UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2006/QĐ-UBND | Mỹ Tho, ngày 16 tháng 3 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 131/2004/QĐ-TTg ngày 16/7/2004 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010;
Căn cứ Công văn số 2264/TS-KT&BVNLTS ngày 05/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc triển khai thực hiện Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Thủy sản tại Tờ trình số 25/TTr-STS ngày 23 tháng 1 năm 2006 về việc xin phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang từ giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020.
Điều 2. Sở Thủy sản chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện Chương trình này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN CỦA TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh Tiền Giang)
HIỆN TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TIỀN GIANG ĐẾN 2010
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
1. Tình hình nuôi trồng và khai thác biển của tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây:
Bảng 1: Nuôi trồng và khai thác thủy sản
Stt | Nội dung | ĐVT | Thực hiện | ||||
2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | |||
1 | DT nuôi trồng TS | ha | 8.777 | 9.580 | 10.840 | 11.854 | 12.125 |
DT nuôi mặn, lợ | ha | 4.610 | 4.617 | 5.391 | 6.430 | 6.717 | |
Trđ: Nuôi tôm | ha | 2.617 | 2.949 | 3.328 | 3.439 | 3.918 | |
Nuôi nghêu | ha | 1.860 | 1.556 | 2.000 | 2.150 | 2.150 | |
DT nuôi nước ngọt | ha | 4.167 | 4.963 | 5.449 | 5.424 | 5.408 | |
Trđ: Nuôi tôm | ha | 40 | 52 | 70 | 27 | 38 | |
Bè nuôi cá | bè/m3 | 39/6.224 | 20/5.176 | 64/7.565 | 363/30.000 | 481/32.500 | |
2 | Sản lượng nuôi trồng | Tấn | 37.267 | 40.493 | 46.510 | 54.671 | 61.095 |
Tôm | Tấn | 1.405 | 2.876 | 4.322 | 6.297 | 7.999 | |
Cá | Tấn | 19.975 | 16.091 | 20.125 | 26.315 | 36.205 | |
Nghêu, Thủy sản khác | Tấn | 15.887 | 21.526 | 22.063 | 22.059 | 16.891 | |
3 | Khai thác | Tấn | 68.405 | 69.139 | 71.116 | 71.285 | 74.946 |
Trđ: Khai thác biển | Tấn | 65.247 | 65.575 | 67.525 | 67.549 | 71.582 | |
4 | Tàu thuyền đăng ký | Chiếc | 1.275 | 1.190 | 1.167 | 1.203 | 1.286 |
Tổng công suất | CV | 157.463 | 153.400 | 159.931 | 180.902 | 199.582 |
Bảng 2: Hiện trạng phương tiện tàu cá tỉnh Tiền Giang đến hết tháng 12/2004 (Theo kết quả điều tra tàu cá)
TT | Các huyện, thành, thị | Số tàu đăng ký(chiếc/CV) (Đang hoạt động) | Số tàu phát sinh(chiếc/CV) |
1 | TP. Mỹ Tho | 322 / 79.296 | 0 |
2 | T/X Gò Công | 11 / 1.795 | 13 / 0 |
3 | H. Châu Thành | 04 / 790 | 59 / 807 |
4 | H. Gò Công Tây | 29 / 1.847 | 44 / 582 |
5 | H. Gò Công Đông | 532 / 65.938 | 359 / 8.697 |
6 | H. Chợ Gạo | 02 / 555 | 12 / 115 |
7 | H. Cái Bè | 0 | 362 / 1.384 |
8 | H. Cai Lậy | 0 | 184 / 555.5 |
9 | H. Tân Phước | 0 | 0 |
| TỔNG CỘNG | 900 / 150.221 | 1.033 / 121.405 |
Bảng 3: Phân loại tàu thuyền theo nghề
TT | Loại nghề | Tàu đăng ký (Đang hoạt động) | Tàu phát sinh | Tổng tàu đăng ký và phát sinh |
1 | Lưới kéo | 352 | 325 | 677 |
2 | Câu | 106 | 182 | 288 |
3 | Rê | 83 | 168 | 251 |
4 | Lưới đèn | 103 |
| 103 |
5 | Đáy |
| 231 | 231 |
6 | Khác | 256 | 127 | 383 |
| TỔNG CỘNG | 900 | 1.033 | 1.933 |
Nhìn chung, những năm qua, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển nuôi thủy sản được Nhà nước quan tâm đầu tư. Nuôi thủy sản phát triển khá mạnh, đem lại kết quả khá, mang lại lợi nhuận cao cho đa số người nuôi, đồng thời còn góp phần tích cực trong hoạt động xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn ven biển, cù lao.
Phát triển kinh tế thủy sản được thực hiện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến. Xuất khẩu thủy sản đã có những đóng góp ngày một lớn hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Số lượng tàu đánh bắt có tăng về số lượng, tuy nhiên đa số tàu nhỏ, máy chính công suất thấp, tầm hoạt động hạn chế, chủ yếu đánh bắt ven bờ nên làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản nội đồng và ven bờ, đo đó cần có giải pháp quản lý trong thời gian tới.
2. Tình hình chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá:
- Cảng cá: Trong tỉnh có 01 Ban Quản lý cảng cá Tiền Giang bao gồm: Cảng cá Mỹ Tho và Cảng cá Vàm Láng. Tổng sản lượng qua 02 cảng cá trong năm 2005 là 55.700 tấn.
- Các cơ sở chế biến xuất khẩu: Bao gồm: Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền, Hùng Vương, An lạc, Gò Đàng, BADAVINA, Việt Phú, Ngọc Hà, Mỹ Yến, Xuất nhập khẩu đồ hộp Á Châu. Trong năm 2005, sản lượng chế biến đạt 20.568,3 tấn thủy sản đông lạnh các loại, trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 16.170,3 tấn.
- Cơ sở chế biến, sơ chế nhỏ: Có 41 cơ sở chế biến, sơ chế thủy sản vừa và nhỏ: 34 cơ sở nước mắm, 01 cơ sở khô, 06 cơ sở sản xuất mắm các loại.
- Sản xuất giống:
Tôm sú: Các cơ sở giống phân bố rãi rác xen kẽ các vùng nuôi làm trở ngại lớn cho công tác quản lý chất lượng giống. So với nhu cầu thả nuôi thì lượng giống sản xuất trong tỉnh không cung cấp đủ cho người nuôi, trong vụ nuôi 2005 chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Do đó người nuôi phải nhập giống từ tỉnh ngoài.
Cá giống: Các cơ sở sản xuất cá giống trong tỉnh đã sản xuất được khoảng 1.382,6 triệu con cá giống các loại (năm 2005) để cung cấp cho người nuôi trong tỉnh. Ngoài ra còn cung cấp cho người nuôi cá các tỉnh lân cận.
- Các cơ sở sản xuất thuốc thú y thủy sản: Có 01 cơ sở sản xuất thuốc thú y thủy sản, Công ty cổ phần dược thú y Cai Lậy và 01 cơ sở sản xuất vôi Việt Thắng.
- Đại lý buôn bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản: trong tỉnh có 86 cơ sở kinh doanh thức ăn và 97 cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2010
Mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2010 đạt tổng sản lượng thủy sản (nuôi trồng, khai thác) là 161.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 95 triệu USD, tạo việc làm cho 66.000 lao động.
Phát huy hợp lý các lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, nhất là đối với nông thôn ven biển, vùng ven sông Tiền và các xã cù lao. Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, phòng chống dịch bệnh, khuyến ngư nhằm phát triển bền vững và có hiệu quả ở 3 vùng nuôi mặn, lợ và ngọt để tăng sản lượng và chất lượng thủy sản đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2010, ngành Thủy sản tiếp tục khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nghề cá theo 3 chương trình lớn của ngành: Chương trình khai thác hải sản xa bờ, Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản và Chương trình xuất khẩu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Gắn 3 chương trình với các hoạt động khác như tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biển khơi của Tổ quốc, nâng cao đời sống nhân dân .
Áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản, nhất là công nghệ sản xuất giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, sạch bệnh để nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
NGUỒN LỢI THỦY SẢN, TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. NGUỒN LỢI THỦY SẢN VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỦY SẢN:
1. Biển:
- Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển (chiếm 0,98% chiều dài bờ biển của Việt Nam), có 03 cửa sông chính chảy ra biển Đông là cửa Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại. Nhờ các cửa sông này mà bờ biển có nhiều phù sa, chất hữu cơ, tạo ra một dãy bờ biển có điều kiện thích hợp cho các loài sinh vật phát triển. Những cửa sông thông với biển thuộc tỉnh Tiền Giang là đường giao thông của tàu thuyền. Phần lớn bờ biển là đất bùn và có nhiều cây cối.
- Địa hình chất đáy: Có độ sâu và độ dốc đáy biển không lớn. Độ dốc đáy biển chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đường đẳng sâu 10 m cách bờ Tiền Giang khoảng 15 Km.
- Thủy triều: Chịu sự chi phối chung của cơ chế triều biển Đông Nam Bộ và Vịnh Thái Lan. Phía biển Đông có chế độ bán nhật triều không đều. Mực nước lớn và ròng có độ chênh lệch từ 0,4 mét đến 3,8 mét tùy theo con nước, tại các cửa sông đổ ra biển 3,80 mét, Mỹ Tho 3,45 mét và ở Mỹ Thuận 1,50 mét.
- Chế độ gió thuộc vùng biển này chỉ được thể hiện ở hai hướng chính theo hai mùa thời tiết trong năm là Đông Bắc và Tây Nam. Tốc độ gió tương đối yếu và đều hơn so với các vùng biển miền Trung và miền Bắc.
- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11. Lượng mưa trung bình năm khoảng 1.400 mm – 1.500 mm, số ngày mưa hàng năm xấp xỉ 100 ngày.
- Nhiệt độ nước thường cao hơn nhiệt độ không khí, trung bình từ 2,00C-3,00C, thấp nhất vào tháng 1(trung bình từ 25,70C – 28,00C), cao nhất vào tháng 5 (trung bình từ 300C – 310C). Xu thế chung là nhiệt độ trong mùa Đông tăng dần từ bờ ra khơi. Là vùng biển nông nhiệt độ gần như đồng nhất từ tầng mặt đến đáy.
- Độ mặn nước tương đối cao và ổn định trong thời gian từ tháng 12 - 4 (đối với vùng gần bờ), còn ngoài khơi cho đến tháng 5, sau đó giảm dần cho đến tháng 11. Biến thiên độ mặn vùng sát bờ lớn hơn so vùng ngoài khơi. Độ mặn tăng dần từ bờ ra khơi. Mùa khô nước ở cửa sông có độ mặn từ 22‰ đến 30 ‰, và mùa mưa từ 2‰ đến 14‰.
2. Vùng nước nội địa:
Có trên 120km nhánh sông Tiền chảy qua và hệ thống sông kênh khắp các khu vực nội đồng, hầu hết chất lượng nước nội địa phù hợp cho sự sinh trưởng của các loài thủy sản, mặt nước có vai trò quan trọng để duy trì phát triển nguồn lợi và nuôi trồng thủy sản nội địa. Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đã có và đang tiến hành mở rộng hệ thống kênh rạch.
3. Nguồn lợi thủy sản:
a) Sinh vật phù du và động vật đáy biển:
- Thủy sinh vật ở vùng biển Tiền Giang có thể tóm tắt như sau:
Thực vật nổi: có thành phần loài phong phú; đã ghi nhận được 227 loài, trong đó tảo silic(Bacillariephyta) phong phú nhất chiếm tới 182 loài (80,18%). Mật độ tảo trung bình khoảng 34,59x106 ct/m3.
Động vật nổi cũng khá phong phú có tới 122 loài, trong đó nhóm Copepoda chiếm ưu thế tới 77 loài (63%), chúng là nguồn dinh dưỡng cao và là nguồn thức ăn quan trọng của nhiều loài thủy sản. Mật độ trung bình 3.165 ct/m3 và đạt cao nhất vào cuối mùa mưa (khoảng tháng 11).
Động vật đáy đã ghi nhận được 152 loài, lớp Crustacea chiếm ưu thế với 33 loài (45,59%), kế đến là ngành Mollusca, giun tơ và da gai có 25 loài (16,45%). Sinh vật lượng trung bình 7,423 – 45,087 g/m2; mật độ 105-294 ct/m2 đạt cao nhất vào mùa khô (tháng 4) và đầu mùa lũ (tháng 8), thấp nhất vào cuối mùa lũ (tháng 11).
b) Nguồn lợi thủy sản biển và ven bờ:
- Cá: đã điều tra được 661 loài, 319 giống thuộc 138 họ, trong đó họ cá mối (mối vạch, mối thường) và họ cá khế (chủ yếu là cá nục) chiếm tỷ trọng cao về giống, loại và cơ cấu sản lượng. Những loài có sản lượng trên 1% tổng sản lượng theo thống kê nhiều năm có tới 11 họ.
- Tôm: đã xác định được 35 loài thuộc 02 họ tôm he (Penaeidae) có 07 giống và họ tôm vồ (Scyllaridae) có 02 giống. Trong số 35 loài tôm kể trên, số loài có giá trị kinh tế và xuất khẩu chiếm đến 50%. Đặc biệt quan trọng là các loài sau đây: Penaeus merguiensic, Penaeus indicus, Penaeus semisulcatus, Metapenaeus brevicornis, Parapenaeopsis, Thenus orientalis. Ngoài ra còn bắt gặp một số loài tôm hùm (Palinuridae), tôm rồng (Homaridae) và nhiều loài cua, ghẹ có giá trị kinh tế cao, tập trung nhiều ở khu vực thềm và các đảo ven bờ.
- Mực: chủ yếu có 03 họ có giá trị quan trọng là họ mực nang (10 loài), họ mực ống (10 loài) và họ mực sim (03 loài).
- Trong vùng biển Đông Nam Bộ có 05 bãi cá, 04 bãi tôm, 03 bãi mực tốt nhất Việt Nam. Năm bãi cá chính tên là: Côn Sơn, cửa sông Tiền, sông Hậu, cù lao Thu, ngư trường cá nổi.
- Cá rạn san hô là một nhóm cá đặc biệt, có cuộc sống gắn liền với các rạn san hô, phân bố chủ yếu các vùng biển ấm từ vĩ tuyến 300N đến 300S. Trong các rạn san hô cũng có nhiều loài cá quí hiếm và cũng có những loài cá lớn như: mập, đuối, mú, mó, hồng, khế,....là những loài có giá trị kinh tế có thể khai thác với sản lượng nhất định. Ở vùng biển Việt Nam đến nay đã xác định được 635 loài thuộc 62 họ. Vùng biển ven bờ Việt Nam đã ghi nhận có 470 loài thuộc 58 họ.
- Ở vùng cửa sông Cửu Long, mật độ động vật nổi thay đổi từ 4,1x104 đến 2,77x105 con/m3. Trong vùng nước sát bờ sinh vật lượng động vật nổi đạt cao nhất (trung bình 50,28 cc/m3) càng xa bờ chỉ số càng giảm dần (39,56 cc/m3), sinh vật lượng tầng giữa cao hơn tầng mặt (54 cc/m3so với 25cc/m3). Khu hệ cá có số lượng loài của các cửa sông dao động 70 - 80 đến hơn 230 loài. Khu hệ cá thuộc các vùng cửa sông chính ở nước ta gồm 580 loài, thuộc 109 họ và 27 bộ cá.
- Tiền Giang có khoảng 3.000 ha bãi có khả năng nuôi nghêu; trong đó có 500 ha nghêu giống thuộc khu vực cồn Ông Mão và một phần cồn Ngang. Loài nghêu có sản lượng lớn được tìm thấy ở vùng triều Tiền Giang là Meretrix lyrata. Sản lượng nghêu của Tiền Giang năm cao nhất đạt 31.000 tấn, tập trung ở huyện Gò Công Đông và diện tích nuôi 2.150 ha (năm 2005). Ngoài ra còn sự xuất hiện của sò huyết và hến.
c) Nguồn lợi thủy sản nội địa:
Tổng sản lượng thủy sản nội địa tối đa có thể khai thác hàng năm là 2.831 tấn. Tuy nhiên nếu để khai thác ổn định, bền vững thì nên khai thác ở mức 2.500 tấn/năm (trong đó có 80-100 tấn tôm các loại) sẽ góp phần bảo vệ tốt nguồn lợi phục vụ cho sản xuất.
Động vật nổi phân bố khá phong phú, đã tìm thấy 112 giống loài đa số là thức ăn tốt cho tôm, cá, ở mùa mưa có thành phần loài phong phú hơn mùa khô.
Thành phần loài tảo trên các sông rạch khá phong phú với tổng số 157 loài, trong đó nhóm tảo silic chiếm ưu thế là nguồn thức ăn tốt cho tôm, cá.
Nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực Tiền Giang khá phong phú, về nước ngọt có 48 loài cá có giá trị kinh tế.
4. Những vấn đề tồn tại:
a). Tồn tại:
Mặc dù công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm thực hiện, song nguồn lợi thủy sản ở hầu hết các thủy vực tự nhiên đều có những biến động theo hướng bất lợi cho sự duy trì, tái tạo và kém bền vững cho nghề cá. Mật độ quần thể giảm, mất cân bằng sinh thái dẫn đến năng suất sản lượng đánh bắt giảm, có vùng ngư dân không còn duy trì nghề khai thác thủy sản. Số lượng giống loài bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng. Các hệ sinh thái tiêu biểu vùng ven biển hầu như bị xâm hại (rừng ngập mặn ven biển Gò Công). Chất lượng môi trường giảm đã làm ảnh hưởng đến sự sống của các loài thủy sinh vật.
b). Những nguyên nhân:
- Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản:
Phát triển khai thác ở khu vực sông rạch và ven bờ không tương xứng với tiềm năng nguồn lợi ở các thủy vực, còn thiếu nhiều điều kiện đánh bắt ngư trường xa bờ.
Tình trạng sử dụng các công cụ, phương pháp khai thác mang tính lạm sát như xung điện, hóa chất độc hại, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn giới hạn cho phép vẫn còn xảy ra.
Nuôi trồng thủy sản những năm gần đây phát triển nhanh, nhưng có những tác động bất lợi với nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh vật. Việc khai thác giống tự nhiên để nuôi đã làm giảm khả năng tái tạo của nhiều loài thủy sản (tôm biển, nghêu, sò huyết,...). Diện tích rừng ngập mặn ngày càng giảm (để tăng diện tích nuôi thủy sản), xả chất thải ra tự nhiên làm suy thoái dần môi trường nước.
- Hoạt động của các ngành kinh tế khác:
Hoạt động khai thác cát trên sông Tiền đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của ốc gạo tại khu vực Tân Phong - Ngũ Hiệp. Nhiều khu cụm công nghiệp và thị trấn ven sông đang phát triển nên gia tăng mật độ phương tiện cơ giới hoạt động trên sông và xả nhiều chất thải ra môi trường ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản.
- Quản lý nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản:
Hệ thống các chính sách đã có nhưng chưa đủ để tháo gỡ những khó khăn về áp lực khai thác đối với ngư trường vùng biển ven bờ.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương còn thiếu về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, chưa có hệ thống đồng bộ.
Sự tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức của cộng đồng ngư dân, những người hưởng lợi trực tiếp từ nguồn lợi thủy sản có nơi còn rất hạn chế.
II. TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
1. Cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp:
- Sở Thủy sản là cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh; Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là đơn vị sự nghiệp và là đơn vị giúp Sở Thủy sản thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chuyên ngành thủy sản.
- Cơ quan quản lý ngành nghề thủy sản tại địa phương là các Phòng thủy sản, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế.
2. Tổ chức tập thể và hội ngành nghề:
Hệ thống hội nghề cá đã được thành lập ở cấp tỉnh, huyện, xã.
3. Chính sách, pháp luật hiện hành của địa phương về hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Quyết định số 271/QĐ-UB ngày 04/4/1992 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh.
- Quyết định số 1724/QĐ-UB ngày 25/6/1998 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc điều chỉnh tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh.
- Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tiền Giang được thành lập theo Quyết định số 271/QĐ-UB Ngày 04/4/1992 và hai Trạm Bảo vệ Nguồn Lợi Thủy sản (Trạm 1 ở huyện Cái Bè và Trạm 2 ở huyện Gò Công Đông) được thành lập theo Quyết định số 963/QĐUB ngày 27/5/1997, Thanh tra chuyên ngành Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tỉnh Tiền Giang thành lập theo quyết định số 1829/QĐ-UB giúp Sở Thủy sản Quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực ngành nghề thủy sản: khai thác thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; thú y thủy sản; quản lý chất lượng chuyên ngành thủy sản; thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong triển khai công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
I. MỤC TIÊU CHUNG
1. Bảo vệ môi trường và tài nguyên thủy sinh vật là bảo tồn các loài thủy sinh vật quí, hiếm, có giá trị khoa học, kinh tế đang có chiều hướng giảm sút nhanh hoặc có nguy cơ tiệt chủng nhằm đảm bảo tính đa dạng và duy trì phát triển trong tương lai.
2. Phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, các sông và các vùng đất ngập nước nhằm khôi phục và phát triển nguồn tài nguyên thủy sản, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác bền vững. Kết hợp sự điều chỉnh cường lực khai thác và cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản bằng các quy định pháp qui với kế hoạch thả bổ sung con giống nhân tạo hàng năm nhằm tăng cường khả năng tái tạo, phục hồi mật độ các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức.
3. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân ven biển về tầm quan trọng, khả năng tái tạo có điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
4. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của đơn vị chức năng và chính quyền cơ sở. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa ngành thủy sản với các đoàn thể quần chúng trong vận động nhân dân có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2006-2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
1. Phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản:
Các đối tượng ưu tiên phục hồi tái tạo là tôm sú, tôm càng xanh, nghêu, sò huyết, cá ngát, cá lóc, cá rô đồng, cá sặc...
Thử nghiệm sản xuất giống các loại thủy sản bản địa để phát triển nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực có điều kiện môi trường thích hợp như: ếch đồng, lươn, ốc gạo.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch khảo sát đánh giá sự biến động chất lượng môi trường nước hàng năm trong các thủy vực chính.
2. Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật: Thiết lập khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật vùng ven biển, cửa sông nhằm khôi phục sinh cảnh, tạo môi trường tập trung thủy sản còn non, nơi cư trú an toàn để sinh trưởng và sinh sản của các loài thủy sinh vật có giá trị khoa học, kinh tế cao, góp phần cung cấp nguồn giống tự nhiên cho khu vực.
3. Tổ chức quản lý, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ:
Xây dựng và thực hiện kế hoạch khảo sát hàng năm nguồn lợi nhuyễn thể ở cửa sông và ven biển, theo dõi đa dạng thủy sinh vật, các loài chỉ thị môi trường, hệ sinh thái, để chỉ định các vùng cấm khai thác có thời hạn nhằm bảo vệ tốt và tổ chức khai thác hợp lý.
Cơ cấu lại nghề nghiệp khai thác thủy sản bằng các quy định pháp luật và chính sách.
4. Tham gia Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản:
Tham gia hệ thống thu thập, cung cấp dữ liệu về đa dạng thủy sinh vật và hệ thống dự báo ngư trường, mạng thông tin kết nối giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan nghiên cứu, quản lý do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì.
5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản cấp xã, tăng cường phối hợp tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về thủy sản:
Tổ chức mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tập huấn và hỗ trợ sinh hoạt phí.
Tham mưu xây dựng văn bản pháp qui áp dụng cho các lĩnh vực đặc thù về thủy sản ở địa phương.
Xây dựng kế hoạch phối hợp với đoàn thể quần chúng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân ở các địa phương nhận thức và tự giác chấp hành tốt các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
6. Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng nguồn lợi thủy sản:
Nhằm nâng cao ý thức quản lý cộng đồng đối với ngư dân cùng một loại nghề khai thác thủy sản đồng thời thực hiện tốt các hoạt động cơ bản như hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tương trợ khi gặp sự cố hoặc thiên tai, giám sát thực thi pháp luật, thiết lập cầu nối giữa đại diện ngư dân với ngành chủ quản, quản lý tốt về phát triển và vận động sự đóng góp và tham gia công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020
I. DỰ ÁN “PHỤC HỒI, TÁI TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN”
1. Hiện trạng:
- Ven biển và khu vực cửa sông có độ mặn thấp: là vùng rất giàu dinh dưỡng tạo điều kiện tốt cho thủy sinh vật phát triển, tuy nhiên hệ rừng ngập mặn còn khá mỏng, phần lớn các bãi triều được sử dụng để nuôi nghêu, bên cạnh đó hoạt động đánh bắt ngày càng gia tăng nên sự phát triển tự nhiên của nguồn lợi thủy sản bị hạn chế.
- Sông rạch: mực nước tương đối cao quanh năm, chất lượng nước thay đổi ít theo 2 mùa nên rất thích hợp cho các loài thủy sản phát triển, tuy nhiên hoạt động đánh bắt thủy sản rất đa dạng, các thị trấn phát triển mạnh ở ven sông và gần đây hoạt động khai thác cát cũng gia tăng trên nhiều đoạn sông nên thủy sinh vật bị xâm hại cả về môi trường sống lẫn an toàn sinh khối.
- Đồng Tháp Mười: là vùng trũng ngập nước vào mùa lũ, chất lượng nước thay đổi lớn trên hai mùa, vùng nầy độ pH thấp chỉ thích hợp cho một số loài thủy sản, hiện đã có khu bảo tồn thiên nhiên tại khu vực nầy.
2. Mục tiêu:
- Phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, các sông và các vùng đất ngập nước.
- Tăng dần trữ lượng vài loài cá nước ngọt trong các thủy vực qua bổ sung giống thủy sản có khả năng tồn tại và phát triển.
- Phát tán dần thủy sản thích hợp để nâng cao số lượng và mở rộng khu vực phân bố.
- Tăng xác suất tôm sú đánh bắt ngoài tự nhiên trên vùng biển ven bờ tạo nguồn tôm bố mẹ trong sản xuất giống.
- Đánh giá khả năng sinh trưởng vài loài cá trong khu vực Đồng Tháp Mười và xây dựng những mô hình thử nghiệm nuôi thủy sản trong vùng.
3. Các hoạt động dự án:
- Nghiên cứu chọn giống loài thích hợp từ các giống loài bản địa trong khu vực sông Mê Kông và Đồng Tháp Mười.
- Thả giống loài thủy sản mới cho địa phương thuộc khu vực Đồng Tháp Mười và bổ sung hàng năm cho các thủy vực khác.
- Xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm để nhân rộng và phát triển cho khu vực thuộc vùng Đồng Tháp Mười.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch khảo sát đánh giá sự phát triển sinh vật lượng các loài thả bổ sung, những chỉ tiêu thể hiện sự biến động về hệ sinh thái, chất lượng môi trường nước các khu vực. Thu thập dữ liệu từ đánh bắt của ngư dân.
4. Nguồn lực thực hiện:
a). Kinh phí: ngân sách tỉnh.
b). Tổ chức thực hiện:
- Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện dự án.
5. Kế hoạch thực hiện:
Lập dự án, dự trù kinh phí: năm 2006.
Thực hiện trong 4 năm từ năm 2007 đến năm 2010.
6. Giám sát, đánh giá: tổ chức nghiệm thu, giám sát: Hội đồng khoa học tỉnh.
II. THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU NGHỀ CÁ
1. Hiện trạng, thông tin nghề cá:
Những số liệu về hoạt động đánh bắt thủy sản và những thông tin cơ bản liên quan hiện nay chủ yếu dựa trên một số cách tính do đó có sai biệt so với thực tế vì đánh bắt thủy sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan không thể hoạch định chính xác được.
2. Mục tiêu:
Trong mục tiêu tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, để có một hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mang tính trung thực cao làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế quản lý, phương án đầu tư đúng đắn của nhà nước đồng thời phục vụ địa phương trong xây dựng kế hoạch.
3. Các hoạt động của chương trình:
Tham gia chương trình xây dựng hệ thống dữ liệu nghề cá do Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì:
- Tổ chức mạng lưới thu thập số liệu thống kê nghề cá.
- Vận hành mạng thông tin kết nối với trung tâm.
- Thu nhận thông tin từ trung tâm truyền thông đến các đối tượng ứng dụng.
4. Nguồn lực thực hiện:
a). Kinh phí: ngân sách tỉnh.
b) Tổ chức thực hiện: Chi Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thực hiện.
5. Kế hoạch thực hiện:
Thực hiện trong năm năm kể từ năm (từ 2006 – 2010)
6. Giám sát đánh giá: Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi và Sở Thủy sản đánh giá thực hiện của đơn vị theo định kỳ.
III. DỰ ÁN “QUI HOẠCH CÁC VÙNG HẠN CHẾ KHAI THÁC HÀNG NĂM”
1. Đặc điểm:
Khu vực cửa sông và gần cửa sông về phía đất liền hàng năm phát sinh nhiều bãi giống nhuyễn thể như nghêu, sò huyết, hến, ốc gạo, việc khai thác nguồn giống tự nhiên nầy trong thời gian qua chưa được hợp lý để đạt hiệu quả cao. Cần phải xác định các vùng cấm đánh bắt có thời hạn, có phương án khai thác tạo điều kiện tái sinh để duy trì nguồn lợi.
2. Mục tiêu:
Phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường cho các loài nhuyễn thể sinh trưởng đến giai đoạn có thể khai thác làm giống với tỉ lệ sống cao như nghêu, sò huyết.
Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng ngư dân khai thác đối tượng nầy.
3. Các hoạt động:
Xây dựng kế hoạch khảo sát (nội dung và các phương pháp khảo sát).
Chỉ định khu vực phân bố giống nhuyễn thể mật độ cao, trình UBND tỉnh ban hành quyết định công bố khu vực quy định cấm khai thác có thời hạn.
Xây dựng nội dung, phương án quản lý vận hành khai thác từng khu vực.
Chuyển giao phương án quản lý và tổ chức khai thác về UBND cấp huyện để thành lập tổ chức bảo vệ khu vực, có sự tham gia của cộng đồng ngư dân.
4. Nguồn lực thực hiện:
a). Kinh phí: Ngân sách tỉnh.
b). Tổ chức thục hiện: Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thực hiện.
5. Kế hoạch: Thực hiện hàng năm, bắt đầu từ năm 2007.
IV. DỰ ÁN “KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN ĐA DẠNG THỦY SINH VẬT VEN BIỂN, CỬA SÔNG CỒN NGANG”
1. Đặc điểm, vị trí:
Khu vực ven biển thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre là vùng có nhiều cửa sông lớn, có mật độ phương tiện khai thác khá cao, song chưa có vùng tạo nên khu an toàn cho thủy sinh vật tập trung, tồn tại và phát triển. Trong khu vực có cồn Ngang đang trong quá trình hình thành nằm ở giữa cửa Đại và cửa Tiểu của hệ thống sông Cửu Long diện tích phần nổi trên 1.722 ha và cồn đang phát triển mạnh là cồn Vượt, với diện tích 200 ha và bên thềm mặt đất ngập nước hơn 600 ha, hiện nay có mặt đa dạng nhiều giống loài thủy sản, đặc biệt là nhuyễn thể và giáp xác, riêng hệ thực vật còn kém phong phú và chưa phủ kín bề mặt. Vị trí trung tâm rất thích hợp cho một khu bảo tồn đa dạng thủy sinh.
2. Mục tiêu:
- Đánh giá toàn diện các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực cồn Ngang thuộc cửa sông Tiền, xem xét khả năng thành lập khu bảo tồn và định hướng cơ sở hạ tầng và nội dung hoạt động của dự án.
- Hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học khu vực cửa sông - ven biển.
- Tạo ra cái nôi phát triển và phát tán bổ sung nguồn lợi thủy sản cho khu vực ven biển.
- Tăng giống loài động thực vật trên khu vực để làm phong phú và đa dạng sinh vật trong đó có nguồn lợi thủy sản.
3. Các hoạt động:
Thực hiện làm hai giai đoạn:
a). Giai đoạn khảo sát, nghiên cứu lập dự án:
- Khảo sát đánh giá hệ sinh vật và sự biến động môi trường.
- Điều tra thống kê phương tiện, nghề, sản lượng và sản phẩm khai thác.
- Khảo sát lập bình đồ cồn và khu vực xung quanh.
- Xác định cơ sở hạ tầng và nội dung hoạt động của khu bảo tồn.
b). Giai đoạn xây dựng và hoạt động:
- Khảo sát và thiết kế.
- Xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tạo ra sinh cảnh nhân tạo nơi các loài thủy sản có thể tồn tại an toàn tránh được các phương pháp đánh bắt. Nghiên cứu, thử nghiệm du nhập một số giống loài động, thực vật có khả năng thích nghi và phát triển.
- Thả thủy sản bổ sung, thả thủy sản mới, trồng cây bổ sung, trồng cây mới du nhập từ địa phương khác, nhân giống .
- Hình thành khu vực an toàn cho thủy sản sinh trưởng, cung cấp điều kiện làm tăng lượng giống nghêu, sò huyết, cua, ghẹ, các loài nhuyễn thể bản địa và các loài du nhập từ các miền khác.
- Phát triển hệ động thực vật dưới nước và trên bờ.
- Mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái.
- Thành lập ban quản lý khu bảo tồn tiến hành thường xuyên các hoạt động vận hành kỹ thuật và bảo vệ.
4. Nguồn lực thực hiện:
a). Kinh phí: ngân sách Trung ương.
Giai đoạn hoạt động thường xuyên sau dự án là 1.200 triệu đồng/ năm.
Quĩ đất: toàn bộ diện tích 02 cồn và phần đất ngập nước chung quanh, trong đó ở cồn Vượt có phần đất ngập nước thuộc tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
b). Tổ chức thực hiện:
Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì phối hợp và thuê kỹ thuật thực hiện các giai đoạn đầu dự án và thành lập Ban quản lý dự án phụ trách giai đoạn thi công các hạng mục công trình.
Ban quản lý khu bảo tồn chịu trách nhiệm về hoạt động thường xuyên sau dự án.
5. Kế hoạch thực hiện:
- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu lập dự án 2007- 2009.
- Khảo sát, lập thiết kế, mở thầu từ 2009 - 2010.
- Thi công các công trình xây dựng, mua sắm phương tiện, trang thiết bị 03 năm từ 2010 - 2012.
- Hoạt động vận hành dự án từ 2013 trở đi.
6. Giám sát, đánh giá:
- Tổ chức phê duyệt, giám sát, nghiệm thu dự án gồm cơ quan chức năng địa phương và Trung ương.
- Quản lý, giám sát hoạt động vận hành, chỉ đạo chuyên môn hàng năm thuộc Sở Thủy sản (Ban quản lý khu bảo tồn trực thuộc Sở Thủy sản).
V. DỰ ÁN “XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ CỘNG ĐỒNG NGHỀ CÁ ĐÁY SÔNG CẦU”
1. Hiện trạng:
Đáy sông cầu là nghề truyền thống của phần lớn ngư dân xã Vàm Láng.
Hơn 20km vùng biển ven bờ Tiền Giang là vùng hoạt động khai thác của hơn 600 khẩu đáy sông cầu, sản lượng chịu một phần ảnh hưởng của các hoạt động đánh bắt của các nghề cào, te, ngư cụ kết hợp xung điện, sử dụng chất nổ và hóa chất độc hại.
2. Mục tiêu:
Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng của ngư dân khai thác ven biển nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng; xác định vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
3. Các hoạt động và đầu ra dự án:
- Xây dựng nội dung kế hoạch tuyên truyền vận động thành lập hiệp hội Đáy sông cầu.
- Xây dựng qui chế hội viên từng bước hoàn chỉnh để có thể nhân rộng.
- Thành lập Ban chấp hành theo cơ chế bầu chọn có một thành viên trong chủ nhiệm đề tài. Bước đầu có sự tham gia của nhà nước sau chuyển giao hoàn toàn cho cộng đồng.
- Xây dựng phương thức tạo nguồn kinh phí cho giai đoạn sau đề tài.
- Lập cơ chế sinh hoạt định kỳ để trao đổi thông tin, giải quyết các vấn đề nội bộ.
- Xây dựng và tập huấn đội bảo vệ nguồn lợi, triển khai các hoạt động tuần tra độc lập hoặc có sự hỗ trợ của Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
4. Nguồn lực thực hiện:
a). Kinh phí: ngân sách tỉnh.
b). Tổ chức thực hiện: Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Ủy ban nhân dân huyện phối hợp thực hiện.
5. Kế hoạch thực hiện: thực hiện trong 03 năm từ 2011 đến 2013.
6. Giám sát, đánh giá: Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh.
VI. DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ”
1. Hiện trạng:
Nhìn chung cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh ổn định; cấp huyện thiếu cán bộ chuyên trách nên sự phối hợp quản lý, giám sát các hoạt động ngành nghề thủy sản và tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện trong phát triển kinh tế thủy sản chưa phát huy hết tiềm năng.
Các văn bản pháp luật về thủy sản của nhà nước chưa cụ thể để áp dụng cho những đặc thù ở địa phương.
Hoạt động các hội nghề cá địa phương chất lượng chưa cao, nội dung kém phong phú, chưa phát huy vai trò tuyên truyền nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi, góp phần cho kinh tế thủy sản bền vững.
Các tổ chức đoàn thể quần chúng chưa có điều kiện quan tâm về hoạt động đánh bắt thủy sản có sử dụng ngư cụ cấm.
2. Mục tiêu:
Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở kết hợp với sự hưởng ứng của đoàn thể quần chúng.
Có hệ thống văn bản pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhằm cụ thể hóa mọi lĩnh vực để công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên ngành được thuận lợi.
3. Các hoạt động:
- Thực hiện công tác nghiên cứu lập dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản pháp quy của địa phương nhằm cụ thể hóa văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các xã trọng tâm nghề cá được tập huấn và đào tạo kiến thức, kỹ năng hoạt động trong một khoảng thời gian để tăng cường sự quản lý giai đoạn đầu.
- Thực hiện phối hợp với các đoàn thể quần chúng trong chương trình tuyên truyền giáo dục chính sách pháp luật.
4. Nguồn lực thực hiện:
a). Kinh phí: ngân sách tỉnh.
b). Tổ chức thực hiện: Sở thủy sản, các đơn vị trực thuộc sở, các Phòng Thủy sản, Phòng Nông nghiệp các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.
5. Kế hoạch thực hiện:
- Xây dựng và vận hành mạng lưới cộng tác viên thủy sản 04 năm từ năm 2009 đến năm 2012.
- Thực hiện phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng từ năm 2009.
- Tham mưu xây dựng hệ thống văn bản pháp qui địa phương từ năm 2010 và hoàn chỉnh năm 2012.
6. Giám sát: Sở Thủy sản và các sở, ngành có liên quan.
Bảng 4: Dự trù kinh phí hoạt động các dự án ưu tiên (Tổng kinh phí giai đoạn 2006 – 2010 là 3.230 triệu đồng).
ĐVT: triệu đồng
Dự án | T.gian t. hiện | Kinh phí | Giai đoạn 2006 - 2010 | Giai đoạn 2011-2020 | |||||
T.cộng | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | ||||
1. Dự án “ Phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản” | 2007-2010 | 2.430 | 2.430 | 30 | 600 | 600 | 600 | 600 |
|
2.Tham gia chương trình xây dựng Cơ sở dữ liệu nghề cá | 2006-2010 | 240 | 240 | 48 | 48 | 48 | 48 | 48 |
|
3. Dự án “Qui hoạch các vùng hạn chế khai thác hàng năm” | 2007-2010 | 260 | 260 |
| 65 | 65 | 65 | 65 |
|
4. Dự án “Khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật ven biển-cửa sông Cồn Ngang” | 2007-2012 | 16.000 | 300 |
| 100 | 100 | 100 |
| 15.700 |
5. Dự án “Xây dựng mô hình tổ chức quản lý cộng đồng nghề Đáy sông cầu” | 2012-2014 | 330 |
|
|
|
|
|
| 330 |
6. Dự án “Nâng cao năng lực quản lý” | 2009-2012 | 124 |
|
|
|
|
|
| 124 |
TỔNG CỘNG |
| 19.384 | 3.230 | 78 | 813 | 813 | 813 | 713 | 16.154 |
Tổng nhu cầu vốn đầu tư (vốn ngân sách): 19.384 triệu đồng, trong đó có 01 dự án đầu tư xây dựng cơ bản (Dự án “Khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật ven biển - cửa sông Cồn Ngang”). Đề nghị ngân sách Trung ương đầu tư 16.000 triệu đồng, các dự án còn lại là ngân sách tỉnh đầu tư 3.384 triệu đồng. Cụ thể từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 2006 – 2010: 3.230 triệu đồng, trong đó:
+ Vốn chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách trung ương: 300 triệu đồng (Dự án “Khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật ven biển - cửa sông Cồn Ngang”).
+ Vốn ngân sách tỉnh: 2.930 triệu đồng.
- Giai đoạn 2011 – 2020: 16.154 triệu đồng, trong đó:
+ Vốn xây dựng cơ bản ngân sách trung ương: 15.700 triệu đồng (Dự án “Khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật ven biển - cửa sông Cồn Ngang”).
+Vốn ngân sách tỉnh: 454 triệu đồng.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang, thành phần gồm:
- Trưởng ban: một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phó ban: Giám đốc Sở Thủy sản - Thường trực của Ban chỉ đạo.
- Các Thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Triển khai thực hiện chương trình
Sở Thủy sản là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, trong từng dự án có sự phối hợp của các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo và cơ quan chuyên môn Trường, Viện nghiên cứu, các đơn vị trong ngành, phòng chức năng quản lý thủy sản cấp huyện.
3. Các bước triển khai thực hiện
a). Giao Sở Thủy sản xây dựng chương trình tổng thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và trình Bộ Thủy sản dự án khu bảo tồn quốc gia.
b). Giao Ban chỉ đạo triển khai thực hiện theo kế hoạch các dự án được duyệt.
c). Giao Ban chỉ đạo sơ, tổng kết đánh giá, nghiệm thu các dự án theo giai đoạn.
- 1 Quyết định 5168/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020
- 2 Quyết định 2448/2010/QĐ-UBND công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành và bãi bỏ văn bản không còn phù hợp do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 3 Quyết định 2448/2010/QĐ-UBND công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành và bãi bỏ văn bản không còn phù hợp do tỉnh Tiền Giang ban hành