Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1008/QĐ-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH TỈNH AN GIANG TỪ NĂM 2014 ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 283/TTr-SKHĐT-THQH ngày 17/6/2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung chính như sau:

I. Quan điểm phát triển du lịch:

An Giang là vùng có đồng bằng rộng lớn, nhiều sông rạch, đồi núi với hệ rừng sinh thái, môi trường phong phú, đa dạng; có hệ thống đường bộ, đường thủy thông thương với các tỉnh Nam bộ; có biên giới và nhiều cửa khẩu thuận lợi đi đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan; có nhiều di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia; có nhiều lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng. Đây là tiềm năng, lợi thế, điều kiện quan trọng để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững của tỉnh.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương. Tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng tham gia theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động du lịch; tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Phát triển du lịch An Giang phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển du lịch vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại. Tập trung phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Vùng 3 và cả nước theo quy hoạch của ngành du lịch.

Chú trọng phát triển 4 khu du lịch trọng điểm của tỉnh: Thành phố Long Xuyên - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng với vệ tinh là huyện Chợ Mới và huyện Châu Thành; thành phố Châu Đốc - Khu Di tích văn hóa - lịch sử và du lịch Núi Sam với vệ tinh là huyện An Phú, thị xã Tân Châu, huyện Phú Tân và huyện Châu Phú; huyện Tri Tôn – Đồi Tức Dụp, huyện Tịnh Biên - Khu du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư; huyện Thoại Sơn – Khu Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê.

Sở Văn hóa thể thao - Du lịch (VHTT-DL) phối hợp với Tổng cục Du lịch, các sở ngành và địa phương liên quan sớm xây dựng hồ sơ, trình Chính phủ công nhận Khu Di tích văn hóa - lịch sử và du lịch Núi Sam, Khu Du lịch Núi Cấm, Khu Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê là trung tâm du lịch cấp quốc gia theo kết luận của Bộ trưởng Bộ VHTT-DL.

II. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu tổng quát:

Sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỉ lệ đóng góp trong cơ cấu GDP chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Xây dựng thương hiệu và phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL và cả nước.

Phát huy tổng hợp các nguồn lực để phát triển du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đơn vị hoạt động du lịch trong và ngoài nước. Phát triển các điểm, tuyến du lịch: Các điểm du lịch Núi Sam, Núi Cấm, Núi Cô Tô, Núi Giài, Óc Eo – Ba Thê, Khu lưu niệm Bác Tôn; tuyến du lịch Long Xuyên - Chợ Mới - Phú Tân - Tân Châu - An Phú; tuyến du lịch Long Xuyên - Châu Thành - Châu Phú - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn và các tuyến du lịch ngoài tỉnh và nước ngoài.

Phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; gắn du lịch với mua sắm sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ và ẩm thực. Phát triển điểm du lịch Ô Tà Sóc, huyện Tri Tôn kết hợp với du lịch vùng Thất Sơn (các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn), gắn với nghĩ dưỡng, chữa bệnh bằng thuốc nam trồng trên vùng Thất Sơn.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu đến năm 2015 thu hút 6.000.000 lượt khách đến các khu, điểm du lịch (trong đó, khách lưu trú ước đạt 540.000 lượt, gồm khách quốc tế là 73.000 và khách nội địa 467.000 lượt). Đến năm 2020, thu hút 6.500.000 lượt khách (trong đó, khách lưu trú ước đạt 905.000 lượt, gồm khách quốc tế là 117.000 và khách nội địa 788.000 lượt). Đến năm 2030, thu hút 8.300.000 lượt khách (trong đó, khách lưu trú ước đạt 1.689.000 lượt, gồm khách quốc tế là 279.000 và khách nội 1.410.000 lượt).

Về giải quyết việc làm, căn cứ vào lượng khách lưu trú và số phòng tăng theo các thời kỳ, dự báo nhu cầu lao động tham gia các hoạt động du lịch đến năm 2015 khoảng 7.704 người, năm 2020 khoảng 11.742 người và năm 2030 là 19.416 người.

Dự kiến tổng doanh thu từ du lịch năm 2015 khoảng 1.103 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 2.032 tỷ đồng, năm 2030 khoảng 6.598 tỷ đồng. Đến năm 2015 tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu GDP chung của tỉnh ước khoảng 4%, năm 2020 khoảng 7% và năm 2030 khoảng 13%.

III. Định hướng phát triển du lịch An Giang giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:

1. Định hướng khai thác thị trường khách du lịch:

Thị trường khách du lịch nội địa: Tập trung thị trường khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc là những thị trường rất có tiềm năng; trong đó, chú trọng thu hút khách du lịch tâm linh, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.

Thị trường khách du lịch quốc tế: Tiếp tục thu hút du khách đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia…Trong tương lai sẽ thu hút nhiều hơn khách du lịch đến từ các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước có nhu cầu nghỉ đông dài ngày như Anh, Hà Lan, Nga trên cơ sở đẩy mạnh sự liên kết, xúc tiến du lịch vào các thị trường này.

2. Định hướng sản phẩm du lịch:

Tăng chất lượng loại hình du lịch gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam - thành phố Châu Đốc; Lễ Đôn-ta - hội đua bò Bảy Núi, Lễ Chôl-chhnăm-thmây của dân tộc Khmner huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; Lễ hội văn hóa Búng Bình Thiên - Tháng chay Ramadan, Tết Roya Haji của dân tộc Chăm huyện An Phú; Lễ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo - 18/5 âl huyện Phú Tân; Lễ hội kỷ niệm ngày mất Quản cơ Trần Văn Thành huyện Châu Phú...

Phát triển loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê: Tour du lịch trên sông Hậu tham quan làng bè; tour du lịch trên sông Tiền tham quan Cù lao Giêng, làng lụa Tân Châu, Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương; tour tham quan rừng tràm Trà Sư, vùng Thất Sơn; tour du lịch homestay đồng quê tại Cù lao Ông Hổ, Cù lao Giêng; tour tham quan Búng Bình Thiên, Giồng cây da, Bàu Nâu...

Củng cố, mở rộng, nâng chất loại hình du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa: Tour tham quan Khu lưu niệm Bác Tôn, thành phố Long Xuyên; Khu Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê huyện Thoại Sơn; Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc huyện Tri Tôn; Cụm di tích Núi Sam thành phố Châu Đốc...

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư: An Giang là nơi sinh sống của bốn cộng đồng người Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với những nét văn hóa rất phong phú và đa dạng. Do đó cần mở rộng, khai thác các tour du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa của cư dân, đặc biệt là các làng nghề truyền thống như rèn, dệt, đan lát lục bình; sản xuất đường thốt nốt, bánh phồng …Đặc biệt là thưởng thức các loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc như hát dì kê, múa trống, múa chằng của người Khmer; hát dân ca, múa trống Paranưng, kèn Saranai của người Chăm...

Gắn loại hình du lịch với hội chợ, hoạt động thương mại vùng biên giới: Tour du lịch mua sắm đặc sản Châu Đốc và siêu thị miễn thuế Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên.

Phát triển loại hình du lịch gắn với thể thao truyền thống và hiện đại: Tour tham quan đua thuyền tại Búng Bình Thiên, đua bò định kỳ tại Châu Đốc, dù lượn trên đỉnh Núi Cấm tham quan vùng Thất Sơn và Tứ Giác Long Xuyên, máng trượt trên đỉnh Núi Cấm...

Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch gắn với ẩm thực và mua sắm đặc sản: An Giang là vùng đất có nhiều đặc sản được chế biến từ các loại nông, thủy sản tự nhiên nổi tiếng từ xa xưa như mắm Châu Đốc, các loại khô (chế biến từ cá, lươn, rắn ...), bánh phồng cá linh, xôi chiên phồng làm từ lúa nếp, gỏi sầu đâu, gà hấp lá trúc, bọ rày Bảy Núi, bánh bò đường thốt nốt, tung lò mò (lạp xưởng bò), cơm nị ăn với cà púa, cà ri chà (bò hoặc dê, cừu, gà, cá...) và rất nhiều loại bánh như đin-pà-gòn, ha-nàm-căn... của dân tộc Chăm.

Phát triển loại hình du lịch gắn với nghĩ dưỡng và khám phá vùng dược liệu Thất Sơn: Núi Cấm cao 716m với nhiệt độ lý tưởng trung bình từ 18 - 20oC và ít khi vượt quá 25oC nên được mệnh danh là “Đà Lạt miền Tây”. Đây là điệu kiện khí hậu phù hợp trồng cây dược liệu sử dụng cho việc chữa bệnh, nghỉ dưỡng đối với du khách, đây là nét đặc sắc của vùng ĐBSCL. Bên cạnh những cánh đồng lúa rộng lớn, An Giang còn có nhiều khu rừng tràm với diện tích khoảng 3.800 ha, tiêu biểu là rừng tràm Trà Sư nổi tiếng với trên 583 ha, có 154 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ. Động vật rừng ở An Giang cũng khá phong phú và có nhiều loại quý hiếm.

Cây thuốc Bảy Núi từ lâu đã được lưu hành, sử dụng rất có công hiệu trong việc phòng và điều trị bệnh bởi có dược tính cao, ước tính có khoảng 680 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như cây chùm ngây (Moringa oleifera Lamk) vừa làm thuốc vừa làm thực phẩm, cây sa la (Couroupita surinamensis Mart. Ex Berg) vừa làm thuốc vừa làm cây cảnh…

3. Định hướng xây dựng thương hiệu:

Tích cực xây dựng thương hiệu các điểm đến để tạo lợi thế so sánh về du lịch với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, đây là việc cần làm ngay để làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển, tạo ra các giá trị gia tăng trong quá trình hoạt động của ngành du lịch. Xây dựng thương hiệu điểm đến bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch trên cơ sở khảo sát, đo lường hiệu quả hoạt động của ngành du lịch An Giang.

4. Định hướng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch:

Chú trọng việc xuất bản, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch như bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, đĩa VCD, bản tin du lịch, postcard, website để giới thiệu về du lịch An Giang. Yêu cầu các ấn phẩm này phải hấp dẫn về hình ảnh và phong phú về nội dung.

5. Định hướng chiến lược duy trì năng lực cạnh tranh du lịch:

Xây dựng, cập nhật, cải tiến thông tin du lịch; xác định du lịch tâm linh, sinh thái rừng, sông, núi, đồng ruộng và văn hóa cộng đồng các dân tộc (lễ hội, làng nghề) là sản phẩm du lịch chủ đạo của An Giang; chú trọng duy trì và mở rộng thị phần thu hút du khách nội địa và quốc tế đến thưởng thức các lễ hội này. Cải tiến việc cung cấp thông tin, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm du lịch của An Giang cho du khách trong và ngoài nước. Sắp xếp và xếp hạng các cơ sở du lịch đạt chuẩn, từng bước loại bỏ các dịch vụ yếu kém. Tính toán mức giá dịch vụ du lịch sao cho có tính cạnh tranh so với giá dịch vụ trong vùng và cả nước.

Xây dựng cơ chế quản lý có hiệu quả ngành du lịch của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Xây dựng Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch (Visitor Center), thiết lập và phổ biến “đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời cho du khách. Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực hoạt động du lịch có chất lượng, chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch An Giang. Xây dựng kịch bản ứng phó với những khủng hoảng, biến động bất thường của môi trường du lịch.

6. Định hướng phát triển hạ tầng du lịch:

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, bến bãi vận chuyển và tiếp đón du khách.

Có kế hoạch thống kê, kết nối các cơ sở lưu trú nhằm đáp ứng về số lượng và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

Quy hoạch, phát triển hệ thống các điểm, khu du lịch và các cơ sở dịch vụ thương mại, ăn uống, giải trí theo hướng văn minh, lịch sự.

7. Định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch:

Đến năm 2020, dự kiến An Giang cần thêm khoảng 2.000 lao động trực tiếp và 4.200 lao động gián tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch. Lao động qua đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp sẽ chiếm khoảng 70%, đặc biệt là đối với các nghiệp vụ lễ tân, pha chế, phục vụ buồng, phục vụ bàn, bếp Âu - Á và hướng dẫn, thuyết minh du lịch. Vì vậy, cần có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đặc biệt là lao động chuyên nghiệp du lịch.

8. Định hướng phát triển du lịch theo không gian và lãnh thổ:

Xác định các việc cần ưu tiên để phát triển du lịch của tỉnh; trong đó có các khu, điểm du lịch trọng điểm; các sản phẩm du lịch đặc thù; mạng lưới, tuyến du lịch nội vùng, liên vùng và quốc tế; hướng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

9. Định hướng phát triển bền vững:

Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ cần phải được ưu tiên thực hiện trong thời gian sắp tới. Cần xác định rõ nhiệm vụ của quy hoạch là thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh sao cho vừa đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu hiện tại và lâu dài. Cần phát triển du lịch trên cơ sở bảo đảm môi trường kinh tế, môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội.

10. Định hướng hoàn thiện môi trường du lịch:

Hoàn thiện môi trường du lịch của tỉnh nhằm thu hút du khách ngày càng nhiều, bao gồm hoàn thiện môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Đối với môi trường tự nhiên: Cần ưu tiên giải quyết các khu vực bị ô nhiễm nhất là tại các khu du lịch, điểm tham quan du lịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch xanh, sạch, đẹp.

Đối với môi trường xã hội: Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm xã hội đối với hoạt động du lịch tại địa phương. Từng bước tổ chức, quản lý tốt các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương và khách du lịch hành hương. Đồng thời, có nhiều biện pháp kiên quyết đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nạn chèo kéo, nâng giá vào các dịp lễ hội, hành hương tại các điểm du lịch.

11. Định hướng liên kết hợp tác cùng phát triển:

Điều quan trọng của sản phẩm du lịch là phải có sự kết hợp, làm cho khách du lịch không bị giới hạn phạm vi trong một địa bàn khi đi du lịch, du khách thường có xu hướng muốn có nhiều trải nghiệm ở nhiều nơi khác nhau trong một chuyến đi. Do vậy, liên kết hợp tác là hoạt động cốt lõi và có ý nghĩa sống còn của ngành du lịch. Trong những năm qua, hoạt động liên kết hợp tác đa chiều giữa các vùng và địa phương trong hoạt động du lịch đang diễn ra khá sôi động, cần tiếp tục phát huy.

Đối với ngành du lịch An Giang, việc xác định phương hướng liên kết hợp tác là nhiệm vụ quan trọng để tạo động lực thúc đẩy toàn ngành du lịch phát triển một cách nhanh chóng, chủ động và kịp thời. Để liên kết hợp tác toàn diện và hiệu quả, An Giang cần phải liên kết trong xây dựng sản phẩm, liên kết trong công tác quảng bá và xúc tiến thị trường, liên kết trong công tác nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong công tác quản lý phát triển.

IV. Một số giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch:

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về du lịch:

Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về du lịch; phân cấp rõ giữa từng ngành, từng địa phương để quản lý về du lịch ngày càng đạt hiệu quả hơn. Xây dựng văn bản quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh cũng như có những chế tài phù hợp đối với các cơ sở lưu trú, nhà hàng không phục vụ tốt du khách. Củng cố và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhằm tiến tới xã hội hóa hoạt động du lịch đi vào chiều sâu và hiệu quả. Mỗi khu du lịch trọng điểm của tỉnh cần thành lập Ban quản lý do UBND tỉnh quyết định căn cứ vào khoản 2, điều 10, chương 3 của Nghị định 92/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch.

Từng bước nâng cao năng lực quản lý của Sở VHTT-DL, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn của Phòng Nghiệp vụ du lịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa phương tiện, cơ sở vật chất cho Phòng Nghiệp vụ du lịch, đảm bảo các điều kiện làm việc, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp. Chuẩn bị phương án về nhân lực để khi đủ điều kiện sẽ tái thành lập Sở Du lịch, quản lý chuyên sâu hoạt động du lịch tại địa phương.

Thực hiện tốt công tác hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch du lịch phải đảm bảo tính khả thi cao. Tăng cường quản lý quy hoạch, từng bước phát triển các điểm du lịch mới đảm bảo hiệu quả và mục đích phát triển du lịch của tỉnh. Xử lý triệt để các hành vi đầu cơ gây thiệt hại cho du lịch địa phương bởi các dự án treo thiếu tính khả thi. Ưu tiên phổ biến mô hình du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và quốc tế tham gia vào hoạt động du lịch tại An Giang.

Xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch nhằm hiện đại hóa hoạt động du lịch của tỉnh. Áp dụng các chính sách thuế ưu đãi cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch có những sáng kiến về đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ khách du lịch theo hướng hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Tổ chức trao giải thưởng có giá trị lớn hàng năm cho các tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp vào việc cải thiện môi trường, thị trường và sản phẩm du lịch của tỉnh. Xây dựng chính sách ưu đãi cho các hoạt động quy hoạch phát triển, hoạt động hỗ trợ đầu tư phát triển, nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ và các dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch (Destination Management System). Xây dựng phần mềm quản lý, thống kê du lịch, triển khai áp dụng phương thức thống kê tài khoản vệ tinh (STS) theo quy định của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách phát triển du lịch tại địa phương.

2. Giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù:

a) Loại hình du lịch gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội:

An Giang nổi tiếng với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Hàng năm, Khu Di tích văn hóa – lịch sử và du lịch Núi Sam đón tiếp khoảng 4 triệu lượt khách, chiếm khoảng 60% tổng lượt khách đến An Giang. Tổ chức khai thác tốt sản phẩm du lịch gắn liền với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam sẽ nâng hệ số khách lưu trú và mức chi tiêu của du khách khi đến An Giang, góp phần tăng trưởng GDP du lịch. Ngoài Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, các lễ hội khác cũng cần được quảng bá, tổ chức bài bản để thu hút du khách trong nước và quốc tế như Lễ hội đua bò Bảy Núi, Lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên (An Phú), Lễ hội văn hóa dân tộc Chăm, Lễ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo - 18/5 âl (Phú Tân), Ngày giỗ Quản cơ Trần Văn Thành (Châu Phú)…

Một lễ hội nữa có thể thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến An Giang là Lễ hội lúa gạo Việt Nam (Festival lúa gạo Việt Nam). Hiện nay, lễ hội này được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Với lợi thế là tỉnh có sản lượng lúa gạo hàng đầu Việt Nam, có dân số đông nhất khu vực ĐBSCL, lại tiếp giáp với vùng trồng lúa lớn của Campuchia, An Giang hoàn toàn có lợi thế để xây dựng phương án xin tổ chức Festival lúa gạo Mekong (Mekong Rice Festival) định kỳ.

Ngoài thời gian tổ chức cố định các lễ hội văn hóa dân gian nêu trên, cần linh động cho phép các công ty du lịch kết hợp với địa phương tổ chức những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc tại thời điểm phù hợp khi du khách có nhu cầu theo tour; trong đó có sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân, người dân địa phương và du khách cùng tham gia. Tuy tổ chức không theo định kỳ nhưng cũng phải bảo đảm đầy đủ các nghi thức của lễ hội để du khách có thể hiểu rõ hơn về văn hóa và truyền thống của các lễ hội nơi mình đến.

b) Sản phẩm du lịch gắn với sinh thái:

An Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như du lịch sông nước và du lịch đồng quê nông nghiệp. Đây là sản phẩm du lịch có thể tạo ra lợi thế so sánh với các vùng miền khác và có thể thu hút khách du lịch nội địa từ Hà Nội, các tỉnh miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh và khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia châu Âu, Úc. Để khai thác, phát triển loại hình du lịch này, An Giang cần đầu tư vào các khu vực có hệ sinh thái đặc trưng như Rừng tràm Trà Sư, Núi Cấm, Núi Sập, Núi Cô Tô, Búng Bình Thiên; đặc biệt là khai thác các cồn giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu làm điểm dừng chân, lưu trú lý tưởng đối với du khách. Ngoài ra, khu vực Tịnh Biên với những cánh đồng lúa bán sơn địa, ngập trũng rất có tiềm năng để khai thác loại hình du lịch nông trại đặc sắc của vùng Tứ Giác Long Xuyên; khu vực này cũng cần đầu tư quảng bá và khai thác tour du lịch sinh thái vào mùa nước nổi.

c) Sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng:

An Giang là nơi sinh sống của 4 cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với những nét văn hóa rất phong phú và đa dạng. Để tạo sản phẩm du lịch gắn với văn hóa cộng đồng, ngành du lịch An Giang cần chọn lọc địa điểm để đầu tư phát triển du lịch homestay, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia. Đối với cộng đồng dân tộc Chăm, cần chọn ngôi làng bên Búng Bình Thiên (An Phú) hay Phủm Soài (Tân Châu) xây dựng thành điểm du lịch tìm hiểu văn hóa, đời sống dân tộc Chăm. Đối với cộng đồng người Khmer, có thể phát triển du lịch sinh thái vùng núi Tịnh Biên, Tri Tôn để người dân Khmer có cơ hội tham gia. Trước mắt có thể mở tuyến xe ngựa từ đầu tỉnh lộ 948 đường dẫn vào rừng tràm Trà Sư (3 km) để khách thưởng ngoạn đồng ruộng Vĩnh Trung, An Hảo. Hiện hai xã này có khoảng 100 con ngựa với 30 cỗ xe của người Khmer.

d) Sản phẩm du lịch gắn với các làng nghề thủ công:

An Giang hiện có 26 làng nghề thủ công được UBND tỉnh công nhận. Trong số này có một số làng nghề có tiềm năng khai thác để trở thành điểm tham quan của du khách như: Làng dệt lụa Tân Châu; làng dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (Tịnh Biên); làng nghề sản xuất đường Thốt Nốt xã An Phú (Tịnh Biên); Làng dệt thổ cẩm dân tộc Chăm Châu Phong (Tân Châu). Du lịch làng nghề gắn liền với việc mua sắm sản phẩm địa phương, góp gần rất lớn vào việc giữ gìn và bảo tồn các làng nghề truyền thống và tạo thêm thu nhập cho cộng đồng.

đ) Sản phẩm du lịch gắn với thể thao, giải trí:

Lễ hội đua bò vùng Bảy Núi là lễ hội độc đáo nhất không chỉ của cư dân Khmer ở Tịnh Biên và Tri Tôn mà còn đối với cả khu vực Nam Bộ, nơi có truyền thống sử dụng bò làm sức kéo trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời gian tới cần nâng cấp quy mô lễ hội đua bò thành lễ hội văn hóa, thể thao cấp quốc gia, nghiên cứu xây dựng khu vực đua bò giải trí cuối tuần tại Châu Đốc.

Ngoài đua bò, An Giang có thể phát triển các hình thức đua thuyền giải trí dành cho khách du lịch với người dân địa phương tại Búng Bình Thiên (An Phú), kêu gọi đầu tư phát triển thể thao mạo hiểm tại vùng núi Cấm như hệ thống máng trượt từ đỉnh núi hay dù lượn tham quan toàn cảnh vùng Thất Sơn và tứ giác Long Xuyên.

e) Loại hình tour du lịch gắn với ẩm thực và mua sắm đặc sản:

Với nhiều loại đặc sản đa dạng, An Giang có thể xây dựng nhiều tour thưởng thức ẩm thực và mua sắm đặc sản địa phương. Để khai thác tốt tiềm năng này, ngành du lịch An Giang cần xây dựng hồ sơ quản lý chuẩn cho từng sản phẩm, có các thông số về giá trị dinh dưỡng, giúp cho du khách hiểu và an tâm khi sử dụng; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tổ chức các điểm ẩm thực và phân phối sản phẩm đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch.

Công tác quảng bá văn hóa phẩm ẩm thực An Giang cũng cần được chú trọng như việc xuất bản các ấn phẩm giới thiệu các món ngon, vật lạ thông qua các kênh thông tin đa dạng như sách báo, internet, truyền hình và Famtrip đến các đơn vị lữ hành, nhà báo... Đây cũng là cách quảng bá hiệu quả hình ảnh du lịch An Giang. Ngoài ra, có thể tổ chức các ngày hội ẩm thực vào những thời điểm thích hợp trong năm để góp phần thu hút đều đặn du khách. Nghiên cứu tổ chức Festival món ngon vùng Bảy Núi là thương hiệu du lịch tiêu biểu của An Giang bên cạnh các tour du lịch hành hương, giảm tính mùa vụ trong khoảng thời gian trống; Festival sẽ là nơi hội tụ những món ăn đặc trưng của các các dân tộc trên địa bàn tỉnh, không chỉ là những gian hàng bày bán ẩm thực mà cần phải chú trọng những yếu tố văn hóa đặc trưng, trong đó có việc biểu diễn quá trình chế biến món ăn và các cuộc thi ẩm thực giữa các nghệ nhân...

g). Loại hình du lịch nghỉ dưỡng và khám phá dược liệu vùng Thất Sơn: Cần triển khai nghiên cứu, thống kê các loại dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh một cách khoa học để giới thiệu với du khách, chú trọng xây dựng thương hiệu dược liệu Thất Sơn. Cần tạo những sản phẩm gắn với hoạt động du lịch như tắm dược liệu trị bệnh, phục hồi sức khỏe tại các spa, các loại thảo mộc mang thương hiệu vùng Thất Sơn…Nghiên cứu, giới thiệu công dụng và cách dùng của các loại dược liệu đặc sản Bảy Núi, cần có sự hợp tác giữa các nhà khoa học và các danh y về y học cổ truyền. Xây dựng thương hiệu và quảng bá dược liệu vùng Thất Sơn là yếu tố quan trọng nhằm thu hút du khách, kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe cao cấp tại Núi Cấm.

Cùng với việc tổ chức Festival món ngon vùng Bảy Núi, An Giang có thể kết hợp với việc tổ chức Festival và hội chợ y học cổ truyền vùng Thất Sơn.

3. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư du lịch:

Việc khai thác tốt nguồn vốn đầu tư sẽ đóng vai trò quyết định đến phát triển du lịch An Giang trong thời gian tới. Mục tiêu là huy động tối đa các nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương, nguồn vốn của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển du lịch. Có thể huy động vốn từ nguồn tích lũy doanh thu về du lịch, nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn vay ODA.

Để huy động được tối đa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch, tỉnh cần xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp. Đặc biệt là ưu tiên xây dựng chính sách nhằm thu hút đầu tư cơ sở vật chất tại 4 địa bàn trọng điểm phát triển du lịch được xác định trong quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới nhiều hình thức, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư (đất đai, tín dụng, thuế); có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân đầu tư vào du lịch.

4. Giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch:

Sớm thống nhất triển khai xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch và khẩu hiệu (slogan) du lịch An Giang để công tác quảng bá tập trung và hiệu quả hơn.

Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, Sở VHTH-DL cần biên tập và phát hành ấn phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu về thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa và điểm tham quan du lịch của An Giang với tên gọi “Du lịch An Giang, tiềm năng và cơ hội đầu tư”. Biên tập và xuất bản Cẩm nang hướng dẫn du lịch An Giang (theo hình thức guide book); xây dựng bản đồ chỉ dẫn du lịch, tạo thuận lợi cho du khách tự khám phá khi đến An Giang; xây dựng website chuyên về du lịch An Giang bằng tiếng Anh – Việt; phối hợp với đơn vị có năng lực xây dựng những bộ phim giới thiệu về du lịch An Giang, phát sóng qua các kênh phát thanh, truyền hình.

Có chiến lược từng bước mở văn phòng giới thiệu về du lịch An Giang tại các thị trường trọng điểm trong nước như các thành phố Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội để thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đến các công ty lữ hành và du khách. Tham gia một cách hiệu quả các hội nghị, hội thảo và hội chợ về du lịch trong nước và khu vực ASEAN để có điều kiện tuyên truyền, quảng bá du lịch An Giang. Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch An Giang tại thị trường trọng điểm thành phố Hồ Chí Minh 2 năm/lần nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch, các tour, tuyến du lịch và cơ hội đầu tư phát triển du lịch tại An Giang cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

An Giang có đường bộ và đường sông giáp với Campuchia, đặc biệt là khoảng cách từ các địa phương nổi tiếng về du lịch của Campuchia sang Châu Đốc rất thuận lợi. Vì vậy, cần phối hợp với các công ty du lịch của Campuchia, quảng bá điểm đến ngay trên đất Campuchia để thu hút khách quốc tế sang An Giang bằng các cửa khẩu đường bộ (Khánh Bình, Tịnh Biên) và đường sông (Vĩnh Xương). Kinh tế Campuchia đang phát triển, thu nhập của người dân ngày càng cao nên đây sẽ là một thị trường đầy tiềm năng để du lịch An Giang khai thác. Ấn phẩm quảng bá du lịch cần chú trọng đến thị trường này với thiết kế, ngôn ngữ và thông tin phù hợp. Ngoài ra, cần có chiến lược quảng bá đến các thị trường tiềm năng ở các quốc gia theo đạo Hồi như Malaysia, Indonesia và một số nước Trung Đông.

Để việc xúc tiến, quảng bá du lịch đạt hiệu quả, cần có sự đầu tư kinh phí thỏa đáng để hình ảnh, thông tin về du lịch An Giang được quảng bá sâu rộng trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước. Hàng năm tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập ý kiến của du khách, các công ty lữ hành về hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp cho các năm tiếp theo. Tạo điều kiện cử đội ngũ cán bộ quảng bá, xúc tiến du lịch đi học các lớp đào tạo về nghiệp vụ Marketing du lịch, ứng dụng công nghệ truyền thông trong xúc tiến, quảng bá, giới thiệu thị trường và nghiên cứu thị trường.

5. Giải pháp tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ:

Giải pháp về cơ sở đào tạo: Xây dựng chương trình, đầu tư trang thiết bị dạy nghề du lịch cho các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề của tỉnh theo cơ chế đặt hàng. Ngoài ra có thể liên kết giữa Trường Đại học An Giang với một số trường có năng lực chuyên môn cao ngoài tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, chuyên nghiệp.

Giải pháp về tài chính: Kết hợp nguồn vốn ngân sách cấp và vốn huy động từ các thành phần kinh tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Giải pháp công tác đào tạo: Từ nay đến năm 2020, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch lao động trực tiếp theo lộ trình và chỉ tiêu sau: Năm 2015, tổng số lao động trực tiếp 2.568 người (trong đó, đại học và sau đại học chiếm 20%, cao đẳng - trung cấp nghề 25%, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn 45%, chưa qua đào tạo 10%); năm 2020, tổng số lao động trực tiếp 3.914 người (trong đó, đại học và sau đại học chiếm 21%, cao đẳng - trung cấp nghề 30%, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn 40%, chưa qua đào tạo 8%); năm 2030, tổng số lao động trực tiếp 6.472 người (trong đó, đại học và sau đại học chiếm 25%, cao đẳng - trung cấp nghề 40%, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn 30%, chưa qua đào tạo 5%).

Xây dựng chương trình, giáo trình, mô hình đào tạo gắn với thực tiễn, chú trọng phát triển nghiệp vụ, kỹ năng nghề bằng các hình thức giảng dạy trực quan sinh động, giúp người học tiếp thu nhanh, làm việc được, đáp ứng tiêu chuẩn của ngành và doanh nghiệp. Đa dạng hóa các phương thức và thời gian đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành du lịch cũng như các khóa học nghiệp vụ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch gởi nhân viên đi đào tạo. Chú trọng nâng cao trình độ, tay nghề, số lượng cán bộ giảng dạy nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở đào tạo của tỉnh.

Giải pháp về chủ trương, chính sách: Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển đào tạo nghề du lịch. Trong đó có chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng cho các cơ sở đào tạo có năng lực. Trẻ hóa và nâng số lượng cán bộ quản lý du lịch có trình độ đại học và sau đại học. Nâng số lao động có trình độ chuyên môn bậc trung cấp, cao đẳng. Phân bổ và duy trì sự hài hòa số lượng cán bộ quản lý chuyên môn ở các địa phương cấp tỉnh, huyện, xã.

Xây dựng chương trình, kế hoạch gởi cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn lĩnh vực quản lý du lịch trong và ngoài nước; đồng thời có chính sách ưu đãi, thu hút người có trình độ cao, các chuyên gia từ các địa phương khác đến An Giang công tác. Sở VHTT-DL phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các đối tượng có nhu cầu.

Giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội: Tổ chức phổ biến, thông tin tuyên truyền, hướng nghiệp về nghề du lịch cho học sinh nhằm giúp tuổi trẻ có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp du lịch. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; nêu gương những cá nhân thành đạt trong hoạt động kinh doanh du lịch. Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý du lịch các cấp, doanh nghiệp kinh doanh du lịch về vai trò quan trọng của du lịch đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh.

6. Giải pháp về bảo vệ môi trường du lịch và phát triển du lịch bền vững:

a) Đối với môi trường tự nhiên:

Tổ chức điều tra, thống kê nhằm đánh giá hiện trạng và những tác động của du lịch đối với tài nguyên thiên nhiên; tổ chức lập và quản lý quy hoạch phát triển du lịch nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các dự án, đề án phát triển du lịch trên cơ sở sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên theo hướng phát triển du lịch xanh, bền vững. Tổ chức quan trắc, đo đạc, điều tra, khảo sát, đánh giá để đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với tài nguyên thiên nhiên và những sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động du lịch bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương. Xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường tự nhiên trong hoạt động du lịch; khuyến khích phát triển các dự án du lịch xanh trên địa bàn tỉnh

Xây dựng các quy ước, quy định cộng đồng cùng tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường. Xử lý triệt để các khu du lịch, điểm du lịch vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Hạn chế phát triển các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là phải thận trọng khi cấp giấy phép thành lập sân golf. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường du lịch đi vào nề nếp.

Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ GIS phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường du lịch tự nhiên. Kiện toàn bộ máy và đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường du lịch trên địa bàn.

b) Đối với môi trường xã hội:

Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về những tác động tích cực và tiêu cực của hoạt động du lịch. Tạo điều kiện trao đổi, xây dựng mối quan hệ văn hóa, tốt đẹp giữa chủ và khách. Tổ chức giám sát nhằm duy trì các tiêu chuẩn môi trường du lịch nhân văn. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá, quản lý giá cả, chất lượng các dịch vụ du lịch, qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thực hiện nghiêm các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch nhằm điều chỉnh các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường hoạt động du lịch, đầu tư phát triển du lịch, góp phần tạo môi trường thuận lợi, an toàn để thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.

Hỗ trợ vốn, tài chính, tín dụng đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch ở các vùng khó khăn. Bảo vệ, hỗ trợ các làng nghề truyền thống có giá trị kinh tế của địa phương; tạo cơ hội việc làm, chia sẻ lợi ích cho người dân ở các khu, điểm du lịch. Tăng cường các biện pháp bảo vệ sự an toàn của khách du lịch đến An Giang, tạo môi trường du lịch hấp dẫn đối với du khách. Xây dựng Trung tâm hỗ trợ khách du lịch (Visitor Centre) nhằm hỗ trợ, giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn hay rủi ro mà khách du lịch khi tới An Giang gặp phải. Xử lý triệt để những tệ nạn có liên quan đến quyền lợi và sự an toàn của khách du lịch tại An Giang như nạn lừa gạt, chèo kéo, đeo bám khách du lịch.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp du lịch; khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp du lịch có tiềm lực và thương hiệu mạnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, đặc biệt là hộ gia đình gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động, phát triển du lịch. Xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, cạnh tranh và năng động. Tạo môi trường du lịch hấp dẫn cho khách lưu trú.

Ưu tiên đầu tư xây dựng các khu sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tích hợp tại Châu Đốc nhằm thu hút khách du lịch lưu trú lại An Giang như chợ đêm; khu ẩm thực, mua sắm các đặc sản của An Giang; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ của dân tộc Khmer, Chăm; tổ chức múa hát, trò chơi dân gian có sự tham gia, giao lưu của du khách vào những đêm trăng; tổ chức hội thi thả hoa đăng gần khu vực các bè cá nổi tiếng của Châu Đốc; tổ chức hội thi làm bánh ngon ĐBSCL…

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu, điểm du lịch.

Xây dựng, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các điểm, khu du lịch và tại các trạm dừng chân dành cho khách du lịch.

V. Danh mục các dự án đầu tư ưu tiên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (đính kèm danh mục).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, Sở VHTT-DL có trách nhiệm tổ chức công bố rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và nhân dân được biết; đồng thời, tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch 5 năm, hàng năm để triển khai thực hiện Quy hoạch.

2. Hàng năm báo cáo, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch; trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.

3. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở VHTT-DL, thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTT-DL - báo cáo;
- Tổng cục Du lịch - báo cáo;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh - báo cáo;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Các Phòng: VHXH, TH, KT, ĐTXD;
- Lưu: HC-TC.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp

 


PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CSHT NGÀNH DU LỊCH TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2014)

STT

Danh mục dự án

Đa điểm thực hiện

Năng lực thiết kế

Phân kỳ đầu tư

Giai đoạn 2015 - 2020

Trong đó

Tổng số NSNN giai đoạn 2016-2020

Xã hội hóa

Tổng số

Ghi chú

2015

2016

2017

2018

2019

2020

: NSTW hỗ trợ

Ngân sách tỉnh

NS huyện

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14=11+12+13

15

16=14+15

17

 

Tổng cộng

 

20

44

49

47

40

41

18

68

65

38

161

140

301

 

1

Triển khai các điểm, tuyến du lịch sinh thái và nông thôn mới cù lao Mỹ Hòa Hưng với 9 điểm và 3 tuyến du lịch

Long Xuyên

 

5

5

5

5

10

5

10

10

5

25

20

45

XHH từ các hộ dân tham gia đầu tư du lịch

2

Khu du lịch Óc Eo

Thoại Sơn

38ha

5

5

9

9

8

 

20

10

6

36

0

36

Đường giao thông kết nối với các khu di tích

4

Phát triển du lịch sinh thái 03 xã Cù Lao Giêng

Chợ Mới

10ha

2

2

3

2

1

 

0

5

5

10

5

15

XHH hộ dân tại 03 xã tham gia đầu tư dịch vụ du lịch

5

CSHT khu du lịch Núi Sam (đường lên núi, các điểm du lịch...)

P. Núi Sam

20

5

10

5

5

5

 

10

10

10

30

30

60

XHH từ nguồn vốn Miếu Bà

6

Cơ sở hạ tầng khu du lịch Búng Bình Thiên

An Phú

 

5

5

5

5

5

5

15

10

5

30

 

30

Đường giao thông kết nối với điểm du lịch

7

Đầu tư sân đua bò phục vụ khách du lịch tại Châu Đốc

Châu Đốc

 

5

5

5

 

 

 

 

10

5

15

5

20

XHH từ các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư và khai thác

8

Hạ tầng khu ẩm thực và làng nghề phục vụ du lịch tại Châu Đốc

Châu Đốc

 

3

4

2

1

 

 

5

5

 

0

10

10

Kêu gọi đầu tư

9

Khu du lịch sinh thái Núi Cấm

Tịnh Biên

3.100ha

10

10

10

10

10

8

0

0

0

0

60

60

Vốn đầu tư doanh nghiệp

10

CSHT Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư

Tịnh Biên

30ha

4

3

3

3

2

 

8

5

2

15

10

25

Vốn đầu tư doanh nghiệp

* Ghi chú: Năng lực thiết kế, tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.