Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 100/2003/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 06 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CÁC BỀ MẶT HẠN CHẾ CHƯỚNG NGẠI VẬT TẠI SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Mục 1, Chương III Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được thông qua ngày 26/12/1991 và được sửa đổi bổ sung ngày 20/4/1995 ;
Theo Biên bản Hội nghị số 391/CCMN ngày 03/4/2003 của Cụm Cảng Hàng không miền Nam và công văn đề nghị số 440/CCMN ngày 16/4/2003 của Tổng Giám đốc Cụm Cảng Hàng không miền Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố tại các công văn số 1333/QHKT-TH ngày 18/4/2003, số 1966/QHKT-TH ngày 03/6/2003 ; Sở Tư pháp thành phố tại công văn số 1045/STP-VB ngày 14/5/2003 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay quy định các bề mặt hạn chế chướng ngại vật Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất được tính như sau :

a) Bề mặt chuyển tiếp : xuất phát từ mép dải bay hai bên sườn đường hạ cất cánh, cách tim đường hạ cất cánh 150m với độ dốc 14,3%, cự ly 315m. Độ cao chướng ngại vật giới hạn từ 0m - 45m.

b) Bề mặt ngang trong : xuất phát từ điểm cuối bề mặt chuyển tiếp đến giới hạn, bán kính 4.000m tính từ điểm quy chiếu sân bay ; chiều cao chướng ngại vật không quá 45m.

c) Bề mặt hình nón : xuất phát từ điểm cuối của bề mặt ngang trong đến giới hạn bán kính 6km tính từ điểm quy chiếu sân bay với độ dốc 5% ; chiều cao chướng ngại vật ở đầu cuối không quá 145m.

d) Bề mặt ngang ngoài : nằm ngoài bán kính 6km ; chiều cao chướng ngại vật không quá 145m.

e) Bề mặt tiếp cận hạ cánh : xuất phát từ thềm được cất cánh ra 300m và chia ra làm 3 lý trình :

- Lý trình 1 : từ đầu mút đường hạ cất cánh đến vị trí 300m có độ dốc 0%. Từ 300m đến khoảng cách 3.600m, bề mặt hạn chế chướng ngại vật có độ dốc là 1,2%.

- Lý trình 2 : từ khoảng cách 3.600m đến 9.000m, bề mặt chướng ngại vật có độ dốc là 2%.

- Lý trình 3 : từ khoảng cách 9.000m đến 15.000m, bề mặt chướng ngại vật có độ dốc 0%.

- Góc mở ngang của bề mặt tiếp cận hạ cánh là 150 (tương đương 26,7%).

- Giới hạn chiều cao chướng ngại vật bề mặt tiếp cận hạ cánh của 2 đường hạ cánh lấy theo đường hạ cánh có thềm xa hơn.

(Xem bản vẽ đính kèm)

Điều 2. Nghiêm cấm việc xây dựng công trình, lắp đặt an ten, thả diều và các vật bay khác cao hơn các mặt hạn chế chướng ngại vật nêu ở Điều 1.

Trong trường hợp bất khả kháng, cần xây dựng các công trình vượt quá giới hạn nêu trên phải được sự chấp thuận của Bộ Tổng Tham mưu và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Điều 3. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận-huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, áp dụng quy định này.

 

Nơi nhận:
- Như điều 4
- Thủ tướng Chính phủ (thay b/c)
- Bộ Tổng Tham mưu
- TTUB : CT, các PCT
- Quân chủng Phòng không-không quân
- Cục Hàng không dân dụng Việt Nam
- Cụm Cảng Hàng không miền Nam
- Sư đoàn Không quân 370
- Trung tâm Quản lý bay dân dụng miền Nam
- VPHĐ-UB : các PVP, Tổ ĐT
- Lưu (ĐT-M)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 



Nguyễn Văn Đua