NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 101/NH-QĐ | Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 1991 |
BAN HÀNH THỂ LỆ THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 24/5/1990;
Căn cứ Nghị định số 80/HĐBT ngày 27/5/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về bổ sung thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ kinh tế - kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành thể lệ thanh toán qua Ngân hàng, áp dụng cho tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Điều 2. Thể lệ thanh toán qua Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/1991.
Các quy định về thanh toán đã ban hành trước đây của Ngân hàng Nhà nước, của các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển hết hiệu lực thi hành.
Điều 3. Căn cứ thể lệ thanh toán qua Ngân hàng và thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Cục kho bạc Nhà nước có trách nhiệm cụ thể hoá cho thích hợp với hoạt động nghiệp vụ và tổ chức thanh toán trong hệ thống của mình; tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra các vi phạm gây tổn thất tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Điều 4. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển và Cục trưởng Cục kho bạc Nhà nước trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quyền hạn có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG
(Ban hành theo quyết định 101/NH-QĐ ngày 30/7/1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Điều 1. Các tổ chức kinh tế, đơn vị dự toán và tư nhân có tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước (gọi tắt là chủ tài khoản) thực hiện chi trả cho nhau về tiền hàng, dịch vụ qua tài khoản của mình phải theo những quy định trong thể lệ này.
Điều 2. Để bảo đảm thực hiện chi trả qua Ngân hàng (1) các chủ tài khoản bên trả tiền bắt buộc phải có đủ tiền trên tài khoản; mọi trường hợp tài khoản không đủ tiền để thực hiện thanh toán đều là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý.
Điều 3. Ngân hàng phải bảo đảm thanh toán thuận tiện kịp thời chính xác. Ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra khả năng trả tiền của chủ tài khoản trước khi thực hiện việc thanh toán; được quyền từ chối thanh toán nếu tài khoản của bên trả tiền không đủ để thực hiện và không chịu liên đới về những hậu quả có thể xảy ra. Nếu do thiếu sót chủ quan của mình trong quá trình thanh toán, gây thiệt hại cho khách hàng Ngân hàng phải bồi thường vật chất.
II- TỔ CHỨC THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG GIỮA CÁC KHÁCH HÀNG
Điều 4. Thanh toán qua Ngân hàng về tiền hàng, dịch vụ hoặc các nhu cầu chi trả khác được áp dụng các hình thức dưới đây:
4.1- Séc (séc chuyển khoản, séc bảo chi, sổ séc định mức)
4.2- Uỷ nhiệm chi(chuyển tiền)
4.3- Thư tín dụng
4.4- Uỷ nhiệm thu.
Điều 5. Căn cứ các yếu tố và mẫu tờ séc do Ngân hàng Nhà nước Trung ương quy định (xem phụ lục số 1), các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Cục Kho bạc Nhà nước phải chọn mẫu séc và đăng ký mẫu séc với Ngân hàng Nhà nước, ký các hợp đồng để in tại Nhà in Ngân hàng và nhượng lại cho khách hàng của mình sử dụng.
Điều 6. Các đơn vị tổ chức và tư nhân mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng và các đơn vị dự toán mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước chỉ được mua séc ở Ngân hàng hoặc Kho bạc nơi mở tài khoản tiền gửi.
Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước không được nhượng séc cho các khách hàng chưa mở tài khoản tiền gửi hoặc đã mở nhưng tài khoản lúc đầu chưa có số dư.
Điều 7. Séc chuyển khoản là giấy uỷ nhiệm lập trên mẫu in sẵn đặc biệt của Ngân hàng, do chủ tài khoản phát hành, giao trực tiếp cho đơn vị thụ hưởng, để thanh toán tiền hàng, dịch vụ ngay sau khi nhận được hàng hoá hoặc dịch vụ cung ứng. Séc chuyển khoản chỉ được áp dụng thanh toán trong phạm vi giữa các khách hàng có tài khoản ở cùng một Ngân hàng, hoặc khác Ngân hàng nhưng các Ngân hàng đó có tham gia thanh toán bù trừ trực tiếp với nhau.
Séc được hạch toán theo nguyên tắc ghi nợ trước, ghi có sau: Căn cứ tờ séc đã phát hành, Ngân hàng phải ghi nợ tài khoản của đơn vị phát hành séc trước khi ghi Có vào tài khoản đơn vị thụ hưởng. Trường hợp tờ séc có giá trị 1 triệu đồng trở xuống - hoặc giữa 2 ngân hàng trong cùng một hệ thống có khả năng kiểm tra bảo đảm năng lực chi trả của đơn vị phát hành séc về tờ séc đó, Ngân hàng phục vụ bên bán có thể ghi Có cho đơn vị thụ hưởng. Những trường hợp này do Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, xem xét, quyết định cụ thể và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những sai phạm, lợi dụng nếu có.
Điều 8. Chủ tài khoản chỉ được phát hành séc trong phạm vi: Số dư tiền gửi, số dư của sổ séc định mức đã lưu ký tại Ngân hàng. Chủ tài khoản có trách nhiệm bảo quản các tờ séc (kể cả séc trắng) và sổ séc định mức như bảo quản tiền mặt, mất séc như mất tài sản; phải quản lý sử dụng séc chặt chẽ và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về các vi phạm (lường gạt, lợi dụng tham ô v.v...) và về mọi thiệt hại, mọi hậu quả do các vi phạm gây nên.
Điều 9. Séc đã phát hành khi về đến Ngân hàng phục vụ bên mua mà quá số dư thì đơn vị phát hành séc chịu phạt tiền bằng 20% (hai mươi phần trăm) số tiền quá số dư; và chịu phạt chậm trả từ ngày tờ séc đến Ngân hàng bên mua cho đến ngày được thanh toán; khoản tiền phạt chậm trả bằng số tiền trên tờ séc nhân với lãi suất nợ quá hạn của loại cho vay ngắn hạn cùng đối tượng theo chế độ hiện hành của Nhà nước, nhân với số ngày chậm trả, tiền phạt chậm trả được chuyển cho đơn vị thụ hưởng. Tiền phạt séc phát hành quá số dư ghi vào thu nghiệp vụ Ngân hàng. Nếu trong vòng 3 tháng chủ tài khoản để hai (2) tờ séc phát hành quá số dư thì Ngân hàng thu hồi số tờ séc trắng còn lại, buộc chủ tài khoản chuyển sang dùng séc bảo chi, sổ séc định mức, hoặc hình thức thanh toán khác. Thời hạn Ngân hàng đình chỉ sử dụng séc tối thiểu là 3 (ba) tháng, sau đó phải có cam kết không tái phạm của chủ tài khoản thì mới được cho khôi phục lại quyền sử dụng séc chuyển khoản thông thường. Trường hợp phát hành séc quá số dư từ 10 triệu đồng trở lên, hoặc chậm bù đắp số tiền phát hành quá số dư quá 30 ngày, Ngân hàng có thể đề nghị khởi tố theo luật pháp hiện hành.
Điều 10. Đơn vị thụ hưởng séc (bên bán) nhận trực tiếp tờ séc của đơn vị phát hành, phải kiểm tra tính hợp lệ của tờ séc (ghi đầy đủ, chính xác và rõ ràng mọi yếu tố quy định trên tờ séc, không sửa chữa, tẩy xoá) và nộp vào Ngân hàng phục vụ (bên bán hoặc bên mua) trong thời hạn hiệu lực tối đa là 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày phát hành séc.
Ngân hàng được quyền từ chối thanh toán và xử lý theo quy định trong các trường hợp:
a) Đơn vị thụ hưởng séc không mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng mình (trường hợp séc nộp vào Ngân hàng phục vụ đơn vị thụ hưởng): trả lại séc cho người nộp;
b) Séc không hợp lệ: trả lại séc cho người nộp;
c) Séc nộp vào Ngân hàng quá thời hạn hiệu lực nói trên: trả lại séc cho người nộp;
d) Séc giả hoặc có dấu hiệu nghi vấn là séc giả thì giữ séc và giấy tờ tuỳ thân của người nộp séc, chuyển cho cơ quan công an xử lý và giải quyết.
Điều 11. Séc bảo chi là tờ séc chuyển khoản thông thường nhưng được Ngân hàng phục vụ đơn vị phát hành séc bảo đảm chi trả bằng cách trích trước số tiền ghi trên tờ séc từ tài khoản tiền gửi (hoặc cho vay) của bên trả tiền đưa vào một tài khoản riêng (tiền gửi séc bảo chi và sổ séc định mức), được Ngân hàng làm thủ tục bảo chi và đóng dấu "bảo chi" trên tờ séc trước khi giao cho khách hàng.
Séc bảo chi dùng trong các đơn vị là khách hàng thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước và khách hàng của Ngân hàng trong trường hợp bên bán yêu cầu hoặc theo quyết định xử phạt của Ngân hàng đối với các chủ tài khoản vi phạm phát hành séc quá số dư theo quy định tại Điều 9.
Nội dung và các yếu tố đối với séc bảo chi thực hiện theo Điều 10. Séc bảo chi được áp dụng thanh toán giữa các khách hàng cùng mở tài khoản tại một Ngân hàng hoặc khác Ngân hàng có tham gia thanh toán bù trừ trực tiếp với nhau; trường hợp thanh toán khác Ngân hàng không tham gia thanh toán bù trừ trực tiếp (ngoài tỉnh) chỉ áp dụng trong cùng một hệ thống Ngân hàng. Thời hạn có hiệu lực tối đa là 15 ngày kể từ ngày bảo chi séc.
Điều 12. Sổ séc định mức (xem phụ lục số 2) được dùng để trả tiền mua hàng, trả cước phí vận tải, cước phí bưu điện có tính thường xuyên, hoặc theo quyết định xử phạt của Ngân hàng.
Sổ séc định mức được áp dụng thanh toán trong tỉnh; trường hợp ngoài tỉnh chỉ được áp dụng trong cùng một hệ thống Ngân hàng.
Mức tối thiểu để mở sổ séc định mức là 20 (hai mươi) triệu đồng.
Mỗi séc định mức chỉ thanh toán với một khách hàng hoặc một số khách hàng thuộc cùng đơn vị chủ quản.
Muốn mở sổ séc định mức, chủ tài khoản đề nghị Ngân hàng phục vụ mình trích từ tài khoản tiền gửi (hoặc cho vay) để lưu ký số tiền cần mở sổ séc định mức vào một tài khoản riêng (tiền gửi séc bảo chi và sổ séc định mức) tại Ngân hàng, được nhận sổ séc định mức đã ghi sẵn số tiền định mức trên bìa sổ séc. Mỗi tờ séc trong sổ séc định mức có hiệu lực thực hiện trong thời hạn tối đa là 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày mở sổ séc định mức. Khi thanh toán (giao séc) đơn vị phát hành séc phải xuất trình cả sổ séc định mức để bên bán kiểm tra số dư của sổ séc bảo đảm đủ thanh toán cho tờ séc trước khi tách rời séc đó khỏi sổ séc định mức để trao cho bên bán (bên thụ hưởng).
Đơn vị thụ hưởng phải kiểm soát số dư, nếu nhận các tờ séc định mức quá số dư sẽ không được thanh toán và phải chịu mọi thiệt hại.
Số dư trên tài khoản tiền gửi séc bảo chi và sổ séc định mức không được hưởng lãi. Séc bảo chi và các tờ séc phát hành từ sổ séc định mức được thực hiện ghi Có ngay cho đơn vị thụ hưởng. Các tờ séc trong sổ séc định mức nếu phát hành quá định mức cũng bị phạt về phát hành séc quá số dư và chậm trả như quy định tại Điều 9, thu hồi ngay số tờ séc còn lại của sổ séc định mức, tiền phạt ghi vào thu nghiệp vụ Ngân hàng.
B/ THANH TOÁN BẰNG UỶ NHIỆM CHI
Điều 13. Uỷ nhiệm chi (phụ lục số 4) là lệnh chi tiền được chủ tài khoản lập theo mẫu của Ngân hàng ấn hành, yêu cầu Ngân hàng phục vụ mình (nơi mở tài khoản tiền gửi) trích tài khoản của mình để chi trả cho bên thụ hưởng).
Uỷ nhiệm chi được dùng để thanh toán chuyển khoản về các khoản trả tiền hàng, dịch vụ hoặc chuyển vốn trong cùng hệ thống hoặc khác hệ thống Ngân hàng trong cùng tỉnh và ngoài tỉnh.
Trong vòng một ngày làm việc, Ngân hàng phục vụ đơn vị trả tiền phải hoàn tất lệnh chi đó hoặc từ chối thực hiện nếu tài khoản của đơn vị không đủ tiền hoặc lệnh chi lập không hợp lệ. Ngân hàng phục vụ đơn vị thụ hưởng phải ghi Có ngay vào tài khoản và báo cho đơn vị biết sau khi nhận được chứng từ hợp lệ.
Điều 14. Chuyển tiền khác địa phương (2) có thể thực hiện bằng séc chuyển tiền (được giao cầm tay) - phụ lục số 3 - trong trường hợp khách hàng có yêu cầu cần thiết cấp bách. Séc chuyển tiền phải do Ngân hàng phục vụ đơn vị có yêu cầu chuyển tiền phát hành và trao cho khách hàng sau khi đã ghi Nợ vào tài khoản của đơn vị xin chuyển tiền. Thời hạn hiệu lực của tờ séc chuyển tiền là 30 ngày kể từ ngày phát hành séc. Séc chuyển tiền có thể sử dụng để chuyển khoản hoặc lĩnh tiền mặt tại Ngân hàng trả tiền.
C/ THANH TOÁN BẰNG THƯ TÍN DỤNG
Điều 15. Thư tín dụng (phụ lục số 5) được dùng để thanh toán tiền hàng trong điều kiện bên bán đòi hỏi phải bảo đảm có đủ vốn để chi trả ngay và phù hợp với tổng số tiền hàng đã giao theo hợp đồng hoặc đơn đặt hàng đã ký.
Điều 16. Khi có nhu cầu, bên mua lập giấy mở thư tín dụng yêu cầu Ngân hàng phục vụ mình trích tài khoản tiền gửi (hoặc tiền vay Ngân hàng) một số tiền bằng tổng giá trị hàng đặt mua để lưu ký vào một tài khoản riêng (tiền gửi mở thư tín dụng). Ngân hàng bên mua phải gửi ngay thư tín dụng cho Ngân hàng bên bán để báo cho bên bán biết. Mức tiền tối thiểu của một thư tín dụng là 05 (năm) triệu đồng. Tiền gửi thư tín dụng không được hưởng lãi.
Mỗi thư tín dụng chỉ dùng để trả cho một đơn vị bán.
Thời hạn hiệu lực của một thư tín dụng là 03 (ba) tháng kể từ ngày Ngân hàng bên mua nhận mở thư tín dụng.
Thư tín dụng chỉ được áp dụng thanh toán khác địa phương nhưng trong cùng một hệ thống Ngân hàng và có tính ký hiệu mật. Trường hợp thanh toán khác hệ thống Ngân hàng thì phải thông qua Ngân hàng Nhà nước.
Điều 17. Bên bán có trách nhiệm giao hàng cho bên mua sau khi nhận được giấy báo đã mở thư tín dụng.
Ngân hàng phục vụ bên bán trả tiền cho bên bán căn cứ vào hoá đơn, vận đơn hoặc các chứng từ giao nhận hàng có chữ ký của đại diện bên mua kèm theo giấy uỷ nhiệm của bên mua, do bên bán xuất trình với Ngân hàng, phù hợp với các điều khoản quy định thống nhất giữa hai bên mua, bán được ghi trên thư tín dụng.
Thư tín dụng chỉ trả tiền bằng chuyển khoản, ghi vào tài khoản của bên bán.
Mọi trường hợp tranh chấp về hàng hoá đã giao, và tiền hàng đã trả (nếu có) do 2 bên mua và bán giải quyết.
Khi nhận được giấy báo nợ của Ngân hàng bên bán về việc trả tiền cho bên bán, Ngân hàng bên mua tất toán tài khoản tiền gửi thư tín dụng của bên mua.
D/ THANH TOÁN BẰNG UỶ NHIỆM THU
Điều 18. Hình thức thanh toán bằng uỷ nhiệm thu (phụ lục số 6) được áp dụng trong thanh toán cùng địa phương hoặc khác địa phương trong hệ thống và ngoài hệ thống về những khoản tiền hàng đã giao hoặc dịch vụ đã cung ứng mà 2 bên mua và bán thống nhất thoả thuận dùng hình thức thanh toán này với những điều kiện thanh toán cụ thể đã ghi trong hợp đồng kinh tế hoặc đơn đặt hàng và đã được bên mua ký xác nhận trên các chứng từ thanh toán (hoá đơn, vận đơn v.v...). Bên mua phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng phục vụ mình biết về thoả thuận dùng hình thức thanh toán uỷ nhiệm thu của đơn vị mình.
Điều 19. Sau khi đã giao hàng hoặc hoàn tất dịch vụ cung ứng, bên bán lập giấy uỷ nhiệm thu theo mẫu của Ngân hàng ấn hành kèm theo hoá đơn, vận đơn gửi tới Ngân hàng phục vụ mình để yêu cầu thu hộ.
Để thu nhanh tiền hàng hoặc dịch vụ theo giấy uỷ nhiệm thu, bên bán có thể ghi rõ trên giấy uỷ nhiệm thu yêu cầu Ngân hàng bên mua chuyển tiền bằng điện và chịu chi phí điện báo.
Điều 20. Khi nhận được giấy uỷ nhiệm thu, trong vòng một ngày làm việc Ngân hàng bên mua trích tài khoản của bên mua trả ngay cho bên bán để hoàn tất việc thanh toán. Nếu tài khoản bên mua không có tiền chi trả thì bên mua bị phạt chậm trả theo Điều 9 nêu trên.
Mọi trường hợp tranh chấp về việc làm chứng từ khống, về sự thiếu khớp đúng giữa tiền đã trả với hàng hoá, dịch vụ nhận được, do 2 bên mua và bán tự giải quyết.
Điều 21. Căn cứ những quy định trong thể lệ này về các mẫu ấn chỉ của các hình thức thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Trung ương quy định, từng Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Cục kho bạc Nhà nước được ấn hành các loại ấn chỉ thanh toán, nhượng lại cho khách hàng và cơ sở Ngân hàng trực thuộc sử dụng. Các mẫu ấn chỉ thanh toán này phải được Ngân hàng Nhà nước Trung ương duyệt và đăng ký lưu ở Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
Điều 22. Mỗi Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Cục kho bạc Nhà nước là một hệ thống, do đó hoạt động về thanh toán, chuyển vốn giữa các chi nhánh, chi cục là hoạt động thanh toán trong nội bộ hệ thống.
Các ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Cục kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn việc thanh toán trong nội bộ hệ thống mình đảm bảo phù hợp thể lệ này và chu chuyển vốn nhanh chóng, chính xác; quản lý cân đối vốn trong hệ thống được chặt chẽ, an toàn.
Điều 23. Để đảm bảo thanh toán thuận tiện nhanh chóng, các Ngân hàng được lựa chọn áp dụng các phương thức thanh toán sau đây:
23.1- Có thể áp dụng hình thức thanh toán liên hàng trong hệ thống.
23.2- Có thể mở tài khoản tiền gửi của Ngân hàng mình tại Ngân hàng khác, uỷ quyền cho Ngân hàng nơi mở tài khoản được trích tài khoản tiền gửi của mình để trả hoặc ghi nhập vào tài khoản tiền gửi của mình các khoản được hưởng; sau một định kỳ nhất định (tuỳ 2 bên quy định) Ngân hàng giữ tài khoản có trách nhiệm tổng hợp thông báo cho Ngân hàng chủ tài khoản các khoản nợ, có biến động trên tài khoản tiền gửi.
23.3- Có thể uỷ nhiệm thu hộ, chi hộ theo các khoản thanh toán của khách hàng, ttrong hạn mức đã thoả thuận, sau một định kỳ nhất định (tuỳ hai bên quy định) tổng hợp thông báo và quyết toán với nhau về số tiền thu, chi hộ.
23.4- Tổ chức thanh toán bù trừ toàn hệ thống hoặc theo vùng, hoặc giữa một số chi nhánh có quan hệ thường xuyên với nhau dưới sự hướng dẫn và tổ chức thực hiện của Ngân hàng thương mại chủ quản hoặc theo những quy định đã cam kết giữa các chi nhánh có quan hệ thanh toán.
IV- THANH TOÁN GIỮA CÁC NGÂN HÀNG KHÁC HỆ THỐNG
(Thanh toán liên Ngân hàng)
Điều 24. Thanh toán giữa các Ngân hàng khác hệ thống được thực hiện theo các phương thức sau đây:
24.1-Thanh toán từng lần qua tài khoản mở tại Ngân hàng Nhà nước.
Về chuyển tiền từng lần: Ngân hàng có yêu cầu chuyển tiền (A) phải lập chứng từ thanh toán gửi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước hoặc phòng đại diện (nếu có) yêu cầu trích tài khoản của mình tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước hoặc phòng đại diện(nếu có) để chuyển đến Ngân hàng B.
- Thanh toán bù trừ trong cùng tỉnh do chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức.
- Hàng ngày Ngân hàng Nhà nước tập hợp các khoản phát sinh Nợ, Có của từng Ngân hàng tham gia thanh toán để bù trừ và ghi Nợ, Có vào tài khoản của từng Ngân hàng liên quan.
24.3- Có thể dùng các phương thức khác nhau:
- Mở tài khoản tiền gửi của Ngân hàng mình ở Ngân hàng khác để giao dịch thanh toán.
- Uỷ nhiệm thu hộ, chi hộ giữa các Ngân hàng có quan hệ thanh toán với nhau trong hạn mức thoả thuận từng định kỳ quyết toán với nhau về số tiền đã thu, chi hộ.
Điều 25. Các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Cục kho bạc Nhà nước căn cứ thể lệ thanh toán qua Ngân hàng và thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cụ thể hoá nghiệp vụ thanh toán phục vụ khách hàng, hướng dẫn thực hiện dúng.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác thanh toán qua Ngân hàng trong nền kinh tế quốc dân, không ngừng hoàn thiện nghiệp vụ thanh toán phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước.
Điều 26. Thể lệ này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 1991. Việc sửa đổi, bổ sung thể lệ thanh toán qua Ngân hàng thuộc thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
(1) Thuật ngữ "Ngân hàng" trong thể lệ này được hiểu là các tổ chức Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
(2) Thuật ngữ "khác địa phương" được hiểu là khác huyện, quận, thị xã.
- 1 Quyết định 22/QĐ-NH1 năm 1994 về "thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt" do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2 Quyết định 2568/QĐ-NHNN năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/10/1990 đến ngày 30/12/1996 (công bố bổ sung)
- 3 Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 4 Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1 Quyết định 181/NH-QĐ năm 1991 về Quy tắc tổ chức và kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán bù trừ giữa các Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2 Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 3 Nghị định 80-HĐBT năm 1987 về việc bổ sung thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1 Chỉ thị 195-TTg năm 1959 về tăng cường lãnh đạo công tác thanh toán qua Ngân hàng do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 2 Quyết định 22/QĐ-NH1 năm 1994 về "thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt" do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3 Quyết định 2568/QĐ-NHNN năm 2015 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/10/1990 đến ngày 30/12/1996 (công bố bổ sung)
- 4 Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018