BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1013/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 1013/QĐ-BTNMT 02 THÁNG 8 NĂM 2006 VỀ KIỂM TRA TÌNH HÌNH SỬ DỤNG ĐẤT CỦACÁC QUY HOẠCH VÀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 57/2006/NQ-QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 của cả nước;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành trên phạm vi cả nước việc kiểm tra tình hình sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư theo các nội dung sau đây:
1. Mục đích, yêu cầu:
a) Mục đích:
- Trên cơ sở đánh giá sát, đúng tình hình, đề ra các giải pháp nhằm xử lý trước ngày 30 tháng 6 năm 2007 tình trạng các quy hoạch có nội dung sử dụng đất nhưng không thực hiện (thường gọi là “quy hoạch treo”), tình trạng chậm sử dụng đất đối với các dự án đầu tư (thường gọi là “dự án treo”);
- Phát hiện những bất cập trong các quy định về công tác quy hoạch có nội dung sử dụng đất để sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng lập và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
b) Yêu cầu:
- Thống kê đầy đủ và chính xác các quy hoạch, dự án đầu tư có sử dụng đất của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng đến ngày 31 tháng 7 năm 2006 chưa triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã đề ra.
- Phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng "quy hoạch treo", "dự án treo"; chỉ ra biện pháp xử lý và thời hạn xử lý đối với từng trường hợp.
2. Nội dung:
a) Kiểm tra việc sử dụng đất của các loại quy hoạch, bao gồm quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch ngành (giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, thể dục thể thao…), quy hoạch khu công nghiệp…, trong đó tập trung kiểm tra các khâu lập, thẩm định, trình, xét duyệt, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch; làm rõ tính pháp lý, sự hợp lý và tính khả thi của các quy hoạch; những quy định không phù hợp với pháp luật trong việc hạn chế quyền của người sử dụng đất trong khu quy hoạch; nguyên nhân dẫn tới chậm triển khai quy hoạch; các biện pháp đã tiến hành (bảo đảm các điều kiện để thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, hủy quy hoạch).
b) Kiểm tra các dự án đã có quyết định thu hồi đất để triển khai quy hoạch và dự án đầu tư nhưng việc giải phóng mặt bằng trì trệ, kéo dài và hiện vẫn chưa dứt điểm; nguyên nhân ách tắc trong giải phóng mặt bằng; những giải pháp đã tiến hành (kiện toàn tổ chức và chấn chỉnh hoạt động của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh phương án, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều chỉnh phương án sử dụng đất so với ban đầu,…).
c) Kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án đầu tư đã được Nhà nước giao hoặc cho thuê nhưng đã không sử dụng đất trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa; làm rõ nguyên nhân chậm triển khai; các biện pháp đã thực hiện (đôn đốc việc triển khai của nhà đầu tư, quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất, quyết định thu hồi đất,…).
d) Kiểm tra kết quả điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố đối với quy hoạch đã quá thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc hết kỳ quy hoạch mà không sử dụng đất hoặc không có khả năng thực hiện; kết quả gia hạn hoặc thu hồi đất đối với các dự án có sử dụng đất đã được Nhà nước giao hoặc cho thuê nhưng đã không sử dụng đất trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa.
3. Biện pháp:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tự kiểm tra theo yêu cầu, nội dung đã nêu tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này, báo cáo kết quả tự kiểm tra về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo mẫu, biểu hướng dẫn của Bộ.
b) Tổ chức thu thập thông tin thông qua các hình thức kiểm tra trực tiếp; qua xem xét đơn, thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; qua thu nhận các phát hiện, kiến nghị gửi qua "đường dây nóng" (kể cả qua thư điện tử); qua các phương tiện thông tin đại chúng.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp kiểm tra tại một số địa phương đang có nhiều quy hoạch có sử dụng đất nhưng không triển khai, có nhiều dự án đang chậm tiến độ do ách tắc trong giải phóng mặt bằng hoặc có nhiều dự án chậm đưa đất vào sử dụng.
d) Thông qua Diễn đàn về "Quy hoạch treo và dự án treo" trên trang Web của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cuộc hội nghị, hội thảo để thu thập ý kiến đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý tình trạng "quy hoạch treo", "dự án treo".
4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện:
a) Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai có trách nhiệm:
- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Quyết định này;
- Trình Bộ trưởng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm tra;
- Tổng hợp, lập báo cáo kết quả kiểm tra của cả nước và đề xuất biện pháp khắc phục yếu kém bất cập để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 10 năm 2006.
b) Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai, Vụ Đất đai, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Trung tâm Điều tra Quy hoạch đất đai và Viện Nghiên cứu Địa chính có trách nhiệm cử cán bộ tham gia kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của Bộ trưởng.
c) Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho đợt kiểm tra.
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp trực thuộc thực hiện việc tự kiểm tra; chuẩn bị nội dung làm việc khi có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra trực tiếp tại địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Nghị định 17/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai và Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần
- 2 Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 3 Luật Đất đai 2003
- 4 Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 5 Luật đất đai sửa đổi 2001