Giám đốc Nhà thiếu nhi quận-huyện có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tài chính hiện hành đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp.

Chương 4:

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC.

Điều 6.- Nhà thiếu nhi quận-huyện có mối quan hệ công tác như sau :

1. Đối với Ủy ban nhân dân quận-huyện : Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện giao kế hoạch và duyệt kế hoạch ; giám sát, kiểm tra và giải quyết các yêu cầu hoạt động của Nhà thiếu nhi theo trách nhiệm quản lý hành chính Nhà nước ;

2. Đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận-huyện, là cơ quan trực tiếp định hướng hoạt động. Nhà thiếu nhi quận-huyện còn chịu sự chỉ đạo kế hoạch và hướng dẫn nghiệp vụ của Nhà thiếu nhi thành phố ;

3. Đối với ngành văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao, giáo dục,... của quận-huyện là quan hệ phối hợp hoạt động ; được các ngành các cấp giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, trang thiết bị hoạt động.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7.- Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 8.- Mọi sửa chữa, bổ sung bản quy định này do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận-huyện đề nghị, Ủy ban nhân dân quận-huyện xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mới có hiệu lực thi hành./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ