Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 10/2002/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ VÀ THEO DÕI DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN RỪNG TOÀN QUỐC THỜI KỲ 1996-2000 VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIẾP TỤC CHƯƠNG TRÌNH THỜI KỲ 2001-2005

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ vào Quyết định số 446/TTg ngày 21 tháng 6 năm 1997;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tờ trình số 3027/BNN-KH ngày 12 tháng 10 năm 2001), ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 7866 BKH/NN ngày 19 tháng 11 năm 2001), Tài chính (công văn số 12274 TC/HCSN ngày 20 tháng 12 năm 2001), Khoa học, Công nghệ và Môi trường (công văn số 3226/BKHCNMT-NN ngày 08 tháng 11 năm 2001).

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1: Phê duyệt kết quả Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 1996-2000 với các nội dung sau:

1. Diện tích rừng:

Đến 31 tháng 12 năm 2000, cả nước có 11.314.626 ha rừng các loại, độ che phủ tương ứng là 34,4%; trong đó:

- Diện tích rừng tự nhiên 9.675.700 ha, chiếm 85,5% diện tích rừng cả nước.

- Diện tích rừng trồng 1.638.926 ha, chiếm 14,5% diện tích rừng cả nước.

2. Trữ lượng rừng.

Tổng trữ lượng gỗ cả nước là 782,0 triệu m3; trong đó:

- Rừng tự nhiên 751,5 triệu m3; chiếm 96,1%

- Rừng trồng 30,5 triệu m3; chiếm 6,9%

Tổng trữ lượng tre nứa cả nước là 5,3 tỷ cây.

Điều 2: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 2001-2005, theo yêu cầu nhiệm vụ sau:

1. Đánh giá tài nguyên rừng:

a) Lập Bộ số liệu tài nguyên rừng cho toàn bộ chu kỳ (2001-2005).

- Bộ số liệu tài nguyên rừng hàng năm.

- Bản đồ hiện trạng rừng hàng năm ở các quy mô và tỷ lệ khác nhau trong cơ sở dữ liệu và in ra vào năm 2004:

+ Bản đồ toàn quốc tỷ lệ 1/1.000.000

+ Bản đồ vùng tỷ lệ 1/250.000

+ Bản đồ tỉnh tỷ lệ 1/100.000.

b) Điều tra trữ lượng và các đặc trưng khác của rừng:

- Bổ sung hoàn thiện hệ thống ô điều tra, tiến hành trên hệ thống ô sơ cấp với tổng số là 4.200 ô, trong đó có 3.621 ô của chu kỳ II, được điều tra lặp lại và 579 ô bổ sung trên diện tích rừng mới tăng thêm.

- Từ hệ thống ô sơ cấp và các kiểu rừng trên phạm vi toàn quốc, chọn và lập 100 định vị nghiên cứu sinh thái để theo dõi, nghiên cứu những đặc trưng cơ bản của rừng.

c) Điều tra xây dựng các báo cáo chuyên đề:

- Nghiên cứu diễn biến cấu trúc rừng tự nhiên của một số trạng thái rừng.

- Nghiên cứu đặc điểm lâm học kiểu rừng phục hồi ở 6 vùng và tổng hợp toàn quốc.

- Điều tra tình hình tái sinh phục hồi rừng tự nhiên trên đất trống đồi núi trọc thuộc 6 vùng và tổng hợp toàn quốc.

- Điều tra đánh giá tài nguyên động vật rừng cho 8 vùng và tổng hợp báo cáo động vật rừng toàn quốc.

- Điều tra đánh giá tài nguyên côn trùng rừng và sâu bệnh hại rừng trồng 6 vùng và tổng hợp toàn quốc.

- Điều tra đánh giá lâm sản ngoài gỗ của 6 vùng và tổng hợp toàn quốc.

- Xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng một số trạng thái rừng tự nhiên.

2. Phân tích đánh giá biến động tài nguyên:

- Điều tra, đánh giá diễn biến tài nguyên rừng của 6 vùng.

- Tổng hợp báo cáo đánh giá diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc.

3. Hoàn thiện hệ thống theo dõi tài nguyên rừng liên tục.

- Thiết kế bổ sung hệ thống ô định vị theo dõi diễn biến trên các diện tích rừng mới để tăng thêm ô định vị nghiên cứu sinh thái (trên các kiểu rừng mới hoặc chưa đủ số lượng mẫu) để theo dõi lâu dài biến động chất lượng rừng và các đặc trưng khác của hệ sinh thái rừng.

- Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, được kết nối với các đơn vị, cơ quan thông qua mạng máy tính, bao gồm các thông tin chủ yếu:

+ Hệ thống tư liệu của các ô định vị theo dõi diễn biến và nghiên cứu sinh thái rừng

+ Số liệu, bản đồ hiện trạng rừng hàng năm.

+ Các kết quả nghiên cứu đánh giá tài nguyên rừng.

+ Thông tin về kinh tế xã hội và thông tin liên quan khác .v.v...

- Trang WEB của Chương trình.

4. Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện phương pháp sau đây:

- Nghiên cứu ứng dụng giải đoán ảnh kỹ thuật số trong xây dựng bản đồ rừng.

- Xây dựng chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật của Chương trình.

- Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cho các nội dung và hạng mục công việc của Chương trình.

5. Tổng hợp báo cáo kết qủa Chương trình.

- Bộ số liệu hiện trạng rừng hàng năm.

- Báo cáo kết quả toàn Chương trình vào năm 2005.

Điều 3: Giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản Chương trình có trách nhiệm:

1. Chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan tiến hành thẩm định, quyết định nội dung cụ thể của Chương trình, phê duyệt đề cương và dự toán chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 2001 - 2005.

2. Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ (Viện Điều tra Quy hoạch rừng và Cục kiểm lâm) tổ chức thực hiện Chương trình, xác nhận kết quả thực hiện Chương trình hàng năm trên cơ sở báo cáo nghiệm thu của Viện.

3. Tổ chức nghiệm thu kết quả của chương trình vào cuối chu kỳ (năm 2005) và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện chế độ quyết toán vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm và toàn chu kỳ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và thực hiện định mức lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Xây dựng đề cương, dự toán Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 2006-2010 sau khi chu kì III của Chương trình kết thúc.

6. Chỉ đạo việc tổng hợp, hệ thống tài liệu, số liệu của toàn bộ kết quả Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 1996 - 2000 và thời kỳ 2001 - 2005 thành bộ tài liệu cơ bản, cung cấp cho các Bộ ngành, các địa phương và đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ trong việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hạn, đồng thời làm căn cứ để xây dựng chính sách phát triển lâm nghiệp, phục vụ các yêu cầu phát triển chung của đất nước theo các thời kỳ.

Điều 4: Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng của Bộ cân đối bảo đảm kinh phí cho việc triển khai thực hiện Chương trình theo tiến độ và chế độ quy định, bảo đảm việc thực hiện Chương trình có hiệu quả.

Điều 5: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)