Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2016/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC, TIÊU CHUẨN VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành;

Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy;

Căn cứ Nghị quyết số 127/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về mức hỗ trợ và kinh phí thường xuyên cho lực lượng dân phòng và các lực lượng tham gia tuần tra, phòng chống tội phạm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an thành phố và Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố tại Tờ trình số 1267/TTr-CATP-CSPC&CC ngày 25 tháng 9 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với lực lượng Dân phòng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giám đốc Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố và các cơ quan chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 103/2000/QĐ-UBND ngày 19/9/2000 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với lực lượng Dân phòng thành phố Đà Nẵng.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC, TIÊU CHUẨN VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, tiêu chuẩn và chế độ chính sách đối với lực lượng Dân phòng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với lực lượng Dân phòng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương II

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG

Điều 3. Chức năng

Lực lượng Dân phòng thành phố Đà Nẵng là lực lượng quần chúng tình nguyện, nòng cốt trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội và trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Điều 4. Nhiệm vụ

1. Tham gia tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm và nạn xã hội; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy, chữa cháy; đề xuất ban hành kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc địa bàn quản lý, xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra, tham gia chữa cháy ở địa phương và địa bàn khác khi có yêu cầu;

3. Tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác phòng, chống tội phạm; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

4. Tham gia giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường các vụ việc xảy ra trong khu vực, giúp người bị tai nạn, truy bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã đang lẫn trốn, cung cấp thông tin xác thực về vụ việc xảy ra cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

5. Phối hợp với Công an phường, xã, lực lượng Bảo vệ dân phố, lực lượng Dân quân và Bảo vệ chuyên trách các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đóng trên địa bàn phụ trách để tuần tra, canh gác bảo vệ an ninh trật tự theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Công an phường, xã;

6. Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND phường, xã giao.

Điều 5. Trong khi thi hành nhiệm vụ lực lượng dân phòng được quyền

1. Yêu cầu cá nhân, tổ chức chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật và báo cáo kịp thời cho Công an phường, xã và các lực lượng chức năng có thẩm quyền để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật;

Nghiêm cấm lực lượng Dân phòng tự ý kiểm tra giấy tờ, hàng hóa, phương tiện hoặc vào nơi ở của công dân để kiểm tra, kiểm soát trái quy định của pháp luật;

2. Bắt, giữ và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường, xã theo quy định của pháp luật;

3. Đội trưởng đội Dân phòng được quyền chỉ huy chữa cháy khi có cháy tại địa bàn phụ trách trong trường hợp lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố chưa đến kịp và Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn vắng mặt;

4. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy; việc giữ gìn trật tự ATXH thuộc phạm vi phụ trách.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ TIÊU CHUẨN THAM GIA LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG

Điều 6. Tổ chức lực lượng Dân phòng

1. Đội Dân phòng

a) Mỗi phường, xã thành lập 01 (một) Đội Dân phòng gồm 24 người, trong đó có 01 Đội trưởng, 02 Đội phó và các đội viên

b) Đối với phường: Đội trưởng đội Dân phòng do Phó Ban Bảo vệ dân phố kiêm nhiệm.

c) Đối với xã: Đội trưởng đội Dân phòng do Công an viên thường trực kiêm nhiệm.

d) Các Đội phó Đội Dân phòng do tập thể Đội Dân phòng bầu ra.

2. Tổ Dân phòng

a) Mỗi thôn thuộc xã thành lập 01 (một) Tổ Dân phòng. Tổ trưởng Tổ Dân phòng do Công an viên thôn kiêm nhiệm.

b) Mỗi khu dân phố thành lập một Tổ Dân phòng. Tổ trưởng Tổ Dân phòng do Tổ phó Ban Bảo vệ dân phố kiêm nhiệm;

c) Mỗi Tổ Dân phòng có 05 người bao gồm 01 Tổ trưởng, Tổ phó và các tổ viên. Tổ Dân phòng hoạt động không chuyên trách;

d) Tổ phó Tổ Dân phòng do tập thể Tổ Dân phòng bầu ra.

3. Công an phường, xã có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cùng cấp:

a) Thành lập Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng

b) Quyết định bổ nhiệm/công nhận Đội trưởng, Đội phó, Đội viên Dân phòng, Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Dân phòng và cấp giấy chứng nhận cho Đội trưởng, các Đội phó, Đội viên, Tổ trưởng, Tổ phó, các thành viên lực lượng Dân phòng;

4. Nhiệm kỳ hoạt động của lực lượng Dân phòng là 5 năm. Trong nhiệm kỳ, nếu Đội trưởng, Đội phó, Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên lực lượng Dân phòng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì Trưởng Công an phường, xã báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND phường, xã bãi nhiệm, miễn nhiệm và bầu hoặc bổ sung người thay thế.

Điều 7. Tiêu chuẩn của người tham gia lực lượng Dân phòng

1. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn phường, xã;

2. Có lý lịch rõ ràng;

3. Có sức khỏe, tự nguyện tham gia công tác dân phòng.

Điều 8. Quản lý và huấn luyện lực lượng Dân phòng

1. Chủ tịch UBND phường, xã có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và bảo đảm các điều kiện để duy trì hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng;

2. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

3. Công an thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ ANTT theo quy định pháp luật về quản lý trật tự ATXH;

4. Công an phường, xã có trách nhiệm quản lý trực tiếp lực lượng Dân phòng. Định kỳ hàng năm đề xuất cấp trên tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ ANTT; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định pháp luật; tổ chức phân loại, đánh giá chất lượng hoạt động lực lượng Dân phòng, phát hiện yếu kém để xây dựng, củng cố lực lượng này đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Chương IV

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN VÀ KINH PHÍ ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG

Điều 9. Hỗ trợ kinh phí thường xuyên

Mức hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho lực lượng Dân phòng được thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố

Điều 10. Chế độ trang phục

1. Đội trưởng, Đội phó, Đội viên Dân phòng mỗi năm được trang bị 01 bộ quần áo Xuân hè, 02 năm được trang bị 01 bộ quần áo Thu đông, mũ và phù hiệu;

2. Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Dân phòng hai năm được trang bị 01 bộ quần áo Xuân hè, mũ và phù hiệu.

Điều 11. Trang bị phương tiện

1. Lực lượng Dân phòng được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ gồm: Gậy, dùi cui cao su, roi điện, gậy điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và sử dụng theo đúng quy định pháp luật;

2. Lực lượng Dân phòng được cấp giấy chứng nhận và trang bị cần thiết khác theo quy định;

3. Phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Dân phòng do UBND cấp phường, xã trang bị theo quy định cho phù hợp với tính chất, đặc điểm về địa lý, dân cư; phù hợp với yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy và điều kiện ngân sách địa phương.

Điều 12.Kinh phí hoạt động của lực lượng Dân phòng

1. Kinh phí hoạt động của lực lượng Dân phòng được bảo đảm từ các nguồn sau:

a) Ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

b) Tài trợ, hỗ trợ tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Công an thành phố

1. Chỉ đạo Công an quận, huyện hướng dẫn, đôn đốc Công an phường, xã:

a) Tham mưu cho Chủ tịch UBND phường, xã thành lập lực lượng Dân phòng tại địa phương theo đúng Quy định này;

b) Tham mưu cho Chủ tịch UBND phường, xã ban hành quy chế hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng; bảo đảm kinh phí và trang bị phương tiện để duy trì hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng.

2. Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố:

a) Tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về tuần tra phòng, chống tội phạm, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Dân phòng;

b) Quy định và hướng dẫn sử dụng giấy chứng nhận, quần áo, mũ, phù hiệu, băng chức danh theo mẫu thống nhất.

3. Định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình hoạt động của các Đội Dân phòng để báo UBND thành phố

Điều 14. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố

1. Phối hợp với Công an thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ tại điểm b, khoản 2, điều 3 quy định này;

2. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Dân phòng;

3. Thống nhất với Công an thành phố về số liệu báo cáo tình hình hoạt động của lực lượng Dân phòng để báo cáo UBND thành phố.

Điều 15. Sở Tài chính

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố:

1. Dự toán kinh phí hàng năm cho lực lượng Dân phòng, báo cáo UBND thành phố để trình HND thành phố phê duyệt

2. Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động của lực lượng Dân phòng.

Điều 16. UBND quận, huyện

1. Lập dự toán kinh phí hoạt động của lực lượng Dân phòng (gồm cả hỗ trợ hàng tháng, kinh phí hoạt động, phụ cấp trách nhiệm của Đội trưởng, Đội phó…) cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Công an thành phố và Sở Tài chính thẩm định báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố phê duyệt;

2. Có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo; kiểm tra, đôn đốc UBND phường, xã triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy định này;

3. Định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo tình hình hoạt động của lực lượng Dân phòng về Công an thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Điều 17. UBND phường, xã

1. Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương thành lập Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng cho phù hợp; sử dụng lực lượng Dân phòng làm tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

2. Trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo theo quy định

Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng lực lượng Dân phòng và tập thể, cá nhân lực lượng Dân phòng lập thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật;

2. Tập thể, cá nhân lực lượng Dân phòng lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật hoặc vì mục đích vụ lợi cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, uy tín của tổ chức, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị tuy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc kịp thời phản ảnh về Công an thành phố để tập hợp, đề xuất UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.