Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 1006/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÁC ĐỊNH, THÔNG BÁO VÀ XỬ LÝ VỀ THUẾ ĐỐI VỚI  CƠ SỞ KINH DOANH BỎ ĐỊA CHỈ KINH DOANH

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Quyết định 218/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 189/2003/QĐ-BTC ngày 14/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;
Căn cứ Quyết định số 1682/QĐ-TCT-TCCB ngày 14/11/2003 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế;
Căn cứ các văn bản pháp Luật về thuế GTGT và thuế TNDN hiện hành;
Căn cứ Quyết định số 1209 TCT/QĐ/TCCB ngày 29/7/2004 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp;
Để đảm  bảo quyền lợi của các cơ sở kinh doanh cũng như ngăn chặn các hiện tượng lợi dụng chiếm đoạt tiền thuế.
Theo đề nghị của Trưởng Ban Quản lý thuế Doanh nghiệp tư nhân và Doanh nghiệp khác,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xác định, thông báo và xử lý về thuế đối với cơ sở kinh doanh bỏ địa chỉ kinh doanh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trưởng các Ban và tương đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:  
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo TCT;
- Các Ban TCT;
- Đại diện TCT tại TP.HCM;
- Lưu VT, DNK (2b)

KT.TỔNG CỤC TRUỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Văn Huyến

 

QUY CHẾ

XÁC ĐỊNH, THÔNG BÁO VÀ XỬ LÝ VỀ THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH BỎ ĐỊA CHỈ KINH DOANH

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1006 /QĐ-TCT ngày 13/ 6 /2006 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế)

I/ QUY ĐỊNH CHUNG:

1/  Quy chế này quy định trách nhiệm của Cơ quan Thuế trong việc xác định, thông báo và xử lý về thuế đối với cơ sở kinh doanh bỏ địa chỉ kinh doanh.

2/ Cơ sở kinh doanh nêu trong Quy chế này bao gồm: Các tổ chức kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật hợp tác xã .

3/ Cơ sở kinh doanh (CSKD) bỏ địa chỉ kinh doanh là: CSKD đã quá hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo quy định của pháp luật nhưng không nộp, Cơ quan Thuế đã thông báo nhắc nhở nhưng không có thông tin trả lời từ CSKD và qua kiểm tra, xác minh thấy CSKD không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với Cơ quan Thuế.

II/ KIỂM TRA, XÁC ĐỊNH CƠ SỞ KINH DOANH BỎ ĐỊA CHỈ KINH DOANH:

1/ Căn cứ vào thời hạn kê khai và nộp tờ khai thuế GTGT tháng; nếu quá ngày 25 của tháng tiếp sau, CSKD không nộp tờ khai thuế GTGT của tháng trước liền kề thì trong vòng 5 ngày (tính theo ngày làm việc), Cơ quan Thuế trực tiếp quản lý CSKD phải phát hành và gửi thông báo đôn đốc CSKD kê khai, trong thông báo phải ấn định thời hạn cuối cùng CSKD phải nộp tờ khai thuế GTGT cho Cơ quan Thuế, thời hạn tối đa là 10 ngày kể từ ngày phát hành thông báo.

Thông báo có thể được Cơ quan Thuế chuyển trực tiếp hoặc chuyển bằng đường Bưu điện đến địa chỉ CSKD đăng ký với Cơ quan Thuế.

2/ Xác minh nguyên nhân CSKD không nhận thông báo:

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thông báo đôn đốc CSKD được chuyển bằng đường Bưu điện bị cơ quan Bưu điện trả lại hoặc từ ngày Cơ quan Thuế trực tiếp chuyển thông báo đến CSKD nhưng không có người nhận, Cơ quan Thuế có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nguyên nhân CSKD không có người đại diện nhận thông báo; cụ thể:

- Kiểm tra các thông tin tại Cơ quan Thuế nhằm xác định CSKD có khai báo với Cơ quan Thuế về việc di chuyển địa chỉ (trụ sở) kinh doanh hay nghỉ kinh doanh không?. Nếu cơ sở kinh doanh đã khai báo chuyển địa điểm kinh doanh phải gửi ngay thông báo đôn đốc nộp tờ khai theo địa chỉ mới .

- Kiểm tra xác minh tại địa chỉ CSKD đăng ký với Cơ quan Thuế (trong trường hợp CSKD không có thông báo nghỉ kinh doanh hoặc chuyển địa điểm kinh doanh).

3/ Lập biên bản xác định CSKD không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với Cơ quan Thuế: Qua kiểm tra xác minh, nếu CSKD không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký thì Cơ quan Thuế liên hệ và phối hợp với chính quyền phường, xã sở tại để lập Biên bản (theo mẫu đính kèm) xác nhận thực tế CSKD không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với Cơ quan Thuế.

III/ THÔNG BÁO CSKD BỎ ĐỊA CHỈ KINH DOANH:

Căn cứ vào kết quả kiểm tra xác minh CSKD không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, Cơ quan Thuế thực hiện:

1/ Phát hành thông báo CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh: chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày lập xác định thực tế CSKD không còn hoạt động, Cơ quan Thuế phải ra thông báo CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh (theo mẫu đính kèm).

Ngày CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh ghi trên thông báo là ngày Cơ quan Thuế cùng với chính quyền địa phương lập biên bản về tình trạng CSKD không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với Cơ quan Thuế.

Thông báo CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh không liên hệ với Cơ quan Thuế được gửi cho người đại diện hợp pháp của CSKD, các sáng lập viên của CSKD, hoặc chủ CSKD (nếu có địa chỉ); đồng thời Cơ quan Thuế có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương thông báo công khai nội dung thông báo CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh để các CSKD khác biết phòng ngừa và tránh bị lợi dụng.

2/ Đưa thông tin về CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh lên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế; nội dung thông tin gồm: tên CSKD, mã số thuế, ngày bỏ địa chỉ kinh doanh, số lượng hoá đơn, chứng từ (loại, mẫu, ký hiệu) CSKD chưa khai báo sử dụng với Cơ quan thuế tạm thời không có giá trị sử dụng kê khai thuế, khấu trừ thuế GTGT để cán bộ thuế, các CSKD và các đơn vị tra cứu để biết và không sử dụng.

3/ Gửi thông báo cho các ngành có liên quan (Sở Kế hoạch Đầu tư, Viện kiểm sát, Công an) để phối hợp với Cơ quan Thuế ngăn chặn và khắc phục hậu quả về thuế do CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh gây ra.

IV/ BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH BỎ ĐỊA CHỈ KINH DOANH:

1/ Đối với Cơ quan Thuế trực tiếp quản lý CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh:

Đồng thời với việc phát hành và thông báo công khai CSKD đã bỏ địa chỉ kinh doanh, Cơ quan Thuế phải thực hiện ngay các biện pháp sau:

- Dừng ngay việc bán hoá đơn đối với CSKD đã bỏ địa chỉ kinh doanh không khai báo với Cơ quan Thuế.

- Xác định ngay số lượng hoá đơn CSKD đã bỏ địa chỉ kinh doanh chưa khai báo sử dụng với Cơ quan Thuế (số lượng hoá đơn chưa khai báo sử dụng bằng số lượng hoá đơn CSKD đã mua của Cơ quan Thuế trừ số lượng hoá đơn CSKD đã khai báo sử dụng với Cơ quan Thuế)

- Xác định ngay các khoản thuế còn nợ ngân sách nhà nước tính đến ngày CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh.

- Đối với CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh, qua kiểm tra của Cơ quan Thuế hoặc các ngành chức năng xác định là CSKD kinh doanh mua, bán hóa đơn bất hợp pháp thì:

+ Căn cứ báo cáo sử dụng hóa đơn, bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra (bảng kê số 02/GTGT) kèm theo tờ khai thuế hàng tháng để thống kê cụ thể theo các chỉ tiêu: loại hoá đơn, mẫu hoá đơn, số hóa đơn, tên người mua, mã số thuế người mua, doanh số phản ánh trên hóa đơn, số thuế GTGT ghi trên hóa đơn.

+ Căn cứ kết quả thống kê tiến hành phân loại CSKD đã mua hóa đơn bất hợp pháp theo từng địa phương, có văn bản thông báo đến Cơ quan Thuế có liên quan để Cơ quan Thuế quản lý CSKD mua hóa đơn bất hợp pháp biết và xử lý theo quy định.

+ Đưa lên trang Thông tin điện tử của ngành Thuế thông tin về loại hoá đơn, mẫu hoá đơn, số hóa đơn, tên người mua, mã số thuế người mua, doanh số phản ánh trên hóa đơn, số thuế GTGT ghi trên hóa đơn của những hoá đơn mà các CSKD này đã bán cho các đối tượng khác sử dụng.

+ Lập văn bản (kèm theo bảng thống kê nêu trên) báo cáo, kiến nghị cơ quan công an và Viện kiểm sát cùng cấp để các cơ quan bảo vệ pháp luật biết và có biện pháp xử lý đối với CSKD bán hóa đơn và CSKD mua hóa đơn bất hợp pháp.

- Áp dụng ngay các biện pháp xử lý những CSKD mua, bán hóa đơn theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại công văn số  3144/TCT-TTr ngày 12/9/2005 về việc phối hợp, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các doanh nghiệp thành lập để mua, bán hoá đơn bỏ trốn, công văn số  4215/ TCT-PCCS ngày 18/11/2005 về việc xử lý vi phạm về hoá đơn và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế.

2/ Đối với Cơ quan Thuế có liên quan:

- Thường xuyên tra cứu thông tin về CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh trên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế để nắm được kịp thời các thông tin về CSKD đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh; các loại hóa đơn đã sử dụng bất hợp pháp và những hóa đơn, chứng từ tạm đình chỉ sử dụng theo thông báo của Cơ quan Thuế quản lý CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh để chỉ đạo các bộ phận chức năng kiểm soát phát hiện các CSKD sử dụng hoá đơn này.

- Khi nhận được thông báo hoặc qua tra cứu thông tin trên trang thông tin điện tử của ngành Thuế về CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh có sử dụng hoá đơn bất hợp pháp thuộc phạm vi quản lý có liên quan, Cơ quan Thuế phải:

+ Thông báo yêu cầu CSKD không được kê khai khấu trừ (hoặc hoàn) thuế GTGT đầu vào của những hoá đơn bất hợp pháp, không được hạch toán vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN đối với số tiền ghi trên hoá đơn bất hợp pháp.

+ Kiểm tra xác định số thuế GTGT, thuế TNDN mà CSKD đã chiếm đoạt của Nhà nước thông qua việc sử dụng những hoá đơn bất hợp pháp nêu trên và ra Quyết định thu hồi ngày số tiền thuế đó.

+ Căn cứ tính chất và mức độ vi phạm của CSKD, để ra quyết định xử lý về thuế và xử phạt hành vi vi phạm theo quy định; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì lập hồ sơ đề nghị cơ quan pháp luật điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý đối với những CSKD vi phạm phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại công văn số 3144/TCT-TTr ngày 12/9/2005 về việc phối hợp, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các doanh nghiệp thành lập để mua, bán hoá đơn bỏ trốn; công văn số  4215/ TCT-PCCS ngày 18/11/2005 về việc xử lý vi phạm về hoá đơn và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế

V/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1/ Cục Thuế và Chi cục Thuế có trách nhiệm:

- Công bố công khai quy chế để các CSKD thuộc phạm vi quản lý biết.

- Cục Thuế, Chi cục Thuế cập nhật đầy đủ các thông tin về CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh theo quy định tại Mục II, III của Quy chế này để kịp thời đưa lên trang thông tin điện tử của ngành Thuế.

- Căn cứ nội dung quy chế này chỉ đạo các bộ phận có liên quan phối hợp thực hiện, kịp thời phát hiện CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh để thông báo và có biện pháp xử lý ngăn chặn hậu quả.

- Tổ chức, phân công công việc, tập huấn để cán bộ nâng cao kỹ năng làm việc, khả năng sử dụng máy tính và các chương trình ứng dụng nhằm thực hiện tốt các quy định của Quy chế công bố CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh. Cán bộ quản lý, thanh tra, nghiệp vụ thuế hàng ngày phải truy cập trang thông tin điện tử của ngành Thuế để khai thác thông tin về CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh nhằm phục vụ cho công tác này.

2/ Trường hợp sau khi đã thông báo công khai CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh, nếu CSKD đến Cơ quan Thuế khai báo lại thì Cơ quan Thuế phải yêu cầu CSKD có văn bản giải trình cụ thể nguyên nhân di chuyển hoặc tạm ngừng kinh doanh nhưng không khai báo với Cơ quan Thuế; kiểm tra tình hình sử dụng hoá đơn, kê khai thuế ... lập biên bản về những sai phạm, xử phạt vi phạm, yêu cầu CSKD chấp hành. Sau khi CSKD chấp hành, Cơ quan Thuế trực tiếp quản lý CSKD phối hợp với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh ra thông báo khôi phục lại quyền kinh doanh hợp pháp của CSKD.

3/ Định kỳ hàng quý, Cục Thuế và Chi cục Thuế tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy chế này tại đơn vị. Lãnh đạo đơn vị áp dụng các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định về chế độ chấp hành kỷ luật lao động, quy chế công tác đối với đơn vị, cán bộ thực hiện đúng hoặc vi phạm quy chế công bố CSKD bỏ địa chỉ kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh vướng mắc, Cục Thuế cần tổng hợp và báo cáo kịp thời để Tổng cục nghiên cứu, hướng dẫn./.

 

CỤC THUẾ
(hoặc Chi Cục thuế)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số……………….CT/TB-BKD

hoặc CCT/TB-BKD

............, ngày ........ tháng ........ năm 200….

 

THÔNG BÁO

CƠ SỞ KINH DOANH BỎ ĐỊA CHỈ KINH DOANH

Cục Thuế (hoặc Chi cục Thuế) ......……................…...; thông báo:

+ Cơ sở kinh doanh (CSKD) ...……………………; Địa chỉ: ………………….............;

+ Mã số thuế ................……………; Đơn vị cấp: ……………………….……………...…;

+ Số Giấy chứng nhận ĐKKD:...……………………….…………………..........……..…;

+ Tên người đại diện pháp luật của CSKD:........………................………….…….......;

Chức vụ: ………………..; CMTND số: ……..……….; cơ quan cấp: ………..……….;

Ngày .............. tháng ............... năm ............... đã không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế.

CSKD còn giữ các hoá đơn mua của Cơ quan thuế, cụ thể như sau:

Stt

Loại/Mẫu hoá đơn

Ký hiệu

Từ số đến số

Số lượng

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những hoá đơn nêu trên tạm thời không có giá trị sử dụng.

+ Số thuế còn nợ ngân sách nhà nước ............... đồng:

Trong đó:

- Thuế GTGT .......………......... đồng,

- Thuế TNDN ...........……….... đồng,

……………………………………………

 

 

Nơi nhận:
-
- Lưu . 

CỤC TRUỞNG CỤC THUẾ
(hoặc Chi cục Trưởng Chi Cục Thuế)

 

CỤC THUẾ
(hoặc Chi Cục thuế)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

 

.............., ngày ........ tháng ....... năm 200......

 

BIÊN BẢN XÁC MINH CƠ SỞ KINH DOANH

TẠI ĐỊA CHỈ KINH DOANH ĐĂNG KÝ VỚI CƠ QUAN THUẾ.

Vào ……giờ……, ngày ……. tháng ……. năm …….;

Thành phần gồm:

+ Đại diện chính quyền (nêu cụ thể tên và chức vụ cán bộ tham gia):

- Ông (bà): ………………………………………………………………………………………

- Ông (bà): ………………………………………………………………………………………

+ Đại diện cơ quan  thuế (nêu cụ thể tên và chức vụ  cán bộ tham gia):

- Ông (bà): ………………………………………………………………………………………

- Ông (bà): ………………………………………………………………………………………

Lập Biên bản xác minh về cơ sở kinh doanh như sau:

+ Tên CSKD ……….……….……….……….……….; Mã số thuế: ……….……….……….

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: số ……….…., cấp ngày ….……. tháng ………. năm …………., cơ quan cấp …………….

+ Tên người đại diện hợp pháp của CSKD: ……..…………………………………………

Chức vụ ………………..; CMTND số: ………………..; Cơ quan cấp: …...…………………..

+ Giấy chứng nhận đăng ký thuế cấp ngày ………. tháng ………. năm ……….; cơ quan cấp ………….

+ Địa chỉ kinh doanh đăng ký với cơ quan thuế: ……………………...…………………..

Tại thời điểm kiểm tra CSKD (nêu trên) tại địa chỉ CSKD đăng ký với cơ quan thuế (số nhà ………., đường phố ………., Phường, xã, thị trấn ……….……, tỉnh, thành phố….……….).       

Chúng tôi xác nhận như sau: (Ghi kết quả xác minh………….)                             

 

 

Đại diện cơ quan ……….………
(ký, ghi rõ họ tên)

Ngày ……… tháng ……… năm ………

UBND phường, xã xác nhận nội dung biển bản thẩm tra này là đúng thực tế
(ký tên, đóng dấu)

 

Đại diện cơ quan ……….………
(ký, ghi rõ họ tên)