Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 102/2009/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 28 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA BẰNG XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ CÁC LOẠI XE TƯƠNG TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Thông tư 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại văn bản số 2717/SGTVT-VT ngày 09 tháng 11 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA BẰNG XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ CÁC LOẠI XE TƯƠNG TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 102/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

- Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp hoạt động và liên quan đến hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên không được hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

- Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản khác được vận chuyển trên phương tiện vận tải đường bộ.

- Hành khách là người được chở trên phương tiện vận tải đường bộ, có trả tiền.

- Xe thô sơ là phương tiện giao thông đường bộ không có lắp đặt động cơ đốt trong.

- Xe gắn máy là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có lắp đặt động cơ đốt trong, dung tích xi lanh dưới 50cm3.

- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có lắp đặt động cơ đốt trong, dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện

1. Về độ tuổi, sức khỏe, trình độ hiểu biết và các giấy tờ cần thiết phải mang theo.

a) Đối với người điều khiển xe thô sơ

- Có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn.

- Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

b) Đối với người điều khiển xe gắn máy

- Có tuổi từ 16 trở lên.

- Có sức khỏe phù hợp để điều khiển loại xe cơ giới đường bộ có dung tích xi lanh dưới 50cm3.

- Có giấy chứng nhận hiểu biết Luật Giao thông đường bộ do ngành giao thông vận tải cấp.

- Có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

c) Đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô 3 bánh

- Có tuổi từ 18 trở lên.

- Có sức khỏe phù hợp để điều khiển loại xe cơ giới đường bộ có dung tích xi lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3.

- Có giấy phép lái xe cơ giới đường bộ hạng A1.

- Có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

2. Trang bị mũ bảo hiểm: người điều khiển, hành khách ngồi trên xe gắn máy, xe mô tô bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng qui cách.

3. Quy định về trang phục và biển hiệu

a) Người điều khiển phương tiện trong các tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân đơn lẻ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh phải có biển hiệu và trang phục riêng để phân biệt với các đối tượng tham gia giao thông khác.

b) Qui định về biển hiệu

Biển hiệu bằng mica, kích thước 84mm x 50mm, được đeo ở trên áo phía ngực trái. Nội dung biển hiệu thể hiện tên người điều khiển phương tiện và tổ chức kinh doanh (nếu là cá nhân thì ghi rõ địa chỉ thường trú). Màu biển hiệu và màu chữ do tổ chức kinh doanh tự chọn và thống nhất trong cùng đơn vị. Chữ viết in hoa.

NGUYỄN VĂN HÙNG

TỔ TỰ QUẢN XE THÔ SƠ

PHƯƠNG SƠN – NHA TRANG

c) Qui định về trang phục: chất liệu vải, màu của trang phục do tổ chức, đơn vị tự chọn thống nhất cho tất cả người điều khiển trong tổ chức, đơn vị và đăng ký màu áo, quần với phòng Công thương, Quản lý đô thị.

- Đối với áo:

+ Phải có cổ áo.

+ Phải có hai túi trước có nắp.

+ Tùy theo mùa có thể sử dụng áo ngắn tay hoặc dài tay.

Đối với quần: Quần dài, kiểu âu.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giao trách nhiệm phòng Công thương, Quản lý đô thị quản lý thống nhất việc sử dụng trang phục của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh theo lựa chọn của từng tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển

1. Xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:

- Có đủ hệ thống phanh eo hiệu lực.

- Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực.

- Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa; đèn soi biển số, báo phanh, đèn tín hiệu.

- Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe.

- Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển.

- Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật.

- Có bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.

- Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

b) Yêu cầu về quản lý phương tiện: Xe gắn máy, xe mô tô phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.

2. Xe thô sơ phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật:

Theo quy định “về tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật xe thô sơ ba bánh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” ban hành kèm theo Quyết định số 2086/QĐ-SGTVT-VT ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa.

b) Yêu cầu về quản lý phương tiện:

Công an tỉnh Khánh Hòa quy định cụ thể việc đăng ký, cấp biển số xe thô sơ trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 5. Hoạt động vận chuyển

1. Xe thô sơ và các loại xe tương tự chỉ được phép hoạt động đến huyện, thị xã, thành phố liền kề với nơi đăng ký quản lý.

2. Xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự được phép hoạt động trong địa bàn toàn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể tuyến đường hoạt động, thời gian hoạt động; các hoạt động dừng, đón trả khách và hàng hóa để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa phương.

4. Xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai, ba bánh và các loại xe tương tự vận chuyển hành khách, hàng hóa hoạt động trên địa bàn nào thì phải tuân theo quy định của huyện, thị xã, thành phố đó.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang

- Chỉ đạo phòng Công thương, Quản lý đô thị căn cứ vào quy định này và tình hình trật tự an toàn giao thông của địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể việc tổ chức, quản lý hoạt động vận chuyển hành khách hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai, ba bánh và các loại xe tương tự đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi địa phương.

- Có cơ chế khuyến khích việc thành lập Hợp tác xã, Tổ tự quản, xây dựng thương hiệu trong kinh doanh.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc quy định các vị trí dừng, đón trả khách và hàng hóa bảo đảm yêu cầu trật tự an toàn giao thông của địa phương và toàn tỉnh.

- Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện để giải quyết kịp thời.

Điều 8. Trách nhiệm của Công an tỉnh

Quy định cụ thể, việc tổ chức đăng ký, cấp biển số xe thô sơ đối với từng huyện, thị xã, thành phố./.