ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 100/2009/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2009 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và các tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
Căn cứ Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 4/4/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 25/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ đối với việc xử phạt vi phạm của cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa;
Căn cứ Thông tư số 03/2006/TT-BKH ngày 19/10/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKH-BCA ngày 29/07/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính – Bộ Công an hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 01/2009/TT-BKH ngày 13/01/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2006/TT-BKH ngày 19/10/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1020/TT-KH&ĐT ngày 31 tháng 7 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định sau đây:
1. Quyết định số 135/2002/QĐ-UB ngày 24/12/2002 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy chế quản lý sau đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội;
2. Quyết định số 197/2005/QĐ-UBND ngày 23/11/2005 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành theo Quyết định số 100/2009/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Quy chế này quy định một số nội dung quản lý Nhà nước của UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố Hà Nội trong việc quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm: Quy định về việc đăng ký kinh doanh, quản lý, kiểm tra sau đăng ký kinh doanh; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp và thanh lý dự án đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến việc thành lập, tổ chức và quản lý hoạt động của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Điều 3. Mục tiêu quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Việc tổ chức quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm những mục tiêu sau:
1. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;
2. Phản ánh kịp thời và chính xác các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
3. Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Điều 4. Quản lý công tác đăng ký kinh doanh
Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý Nhà nước đối với công tác đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và có trách nhiệm:
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cấp đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn thủ tục cấp đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh.
- Hướng dẫn, thẩm tra và trình Ủy ban nhân dân Thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Cơ quan đăng ký kinh doanh
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở cấp thành phố và ở cấp quận, huyện, thị xã bao gồm:
a) Cấp Thành phố: Các phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố).
b) Cấp quận, huyện, thị xã: thành lập Phòng đăng ký kinh doanh tại các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện, thị xã).
Trường hợp chưa thành lập Phòng Đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện, thị xã thì Phòng Kinh tế (hoặc Phòng Tài chính – Kế hoạch ở cấp huyện) thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 8 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh; Phòng Kinh tế được sử dụng con dấu để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan đăng ký kinh doanh.
c) Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố và Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện có tài khoản và con dấu riêng.
2. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên cơ sở tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng đăng ký kinh doanh cấp thành phố
1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
2. Phối hợp với phòng đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về đăng ký kinh doanh trong phạm vi Thành phố; cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh trong phạm vi Thành phố cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Cục thuế, các cơ quan có liên quan và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo định kỳ và cho các tổ chức, cá nhân khác có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 163 Luật Doanh nghiệp; đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo hàng năm của doanh nghiệp.
4. Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh.
5. Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
6. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp và Quy chế này.
7. Đăng ký kinh doanh cho các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện, thị xã
1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh.
2. Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố, cơ quan thuế cấp huyện về hộ kinh doanh và doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
3. Trực tiếp kiểm tra hộ kinh doanh theo nội dung đăng ký kinh doanh trên phạm vi địa bàn; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp; xác minh nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện trên phạm vi địa bàn theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố.
4. Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết.
5. Yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
6. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh trong các trường hợp quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP và Quy chế này.
7. Đôn đốc doanh nghiệp nộp báo cáo và tiếp nhận các báo cáo:
a) Báo cáo về hoạt động tại trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày sau khi được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD theo quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp;
b) Báo cáo hoạt động hàng năm của doanh nghiệp.
8. Định kỳ lập danh sách doanh nghiệp vi phạm chế độ báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Điều 8. Phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong công tác đăng ký kinh doanh
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, các sở, ngành, cơ quan thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
2. Hàng năm, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành tiến hành kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn.
3. Khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải đình chỉ ngay hành vi vi phạm và tiến hành xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm các quy định tại khoản 2, Điều 165, Luật doanh nghiệp năm 2005, cơ quan xử lý vi phạm phải thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư biết về việc vi phạm đó trong thời gian 10 ngày làm việc kèm theo hồ sơ xác định vi phạm để có căn cứ xem xét, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động.
4. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề: Cơ quan chuyên môn xử lý vi phạm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh biết về việc vi phạm đó kèm theo hồ sơ xác định vi phạm để có căn cứ yêu cầu doanh nghiệp đó bổ sung chứng chỉ hành nghề phù hợp hoặc yêu cầu ngừng kinh doanh ngành, nghề không đủ điều kiện.
Điều 9. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh
1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong các trường hợp được quy định tại khoản 2, Điều 165, Luật Doanh nghiệp năm 2005;
2. Trong quá trình xử lý cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 25/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải áp dụng biện pháp đình chỉ ngay hoạt động vi phạm pháp luật, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, đồng thời thông báo bằng văn bản tới cơ quan đăng ký kinh doanh để xem xét áp dụng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay yêu cầu ngừng ngành nghề kinh doanh;
3. Đối với các doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu vi phạm các quy định tại khoản 2, Điều 165, Luật Doanh nghiệp năm 2005, tùy theo mức độ vi phạm, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình UBND Thành phố quyết định xử lý theo quy định của pháp luật;
4. Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong các trường hợp được quy định tại Điều 47, Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh như sau:
a) Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Ngừng hoạt động kinh doanh quá sáu tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh quận, huyện, thị xã nơi đăng ký kinh doanh;
c) Chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác;
d) Kinh doanh các ngành nghề bị cấm.
Điều 10. Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
1. Các phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Trường hợp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
3. Phòng đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện, thị xã (trường hợp chưa có phòng đăng ký kinh doanh thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh) có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh trên địa bàn;
4. Cơ quan đăng ký kinh doanh và UBND quận, huyện, thị xã không được thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trong bất cứ trường hợp nào khác ngoài các trường hợp quy định tại các điều nói trên.
Điều 11. Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 46, Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh và theo các quy định sau đây:
1. Cung cấp thông tin vi phạm: Trong quá trình quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nếu phát hiện doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các sở, ngành, cơ quan điều tra, thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm đình chỉ ngay hoạt động vi phạm, xử lý theo thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định tại khoản 2, Điều 165, Luật Doanh nghiệp năm 2005 về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện vi phạm phải đình chỉ ngay hoạt động của doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn 07 ngày kể từ khi ra quyết định xử lý vi phạm hoặc phát hiện vi phạm.
2. Kiểm tra, xác minh thông tin vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh: Khi nhận được thông tin do các tổ chức, cá nhân phản ánh về vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nếu xét thấy cần thiết phải tiến hành xác minh, cơ quan đăng ký kinh doanh trực tiếp kiểm tra, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thông tin về vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Kết quả kiểm tra, xác minh phải được thể hiện bằng văn bản.
3. Thông báo hành vi vi phạm: Khi có đủ căn cứ xác định doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 165, Luật Doanh nghiệp năm 2005, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo, công bố hành vi vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bằng các hình thức sau:
- Gửi thông báo đến địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh;
- Đăng thông báo trên trang thông tin điện tử (website) của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội;
- Đăng trên báo hàng ngày của địa phương hoặc trung ương trong ba số liên tiếp.
4. Hồ sơ thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có các giấy tờ sau:
a) Văn bản thông báo hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh;
b) Tài liệu chứng thực việc cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo về vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh;
c) Các tài liệu khác liên quan đến xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh (nếu có).
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh phải gửi quyết định đến địa chỉ trụ sở doanh nghiệp hoặc địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đồng thời công bố trên Website thông tin doanh nghiệp, và gửi cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, hoặc Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi hộ kinh doanh đăng ký địa điểm kinh doanh. Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày công bố trên Website thông tin doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 12. Giải thể doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
1. Doanh nghiệp phải tiến hành các thủ tục giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trình tự và thủ tục giải thể thực hiện theo quy định tại Điều 158 Luật Doanh nghiệp.
2. Sau sáu tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu cơ quan Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp, thì doanh nghiệp coi như đã được giải thể và cơ quan Đăng ký kinh doanh xóa tên doanh nghiệp trong Sổ đăng ký kinh doanh.
Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, tất cả các thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn), chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), tất cả thành viên Hội đồng quản trị (đối với Công ty cổ phần) và tất cả thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh) liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán (nếu có), gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện của doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
UBND thành phố Hà Nội ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện một số công việc thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam như sau:
a) Cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho văn phòng đại diện, chi nhánh (không gắn dự án đầu tư) tại Hà Nội của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
b) Xác nhận thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động đã được cấp trước ngày 01/7/2006 của văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, kho hàng, cửa hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội.
c) Chấp thuận (bằng văn bản)
việc mở địa điểm kinh doanh đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hoạt động cho chi nhánh tại Hà Nội hoặc doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội không đăng ký lại muốn mở địa điểm kinh doanh trực thuộc trụ sở chính.
d) Thông báo (bằng văn bản) về việc giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện gửi cơ quan thuế, cơ quan công an, UBND quận, huyện, thị xã nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và gửi các cơ quan liên quan.
đ) Xác nhận đăng ký nhân sự chủ chốt quản lý điều hành của doanh nghiệp như danh sách giám đốc/tổng giám đốc, phó giám đốc/phó tổng giám đốc, hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH), hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần), thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh), ban điều phối (đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh), văn phòng điều hành (đối với bên nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh) nếu có đề nghị của người đại diện theo pháp luật và nghị quyết hoặc quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 01/7/2006 và chưa đăng ký lại hoặc không đăng ký lại.
2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hướng dẫn và thực hiện các nội dung được ủy quyền theo đúng các quy định hiện hành; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về việc thực hiện trong phạm vi các nội dung công việc được ủy quyền.
1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp quy định tại Điều 157, Luật Doanh nghiệp; bị thu hồi Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp quy định tại Điều 68, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
2. Trình tự, thủ tục thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 69, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ; trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 158, Luật Doanh nghiệp;
3. UBND Thành phố quyết định việc chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư; quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và giải thể doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với hồ sơ phải bổ sung, điều chỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lưu giữ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày có thông báo yêu cầu nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ. Quá thời hạn trên, nhà đầu tư không thực hiện bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu, hồ sơ mặc nhiên hết hiệu lực.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH
Điều 16. Quy định chung về các nội dung quản lý chuyên ngành
Các Sở, Ban, ngành của Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước chuyên ngành đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành;
2. Nghiên cứu, đề xuất với UBND Thành phố triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
3. Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan;
4. Tiến hành kiểm tra hoạt động doanh nghiệp theo giấy phép chuyên ngành đã cấp. Khi xử lý các trường hợp vi phạm quy định hoặc có liên quan đến việc thu hồi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp phải kịp thời thông báo chính thức bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét xử lý.
UBND thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
1. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cấp đăng ký kinh doanh, trình UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật và phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, tổ chức thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
b) Xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, cập nhật và duy trì website thông tin doanh nghiệp; quản lý, tổ chức thực hiện cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định pháp luật;
c) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp theo quy định;
d) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh theo định kỳ hoặc đột xuất; chủ trì hoặc đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành chuyên môn hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra doanh nghiệp. Khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, được quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Hàng năm xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, các cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
f) Định kỳ hàng quý xây dựng kế hoạch và phối hợp với Công an Thành phố, Cục Thuế và cơ quan chuyển ngành tiến hành kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực đặc biệt có thể ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Phối hợp với cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật do công luận phản ánh hoặc theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
2. Trách nhiệm của cơ quan Thuế:
a) Cục thuế Hà Nội có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp kịp thời mã số doanh nghiệp theo quy chế phối hợp trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
- Tiếp nhận, sao gửi thông tin về doanh nghiệp do các Phòng Đăng ký kinh doanh Thành phố cung cấp theo quy định tại Quy chế này cho các đơn vị theo dõi, quản lý doanh nghiệp trong ngành thuế;
- Rà soát, đối chiếu danh sách doanh nghiệp đã đăng ký mã số thuế với danh sách doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh;
- Xử lý các vi phạm về thuế theo thẩm quyền và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh danh sách doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp; danh sách doanh nghiệp bị thu hồi mã số thuế hoặc không có ở nơi đăng ký trụ sở chính để phối hợp xử lý vi phạm;
- Định kỳ 6 tháng, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, thông báo cho Công an Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội danh sách doanh nghiệp không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động một năm liên tục hoặc đã giải thể mà vẫn kinh doanh, hoạt động không đúng nội dung đăng ký kinh doanh, không đúng địa chỉ trụ sở đã đăng ký.
b) Chi Cục thuế các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:
- Rà soát và đối chiếu danh sách doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn với thông tin về doanh nghiệp do Cục thuế chuyển đến quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
- Định kỳ báo cáo Cục thuế, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tình hình thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội:
Cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hà Nội và chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp theo thẩm quyền. Tổ chức kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hà Nội theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Công an Thành phố:
Khi kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố, các lực lượng chức năng thuộc Công an Thành phố phải tiến hành xác minh, điều tra và xử lý theo quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải lập hồ sơ, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công an thành phố Hà Nội khi phát hiện doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm các quy định có thể bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD theo điều 165, Luật Doanh nghiệp, có trách nhiệm đình chỉ ngay hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD.
Các sở, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn phát triển kinh doanh.
c) Xử lý vi phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền và thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp quản lý.
d) Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tình hình thực hiện nhiệm vụ theo các nội dung:
- Tình hình tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp trên địa bàn.
- Tình hình chấp hành và vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn.
- Những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
đ) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc phối hợp, xác minh thông tin về doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn.
e) Chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tiến hành kiểm tra doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn quận, huyện, thị xã về việc chấp hành các nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các hoạt động theo giấy phép chuyên ngành, thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết.
6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
a) Đôn đốc doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn nộp thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính của doanh nghiệp; thực hiện các nghĩa vụ thông báo, báo cáo theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
b) Báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã về việc doanh nghiệp vi phạm quy định về trụ sở, biển hiệu, doanh nghiệp có thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà vẫn hoạt động.
c) Phối hợp xác minh, thông tin về doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và bản quy định này được xem xét tuyên dương, khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. UBND các cấp và các sở, ngành phải khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thuộc Thành phố thực hiện việc vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự giác chấp hành quy định của pháp luật; tham gia, đề xuất với các cơ quan Nhà nước những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh; tổ chức đánh giá, bình chọn và khen thưởng doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội;
2. Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
- 1 Quyết định 135/2002/QĐ-UB về Quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 2 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 29/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4 Quyết định 3032/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành đến ngày 31/12/2013
- 5 Quyết định 3032/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành đến ngày 31/12/2013
- 1 Thông tư 01/2009/TT-BKH sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2006/TT-BKH hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2 Thông tư liên tịch 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành
- 3 Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan do Quốc hội ban hành
- 4 Nghị định 139/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Doanh nghiệp
- 5 Nghị định 53/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
- 6 Thông tư 03/2006/TT-BKH hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh quy định tại Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành
- 7 Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư
- 8 Nghị định 88/2006/NĐ-CP về việc đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh
- 9 Luật Đầu tư 2005
- 10 Luật Doanh nghiệp 2005
- 11 Chỉ thị 17/2005/CT-TTg về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003