UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2008/QĐ-UBND | Vinh, ngày 18 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐÀI TRUYỀN THANH CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN.
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT.BVHTT-UBTDTT ngày 24/7/2007 của Bộ Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban Thể dục – Thể thao về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 31/01/2007 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn;
Theo đề nghị của ông Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tại Tờ trình số 98/TTr-SVHTT ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Sở Văn hóa – Thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở VHTT, Giám đốc Đài PTTH tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM . UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐÀI TRUYỀN THANH CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn gọi chung là Đài Truyền thanh cơ sở (TTCS) trên địa bàn tỉnh Nghệ An là cơ quan thông tin, tuyên truyền do UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thành lập, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho nhân dân hiểu biết đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình đời sống, sản xuất của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Điều 2. Đài TTCS do UBND cấp xã trực tiếp quản lý, điều hành; chịu sự quản lý Nhà nước về hoạt động thông tin truyền thông của Phòng Văn hoá - Thông tin - Thể thao (VHTT-TT) cấp huyện và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Đài Phát thanh - Truyền hình (TT-TH) cấp huyện.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Nhiệm vụ chung của Đài TTCS:
a) Thực hiện việc tiếp âm các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện.
b) Sản xuất chương trình phát thanh địa phương để phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết, Chỉ thị của cấp uỷ và văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp; phổ biến kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội, các gương điển hình tiên tiến…
c) Thực hiện nhiệm vụ truyền đạt các thông tin khẩn cấp về những vấn đề quan trọng, thiết yếu của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp.
d) Sản xuất các chương trình phát thanh để gửi Đài TT -TH cấp huyện phát và xây dựng các chương trình tham gia liên hoan truyền thanh cơ sở do các đài cấp huyện, tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
đ) Quản lý cán bộ, vật tư tài sản, trang thiết bị và bảo dưỡng, phát triển hệ thống TTCS trên địa bàn.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ phụ trách Đài:
a) Trưởng Đài: Có nhiệm vụ lập kế hoạch hoạt động hàng năm trình HĐND và UBND cấp xã phê duyệt; điều hành hoạt động của Đài theo đúng quy định và nhiệm vụ mà cấp uỷ, chính quyền giao; biên tập và chịu trách nhiệm về nội dung các chương trình phát thanh tại địa phương và chương trình gửi Đài cấp huyện; xây dựng mạng lưới cộng tác viên để viết tin bài hoặc cung cấp thông tin cho Đài TTCS…Ngoài ra, có thể kiêm nhiệm công việc của phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên.
b) Phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên: Có trách nhiệm khai thác tư liệu, viết tin bài theo hướng tuyên truyền của cấp uỷ, chính quyền; tổ chức sản xuất các chương trình hàng ngày của Đài và gửi tin, bài cho Đài cấp huyện; vận hành máy đúng theo yêu cầu kỹ thuật, thực hiện tiếp âm và phát thanh tại địa phương theo đúng quy định và kế hoạch; bảo dưỡng và sửa chữa những hỏng hóc thông thường của các loại thiết bị (máy phát, máy sản xuất chương trình, hệ thống đường dây, các cụm loa tại các khối, xóm, bản) của Đài TTCS, ghi chép đầy đủ tình trạng của Đài sau mỗi ca trực.
c) Cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở được tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể cơ sở cung cấp các tư liệu liên quan tới nhiệm vụ tuyên truyền; được đi học và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Nhà nước; căn cứ tình hình thực tế, cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể cơ sở mời Trưởng Đài và cán bộ biên tập được dự một số cuộc họp, hộ nghị để Đài TTCS đảm bảo việc đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác.
Điều 4. Tổ chức bộ máy:
1. Mỗi xã, phường, thị trấn được thành lập một Đài Truyền thanh cơ sở. Ngoài ra, tuỳ theo điều kiện và nhu cầu thực tế, các xã có thể thành lập thêm trạm truyền thanh đảm bảo cho nhân dân được tiếp cận kịp thời và đầy đủ các thông tin thiết yếu.
2. Năm 2008, số lượng cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở là 01 người.
Trong trường hợp khối lượng công việc quá nhiều, UBND xã có thể cho phép Đài TTCS sử dụng một số cộng tác viên.
3. Những cán bộ, nhân viên làm việc tại Đài TTCS phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và sức khoẻ tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về báo chí, kỹ thuật phát thanh, có ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Đài TTCS được thành lập Ban biên tập từ 5 – 7 người theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên là Trưởng ban đại diện cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và Trưởng Đài. Đại diện cấp uỷ xã làm Trưởng Ban biên tập.
Điều 5. Nguyên tắc hoạt động:
1. Việc xây dựng Đài TTCS phải thực hiện đúng kế hoạch tần số được phê duyệt. Các thiết bị lắp đặt phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn để phát huy có hiện quả sử dụng tốt nhất.
2. Ban biên tập Đài TTCS hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường trực Đảng uỷ. Trưởng Ban biên tập chịu trách nhiệm trước cấp uỷ các vấn đề về chính trị – tư tưởng trong nội dung thông tin của Đài TTCS.
3. Các thành viên Ban biên tập được tham gia bàn bạc về các vấn đề liên quan đến nội dung chương trình phát ở cấp xã và Đài TTTH cấp huyện; chịu trách nhiệm về các nội dung tin bài mà mình cung cấp, biên tập.
4. Khung chương trình truyền thanh hàng tuần, hàng tháng và cả năm được thực hiện theo định hướng:
a. Buổi sáng: từ 5h15 - 7h00. Buổi chiều: từ 17h - 19h. Nội dung: Tiếp âm chương trình thời sự (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình phát thanh Nghệ An, chương trình Đài huyện; phát thông tin, thông báo của địa phương (nếu có).
b. Sáng và chiều Chủ nhật, sau chương trình tiếp âm, Đài TTCS phát bản tin hoạt động nổi bật của địa phương.
5. Không phát sóng các chương trình phát thanh địa phương trùng vào thời điểm phát sóng các chương trình thời sự trong ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT – TH Nghệ An, Đài TTTH huyện và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, không ảnh hưởng tới học tập của học sinh.
6. Tất cả các nội dung phát trên hệ thống Đài TTCS đều phải được Trưởng hoặc Phó Ban biên tập duyệt trước, kể cả những bản thông báo dân sự và được lưu trữ văn bản tại Văn phòng Đài ít nhất 30 ngày, kể từ ngày phát sóng. Tuyệt đối không được tuyên truyền các nội dung trái với chủ trương, chính sách, phát luật của Đảng và Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Điều6. Chế độ làm việc.
1. Hàng tuần, hàng tháng Ban biên tập họp để đánh giá hoạt động và định hướng nội dung tuyên truyền cho tuần sau, tháng sau.
2. Có báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng, 6 tháng và cả năm gửi cho Thường trực Đảng uỷ, chính quyền cấp xã, Phòng Văn hoá - Thông tin – Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện.
3. Hàng năm, căn cứ tiêu chuẩn thi đua do UBND cấp xã quy định và hướng dẫn thi đua của Sở VHTT và Đài PT – TH tỉnh, các Đài TTCS tự bình xét, chấm điểm, đề nghị các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân. Phòng VHTT -TT và Đài PT – TH cấp huyện có nhiệm vụ kiểm tra, tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền xét khen thưởng và thi hành kỷ luật theo quy định của Nhà nước.
Điều 7. Kinh phí hoạt động:
1. Nguồn kinh phí:
Kinh phí hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở được cân đối trong kế hoạch chi ngân sách hàng năm của xã, phường, thị trấn.
Khuyến khích các hoạt động xã hội hóa về đầu tư ngân sách đối với Đài TTCS.
2. Các khoản chi chủ yếu của Đài Truyền thanh cơ sở gồm:
a) Chi hoạt động thường xuyên:
- Hoạt động của Ban biên tập: nhuận bút cho cộng tác viên, hội họp, công tác phí, trực thêm giờ…
- Sửa chữa nhỏ, an toàn thiết bị, phòng chống cháy nổ.
- Mua văn phòng phẩm: giấy, bút, dụng cụ đồ nghề.
b) Chế độ phụ cấp lao động cho cán bộ của Đài TTCS.
3. Mức chi:
a) Ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên của Đài với mức thấp nhất: 250.000đ/đài/tháng.
Đối với địa phương có nguồn thu lớn và tự cân đối được ngân sách thì có thể trả cao hơn tuỳ theo quy mô Đài và địa hình phức tạp.
- Trường hợp cán bộ của Đài có các hoạt động kiêm nhiệm khác thì mức chế độ được hưởng 50% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.
- Đối với địa phương có nguồn thu lớn và tự cân đối được ngân sách thì có thể trả cao hơn tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ, quy mô Đài và địa hình phức tạp.
- Tuỳ theo điều kiện cụ thể của Đài, khuyến khích việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ theo đúng quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8.
1. Các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Văn hoá - Thông tin, Đài PTTH tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các Đài Truyền thanh cơ sở căn cứ chức năng, quyền hạn để thực hiện Quy chế.
2. Sở Văn hóa – Thông tin là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Quy chế; định kỳ tổ chức kiểm tra và tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện./.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- 1 Quyết định 95/2014/QĐ-UBND sửa đổi Khoản 3 Điều 7 Quy chế tổ chức và hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An kèm theo Quyết định 10/2008/QĐ-UBND
- 2 Quyết định 95/2014/QĐ-UBND sửa đổi Khoản 3 Điều 7 Quy chế tổ chức và hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An kèm theo Quyết định 10/2008/QĐ-UBND
- 1 Quyết định 31/2014/QĐ-UBND Quy chế tổ chức và hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 2 Quyết định 06/2012/QĐ-UBND sửa đổi quy định tổ chức và hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai
- 3 Thông tư liên tịch 22/2007/TTLT/BVHTT-UBTDTT hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn do Bộ Văn hóa-Thông tin, Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành
- 4 Quyết định 11/2007/QĐ-UBND về điều chỉnh phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã phường, thị trấn và ở xóm, khối, bản do Tỉnh Nghệ An ban hành
- 5 Quyết định 78/2004/QĐ-UB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bình Dương
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7 Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn
- 1 Quyết định 06/2012/QĐ-UBND sửa đổi quy định tổ chức và hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai
- 2 Quyết định 78/2004/QĐ-UB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bình Dương
- 3 Quyết định 31/2014/QĐ-UBND Quy chế tổ chức và hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam