Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/2008/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 18 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC THỦY LỢI TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đê điều; Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão và Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 72/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí chức năng

Chi cục Thủy lợi là cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở quản lý nhà nước chuyên ngành và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch thủy lợi, sử dụng các hệ thống thủy lợi và phát triển tổng hợp các dòng sông; quản lý công tác phòng chống úng, ngập, hạn hán, công trình cấp, thoát nước sạch nông thôn; quản lý xây dựng, sử dụng, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, công trình đê bao, kè phòng chống sạt lở bờ sông, công trình phòng, chống lụt, bão; tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chi cục Thủy lợi có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục Thủy lợi, Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống lụt bão thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra đánh giá việc thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch về phát triển thủy lợi; thi hành pháp luật về công trình thủy lợi theo Luật Đê điều; Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão và Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ở địa phương theo phân cấp.

2. Tham mưu cho Giám đốc Sở quản lý điều tra cơ bản và quy hoạch thủy lợi, kể cả các công trình đê điều, kè chống sạt lở bờ sông (để bảo vệ đê) và phòng, chống lụt, bão theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Xây dựng kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm; các chiến lược, quy hoạch vùng trọng điểm liên vùng, liên huyện và các chương trình đề án, dự án về các công trình thủy lợi thuộc chuyên ngành, lĩnh vực quản lý.

4. Tham mưu cho Giám đốc Sở thẩm định thiết kế cơ sở (dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi) thẩm định thiết kế bản vẽ thi công (báo cáo kinh tế kỹ thuật) các dự án sửa chữa nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện công trình thủy lợi; công trình đê điều và phòng, chống lụt bão bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

5. Quản lý đầu tư và xây dựng công trình nâng cấp, sửa chữa, công trình thủy lợi, cấp thoát nước, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và tổ chức thực hiện các dự án thủy lợi thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hằng năm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng nghiệm thu bàn giao các công trình thủy lợi thuộc nguồn vốn địa phương đầu tư; tham gia với tư cách thành viên Hội đồng nghiệm thu bàn giao cơ sở các công trình thủy lợi do nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư, Bộ quản lý đưa vào sử dụng.

7. Tham mưu cho Giám đốc Sở quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ công trình thủy lợi, cấp thoát nước, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; chỉ đạo vận hành các hệ thống thủy lợi thuộc thành phố quản lý; thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi; chỉ đạo công tác phòng, chống úng, hạn; khắc phục hậu quả của thiên tai và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, chống ô nhiễm nguồn nước và môi trường nước.

8. Tổ chức thực hiện chương trình, mục tiêu cấp, thoát nước nông thôn đã được phê duyệt.

9. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành ở địa phương theo Luật Đê điều; Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

10. Thực hiện các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực quản lý bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và quản lý đê điều.

11. Thực hiện nhiệm vụ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ; Văn phòng Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

12. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định.

13. Thực hiện quy chế dân chủ, chương trình cải cách hành chính đối với công tác thủy lợi theo mục tiêu, nội dung chương trình cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố.

14. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Chi cục Thủy lợi theo quy định của pháp luật.

15. Quản lý tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật.

16. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Lãnh đạo:

- Chi cục Thủy lợi có Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng. Chi cục trưởng là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Chi cục;

- Phó Chi cục trưởng là người giúp Chi cục trưởng phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Chi cục trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và pháp luật về các nhiệm vụ được phân công.

2. Cơ cấu tổ chức:

- Phòng Hành chính - Kế toán;

- Phòng Kỹ thuật - Nghiệp vụ;

- Phòng Quản lý thủy nông;

- Phòng Phòng chống lụt, bão - tìm kiếm cứu nạn;

- Trạm Quản lý thủy nông (đơn vị sự nghiệp trực thuộc).

3. Biên chế:

a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định số lượng biên chế hàng năm;

b) Việc bố trí cán bộ, công chức của Chi cục Thủy lợi phải căn cứ vào nhu cầu, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành;

c) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phê duyệt, giao Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi ban hành Quy chế làm việc của Chi cục phù hợp với nội dung quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày và đăng trên Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký; đồng thời, thay thế Quyết định số 1809/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thủ trưởng cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn