Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2000/QĐ-HĐQL

Hà Nội, ngày 29 tháng 2 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SỐ 10/2000/QĐ-HĐQL NGÀY 29 THÁNG 02 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH, PHƯƠNG ÁN TRẢ NỢ VỐN VAY CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN

Căn cứ Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ vè việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 50/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển
Căn cứ Quyết định số 231/1999/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ vè việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển;
Theo đề nghị của Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển, Trưởng ban kiểm soát, giám đốc các Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển, Trưởng ban các Ban thuộc Quỹ Hỗ trợ phát triển chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

Trương Công Phú

(Đã ký)

 

HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH, PHƯƠNG ÁN TRẢ NỢ VỐN VAY CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2000/QĐ-HĐQL ngày 29 tháng 2 năm 2000 của Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quỹ Hỗ trợ phát triển là tổ chức tài chính Nhà nước, thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua việc cho vay, thu nợ các dự án đầu tư; bảo lãnh vay vốn đối với các chủ đầu tư; tái bảo lãnh và nhận tái bảo lãnh đối với các Quỹ đầu tư; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế lớn của Nhà nước và các vùng khó khăn cần khuyến khích đầu tư.

Điều 2. Các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải được Quỹ Hỗ trợ phát triển thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và chấp thuận cho vay trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Các dự án xin bảo lãnh tín dụng đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải được Quỹ Hỗ trợ phát triển thẩm định chấp thuận phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay trước khi quyết định việc bảo lãnh.

Các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc xin bảo lãnh tín dụng đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư và xây dựng theo quy định hiện hành.

Điều 3. Chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu và lập dự án đầu tư, chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn của các nội dung và số liệu trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.

Người có thẩm quyền quyết định đầu tư, tổ chức thẩm định dự án có trách nhiệm lấy ý kiến tham gia của các ngành có liên quan và chịu trách nhiệm toàn diện về tính khả thi và hiệu quả đầu tư của dự án. Các cơ quan tham gia thẩm định dự án chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm được phân công quản lý

Điều 4. Sau thời hạn 12 tháng kể từ khi Quỹ Hỗ trợ phát triển có ý kiến thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay mà cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định đầu tư (đối với các dự án nhóm B, C ), hoặc đã có quyết định đầu tư mà chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện dự án thì trước khi quyết định đầu tư hoặc trước khi triển khai thực hiện dự án phải có ý kiến thẩm định lại Quỹ Hỗ trợ phát triển về phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của dự án.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay gửi cơ quan Quỹ Hỗ trợ phát triển (bao gồm cả các Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển) thực hiện theo Thông tư số 06 1999/TT-BKH ngày 24 tháng 11 năm 1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung Tổng mức đầu tư, Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư và Báo cáo đầu tư và các quy định tại Quy chế này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Quỹ Hỗ trợ phát triển có trách nhiệm thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của các dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Quỹ Hỗ trợ phát triển theo quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước..

Điều 7. Các dự án đầu tư được thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ để vay vốn và đề nghị được bảo lãnh tín dụng đầu tư tại Quỹ Hỗ trợ phát triển phải đảm bảo các điều kiện:

1. Đối với dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước:

a/ Thuộc đối tượng cho vay vốn đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển quy định tại Điều 8 - Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

b/ Đảm bảo các điều kiện cho vay quy định tại Điều 9 - Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

2. Đối với dự án đề nghị được bảo lãnh tín dụng đầu tư:

a/ Thuộc đối tượng được bảo lãnh tín dụng đầu tư tại Quỹ Hỗ trợ phát triển quy định tại Điều 30 - Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

b/ Chủ đầu tư muốn được bảo lãnh tín dụng đầu tư phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 31 - Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Điều 8. Hồ sơ dự án do chủ đầu tư gửi đến Quỹ Hỗ trợ phát triển để thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay bao gồm:

1. Đối với dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước:

a/ Báo cáo nghiên cứu khả thi, hoặc báo cáo đầu tư phù hợp với các quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan đến dự án;

b/ Tờ trình phê duyệt dự án do chủ đầu tư lập;

c/ Ý kiến tham gia thẩm định dự án của các cơ quan có liên quan;

d/ Phương án tài chính, phương án sản xuất kinh doanh và trả nợ vốn vay;

đ/ Các văn bản pháp lý liên quan về: xác định cơ cấu nguồn vốn tham gia đầu tư, khả năng huy động từng nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm;

e/ Riêng dự án mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, chủ đầu tư phải gửi báo cáo tài chính của doanh nghiệp 2 năm liên tục trước khi đầu tư;

g/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

h/ Cam kết của chủ đầu tư về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi đến Quỹ Hỗ trợ phát triển. Các tài liệu nói trên là bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

i/ Các giải trình bổ sung (nếu có).

2. Đối với dự án đề nghị được bảo lãnh tín dụng đầu tư:

a/ Báo cáo nghiên cứu khả thi, hoặc báo cáo đầu tư phù hợp với các quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan đến dự án;

b/ Quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c/ Đơn xin bảo lãnh của chủ đầu tư và văn bản của tổ chức tín dụng yêu cầu bảo lãnh;

d/ Văn bản thẩm định cho vay của tổ chức tín dụng;

đ/ Phương án tài chính, phương án sản xuất kinh doanh và trả nợ vốn vay;

e/ Riêng dự án mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, chủ đầu tư phải gửi báo cáo tài chính của doanh nghiệp 2 năm liên tục trước khi đầu tư;

g/ Tổng dự toán hoặc dự toán hạng mục công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

h/ Cam kết của chủ đầu tư về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi đến Quỹ Hỗ trợ phát triển. Các tài liệu nói trên là bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

i/ Các giải trình bổ sung (nếu có).

Điều 9. Hồ sơ để thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, đề nghị được bảo lãnh tín dụng đầu tư gửi về Quỹ Hỗ trợ phát triển theo quy định sau đây:

a/ Các dự án nhóm A gửi về Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương.

b/ Các dự án nhóm B, C thuộc địa phương quản lý và của trung ương đầu tư trên địa bàn gửi về Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi chủ đầu tư đăng ký vay vốn và đề nghị được bảo lãnh tín dụng đầu tư ).

Điều 10. Nội dung cần được đánh giá và kết luận khi thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của dự án:

1. Kiểm tra chủ đầu tư:

a/ Tư cách pháp nhân của chủ đầu tư

b/ Năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của chủ đầu tư.

c/ Năng lực tài chính của chủ đầu tư:

- Vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư tham gia đầu tư vào dự án.

- Các khoản vay nợ và khả năng thanh toán của chủ đầu tư.

d/ Kết quả sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư trong 2 năm liên tục trước khi đầu tư (đối với các dự án mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ):

- Phân tích các chỉ số về khả năng thanh toán:

+ Phân tích khả năng thanh toán tổng quát;

+ Khả năng thanh toán nhanh;

- Các chỉ số doanh lợi:

+ Lợi nhuận sau thuế;

+ Tỷ suất: lợi nhuận/doanh thu;

+ Tỷ suất: lợi nhuận/vốn chủ sở hữu.

2. Phương án tài chính của dự án:

2.1. Các chỉ tiêu xây dựng phương án tài chính.

a/ Quy mô của dự án;

b/ Tổng mức vốn đầu tư của dự án;

c/ Cơ cấu các nguồn vốn tham gia đầu tư (kể cả vốn lưu động và các nguồn tài trợ). Đối với các dự án nhóm C phải đảm bảo đủ vốn đầu tư để thực hiện dự án không quá 2 năm;

d/ Tính khả thi của từng nguồn vốn để tham gia đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ;

đ/ Biểu tiến độ thực hiện dự án đầu tư và kế hoạch sử dụng các nguồn vốn tham gia đầu tư hàng năm;

e/ Chi phí đầu tư;

g/ Chi phí sản xuất, dịch vụ;

h/ Doanh thu;

i/ Biểu cân đối thu chi tài chính của dự án.

k/ Lịch trả nợ vay (cả gốc và lãi);

l/ Những khả năng rủi ro có thể;

2.2. Các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư của dự án:

a/ Giá trị hiện tại thuần (NPV);

b/ Hệ số hoàn vốn nội tại (IRR);

c/ Chỉ số lợi ích/chi phí (B/C);

d/ Các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:

+ Giá trị sản phẩm và dịch vụ gia tăng;

+ Lao động và thu nhập của người lao động;

+ Các khoản thu Ngân sách tăng thêm;

+ Tăng thu ngoại tệ hoặc tiết kiệm chi ngoại tệ do sản phẩm của dự án thay thế hàng nhập khẩu;

+ Các lợi ích về xã hội, môi trường...

3. Phương án trả nợ vốn vay:

a/ Kế hoạch trả nợ vốn vay, khả năng trả nợ của dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác để trả nợ của chủ đầu tư.

b/ Lãi suất vay vốn;

c/ Nguồn trả nợ vốn vay;

d/ Thời hạn cho vay;

đ/ Thời hạn ân hạn;

e/ Thời hạn trả nợ;

g/ Kỳ hạn trả nợ.

4. Kiến nghị về các nội dung khác liên quan đến việc thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của dự án (thiết bị và công nghệ, môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng ...).

5. Kết luận và đánh giá về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

6. Kết luận và kiến nghị đầu tư.

Điều 11. Phân cấp thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay:

1. Đối với dự án nhóm A vay vốn tín dụng đầu tư, Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi cơ quan chủ trì thẩm định dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Đối với các dự án nhóm C của địa phương quản lý có tổng mức vốn đầu tư nhỏ hơn 50% mức vốn giới hạn tối đa tương ứng của các dự án nhóm C quy định tại phụ lục kèm theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, các Chi nhánh Quỹ được quyền thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan quyết định đầu tư.

Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển có quyết định cụ thể giao cho Giám đốc một số Chi nhánh Quỹ được quyền thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan quyết định đầu tư toàn bộ các dự án nhóm C của địa phương quản lý.

Giám đốc Chi nhánh Quỹ các tỉnh, thành phố phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển về việc thẩm định, cho vay và thu nợ vay đối với các dự án đã được phân cấp.

3. Đối với dự án nhóm C (không được phân cấp) và dự án nhóm B vay vốn tín dụng đầu tư, Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan quyết định đầu tư. Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển giao cho Giám đốc các Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển kiểm tra một số nội dung sau đây và báo cáo bằng văn bản về Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương:

a/ Địa điểm xây dựng;

b/ Cơ sở hạ tầng phục vụ cho dự án sau khi đầu tư xong;

c/ Vật liệu, nguyên liệu, nhân lực cung cấp cho dự án vận hành;

d/ Nhu cầu về thị trường của sản phẩm do dự án sản xuất, cung ứng trên địa bàn;

e/ Những khó khăn, thuận lợi về môi trường, giao thông, cơ sở hạ tầng tại địa điểm xây dựng dự án.

Riêng các dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ, ngoài các nội dung nêu trên, yêu cầu Chi nhánh Quỹ kiểm tra thêm:

a/ Tình hình tài chính của doanh nghiệp;

b/ Năng lực và uy tín của chủ đầu tư;

c/ Khả năng cạnh tranh của sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất trong thời gian qua;

d/ Uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng;

c/ Khả năng thanh toán các khoản công nợ của doanh nghiệp.

4. Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ các dự án đề nghi được bảo lãnh tín dụng đầu tư để quyết định việc bảo lãnh. Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển giao cho Giám đốc các Chi nhánh Quỹ kiểm tra và báo cáo bằng văn bản về Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương một số nội dung như quy định tại Khoản 3 điều này.

Điều 12. Thời hạn thẩm định:

1. Đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư:

a/ Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định đối với dự án nhóm A, Quỹ Hỗ trợ phát triển có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan chủ trì thẩm định dự án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b/ Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định đối với dự án nhóm B, Quỹ Hỗ trợ phát triển có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan quyết định đầu tư việc chấp thuận cho vay hoặc không chấp thuận cho vay.

c/ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định đối với dự án nhóm C, Quỹ Hỗ trợ phát triển có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan quyết định đầu tư việc chấp thuận cho vay hoặc không chấp thuận cho vay

Trường hợp xét thấy dự án vay vốn tín dụng đầu tư không có hiệu quả, không có khả năng hoàn trả nợ vay, Quỹ Hỗ trợ phát triển có văn bản từ chối cho vay gửi chủ đầu tư, đồng thời phải có báo cáo giải trình và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình với cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

2. Đối với dự án đề nghị được bảo lãnh tín dụng đầu tư: trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định. Quỹ Hỗ trợ phát triển xem xét, nếu chấp thuận thì làm thủ tục phát hành thư bảo lãnh. Nếu từ chối bảo lãnh thì Quỹ Hỗ trợ phát triển có văn bản gửi chủ đầu tư, đồng thời phải có báo cáo giải trình và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình với cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

3. Đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, đề nghị được bảo lãnh tín dụng đầu tư mà Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển giao cho Giám đốc Chi nhánh Quỹ kiểm tra một số nội dung theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 11 Quy chế này và báo cáo Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển tổ chức thực hiện Quy chế này trong toàn bộ hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển.

Điều 14. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, nội dung báo cáo trong hồ sơ gửi Quỹ Hỗ trợ phát triển, thực hiện các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc giải trình (nếu có) của cơ quan quyết định đầu tư và Quỹ Hỗ trợ phát triển.

Cơ quan cấp trên của chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư thuộc quyền thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc phải báo cáo kịp thời Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển để nghiên cứu, giải quyết.