ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1004/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 02 tháng 6 năm 2015 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định 2341/QĐ-TTg ngày 02/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1724/QĐ-UBND ngày 01/10/2014 của UBND tỉnh Nam Định về phê duyệt đề cương báo cáo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 314/BCTĐ-QHNĐ ngày 27/4/2015 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 119/TTr-SKHĐT ngày 13/5/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định và đảm bảo thống nhất với các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Phạm vi tính toán các chỉ tiêu, định hướng trong giai đoạn đến năm 2020 trên cơ sở địa giới hành chính hiện tại của thành phố. Trong giai đoạn sau năm 2020 các định hướng phát triển của thành phố phải nghiên cứu, tính toán trên cơ sở địa giới hành chính được mở rộng theo Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh Nam Định. Phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng với các chức năng trung tâm: Một số ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đào tạo, thể thao, y tế, khoa học. Kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ cao, thương mại - dịch vụ.
4. Tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đầu tư hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng điểm, hiện đại để tạo điểm nhấn về không gian và sức hút của một đô thị lớn. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, các cơ sở thương mại, dịch vụ có quy mô lớn, giảm dần các chợ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Quy hoạch xây dựng để có căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu vực quy hoạch mở rộng địa giới theo Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quy hoạch phát triển các công viên, mạng lưới cây xanh và các điểm vui chơi công cộng để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Tuyên truyền giáo dục nếp sống văn minh đô thị, ý thức giữ gìn trật tự xã hội và vệ sinh môi trường của người dân thành phố.
6. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng - an ninh; bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, an ninh kinh tế và trật tự xã hội đô thị, giữ vững môi trường bình yên để phát triển.
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng thành phố Nam Định với vị thế đô thị loại I, sáng - xanh - sạch để tạo sức thu hút và trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Khai thác lợi thế về vị trí địa lý kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực thương mại dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho toàn tỉnh. Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hướng tới xây dựng đô thị hiện đại, có bản sắc. Thực hiện mở rộng địa giới theo Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ để phát triển thành đô thị lớn, hiện đại, là đầu tầu trong phát triển kinh tế của tỉnh và là trung tâm trong một số lĩnh vực của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về phát triển kinh tế
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 13-15%/năm, thời kỳ 2021-2030 đạt 10-12%/năm.
- Đến năm 2020: Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông lâm thủy sản tương ứng là 81,5%, 18,2% và 0,3%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 500-600 triệu đồng/người.
- Đến năm 2030 (sau khi mở rộng địa giới theo quy hoạch): Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông lâm thủy sản tương ứng là 75% - 21% - 4%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 1.000-1.200 triệu đồng/người.
2.2. Về phát triển xã hội và an ninh, quốc phòng
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân 0,9%/ năm; giảm tỷ suất sinh bình quân 0,2%o/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/ năm.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở đúng độ tuổi. Đến năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 60%.
- Hàng năm tạo việc làm cho 5.000 - 5.500 lượt người, đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo 85-90%.
- Đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đến năm 2020 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 8%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 85% dân số.
- Giữ gìn và bảo vệ môi trường thành phố xanh và sạch, thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt; đến trước năm 2030 xử lý 100% nước thải sinh hoạt thành phố đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.
- Củng cố và phát triển nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, an ninh kinh tế và trật tự xã hội đô thị.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp thành phố có truyền thống theo hướng chú trọng đổi mới trang thiết bị, tổ chức và quản lý sản xuất. Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (giá năm 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 15-18%/năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 11-14%/năm, trong đó trọng tâm là ngành nghề sau:
- Công nghiệp dệt may: Phát triển theo hướng sản xuất các sản phẩm cao cấp, sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Chú trọng đến khâu thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu các sản phẩm dệt may. Quy hoạch chuyển dần các cơ sở dệt may về địa bàn huyện Mỹ Lộc và các xã thuộc huyện Nam Trực, Vụ Bản trong dự kiến mở rộng địa giới thành phố. Hoàn thành di dời Công ty dệt may Nam Định và Công ty dệt lụa Nam Định ra khu công nghiệp Hòa Xá vào trước năm 2020.
- Công nghiệp cơ khí, điện: Chú trọng sản xuất các loại linh kiện ô tô, xe máy trong phân khúc thị trường xe khách và xe chuyên dụng; chế tạo các thiết bị máy nông nghiệp, máy xây dựng, các loại sản phẩm đúc luyện kim;...
- Công nghiệp dược: Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dược đã có thương hiệu (Công ty dược Nam Hà, Công ty Nam Dược, Trường Thọ,...) đầu tư các cơ sở sản xuất thuốc, dược phẩm theo các tiêu chuẩn GMP của WHO, EU. Phát triển công nghiệp dược thành ngành công nghiệp lớn của tỉnh.
Nghiên cứu khả năng mở rộng cụm công nghiệp An Xá (từ 65 ha lên 100 ha) trong giai đoạn đến năm 2020. Phối hợp, tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng khu công nghiệp Hòa Xá và xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Mỹ Trung và khu công nghiệp Mỹ Thuận.
2. Phát triển dịch vụ, thương mại
Khai thác lợi thế là trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ của tỉnh để phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm, tư vấn pháp luật, đào tạo..., đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố và của cả tỉnh, cả vùng. Phấn đấu tăng trưởng giá trị dịch vụ (theo giá 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 8-10%/năm.
Tiếp tục khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại. Nâng cấp chợ Rồng, chợ Mỹ Tho theo hướng hiện đại; hình thành thêm một số trung tâm thương mại tại các khu đô thị Mỹ Trung, Thống Nhất, khu vực phía Nam thành phố. Xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm cấp vùng tại đường Lê Đức Thọ theo quy hoạch. Quy hoạch cải tạo hệ thống các chợ đầu mối trong thành phố.
Quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng khu Trung tâm vui chơi, giải trí tại khu vực công viên Tức Mạc - hồ Truyền Thống gắn kết với khu đầm Đọ, đầm Bét, các khu dịch vụ ven sông Đào, sông Hồng.
Phối hợp với các ngành của tỉnh hoàn thành xây dựng hạ tầng và trùng tu hệ thống các di tích tại Khu di tích văn hóa Trần, gắn kết với quần thể di tích Phủ Dầy trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Hồng.
3. Phát triển nông nghiệp, thủy sản
Trong giai đoạn đến năm 2020, sản xuất nông nghiệp của thành phố tập trung chủ yếu vào cung cấp nông sản hàng hóa phục vụ cho người dân thành phố Nam Định. Hình thành các trang trại, gia trại sản xuất có quy mô vừa và nhỏ đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sang trồng các loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu người dân thành phố.
Khi mở rộng địa giới thành phố theo quy hoạch tại Quyết định số 2084/QĐ-TTg , xây dựng quy hoạch chi tiết việc sử dụng đất nông nghiệp của thành phố, trong đó xác định diện tích đất sử dụng cho xây dựng hạ tầng đô thị và đất trồng các loại nông sản (lúa, rau màu, vùng trồng hoa cây cảnh,...) để khai thác hiệu quả và phát huy giá trị sử dụng đất.
4. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu
4.1. Giao thông, thủy lợi
Phối hợp tích cực trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho Trung ương và tỉnh triển khai đầu tư mới hoặc nâng cấp công trình giao thông trọng điểm (cầu Tân Phong và đường nối quốc lộ 10 với quốc lộ 21; các tuyến giao thông để mở rộng địa giới thành phố;...). Phát triển hệ thống giao thông đô thị đồng bộ kết nối với các tuyến đường vành đai, các tuyến đường tỉnh lộ của tỉnh. Xây dựng 1-2 bến xe loại II ở phía nam, tây nam thành phố; 5-10 điểm đỗ xe tĩnh nội thành và các khu đô thị mới, tái định cư.
Hoàn thành công trình xây dựng tường kè tả sông Đào và cứng hóa mặt đê Nam Phong, Cửa Nam, Nam Vân. Sau năm 2020 kè và cứng hoá đê hữu sông Hồng. Xây dựng mới trạm bơm Nam Vân phục vụ thoát nước khu vực phía nam ra sông Đào.
4.2. Bưu chính - viễn thông
Phát triển theo hướng hiện đại và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bưu chính - viễn thông. Thực hiện cung cấp dịch vụ internet miễn phí (sóng wifi) trên một số tuyến phố khu vực nội thành, dọc đường Đông A và khu vực Đền Trần. Tại các khu đô thị, các tuyến phố mới việc phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông phải đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng đô thị (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước,...).
4.3. Cấp điện
Tiếp tục tiến hành cải tạo lưới điện phân phối 6KV và 35KV thành lưới điện 22KV, cáp ngầm hóa lưới điện hạ thế ở khu vực trung tâm thành phố sau năm 2020. Chú trọng phát triển mạng lưới điện phục vụ các khu công nghiệp, các khu đô thị mới, các khu vực dự kiến sáp nhập vào thành phố.
4.4. Cấp nước
Đảm bảo việc cung cấp nước sạch ổn định cho người dân thành phố, củng cố xây dựng các trạm tăng áp và hệ thống đường ống cấp nước. Đến năm 2020 nâng công suất nhà máy nước hiện tại lên 105.000m3/ngày đêm để đủ đáp ứng cho nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt. Giai đoạn sau năm 2020 xây dựng thêm một nhà máy mới với công suất 35.000m3/ngày đêm đáp ứng nhu cầu nước sạch cho các khu vực mở rộng địa giới thành phố.
4.5. Thoát nước
Nâng cấp mạng lưới thoát nước thành phố chia theo hai khu vực: Khu vực thoát nước phía Nam: Thoát nước theo trạm bơm Kênh Gia gồm các phường Năng Tĩnh, Văn Miếu, Trường Thi, Trần Đăng Ninh, Cửa Bắc, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo. Khu vực thoát nước phía Bắc theo kênh T3-11 ra trạm bơm Quán Chuột gồm các phường còn lại.
Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh mương cấp II, cấp I đổ ra các trạm bơm tiêu Quán Chuột và Kênh Gia; cải tạo một số kênh thoát nước hở thành cống kín để tăng khả năng thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5. Bảo vệ môi trường
- Về xử lý nước thải: Hiện tại nước thải của thành phố chưa được xử lý và thải thẳng ra sông Hồng và sông Đào. Đến trước năm 2020, các nhà máy có chất thải độc hại ở khu vực nội thành (như dây lưới thép Nam Định, bia Nada, dệt may Sơn Nam,...) phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra hệ thống chung. Quy hoạch đến trước năm 2030 thành phố có các nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn Việt Nam trước khi xả thải ra sông.
- Thu gom và xử lý rác thải: Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH MTV Môi trường, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ rác thải khu vực nội, ngoại thành. Nâng cấp Nhà máy xử lý rác thải theo phương pháp hiện đại để giảm thiểu diện tích chôn lấp.
- Công viên, cây xanh: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống công viên cây xanh trên toàn thành phố, nhất là tại các khu vực trung tâm, trồng cây ở các tuyến đường mở mới.
6. Định hướng phát triển không gian đô thị
6.1. Khu vực phía bắc và đông bắc
Định hướng đây là khu vực trọng điểm phát triển đô thị và dịch vụ của thành phố với các công trình điểm nhấn: Khu đô thị Hoà Vượng, khu đô thị Thống Nhất và các công trình hạ tầng, quảng trường... thuộc dự án Văn hoá Trần, Trung tâm thể thao cấp vùng, bệnh viện 700 giường, Trường Đại học xây dựng (nâng cấp từ Trường cao đẳng xây dựng); khu đô thị và khu công nghiệp Mỹ Trung; khu dịch vụ - vui chơi giải trí quanh hồ Truyền Thống - đầm Đọ, đầm Bét. Nghiên cứu thành lập một số đơn vị hành chính cấp phường mới trên cơ sở điều chỉnh địa giới, dân số các phường Lộc Vượng, Lộc Hạ và xã Lộc Hòa cho phù hợp.
6.2. Khu vực phía tây nam
Định hướng đây là khu vực tập trung, thu hút đông dân cư, được đầu tư, nâng cấp mạnh về hạ tầng kỹ thuật (đường, cống thoát nước...) và hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học, khu vui chơi...); tiếp tục mở rộng khu công nghiệp Hoà Xá và cụm công nghiệp An Xá. Nghiên cứu thành lập một số đơn vị hành chính cấp phường mới trên cơ sở điều chỉnh địa giới các xã Lộc An, xã Mỹ Xá và phường Trường Thi.
6.3. Khu vực vùng lõi thành phố (15 phường nội thành)
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện về hạ tầng đô thị, di chuyển Tổng công ty Dệt may Nam Định, Công ty Dệt lụa Nam Định ra khu công nghiệp Hoà Xá để xây dựng khu đô thị - thương mại đồng bộ, hiện đại tạo điểm nhấn về cảnh quan cho thành phố.
6.4. Khu vực phía nam (phường Cửa Nam, xã Nam Vân, xã Nam Phong)
Khu vực này được tập trung đầu tư, nâng cấp toàn diện về hạ tầng kỹ thuật và xã hội với 2-3 khu tái định cư, khu đại học tập trung, khu cơ quan, khu dịch vụ thương mại. Nghiên cứu thành lập một số phường mới trên cơ sở điều chỉnh địa giới các xã Nam Vân, Nam Phong.
7. Phát triển các lĩnh vực xã hội
7.1. Dân số - nguồn nhân lực: Phối hợp với các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn để đào tạo, cung cấp nguồn lao động có trình độ, tay nghề, có khả năng tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
7.2. Giáo dục - Đào tạo: Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020, có trên 70% các trường mầm non, phổ thông các cấp học đạt chuẩn quốc gia.
Quy hoạch và có chính sách thu hút, tạo điều kiện từng bước xây dựng khu đại học tập trung để thành phố Nam Định trở thành trung tâm đào tạo của vùng. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn mở rộng, nâng cấp: Trường đại học điều dưỡng; Trường Cao đẳng sư phạm trở thành đại học đa ngành; Trường Cao đẳng xây dựng trở thành Đại học xây dựng; Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật lên Cao đẳng văn hóa nghệ thuật; Trường trung cấp y tế lên Cao đẳng y dược; Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật nông nghiệp lên Trường cao đẳng nông nghiệp.
7.3. Y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân: Đẩy mạnh công tác y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình y tế quốc gia. Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa thành phố, các phòng khám đa khoa, trạm y tế phường, xã; tạo điều kiện phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại của tư nhân.
Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư hoàn thiện Bệnh viện đa khoa 700 giường, tiếp tục nâng cấp về chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện chuyên khoa (Phụ sản, Nhi, Lao phổi, Tâm thần, Nội tiết,...), từng bước thu hút người bệnh trong và ngoài tỉnh, xây dựng y tế sớm trở thành lĩnh vực trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
7.4. Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao
Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”, trọng tâm là xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông” phát huy vai trò người dân là chủ thể xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh tiến tới hiện đại.
Phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch khai thác có hiệu quả các công trình thể thao đã được đầu tư (sân vận động Thiên Trường, Cung thể thao Nam Định,...) phục vụ phong trào thể dục thể thao của thành phố và các sự kiện thể thao quốc gia.
7.5. An sinh xã hội: Quan tâm thực hiện các công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, người nghèo và các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Đến năm 2020 xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định. Chú trọng công tác hỗ trợ, giới thiệu việc làm để góp phần giải quyết việc làm cho người lao động hàng năm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố.
IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Phụ lục kèm theo)
V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư
Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổng hợp danh mục một số công trình hạ tầng trọng điểm đầu tư trên địa bàn thành phố (khu di tích văn hóa Trần, bệnh viện 700 giường và đường nối quốc lộ 10 với quốc lộ 21, kè nam sông Đào,...) vào danh mục đầu tư bằng vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của tỉnh đầu tư bằng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Chủ động đề xuất, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư một số công trình hạ tầng trọng điểm đầu tư trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2030.
Thành phố chủ động đề xuất, báo cáo UBND tỉnh cho phép đầu tư từ nguồn vốn thành phố trung tâm vùng, vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác một số dự án để tạo yếu tố thuận lợi hình thành các lĩnh vực trung tâm của vùng (Trung tâm hội chợ, triển lãm quy mô vùng; Trung tâm hội nghị tỉnh; khu đại học tập trung; nâng cấp một số trường đại học, cao đẳng;...). Xây dựng kế hoạch vận động nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành phố.
Xây dựng danh mục dự án và chính sách để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án khu vui chơi giải trí,...
Xây dựng quy hoạch chi tiết các khu vực dự kiến mở rộng địa giới hành chính thành phố để lập kế hoạch sử dụng đất tạo nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm của thành phố. Tích cực phối hợp với các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Mỹ Trung, Mỹ Thuận; quá trình phát triển, khai thác các khu đô thị Mỹ Trung, Thống Nhất và khu vực nhà máy dệt sau di dời.
Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các trình tự thủ tục để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư để giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn thành phố (các ngành công nghệ cao, các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại,...).
2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Phối hợp với các trường trên địa bàn thành phố để đào tạo các nghề phù hợp với các lĩnh vực sản xuất của thành phố. Thường xuyên đào tạo, nâng cao các kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền của thành phố. Xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao về làm việc trên địa bàn thành phố.
3. Giải pháp về ứng dụng khoa học - công nghệ
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Có chính sách về hỗ trợ việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất.
4. Giải pháp phối hợp và hợp tác
Thành phố Nam Định phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, các huyện trong tỉnh và các đơn vị ngoài tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm; trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và quá trình xây dựng, khai thác, quản lý các khu đô thị, khu tái định cư trên địa bàn thành phố.
- Quy hoạch mở rộng địa giới hành chính của thành phố Nam Định.
- Đề xuất chủ trương đến tổ chức thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của thành phố.
- Xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch - dịch vụ; ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích phát triển các ngành nghề mới và xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường.
- Hợp tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đáp ứng cho các lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của thành phố Nam Định (cơ khí, dược phẩm, chế biến thực phẩm, dệt may,...). Kết nối quần thể khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp vào các tuyến du lịch trong tỉnh, trong vùng.
Điều 2. Tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm và kế hoạch khác có liên quan, lập các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Nam Định. Trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch gắn kết chặt chẽ với việc mở rộng địa giới thành phố theo quy hoạch tại Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Giao UBND thành phố Nam Định:
- Tổ chức công bố, phổ biến nội dung cơ bản của Quy hoạch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân.
- Xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa các định hướng phát triển trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch.
- Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố theo chức năng được phân công.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch này kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh trong từng giai đoạn quy hoạch.
2. Các Sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Hướng dẫn UBND thành phố Nam Định lập và bổ sung các quy hoạch khác, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Trong quá trình lập mới hoặc rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có liên quan đến phạm vi hành chính thành phố Nam Định cần phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Nam Định để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của quy hoạch.
Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| tm. Ủy ban nhân dân |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG THỜI KỲ QUY HOẠCH CỦA THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1004/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh Nam Định)
STT | TÊN DỰ ÁN |
I | CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ |
1 | Xây dựng tuyến đường mặt cắt 32 m từ QL10 vào đầm Đọ - Đầm Bét nối với đường Nguyễn Công Trứ kéo dài. |
2 | Hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp. |
3 | Xây dựng các tuyến đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại 3 phường, xã phía nam sông Đào. |
4 | Xây dựng bến xe phía nam (hạng II) và các điểm đỗ xe tĩnh trong nội thành. |
5 | Xây dựng khu tái định cư phía nam sông Đào quy mô 30 ha. |
6 | Xây dựng 1 cầu qua sông Đào khu vực nội thành tại vị trí quy hoạch. |
7 | Nâng cấp nhà máy xử lý rác, mở rộng bãi chôn lấp rác đáp ứng nhu cầu đến năm 2030. |
8 | Kè, xây đường 2 bên sông CT 2 dài khoảng 5 km qua xã Nam Phong, phường Cửa Nam, xã Nam Vân. |
9 | Mở rộng dòng chảy, kè và xây đường 2 bên sông Vĩnh Giang dài khoảng 11 km qua các phường, xã: Lộc Vượng, Lộc Hoà, Mỹ Xá, Lộc An. |
10 | Xây dựng trung tâm hành chính thành phố tại khu vực quy hoạch. |
| CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ |
1 | Xây dựng khu vui chơi giải trí tại công viên Đầm Đọ - Đầm Bét và phía nam sông Đào. |
2 | Xây dựng trung tâm thương mại tại khu đô thị Mỹ Trung, khu tái định cư Phúc Tân - Bãi Viên. |
3 | Hoàn thành, đưa vào sử dụng khách sạn Nam Cường 20 tầng và trung tâm thương mại - khách sạn Thuận Thắng (đường Điện Biên - Giải Phóng). |
4 | Nâng cấp, mở rộng các nhà máy: bia Nam Định - Hà Nội, dược phẩm, cơ khí, chế biến thực phẩm, phụ kiện dệt may... |
5 | Xây dựng nhà máy xử lý nước thải 2 lưu vực: Tây Nam và Đông Bắc. |
Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối./.
- 1 Nghị quyết 13/2015/NQ-HĐND về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 2 Nghị quyết 79/2015/NQ-HĐND bổ sung danh mục công trình, dự án sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục công trình, dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện năm 2015 và danh mục công trình phải cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3 Nghị quyết 07/2015/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố 6 tháng cuối năm 2015 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 4 Quyết định 2341/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 2084/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 7 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 13/2015/NQ-HĐND về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 2 Nghị quyết 79/2015/NQ-HĐND bổ sung danh mục công trình, dự án sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục công trình, dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện năm 2015 và danh mục công trình phải cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3 Nghị quyết 07/2015/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố 6 tháng cuối năm 2015 do thành phố Hải Phòng ban hành