Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 10/2010/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 05 tháng 5 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN VÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔ SƠ ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 12 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Theo đề nghị Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương;

QUYẾT ĐINH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định điều kiện, phạm vi hoạt động của người điều khiển và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Minh

 

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN VÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔ SƠ ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ – UBND ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi hoạt động của người điều khiển và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (gồm xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông thô sơ đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN VÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔ SƠ ĐƯỜNG BỘ

Điều 3. Điều kiện của người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển trên xe thô sơ khác.

1. Điều kiện chung

a. Có đủ sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn;

b. Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác phải thực hiện các quy định tại Điều 31 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Điều 4. Điều kiện của phương tiện được phép lưu hành.

Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ được phép lưu hành khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đối với các loại xe đạp, xe đạp máy và các loại xe tương tự phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Đối với các loại ce xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a. Về kích thước chế tạo:

Đối với xe xích lô: chiều dài không quá 3m, chiều rộng không quá 1m, chiều cao không quá 1m

Đối với xe ba gác: Chiều dài không quá 2,5m, chiều rộng không quá 1,2m, chiều cao không quá 1m (kích thước thùng xe không quá 1,2m x 0,85m x 0.35m), sức chở hàng không quá 300kg.

Đối với xe súc vật kéo: Chiều dài không quá 3,8m, chiều rộng không quá 1,6m, chiều cao không quá 1,2m (kích thước thùng xe không quá 1,8m x 1,2m x 0,5m), sức chở hàng không quá 800kg.

b. Về các điều kiện khác:

Phương tiện sau khi chế tạo, sản xuất, lắp ráp phải đảm bảo chắc chắn, an toàn khi sử dụng;

Có bộ phận điều khiển đủ độ bền, đảm bảo chính xác; hệ thống hãm còn hiệu lực; chuông, đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu khi lưu thông về ban đêm;

Các bộ phận có thể tiếp xúc với cơ thể người lái, người ngồi không được nhọn, sắc cạnh, các mối ghép sau khi lắp ghép phải căng chặt;

Thân, vỏ, thùng xe không được thủng, rách, mục, mọt và phải được vị chắc chắn với khung, bệ xe. Đối với xe chở người phải có khung che mưa,che nắng;

Ghế người lái, ghế hành khách: đối với xe chở người được xác định đúng vị trí, đảm bảo chắc chắn.

Điều 5. Phạm vi được phép hoạt động

1. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ được phép hoạt động trên các tuyến đường theo quy định.

2. Cấm sử dụng phương tiện giao thông thô sơ đường bộ phục vụ hoạt động quảng cáo, bán hàng rong trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường đô thị.

3. Các loại xe được thiết kế đặc biệt phục vụ cho mục đích thể thao, du lịch như xe đạp đôi, xe đạp ba và các loại xe tương tự chỉ được hoạt động trong khu du lịch, thể thao.

4. Các loại xe thô sơ phục vụ hoạt động vệ sinh môi trường được hoạt động trên các tuyến đường theo quy định từ 18h00 đến 5h00.

Điều 6. Điều khoản thi hành.

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể các tuyến đường cấm hoạt động đối với xe xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện Quy định này.

3. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm Quy định này, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các quy định hiện hành khác.

4. Giao Sở Giao thông vận tải tổng hợp các ý kiến góp ý, bổ sung trong quá trình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, kịp thời giải quyết./.