Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 103/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 11 tháng 9 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU CÁ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀU CÁ CỠ NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thuỷ sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 về đảm bảo cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Xét đề nghị của ông Giám đốc Sở Thuỷ sản tại Tờ trình số 501/TTr-STS ngày 20 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý đóng mới, cải hoán tàu cá và phân cấp quản lý tàu cá cỡ nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Thuỷ sản, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU CÁ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀU CÁ CỠ NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 103/2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Bản quy định này nhằm quản lý hoạt động đóng mới, cải hoán tàu cá và phân cấp quản lý tàu cá cỡ nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Tổ chức, cá nhân là người Việt Nam có liên quan đến các hoạt động đóng mới, cải hoán tàu cá, quản lý, sử dụng tàu cá cỡ nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An là đối tượng áp dụng tại quy định này và các quy định khác của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 2. Giải thích một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định này:

1. Tàu cá: Là tất cả các loại tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến và dịch vụ thuỷ sản.

2. Tàu cá cỡ nhỏ: Là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến và dịch vụ thuỷ sản có tổng công suất máy chính dưới 20 CV hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 m.

3. Chủ tàu cá: Là các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu cá, đứng tên đăng ký sử dụng tàu theo pháp luật Việt Nam.

4. Cơ sở đóng mới tàu cá: Là những cơ sở thực hiện việc đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá.

5. Đăng kiểm tàu cá: Là hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá xác định trạng thái kỹ thuật tàu cá bao gồm cả về vật liệu, máy móc, công cụ, trang thiết bị được sử dụng trên tàu cá trong thiết kế, đóng mới, cải hoán, sửa chữa lớn và khi tàu cá đang hoạt động.

6. Thiết kế tàu cá: Là thiết kế để đóng mới tàu cá được đưa vào sử dụng lần đầu.

7. Thiết kế cải hoán: Là thiết kế sửa đổi những tàu cá có sẵn, làm thay đổi công dụng, tính năng của tàu cho phù hợp với khai thác, vận chuyển, chế biến thuỷ sản.

8. An toàn kỹ thuật: Bao gồm những chỉ tiêu kỹ thuật được quy định trong các quy phạm, tiêu chuẩn hoặc các công ước quốc tế, nhằm đảm bảo an toàn con người và các tàu thuyền hoạt động trong các điều kiện nhất định.

9. Mẫu tàu truyền thống: Là mẫu tàu thông dụng được đóng và sử dụng lâu đời ở một địa phương nhất định. Mẫu đó phải thể hiện rõ những ưu điểm về tính năng, kết cấu, phù hợp với tập quán sử dụng và điều kiện ngư trường ở địa phương. Mẫu truyền thống ở địa phương nào phải được cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đó xác nhận qua việc tổng kết đánh giá về mặt khoa học kỹ thuật và chịu trách nhiệm về ổn tính cũng như các tính năng khác của tàu.

10. Đóng mới: Các phương tiện được coi là đóng mới nếu như quá trình công nghệ được thực hiện từ khi dựng ky chính đến khi hoàn chỉnh tàu cá đưa vào hoạt động.

11. Cải hoán tàu cá: Các phương tiện được coi là cải hoán nếu như trong quá trình công nghệ phải thay thế các cơ cấu chính của thân tàu như: thay thế sống chính (long cốt); thay thế phần sống mũi; thay thế phần sống đuôi; thay thế cơ cấu xương >=30% và ván (tôn) vỏ >=40% làm thay đổi tính năng, hình dạng, trạng thái kỹ thuật ban đầu của tàu cá.

12. Tuyến bờ: Là vùng biển được tính từ bờ biển đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 6 hải lý.

13. Tuyến lộng: Là vùng biển được tính từ đường cách bờ biển 6 hải lý đến đường nối các điểm cách bờ biển 24 hải lý.

14. Tuyến khơi: Là vùng biển xa bờ được tính từ đường cách bờ biển 24 hải lý đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam.

15. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá: là cơ quan chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước các hoạt động đóng mới, cải hoán tàu cá, tổ chức thực hiện thống nhất công tác đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên trong phạm vi toàn tỉnh.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU CÁ

Điều 3. Đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá:

1. Điều kiện để các cơ sở sản xuất được tiến hành đóng mới, cải hoán tàu cá và được cơ quan đăng kiểm tàu cá cấp “Giấy chứng nhận cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá” (Mẫu 1).

a) Địa điểm xây dựng của cơ sở phải đúng theo quy hoạch của địa phương.

b) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về hành nghề đóng mới, cải hoán tàu cá do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp.

c) Cơ sở có địa chỉ, biển hiệu rõ ràng.

d) Nhà xưởng, trang thiết bị phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Nhà nước. Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

e) Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ Trung cấp trở lên về chuyên ngành vỏ tàu, một nhân viên kỹ thuật có trình độ Trung cấp trở lên về chuyên ngành máy động lực.

2. Kiểm tra các cơ sở đóng mới.

a) Các điều kiện trên sẽ được cơ quan Đăng kiểm tàu cá kiểm tra 5 năm một lần và cấp “Giấy chứng nhận cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá”. Trường hợp cơ sở sản xuất không tuân thủ các quy định kiểm tra, hoặc sản phẩm của cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng theo các quy định tại các quy phạm, thì cơ quan Đăng kiểm tàu cá sẽ thu hồi “Giấy chứng nhận cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá” và tiến hành kiểm tra lại các điều kiện này nếu cơ sở có yêu cầu.

b) Các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá khi yêu cầu cơ quan Đăng kiểm tàu cá kiểm tra đóng mới, cải hoán tàu cá và các sản phẩm công nghiệp dùng cho tàu cá, phải đảm bảo các điều kiện để đăng kiểm viên thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo đúng quy phạm và các tiêu chuẩn có liên quan. Khi đến thời gian kiểm tra các bước, chủ cơ sở phải báo trước cho cơ quan Đăng kiểm tàu cá ít nhất 2 ngày.

3. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tiến hành đóng mới, cải hoán tàu cá khi chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá của cơ quan Đăng kiểm cấp. Các cơ sở đóng mới tàu cá chỉ được đóng mới, cải hoán tàu cá khi có Giấy phép kinh doanh và có Giấy chứng nhận cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá (Mẫu I) do cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp.

4. Khi đóng mới, cải hoán tàu cá, chủ tàu hoặc uỷ quyền cho cơ sở đóng mới tàu cá, nhất thiết phải ký hợp đồng giám sát kỹ thuật với cơ quan Đăng kiểm tàu cá để giám sát kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Điều 4. Đối với chủ tàu cá:

1. Để được đóng mới tàu cá, chủ tàu cá phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có tờ khai xin đóng mới, cải hoán tàu cá được chính quyền địa phương hoặc thủ trưởng cơ quan xác nhận (Mẫu II)

b) Đã được cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp “Văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá”. (Mẫu III)

c) Có bản vẽ thiết kế trình cơ quan đăng kiểm tàu cá trước khi triển khai đóng tàu. Đối với tàu cá theo mẫu truyền thống, chủ tàu cá phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ hoàn công, trình cơ quan đăng kiểm duyệt và phải thực hiện các bước thử tính năng theo quy phạm. Khối lượng hồ sơ hoàn công theo điều 6 của quy định này.

2. Đối với các tàu cá có yêu cầu cải hoán chủ tàu cá phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Trình cơ quan Đăng kiểm tàu cá hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ đăng kiểm cũ của tàu.

b) Có tờ khai xin đóng mới, cải hoán tàu cá (Mẫu II) được chính quyền địa phương hoặc thủ trưởng cơ quan xác nhận và đã được cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp “Văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá”. (Mẫu III).

c) Biên bản khảo sát tình trạng hư hỏng của tàu.

d) Báo cáo về nội dung cải hoán.

e) Các tính toán về kỹ thuật bổ sung sau khi cải hoán. Nếu không có thì khi thi công xong phải lập hồ sơ hoàn công.

3. Nghiêm cấm đóng mới, cải hoán tàu cá khi chủ tàu không có văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán của cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp.

4. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động đóng mới, cải hoán tàu cá phải tuân thủ:

a) Không được phát triển tàu cá có các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng.

b) Không được phát triển các nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển.

c) Không được phát triển tàu cá có công suất dưới 90 CV làm nghề kéo lưới.

d) Không được phát triển tàu cá có tổng công suất dưới 30 CV làm các nghề khác.

Điều 5. Tàu cá trước khi triển khai thi công phải có hồ sơ thiết kế tàu cá và phải được cơ quan Đăng kiểm tàu cá phê duyệt. Tất cả tàu cá đều phải có thiết kế trừ mẫu tàu cá truyền thống có tổng công suất máy chính nhỏ dưới 250 CV. Nội dung hồ sơ kỹ thuật phải đầu đủ theo quy định của quy phạm đóng tàu cá TCVN 7111:2002 .

1. Hồ sơ trình duyệt thiết kế tàu cá gồm:

a) Công văn đề nghị duyệt thiết kế (01 bản). Công văn phải ghi rõ: ký hiệu thiết kế; đơn vị thiết kế; đơn vị sử dụng tàu; cơ sở thi công; số lượng và thời gian dự kiến thi công.

b) Nhiệm vụ thiết kế (4 bản).

c) Bộ tài liệu thiết kế kỹ thuật (4 bộ) theo quy định của Nhà nước và phải đóng dấu của cơ quan thiết kế.

2. Khi được duyệt, tất cả các tài liệu thiết kế phải được đóng dấu của cơ quan Đăng kiểm tàu cá và được gửi đến các nơi sau:

a) Cơ quan thiết kế (kèm theo Phiếu duyệt thiết kế).

b) Chủ sử dụng thiết kế.

c) Cơ quan Đăng kiểm tàu cá (cơ quan duyệt và cơ quan giám sát thi công).

Điều 6. Đối với mẫu tàu truyền thống mà có tổng công suất máy chính dưới 250 CV (sức ngựa) thì không cần có hồ sơ thiết kế nhưng khi thi công xong phải có hồ sơ hoàn công được cơ quan Đăng kiểm tàu cá duyệt. Hồ sơ trình duyệt gồm:

1. Công văn đề nghị duyệt hồ sơ hoàn công.

2. Hồ sơ hoàn công bao gồm (3 bộ).

a) Thuyết minh chung toàn cầu.

b) Kiểm tra tính ổn định.

c) Các bản vẽ: Đường hình; bố trí chung; kết cấu cơ bản; bố trí luồng máy và lắp đặt hệ động lực.

Điều 7. Đăng kiểm tàu cá.

1. Tất cả tàu cá phải được đăng kiểm, trừ các tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy, hoặc có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa.

2. Cơ quan Đăng kiểm tàu cá có trách nhiệm kiểm tra, giám sát kỹ thuật đối với tàu cá theo quy định của Luật Thuỷ sản. Khi kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá cơ quan Đăng kiểm phải tuân theo hệ thống tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam.

3. Nội dung đăng kiểm tàu cá đóng mới, cải hoán tàu các gồm:

a) Xét duyệt thiết kế, duyệt bản vẽ hoàn công. (theo phân cấp của Nhà nước).

b) Kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công, thử và nghiệm thu tàu cá.

4. Phí và lệ phí đăng kiểm tàu cá được quy định tại Quyết định số 31/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 của Bộ Tài chính và các quy định khác có liên quan đến phí và lệ phí.

Điều 8. Khi kiểm tra đóng mới cơ quan Đăng kiểm tàu cá thực hiện kiểm tra các bước cơ bản sau đây:

1. Đối với tàu có thiết kế:

+ Kiểm tra sàn hoạ và phóng dạng tuyến hình

+ Kiểm tra vật liệu và thi công chi tiết

+ Kiểm tra lắp ráp kết cấu chính

+ Kiểm tra lắp ráp vỏ tàu

+ Kiểm tra kín nước

+ Kiểm tra trước lúc hạ thuỷ

+ Kiểm tra lắp ráp hệ động lực

+ Thử tàu:

- Tại bến. Nghiêng ngang

- Đường dài. Nghiệm thu

2. Đối với tàu đóng không thiết kế:

+ Kiểm tra vật liệu và thi công chi tiết

+ Kiểm tra lắp ráp kết cấu chính

+ Kiểm tra lắp ráp vỏ tàu

+ Kiểm tra kín nước

+ Kiểm tra trước lúc hạ thuỷ

+ Kiểm tra lắp ráp hệ động lực

+ Thử tàu:

- Tại bến. Nghiêng ngang

- Đường dài. Nghiệm thu

Điều 9. Nội dung thử tàu bao gồm:

1. Phần thân tàu: thử kín nước, các tính năng hằng hải; thử quay vòng; tốc độ; quán tính; tính cơ động; thiết bị lái; thiết bị neo; các hệ thống của tàu.

2. Phần máy tàu: tình trạng hoạt động của máy và hệ trục ở các chế độ tiến, lùi, các hệ thống phục vụ máy tàu hoạt động.

3. Phần điện: kiểm nghiệm toàn bộ hệ thống điện của tàu.

Điều 10. Hội đồng thử tàu và nghiệm thu tàu gồm:

1. Đại diện cơ quan Đăng kiểm tàu cá - Chủ tịch Hội đồng.

2. Đại diện chủ tàu.

3. Đại diện cơ sở sản xuất.

4. Đại diện cơ quan Thiết kế (nếu tàu đóng theo thiết kế).

Điều 11. Ngoài kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với tàu cá được quy định phải kiểm tra, tất cả các loại tàu cá muốn hoạt động phải được kiểm tra trang bị an toàn theo quy phạm TCVN 7111: 2002 và các quy phạm khác có liên quan, gồm: phương tiện cứu sinh; hệ thống hút khô, chống thủng; hệ thống cứu hoả; trang bị vô tuyến điện; phương tiện tín hiệu; trang bị hằng hải.

Mục 2. QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP

Điều 12.

1. Việc phân cấp quản lý tàu cá cỡ nhỏ nhằm tạo điều kiện thực hiện tốt các chủ trương của Nhà nước, các quy định của Chính phủ liên quan tới hoạt động thủy sản. Để nâng cao năng lực quản lý tàu cá cỡ nhỏ, UBND tỉnh phân cấp cho UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm quản lý tàu cá cỡ nhỏ.

2. Nhiệm vụ của UBND huyện, thị xã khi phân cấp.

a) Thống kê, đánh giá hiện trạng đội tàu cá cỡ nhỏ.

b) Kiểm tra an toàn cho tàu cá cỡ nhỏ.

c) Cấp giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá.

d) Hàng năm phối hợp với cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, đánh giá chất lượng, số lượng tàu cá, lập phương án giải quyết.

e) Thu phí và lệ phí theo quy định.

3. Nhiệm vụ của cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp tỉnh:

a) Đào tạo các lớp cộng tác viên đăng kiểm.

b) Hướng dẫn, tuyên truyền về quản lý tàu cá cỡ nhỏ.

Điều 13. Quản lý tàu cá cỡ nhỏ:

1. Tàu cá cỡ nhỏ được giữ nguyên số lượng hiện có và dần được giảm khi thanh lý, giải bản tàu cá. Nghiêm cấm việc phát triển tàu cá cỡ nhỏ. Tất cả các địa phương trong toàn tỉnh có tàu cá cỡ nhỏ phải lập sổ quản lý và báo với cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp tỉnh.

2. Việc cấp giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá cỡ nhỏ được thực hiện theo Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ. Số đăng ký tàu cá cỡ nhỏ được quy định bởi cơ quan Đăng kiểm tàu cá (Phụ lục I).

3. Tàu cá cỡ nhỏ chỉ được cấp giấy phép hoạt động trên sông ngòi, hồ, đầm phá và tuyến bờ biển Nghệ An khi có đủ điều kiện theo quy định hiện hành.

4. Chủ tàu chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo an toàn khi hoạt động thuỷ sản. Nghiêm cấm hoạt động khi chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn và phao cứu sinh theo quy định của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

Những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy định này sẽ được khen thưởng. Nếu vi phạm tuỳ mức độ sẽ bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của các sở, ngành và UBND huyện, thị:

1. Sở Thuỷ sản chủ trì cùng với các ngành, các địa phương liên quan phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định.

2. Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn UBND các huyện, thị để sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tàu cá cỡ nhỏ ở địa phương.

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các ngành, các cấp, các cá nhân, tổ chức liên quan phản ánh về Sở Thuỷ sản để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. /.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN