THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1004/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH THÀNH CỔ LOA (TỶ LỆ 1/2.000)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Cổ Loa là khu di tích quốc gia đặc biệt;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000) với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi và quy mô lập quy hoạch:
- Phạm vi quy hoạch thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, được giới hạn bởi:
Phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch nối Khu đô thị 34 đi Khu công nghiệp Đông Anh;
Phía Đông Bắc giáp đường Cổ Loa - Yên Viên;
Phía Đông Nam giáp thôn Lý Nhân và sông Ngũ Huyện Khê;
Phía Nam giáp đường liên khu vực cầu Đuống đi thị trấn Đông Anh.
- Quy mô khoảng 860,4 ha.
2. Mục tiêu:
- Bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với quy hoạch phân khu tại khu vực và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội;
- Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát triển Khu di tích thành Cổ Loa;
- Định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa Khu di tích thành Cổ Loa; xác định lộ trình và các nhóm giải pháp chính để triển khai các dự án;
- Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể không gian Khu di tích theo Quy hoạch;
- Quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan Khu di tích, các biện pháp bảo vệ di tích, hạn chế tăng trưởng dân số và tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, cơ quan liên quan.
3. Tính chất:
Là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.
Là một trong những công viên chính của thành phố Hà Nội, trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử có nhiều đặc trưng văn hóa.
4. Định hướng quy hoạch:
a) Giá trị di tích và vai trò, vị thế Khu di tích thành Cổ Loa trong Định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô:
- Giá trị di tích: Khu di tích thành Cổ Loa là khu vực đa dạng, đặc sắc với ba hệ giá trị Lịch sử - Nhân văn - Sinh thái đã hòa quyện vào nhau thành một phức hợp thể cộng sinh độc đáo, tồn tại ở các quy mô khác nhau, từ tổng thể đến từng cụm hoặc di tích đơn lẻ, trong môi trường cảnh quan và kiến trúc nông thôn thuần phác.
+ Giá trị lịch sử: Thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc dưới triều đại An Dương Vương là địa bàn duy nhất trên nước ta hiện còn lưu giữ được khá đầy đủ dấu tích và là tòa thành có tính sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước chống ngoại xâm. Đây là địa bàn cư trú cổ đã phát lộ và còn tiềm ẩn nhiều dấu tích quan trọng từ thời tiền sử. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều di tích đã mất dấu chỉ có thể được lần tìm thông qua khảo cổ học lâu dài. Di tích đã biến dạng là hệ thống thành, hào qua hơn 2000 năm đã bị thiên nhiên và con người làm lẫn mờ dấu tích. Di tích còn sót lại hiện đã thống kê được 60 hạng mục, bao gồm: Di chỉ khảo cổ học, di tích thành hào Cổ Loa, di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương, các công trình tín ngưỡng dân gian có ý nghĩa lịch sử văn hóa (đã hoặc chưa được xếp hạng di tích), khu vực cảnh quan có ý nghĩa lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Trong đó nổi bật và lâu đời nhất là 3 vòng thành Cổ Loa và các công trình di tích ghi dấu thời kỳ An Dương Vương.
+ Giá trị nhân văn: Cộng đồng dân cư sinh sống tại Cổ Loa suốt bao đời nay là lực lượng chính chăm nom gìn giữ khối di sản vật thể và phi vật thể của thành Cổ Loa xưa. Hệ thống công trình tôn giáo tín ngưỡng, tuy được xây dựng muộn hơn rất nhiều so với hệ thống di tích thành hào, nhưng là nơi tập trung nhiều nhất hoạt động văn hóa dân gian duy trì ký ức dân tộc về những thời kỳ vẻ vang xưa của An Dương Vương, Ngô Quyền... Các thôn xóm trong địa bàn vẫn lưu giữ cấu trúc không gian cư trú nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đặc sắc.
+ Giá trị sinh thái: Môi trường sinh thái nông nghiệp bao bọc thành Cổ Loa là chứng tích lịch sử đã chứng kiến nhiều biến động; là tài nguyên quý cho các nghiên cứu về lịch sử môi trường của địa điểm; là cảnh quan tôn vinh vẻ đẹp và tính chân thực lịch sử của hệ thống di tích. Đây còn là không gian xanh lớn cải thiện vi khí hậu và nghỉ ngơi, tham quan, giải trí cho cư dân thành phố.
- Vai trò và vị thế Khu di tích thành Cổ Loa trong Định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô:
+ Khu di tích thành Cổ Loa nằm trong các nêm xanh phía Bắc sông Hồng, tham gia vào hệ sinh thái tự nhiên dọc lưu vực các sông Cà Lồ - đầm Vân Trì - sông Hoàng Giang - sông Hồng; là khu vực hạn chế phát triển và duy trì bản sắc văn hóa nông thôn.
+ Khu di tích thành Cổ Loa là không gian quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô, như: Tuyến cảnh quan văn hóa Sông Hồng - Hồ Tây - Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích Đền Hùng - Mê Linh - Cổ Loa - Hoàng Thành Thăng Long - Sơn Tây - thành cổ Luy Lâu.
+ Khu di tích thành Cổ Loa sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình “Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn”, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học.
b) Định hướng quy hoạch tổng thể:
- Bảo tồn di tích thành Cổ Loa gắn với an sinh xã hội dựa trên cân bằng ba hệ giá trị Lịch sử - Nhân văn - Sinh thái.
- Bảo tồn, duy trì tính nguyên bản và toàn vẹn của hệ thống di sản trên mặt đất, tiềm ẩn dưới lòng đất, cùng toàn bộ môi trường lịch sử, môi trường xã hội nông thôn và môi trường sinh thái nông nghiệp.
- Ổn định, nâng cao chất lượng sống của cư dân Cổ Loa là công cụ cốt lõi để thực hiện thành công mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu di tích.
5. Nội dung quy hoạch:
a) Quy mô dân số: Khoảng 1,55 vạn người; quy mô khách du lịch dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 229.000 lượt khách/năm, đến năm 2030 đạt 373.000 lượt khách/năm.
b) Quy hoạch sử dụng đất:
Bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng đất
| Sử dụng đất | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) |
| TỔNG TOÀN KHU | 860,40 | 100,00 |
1 | Đơn vị ở | 145,57 | 16,92 |
- | Nhóm ở | 125,81 | 14,62 |
- | Công trình công cộng đơn vị ở | 12,64 | 1,47 |
- | Cây xanh đơn vị ở | 7,13 | 0,83 |
2 | Ngoài đơn vị ở | 413,83 | 48,10 |
- | Bảo tồn | 215,57 | 25,05 |
- | Hỗn hợp ở + sản xuất kinh doanh | 24,68 | 2,87 |
- | Công trình công cộng ngoài đơn vị ở | 8,98 | 1,04 |
- | Cây xanh ngoài đơn vị ở | 97,07 | 11,28 |
- | Giao thông khung + Hạ tầng kỹ thuật | 67,53 | 7,85 |
3 | Nông nghiệp | 301,00 | 34,98 |
c) Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu di tích:
- Phân vùng quản lý
Khu di tích được quản lý theo 4 phân vùng như sau:
+ Phân vùng Lõi: Khoảng 31,2 ha, bao gồm Thành Nội và khu Cánh cung phía Nam Thành Nội; tập trung đậm đặc các quần thể di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương. Ưu tiên tối đa bảo tồn, phát huy khai thác giá trị cốt lõi của Khu di tích.
+ Phân vùng Trung: Khoảng 225,3 ha, từ thành Trung đến phân vùng Lõi; tập trung phần lớn các thôn xóm hiện hữu. Ưu tiên cải tạo và chỉnh trang khu dân cư, gìn giữ cấu trúc định cư truyền thống, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng sống khu dân cư.
+ Phân vùng Ngoại: Khoảng 247,3 ha, từ hào thành Ngoại vào đến phân vùng Trung; phần lớn là đất nông nghiệp và các thôn xóm nhỏ rải rác. Ưu tiên bảo tồn, phát triển khai thác môi trường sinh thái. Chỉnh trang khu vực cửa ngõ Loa khẩu lối vào khu di tích.
+ Phân vùng Biên: Khoảng 356,6 ha, từ ranh giới quy hoạch vào đến phân vùng Ngoại, đóng vai trò vùng đệm của khu di tích. Bảo vệ và tiếp tục các nghiên cứu khảo cổ học tại các di chỉ hiện có. Bảo tồn di sản vật thể, chỉnh trang các điểm dân cư các thôn Sằn, Mạch Tràng.
- Xác định khu vực bảo vệ di sản vật thể.
Hệ thống di sản vật thể có khoảng 60 hạng mục, được xác định 02 khu vực bảo vệ sau:
+ Khu vực bảo vệ I: Là ranh giới trực tiếp chứa di sản vật thể, trùng với ranh giới khuôn viên di tích đơn lẻ, quần thể di tích hoặc khu chứa di chỉ khảo cổ học. Đối với di tích thành hào sẽ dựa trên dấu vết thành hào, có chiều rộng biến thiên theo hiện trạng, rộng trung bình khoảng 90 - 120 m.
+ Khu vực bảo vệ II: Được xác định từ ranh giới khu vực bảo vệ I. Đối với di tích đơn lẻ, quần thể di tích hoặc khu chứa di chỉ khảo cổ học: Rộng 25 m nếu tiếp giáp khu dân cư, rộng 50 m nếu tiếp giáp đất nông nghiệp. Đối với di tích thành hào: Rộng 50 m nếu tiếp giáp khu dân cư, rộng 100 m nếu tiếp giáp đất nông nghiệp.
+ Các công trình kề cận với khu vực bảo vệ I và II, được quy định giới hạn về khối tích và hình thức kiến trúc để làm nổi bật vẻ đẹp và ý nghĩa văn hóa của di tích.
- Giải pháp bảo tồn và khai thác không gian Lịch sử:
Xây dựng chiến lược khảo cổ học dài hạn tại Khu di tích thành Cổ Loa, hình thành hệ thống các công viên di sản để mở rộng dần không gian khảo cổ học. Khi chưa đủ chứng cứ khoa học, đất được đầu tư khai thác như những công viên có chủ đề truyền thuyết và chưa xác lập thành khu vực bảo vệ. Khi có đủ cơ sở khoa học, sẽ xác lập công viên di sản với quy chế Khu vực bảo vệ để xây dựng công viên khảo cổ học, trưng bày hiện vật, phục dựng ở mức độ cho phép, mở một phần cho du lịch. Hình thành các khu vực lớn trong đó bảo vệ, trưng bày các di chỉ hiện có dưới hình thức Công viên khảo cổ học tại các di chỉ đã phát lộ: Xuân Kiều, Mả Tre, Bãi Mèn, Gò Đống Chuông...
Bảo tồn và phục dựng hệ thống Thành - Hào; tôn tạo các di tích đơn lẻ; bổ sung di tích tưởng niệm Ngô Quyền, các dòng họ có công xây dựng và bảo vệ Khu di tích thành Cổ Loa qua các thời kỳ lịch sử. Kết hợp cải tạo chỉnh trang hệ thống cảnh quan trong khuôn viên các di tích, khu vực Đầm Cả, Vườn Thuyền Ao Mắm. Xây dựng mới các tuyến cảnh quan dọc Thành và Hào để xâu chuỗi toàn bộ hệ thống 60 di sản vật thể; sử dụng không gian đó cho mục đích văn hóa cộng đồng, quảng bá, diễn giải, khai thác du lịch.
Kiểm soát và cải tạo lớp công trình bao quanh khuôn viên di tích đặc biệt là các hộ dân nằm trong khu vực bảo vệ II.
- Giải pháp bảo tồn và phát triển không gian Nhân văn:
Gìn giữ cấu trúc định cư truyền thống. Ổn định, chỉnh trang và nâng cao chất lượng sống trong các khu dân cư hiện hữu.
Kiểm soát kiến trúc nhà ở, gìn giữ hình ảnh và lối sống làng xóm nông thôn. Nâng cấp toàn diện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, kế thừa các ưu điểm của Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu bảo tồn di tích. Đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện Trung tâm hành chính xã Cổ Loa và các trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn xóm.
Giãn dân và tái định cư: Di chuyển các hộ lấn chiếm ra khỏi ranh giới bảo vệ di sản vật thể. Khuyến khích bảo tồn phục dựng phong cách kiến trúc nhà ở dân gian trong làng xóm. Dành khoảng 30 ha để xây dựng khu tái định cư tại khu đô thị mới Đông Anh. Sử dụng các dải đất xen kẹp được hình thành trong quá trình thực hiện quy hoạch chỉnh trang mặt ngoài thôn xóm để tổ chức tái định cư tại chỗ.
- Giải pháp bảo tồn và phát triển không gian Sinh thái:
Khai thông hệ thống mặt nước với sông Thiếp, sông Hoàng Giang phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và du lịch. Phục dựng toàn bộ hệ thống Hào Thành, Đầm Cả, Vườn Thuyền Ao Mắm làm tuyến đường thủy tham quan Khu di tích.
Chuyển đổi chức năng cây trồng, giảm trồng lúa, tăng hoa màu và vườn cây ăn quả. Lập trang trại du lịch sinh thái trên các vùng đệm xanh. Tạo các điểm giới thiệu nông phẩm và hỗ trợ nông nghiệp (kho tàng, hậu cần). Khuyến khích tăng số lượng và chất lượng nhà vườn sinh thái.
d) Quy hoạch không gian và thiết kế đô thị:
- Đối với phân vùng Lõi:
Nghiên cứu, phục dựng một số đoạn thành hào Nội. Hình thành không gian tôn nghiêm tại trục lõi Ngự Triều Di Quy, cấm các hoạt động không phù hợp với tính chất trang nghiêm của khu vực. Bảo tồn, tôn tạo các di tích đã xếp hạng như Đền Thượng, Giếng Ngọc..., các di tích chưa xếp hạng như điếm xóm Chùa, điếm xóm Chợ. Khai thác di chỉ Mả Tre thành công viên khảo cổ học.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng tại hai khu dân cư xóm Chợ và xóm Chùa: Nhà ở xây mới chiều cao dưới 9 m, không tăng mật độ xây dựng. Sưu tầm khôi phục một số nhà cổ tiêu biểu để giới thiệu sản phẩm du lịch. Nâng cấp đường và hạ tầng kỹ thuật nội bộ. Phát triển các dịch vụ bán lẻ và dịch vụ du lịch tại lớp nhà ở hai bên quần thể Ngự Triều Di Quy.
Chỉnh trang các không gian và một số công trình công cộng trọng điểm như: Nhà trưng bày Cổ Loa, trung tâm tổ chức lễ hội Cổ Loa, trung tâm thông tin di tích... để hình thành lõi hoạt động văn hóa, du lịch của khu di tích. Xây dựng môi trường cảnh quan trong khuôn viên quần thể trục di tích Ngự Triều Di Quy, khuôn viên tuyến Hào và thành Thành Nội, quảng trường khánh tiết tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa.
- Đối với phân vùng Trung:
Bảo tồn toàn bộ dấu vết hiện còn, nghiên cứu phục dựng cục bộ một số đoạn nhỏ của Thành Trung. Tái hiện không gian nước của Hào thành Trung và khu Vườn Thuyền Ao Mắm, Ngự Xạ Đài trở thành một công viên lịch sử văn hóa có hoạt động đa dạng gắn với truyền thuyết An Dương Vương.
Tôn tạo các công trình di tích thôn xóm, nghiên cứu mở rộng bảo tồn cấu trúc không gian và văn hóa làng cổ. Kiểm soát mật độ dân số, mật độ xây dựng, tầng cao nhà ở dưới 12 m. Các hoạt động dân sinh phải phù hợp với tính chất khu ở nông thôn và quy chế bảo tồn.
Cải tạo chỉnh trang trung tâm hành chính xã Cổ Loa. Xây dựng mới nhà văn hóa xã, sân thể dục thể thao xã, cung cấp đầy đủ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư.
Xây dựng mới trụ sở Ban quản lý di tích, phân viện nghiên cứu Cổ Loa, thư viện Cổ Loa và các công trình phụ trợ khác.
Hình thành các không gian dịch vụ bán lẻ, dịch vụ du lịch hướng dẫn du khách, liên kết với hệ thống di tích văn hóa dân gian của các quần cư xóm Gà, xóm Nhồi trên, xóm Nhồi dưới, xóm Lan Trì, xóm Chùa, xóm Chợ, xóm Dóng, xóm Vang, xóm Thượng, xóm Cưu, xóm Mới, thôn Mạch Tràng... để trở thành các trung tâm văn hóa - du lịch thôn xóm.
Điều chỉnh cảnh quan xanh rìa làng theo hướng dịch vụ du lịch sinh thái. Hình thành các vùng trồng hoa màu công nghệ cao.
- Đối với phân vùng Ngoại:
Bảo tồn toàn bộ dấu vết thành hào hiện còn, nghiên cứu phục dựng cục bộ một số đoạn nhỏ thành Ngoại và các công trình di tích xóm Bãi, Mít và Phố Chợ. Tổ chức không gian công cộng và công trình đón tiếp du lịch tại Loa Khẩu. Tổ chức hệ thống bến thuyền, giao các xóm liền kề làm dịch vụ. Chỉnh trang dân cư các xóm Bãi, tầng cao xây dựng dưới 12 m. Xây dựng tuyến hào thành Ngoại, kết nối với toàn bộ thủy hệ. Xây dựng các công viên khảo cổ gồm: Xuân Kiều, Đầm Cả, Vườn Cổ Loa, Gò Đống Chuông.
- Đối với phân vùng Biên:
Khu vực xí nghiệp phụ trợ ga Đông Anh từng bước di dời, chuyển đổi chức năng thành nhà ở, cây xanh đô thị, công trình công cộng, dịch vụ du lịch, nghề thủ công truyền thống, phục vụ công tác bảo tồn Khu di tích thành Cổ Loa; có chiều cao thấp tầng và xây dựng mật độ thấp.
Hình thành các Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp gồm các kho, bãi, xưởng sơ chế nông phẩm, trưng bày quảng bá, phân phối sản phẩm địa phương, sửa chữa nông cụ, máy nông nghiệp gắn với vùng nông nghiệp sinh thái.
Xây dựng công viên Cột Cờ. Khai thác di chỉ Bãi Mèn làm công viên khảo cổ học. Chỉnh trang cảnh quan hai bờ sông Hoàng Giang. Duy trì vùng nông nghiệp tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các vườn cây ăn quả phục vụ du lịch sinh thái.
- Giải pháp phát huy giá trị Khu di tích, phát triển du lịch:
Xây dựng các tuyến tham quan di tích, nâng cấp hệ thống giao thông để liên kết các di tích đơn lẻ. Hoàn thiện tuyến du lịch chủ đạo: Loa Khẩu - chợ Sa - đình Ngự Triều Di Quy - đền Thượng - am Mỵ Châu.
Bổ sung các công trình hạ tầng du lịch, như: Hệ thống công viên và các công trình phụ trợ; hệ thống bến xe, bến thuyền, quảng trường và các công trình phụ trợ; hệ thống nhà vệ sinh và điểm thu gom rác; nhà thông tin đón tiếp; triển lãm sản phẩm Cổ Loa; trung tâm tiếp đón, tổ chức sự kiện khu di tích Lõi; các điểm thương mại xóm; các điểm thông tin trên tuyến du lịch...
Tạo lập các trung tâm dịch vụ đón tiếp thôn xóm, tăng cường cảnh quan khu dân cư, phát triển mạng lưới điểm dịch vụ du lịch cộng đồng kết nối với các tuyến thăm quan di tích để phát triển kinh tế và văn hóa nông thôn.
đ) Quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
Khớp nối đồng bộ hạ tầng Khu di tích thành Cổ Loa với hệ thống hạ tầng chung huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội.
- Quy hoạch giao thông:
Giao thông đối ngoại: Đường sắt và ga trong phạm vi phía Đông Khu di tích sẽ được di dời theo kế hoạch riêng của thành phố Hà Nội. Hệ thống giao thông đô thị gồm các trục đường bao xung quanh ranh giới khu di tích sẽ quản lý theo các Quy hoạch phân khu. Kiểm soát quy mô xây dựng tuyến đường cấp đô thị (nằm ngoài ranh giới quy hoạch) đoạn qua Khu di tích thành Cổ Loa nằm giữa sông Hoàng Giang và thành Ngoại, để không ảnh hưởng đến di tích dưới lòng đất. Xây dựng, chỉnh trang hai bến xe hành khách tại cổng phía Bắc và cổng Nam Khu di tích, quy mô khoảng 0,6 - 0,8 ha/bến.
Giao thông đối nội: Hạn chế giao thông cơ giới, tăng cường giao thông sinh thái (đi bộ, xe đạp, các loại giao thông không ảnh hưởng đến việc bảo tồn môi trường không gian Khu di tích). Xây dựng tuyến vành đai nội bộ ngăn chặn giao thông cơ giới bên ngoài hào thành Ngoại, bố trí các bến bãi điểm đỗ để xe cơ giới dừng đỗ trước khi vào tham quan, phối hợp giao thông thủy bộ. Thiết lập tuyến đường tham quan di tích kết hợp với hoạt động thương mại, du lịch và dân sinh.
+ Đường bộ: Đường ô tô gồm hai cấp: Đường chính là đường Cổ Loa có lộ giới 25 m. Đường nhánh có chiều rộng lộ giới từ 14 m đến 20 m.
+ Đường hạn chế ô tô gồm hai cấp: Đường liên thôn chiều rộng 6 - 10 m. Đường nội bộ có chiều rộng thay đổi theo hiện trạng, rộng tối thiểu 4 m. Riêng đường dẫn vào Khu di tích Lõi rộng 20 m được cải tạo thành không gian đi bộ.
Giao thông công cộng: Thiết lập bốn tuyến du lịch với hạ tầng đủ để đáp ứng sử dụng xe buýt điện làm phương tiện chính. Tại các bến và bãi đỗ xe công cộng, bố trí điểm cho thuê xe đạp, khuyến khích cư dân địa phương tham gia dịch vụ chuyên chở du khách. Tại các bến nước, thiết lập các quy chế quản lý và khuyến khích người dân, doanh nghiệp địa phương tham gia làm dịch vụ thuyền đò vận chuyển du khách.
Giao thông tỉnh: Thiết lập hệ thống điểm đỗ xe với tổng diện tích khoảng 7,5 ha, đảm bảo đủ sức chứa và bán kính phục vụ khoảng 10 phút đi bộ cho các nhóm dân cư và khách vãng lai trong khu vực tại thời kỳ cao điểm.
Đường thủy: Xây cầu tại các vị trí giao cắt, đảm bảo giao thông bộ không cản trở giao thông thủy. Bố trí hệ thống bến, âu thuyền phục vụ du lịch.
- Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật
+ San nền: Cao độ nền hài hòa với các quy hoạch phân khu lân cận thuộc lưu vực Cổ Loa. Khống chế cao độ xây dựng các khu vực dân cư hiện trạng Hxd ≥ 7,50m; độ dốc nền đường đảm bảo thoát nước tự chảy. Cao độ nền các khu sinh thái nông nghiệp giữ nguyên hiện trạng.
+ Thoát nước mưa: Phân thành hai lưu vực chính, theo hai đập tràn (Cổ Loa và Mai Lâm) thoát ra sông Hoàng Giang. Hướng thoát nước chính từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hệ thống kênh ra sông Hoàng Giang, rồi ra sông Ngũ Huyện Khê.
Khai thông thủy hệ bao gồm ba vòng hào thành, Vườn Thuyền Ao Mắm, Đầm Cả. Mở rộng tuyến kênh dẫn nước từ sông Hoàng Giang vào hệ thống hào thành dọc theo đường Đào Duy Tùng.
Sử dụng hệ thống đập tràn, cống ngang, bơm tiêu để điều tiết mực nước tại các kênh. Hệ thống trạm bơm được kế thừa và bổ sung hai trạm bơm tưới là Cổ Loa 1 và Cổ Loa 2, công suất 7200 m3/h mỗi trạm.
Hệ thống thoát nước mưa trong khu dân cư tiến tới tách biệt với hệ thống thoát nước thải, theo nguyên tắc tự chảy.
- Quy hoạch cấp nước
Chỉ tiêu: Tổng nhu cầu khoảng 3.986 m3/ngày đêm. Nguồn cấp chính từ nhà máy nước mặt sông Đuống; công suất: Đến năm 2020 là 300.000 m3/ngày đêm; đến năm 2030 là 600.000 m3/ngày đêm, cấp nước tới trạm bơm tăng áp Đông Anh; công suất: Đến năm 2020 là 100.000 m3/ngày đêm; đến năm 2030 là 200.000 m3/ngày đêm, thông qua tuyến ống truyền dẫn D1200 mm xây dựng dọc theo tuyến đường ranh giới phía Tây Nam Khu di tích. Ngoài nguồn cấp chính nêu trên, khu vực được hỗ trợ cấp nguồn từ nhà máy nước Đông Anh (phía Bắc); và mạng lưới cấp nước thành phố (phía Đông).
- Quy hoạch thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn và quản lý nghĩa trang
+ Xử lý nước thải: Tổng lượng nước thải khoảng 3.000 m3/ngày đêm. Nước thải được thu gom bằng hệ thống đường ống thoát nước thải riêng D300 mm về trạm xử lý nước thải tập trung. Toàn bộ nước thải xã Cổ Loa được thoát về trạm xử lý xã Cổ Loa. Nước thải thuộc xã Việt Hùng và Dục Tú thuộc phạm vi Khu di tích thành Cổ Loa được thoát về trạm xử lý xã Dục Tú.
+ Thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR): Tổng khối lượng CTR khoảng 21 tấn/ngày. Phân loại CTR ngay tại nguồn phát sinh, thu gom CTR hàng ngày về các trạm trung chuyển, sau đó vận chuyển bằng xe tải đến trạm xử lý CTR tập trung của huyện Đông Anh.
+ Quản lý nghĩa trang: Hạn chế hung táng tại các nghĩa trang, nghĩa địa trong khu vực, cải tạo theo hướng nghĩa trang là một phần cảnh quan trong công viên. Khi nghĩa trang tập trung huyện Đông Anh hoạt động, các nghĩa trang nhân dân tại Khu di tích sẽ đóng cửa. Khuyến khích thay đổi hình thức táng sang hỏa táng.
- Quy hoạch cấp điện
Tổng nhu cầu sử dụng điện khoảng 12,53 MW. Nguồn cấp từ trạm biến áp 110KV E1 Đông Anh công suất (2x40+63) MVA.
Mạng trung thế: Cải tạo các tuyến cáp trục và nhánh 22 KV đi ngầm theo các tuyến đường quy hoạch từ vòng thành Trung vào trong. Khu vực ngoài vòng thành Trung, giữ nguyên theo hiện trạng, một số đoạn cải tạo cục bộ để tuyến điện chạy theo đường giao thông khu vực.
Di dời các trạm điện nằm trong khu vực bảo vệ cấp I.
Hệ thống chiếu sáng đèn đường được cấp nguồn từ các trạm biến áp công cộng. Các tuyến phố rộng từ 14 m được bố trí chiếu sáng hai bên, các tuyến nhỏ hơn được bố trí chiếu sáng một bên.
- Quy hoạch thông tin liên lạc: Nâng cấp trạm vệ tinh Cổ Loa. Xây dựng bốn tổng đài vệ tinh, liên kết với tổng đài điều khiển bằng các tuyến cáp trục xây dựng dọc theo tuyến đường quy hoạch.
- Đánh giá môi trường chiến lược
Các biện pháp ưu tiên phòng ngừa, giảm thiểu, cải thiện môi trường:
+ Khống chế quy mô dân số ở mức 15.500 người, mật độ dân số trung bình khoảng 145 - 155 người/ha đất ở, kiểm soát tầng cao xây dựng công trình và chiều sâu móng, để bảo tồn Khu di tích gồm toàn bộ di sản vật thể trên mặt đất và tiềm năng phát lộ di sản dưới lòng đất.
+ Cung ứng đầy đủ hệ thống công trình công cộng cho đơn vị ở, phục vụ nhu cầu văn hóa xã hội, nâng chất lượng sống của nhân dân. Tăng cường các công trình phục vụ du lịch (các điểm dịch vụ, nhà trưng bày, nhà thông tin, chợ giới thiệu sản phẩm, tiện ích trên tuyến du lịch...) để khai thác và quảng bá giá trị Khu di tích như những sản phẩm du lịch.
+ Giao thông: Đường Cổ Loa phải hạn chế tốc độ và tải trọng xe cơ giới đi qua. Kiểm soát giao thông cơ giới không vào bên trong khu di tích từ vòng thành Ngoại, ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường. Thiết lập hệ thống hạ tầng (sân bãi, dịch vụ xe buýt điện, xe đạp, thuyền chèo...) và tiện ích đầy đủ cho dân cư và khách du lịch. Bổ sung hệ thống hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
+ Khu vực bảo vệ I chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng lượng du khách lớn trong các sự kiện cao điểm, cần bổ sung các điểm vệ sinh công cộng, điểm thu gom rác thải, hệ thống tiện ích đô thị, nhằm đáp ứng nhu cầu mới.
+ Thay đổi mục tiêu sử dụng công nghiệp - kho tàng tại Khu vực công nghiệp Ga Đông Anh theo hướng nhà ở, dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch sinh thái và phục vụ mục đích bảo tồn, khai thác du lịch.
+ Duy trì quỹ đất sinh thái nông nghiệp chiếm khoảng 30 - 40% tổng diện tích Khu di tích để đảm bảo tính sinh thái và tổ chức tốt các không gian công cộng, công viên (ngoài trời) nhằm tăng chất lượng hoạt động cộng đồng.
+ Khu vực nông nghiệp: Dồn điền đổi thửa, chuyển đổi đất trồng lúa nhỏ lẻ sang trồng hoa màu hoặc trang trại du lịch nông nghiệp. Khai thông hệ thống mặt nước, tạo các hồ nước để giải quyết vấn đề môi trường nước. Tạo không gian xanh bao quanh nhằm giảm ảnh hưởng của tiếng ồn và khói bụi từ hệ thống giao thông đối ngoại, tăng khả năng thoát nước tự nhiên cho khu di tích.
e) Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa
- Các chương trình và hợp phần dự án đầu tư tổng thể gồm 7 Chương trình với 68 hợp phần:
+ Chương trình nhà ở, di dân, tái định cư.
+ Chương trình bảo tồn giá trị di sản vật thể và phi vật thể.
+ Chương trình phát triển hạ tầng.
+ Chương trình bảo tồn và khai thác các giá trị môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với Khu di tích.
+ Chương trình phát huy giá trị di tích, thông tin quảng bá và phát triển du lịch.
+ Chương trình an sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực.
+ Chương trình nâng cao năng lực quản lý, xúc tiến đầu tư.
- Khái toán kinh phí khoảng 7.400 tỷ VND, trong đó ưu tiên nguồn vốn ngân sách triển khai các Chương trình phát triển hạ tầng; Chương trình nhà ở, giãn dân, tái định cư; Chương trình bảo tồn giá trị di sản vật thể và phi vật thể.
Khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp và nguồn vốn khác thực hiện các Chương trình bảo tồn và khai thác giá trị môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với Khu di tích; Chương trình phát huy giá trị di tích, thông tin quảng bá và phát triển du lịch; Chương trình an sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực; Chương trình nâng cao năng lực quản lý, xúc tiến đầu tư.
g) Quy chế quản lý đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa.
Mục tiêu nhằm định hướng cho công tác quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư, và toàn bộ các hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, và phát huy giá trị Khu di tích (kể cả đối với công trình mới, công trình hiện có, di tích, toàn bộ hay một phần công trình, trên mặt đất hay dưới lòng đất, công trình cảnh quan hay công trình mặt nước...) đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch được duyệt. Các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh, các hộ dân sinh sống và làm việc hoặc tạm trú; các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, sử dụng đất, bảo tồn, khai quật khảo cổ học, xây dựng.., trên địa bàn Khu di tích thành Cổ Loa, có trách nhiệm tuân thủ Quy chế này.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch. Xác định thứ tự các dự án ưu tiên đầu tư, xây dựng nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch được duyệt. Ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa và phê duyệt các dự án thành phần trong phạm vi quy hoạch theo thẩm quyền.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động về bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý, khai thác dịch vụ du lịch tại Khu di tích thành Cổ Loa theo quy định của pháp luật.
3. Các Bộ, ngành Trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Quyết định 1021/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1537/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật Xây dựng 2014
- 4 Quyết định 2542/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 410/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật Thủ đô 2012
- 7 Quyết định 1419/QĐ-TTg năm 2012 về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 9 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 10 Luật du lịch 2005
- 11 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 12 Luật di sản văn hóa 2001
- 1 Quyết định 1021/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1537/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 2542/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 410/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành