Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2020/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế ứng phó sự cố chất thải.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế ứng phó sự cố chất thải.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

Điều 3. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban. QGUPSCTT&TKCN và các thành viên của Ủy ban;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: CN, NN, KTTH, QHĐP, PL, NC, TCCV;
- Lưu: VT, KGVX (2)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

QUY CHẾ

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; cơ chế tài chính và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Quy chế này không điều chỉnh sự cố chất thải do thiên tai và sự cố chất thải xảy ra trên biển. Việc ứng phó sự cố chất thải do thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai. Việc ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên biển được thực hiện theo quy định pháp luật về ứng phó sự cố hóa chất độc, ứng phó sự cố tràn dầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở xử lý chất thải (sau đây viết tắt là cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố chất thải.

Điều 3. Sự cố chất thải và nguyên tắc ứng phó sự cố chất thải

1. Sự cố chất thải là sự cố môi trường do chất thải gây ra trong quá trình quản lý chất thải.

2. Nguyên tắc ứng phó sự cố chất thải

a) Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;

b) Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó;

c) Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố;

d) Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải;

đ) Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Phân loại sự cố chất thải

1. Sự cố mức độ thấp

a) Sự cố trong phạm vi của cơ sở và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở;

b) Sự cố không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt huyện).

2. Sự cố mức độ trung bình là sự cố không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh).

3. Sự cố mức độ cao là sự cố không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, có phạm vi ảnh hưởng trên địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên.

4. Sự cố mức độ thảm họa là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Việc ứng phó sự cố mức độ thảm họa được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Chương II

CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI

Điều 5. Xây dựng kế hoạch và diễn tập ứng phó sự cố chất thải

1. Trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải

a) Cơ sở thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường phải lập kế hoạch ứng phó sự cố chất thải, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải có thể được lồng ghép vào kế hoạch ứng phó sự cố khác.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố chất thải hằng năm và định kỳ 05 năm. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại điểm này có thể được lồng ghép, tích hợp với các kế hoạch phòng thủ dân sự hoặc kế hoạch ứng phó sự cố khác tại địa phương.

c) Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các bộ có liên quan tổ chức xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này.

2. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải được lập cho giai đoạn chuẩn bị ứng phó sự cố và tổ chức ứng phó sự cố. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phải có các kịch bản ứng phó sự cố để có phương án ứng phó tương ứng.

3. Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết nội dung Kế hoạch, kịch bản ứng phó sự cố chất thải.

4. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phải công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành và phải được thông báo công khai đến cộng đồng dân cư.

5. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải

a) Diễn tập ứng phó sự cố quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quy chế này được thực hiện ít nhất 02 năm một lần;

b) Diễn tập ứng phó sự cố quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này được thực hiện theo Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải đã phê duyệt;

c) Diễn tập ứng phó sự cố phải có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan, đại diện đầu mối liên lạc của cộng đồng dân cư, các cơ sở xung quanh có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố gây ra;

d) Cơ quan, cơ sở xây dựng, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải có trách nhiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố quy định tại điểm a, b, c khoản này.

Điều 6. Xây dựng lực lượng, nguồn lực, trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải

1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn xây dựng lực lượng và bố trí nguồn lực, trang thiết bị ứng phó sự cố cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Kinh phí thực hiện xây dựng lực lượng, nguồn lực và trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải

1. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này; kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này.

2. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này; kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy chế này.

3. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện chỉ đạo thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy chế này; kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quy chế này.

4. Cơ sở tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của cơ sở mình.

Chương III

TỔ CHỨC ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI

Điều 8. Tiếp nhận và xử lý thông tin về sự cố chất thải

1. Thông tin về sự cố chất thải phải được thông báo kịp thời đến đầu số 112 hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra sự cố. Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố chất thải có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản này.

2. Cơ sở để xảy ra sự cố chất thải có trách nhiệm báo cáo ngay đến một trong các cơ quan sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã nơi xảy ra sự cố;

b) Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có trách nhiệm thông tin kịp thời về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp để kiểm tra và xử lý.

Điều 9. Ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở

1. Người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở.

2. Người chỉ huy ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở phải tổ chức ứng phó sự cố, đánh giá phạm vi ảnh hưởng và khả năng tự ứng phó của cơ sở để thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Trường hợp sự cố trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt; đồng thời có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố;

b) Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để được tổ chức ứng phó; bàn giao quyền chỉ huy cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của cơ sở thực hiện theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

3. Báo cáo và thông báo sự cố chất thải quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, gồm các nội dung: thời gian, địa điểm, nguyên nhân xảy ra sự cố; mức độ, phạm vi ảnh hưởng, các thiệt hại do sự cố gây ra; các hoạt động ứng phó sự cố đã thực hiện; đánh giá khả năng ứng phó của cơ sở và các nội dung khác có liên quan.

Điều 10. Ứng phó sự cố chất thải ngoài cơ sở

1. Xác định và công bố sự cố chất thải

a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được thông báo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Quy chế này, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện tổ chức xác định loại sự cố theo quy định tại Điều 4 Quy chế này, quyết định công bố sự cố chất thải và chỉ đạo việc ứng phó sự cố theo quy định tại Quy chế này; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để chỉ đạo ứng phó sự cố.

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh quyết định công bố sự cố chất thải và chỉ đạo ứng phó sự cố theo quy định tại Quy chế này; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo ngay cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo ứng phó sự cố.

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quyết định công bố sự cố chất thải và chỉ đạo ứng phó sự cố theo quy định tại Quy chế này; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo ứng phó sự cố.

Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố tình trạng khẩn cấp và chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

b) Quyết định công bố sự cố chất thải bao gồm các thông tin: loại và mức độ sự cố, địa điểm, thời gian, phạm vi ảnh hưởng và các khuyến nghị có liên quan; thành lập sở chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó sự cố; chỉ định người chỉ huy ứng phó sự cố, người phát ngôn ứng phó sự cố (ghi rõ họ tên, chức vụ, thông tin liên hệ) và lực lượng tham gia ứng phó sự cố.

2. Người chỉ đạo và người chỉ huy ứng phó sự cố chất thải

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện là người chỉ đạo ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy ứng phó sự cố quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy chế này;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp tỉnh là người chỉ đạo ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy ứng phó sự cố quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;

c) Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là người chỉ đạo ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy ứng phó sự cố quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy chế này;

d) Thủ tướng Chính phủ là người chỉ đạo ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy ứng phó sự cố quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy chế này.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải

a) Thành lập sở chỉ huy, chỉ định người chỉ huy, người phát ngôn, lực lượng ứng phó sự cố; thành lập tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố trong trường hợp cần thiết;

b) Huy động, giao kinh phí, phương tiện, thiết bị và huy động lực lượng ứng phó sự cố cho người chỉ huy ứng phó sự cố, tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tham gia, phối hợp ứng phó sự cố;

c) Trực tiếp chỉ đạo ứng phó sự cố; báo cáo và đề nghị cấp trên hỗ trợ ứng phó sự cố và cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp cần thiết;

d) Trách nhiệm, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy ứng phó sự cố chất thải

a) Tổ chức kịp thời các biện pháp khẩn cấp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan và hạn chế thấp nhất các thiệt hại, khắc phục hậu quả xảy ra;

b) Tiếp nhận, sử dụng kinh phí, phương tiện, trang thiết bị và trực tiếp chỉ huy các lực lượng tổ chức ứng phó sự cố; huy động lực lượng, trang thiết bị cần thiết để ứng phó sự cố chất thải; thường xuyên báo cáo người chỉ đạo và cung cấp thông tin cho người phát ngôn về ứng phó sự cố;

c) Tham vấn tổ chức, chuyên gia hoặc đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ trong quá trình ứng phó sự cố.

5. Cơ quan tham mưu ứng phó sự cố chất thải

a) Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu tổ chức ứng phó sự cố quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy chế này;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cơ quan có liên quan khác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu tổ chức ứng phó sự cố quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông và cơ quan có liên quan khác tham mưu tổ chức ứng phó sự cố quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này;

d) Các cơ quan quy định điểm a, b và c khoản này có trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho người chỉ huy ứng phó sự cố và tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Điều 11. Xác định nguyên nhân sự cố chất thải

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm tổ chức ứng phó sự cố có thể quyết định thạnh lập tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố ngay sau khi sự cố xảy ra.

2. Thành phần tổ công tác, gồm: đại diện cơ quan tài nguyên và môi trường, công thương, cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Tổ công tác có nhiệm vụ thu thập thông tin, tài liệu, xác định nguyên nhân, nguồn gốc của sự cố và báo cáo kịp thời cho người chỉ đạo, người chỉ huy ứng phó sự cố. Tổ công tác được huy động phương tiện, thiết bị, phòng thí nghiệm và chuyên gia để xác định nguyên nhân sự cố.

Điều 12. Cung cấp thông tin về ứng phó sự cố chất thải

1. Người phát ngôn được chỉ định trong Quyết định công bố sự cố chất thải quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Quy chế này là người phát ngôn chính thức vê sự cố chất thải và ứng phó sự cố chất thải.

2. Trách nhiệm, quyền hạn của người phát ngôn

a) Cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, trung thực, chính xác về sự cố chất thải và tình hình ứng phó sự cố chất thải cho cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan và các cơ quan truyền thông;

b) Tiếp nhận hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về sự cố chất thải, ứng phó sự cố chất thải từ người chỉ đạo, người chỉ huy, cơ quan tham mưu, tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Hình thức cung cấp thông tin

a) Thông qua các đầu mối liên lạc của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải và các kịch bản ứng phó sự cố hoặc công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các cấp;

b) Tổ chức họp báo cung cấp thông tin hoặc thông qua các cơ quan truyền thông trung ương, địa phương để thông tin về sự cố, ứng phó sự cố;

c) Các kênh thông tin liên lạc khác phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của khu vực, địa bàn nơi xảy ra sự cố.

4. Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về sự cố chất thải và ứng phó sự cố chất thải; các cơ quan truyền thông được tiếp cận thông tin về sự cố chất thải và có trách nhiệm đưa thông tin chính xác, trung thực, kịp thời đến người dân.

5. Thông tin về ứng phó sự cố chất thải quy định tại Điều này do người chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải quyết định và được cung cấp trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm công bố sự cố chất thải.

Điều 13. Kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố chất thải

1. Giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố kết thúc khi nguyên nhân, nguồn thải gây ra sự cố chất thải được cô lập, kiểm soát, xử lý an toàn và không còn khả năng gây ra sự cố tiếp theo.

2. Người chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải quyết định công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố khi đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Quyết định công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố phải được công khai bằng một trong các hình thức cung cấp thông tin quy định tại khoản 3 Điều 12 Quy chế này.

Chương IV

CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG SAU SỰ CỐ CHẤT THẢI

Điều 14. Trách nhiệm, yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường

1. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố phải có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường hoặc chi trả kinh phí cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải

a) Sự cố quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quy chế này do cơ sở gây ra sự cố trực tiếp thực hiện.

b) Sự cố quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này do cơ quan phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại khoản 1 Điều 15 Quy chế này tổ chức thực hiện.

3. Việc cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh; phục hồi mặt bằng cư trú, sản xuất kinh doanh, môi trường tự nhiên đối với khu vực không có hệ sinh thái được bảo tồn; khôi phục một số đặc điểm chính của hệ sinh thái đối với khu vực có hệ sinh thái được bảo tồn.

Điều 15. Phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố chất thải quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Quy chế này, kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường phải được phê duyệt.

a) Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường đối với sự cố chất thải quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy chế này;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường đối với sự cố chất thải quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này;

c) Tổng cục Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường đối với sự cố chất thải quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này.

2. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường

a) Mô tả hiện trạng môi trường sau sự cố, gồm: mức độ, phạm vi, tính chất ô nhiễm môi trường của từng khu vực; hiện trạng môi trường, mặt bằng, hệ sinh thái trước khi có sự cố chất thải (nếu có); yêu cầu xử lý môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, khôi phục mặt bằng, phục hồi một số đặc điểm chính hệ sinh thái;

b) Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;

d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quản lý, quan trắc, giám sát trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch nghiệm thu kết quả cải tạo, phục hồi môi trường;

đ) Dự toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 16. Tổ chức thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường

1. Việc cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Cơ quan phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường tổ chức đấu thầu thông qua tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp.

2. Tổ chức, đơn vị trúng thầu thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường và bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 14 Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Cơ quan trình phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường có trách nhiệm thẩm định, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có quyền tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 17. Kết thúc cải tạo, phục hồi môi trường

1. Giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường kết thúc khi cơ quan có thẩm quyền quyết định nghiệm thu kết quả cải tạo, phục hồi môi trường.

2. Quyết định nghiệm thu kết quả cải tạo phục hồi môi trường và kết quả cải tạo, phục hồi môi trường phải được công bố chính thức và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Sau khi công bố kết thúc quá trình cải tạo, phục hồi môi trường, cơ quan phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường báo cáo kết quả cho cơ quan có thẩm quyền cấp trên trực tiếp.

Chương V

CƠ CHẾ TÀI CHÍNH VÀ SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG TRONG ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI

Điều 18. Tài chính cho ứng phó sự cố chất thải

1. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm chi trả kịp thời và đầy đủ toàn bộ các chi phí liên quan đến tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân gây ra sự cố thì kinh phí ứng phó, cải tạo, phục hồi môi trường do Nhà nước chi trả.

2. Việc tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Quy chế này do nhà nước bố trí từ nguồn kinh phí dự phòng, nguồn sự nghiệp môi trường và các nguồn khác theo quy định pháp luật. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố cho nhà nước.

3. Cơ quan tham mưu ứng phó sự cố chất thải theo thẩm quyền phối hợp cơ quan tư pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân gây ra sự cố chất thải thực hiện bồi hoàn cho ngân sách nhà nước các chi phí đã ứng ra để tổ chức ứng phó sự cố chất thải, cải tạo phục hồi môi trường.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng định mức, trình tự thủ tục chi trả cho các hoạt động ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng, thiệt hại do sự cố có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân gây ra sự cố chất thải phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố chất thải

1. Cơ sở có trách nhiệm công khai thông tin cho cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan về khối lượng, tính chất của chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời công khai kế hoạch và kịch bản ứng phó sự cố thông qua hình thức niêm yết tại cơ sở và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và các hình thức thuận lợi khác.

2. Cộng đồng dân cư có khả năng bị ảnh hưởng từ sự cố chất thải phải được thông báo về các nguy cơ sự cố và các biện pháp ứng phó sự cố chất thải do cơ sở thực hiện; được biết và giám sát các hoạt động ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường do cơ sở hoặc cơ quan nhà nước thực hiện.

3. Đại diện cộng đồng dân cư, hộ gia đình có khả năng bị ảnh hưởng phải được tham gia các hoạt động diễn tập ứng phó sự cố chất thải của cơ sở và cơ quan nhà nước. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông tin cho cộng đồng và làm đầu mối thông tin liên lạc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố. Trường hợp cần thiết, đại diện cộng đồng dân cư có quyền yêu cầu cơ sở, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, giải trình các thông tin về sự cố chất thải, ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 20. Khuyến khích tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố chất thải, bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố chất thải, tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải.

2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp công sức, tài chính cho các hoạt động ứng phó sự cố chất thải quy định tại Quy chế này.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện

1. Chỉ đạo xây dựng, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải; kiểm tra và đôn đốc việc chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức ứng phó sự cố; tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố chất thải.

2. Chỉ đạo, trực tiếp tổ chức ứng phó sự cố chất thải theo Quy chế này.

Điều 22. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ứng phó sự cố chất thải; tổ chức kiểm tra, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trên phạm vi cả nước; chỉ đạo Tổng cục Môi trường hướng dẫn chi tiết nội dung Kế hoạch, kịch bản ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo và phục hồi môi trường sau sự cố đối với sự cố chất thải mức độ cao và mức độ thảm họa;

c) Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông về ứng phó sự cố chất thải; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sự cố chất thải.

2. Bộ Quốc phòng

a) Chủ trì xây dựng lực lượng, bố trí nguồn lực, trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị trực thuộc có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.

b) Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, nâng cao năng lực kỹ thuật, tổ chức nghiên cứu, chế tạo phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải.

3. Bộ Công an chỉ đạo Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cơ quan điều tra các cấp, Công an các đơn vị, địa phương sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải theo yêu cầu của cơ quan, cấp có thẩm quyền.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn, bố trí kinh phí, ban hành định mức cho việc ứng phó sự cố chất thải, bao gồm các hoạt động chuẩn bị ứng phó sự cố, tổ chức ứng phó sự cố và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố.

5. Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục pháp lý để yêu cầu tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải thực hiện việc hoàn trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố chất thải, cải tạo, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Y tế chỉ đạo nâng cao năng lực của các cơ sở y tế trong ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của con người trong ứng phó sự cố chất thải.

7. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ khác tham gia ứng phó sự cố chất thải theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo yêu cầu của cơ quan, cấp có thẩm quyền.

Điều 23. Trách nhiệm của chính quyền địa phương

1. Ủy ban nhân dân các cấp

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương; chỉ đạo các đơn vị tại địa phương triển khai thực hiện, tổ chức diễn tập và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố chất thải;

b) Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn;

c) Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố chất thải tại địa phương;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng cấp tổ chức ứng phó sự cố chất thải, cải tạo phục hồi môi trường sau sự cố chất thải trên địa bàn.

Điều 24. Trách nhiệm của cơ sở

1. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố chất thải; xây dựng, thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố chất thải; tổ chức ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở và tham gia ứng phó sự cố chất thải theo sự chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền.

2. Định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải./