THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1030/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2009 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển ngành công nghiệp môi trường.
2. Phát triển ngành công nghiệp môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới.
3. Phát triển ngành công nghiệp môi trường trên cơ sở hoàn thiện có văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường; đồng bộ với phát triển doanh nghiệp, thị trường và nguồn nhân lực.
4. Phát triển ngành công nghiệp môi trường hài hòa giữa ba lĩnh vực: dịch vụ môi trường, thiết bị môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường.
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn từ nay đến năm 2015:
- Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường;
- Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên;
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường.
b) Tầm nhìn đến năm 2025:
- Phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển ngành công nghiệp Việt Nam;
- Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao về môi trường có khả năng giải quyết có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên.
1. Hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường:
a) Xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức các cơ quan chuyên môn về ngành công nghiệp môi trường ở các Bộ, ngành có liên quan và địa phương.
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật về ngành công nghiệp môi trường.
2. Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường:
a) Nghiên cứu xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025;
b) Lồng ghép việc phát triển ngành công nghiệp môi trường vào các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương.
3. Tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường:
a) Xây dựng và phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường;
b) Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng nhanh, có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật mới, sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;
c) Tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường.
4. Đẩy mạnh việc phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường và các hoạt động chế tạo thiết bị, cung cấp sản phẩm và dịch vụ môi trường:
a) Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc mọi thành phần kinh tế và đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển ngành công nghiệp môi trường;
b) Phát triển việc chế tạo thiết bị và sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường:
- Tăng cường năng lực thiết kế, chế độ thiết bị và sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư phần mềm thiết kế chuyên dụng; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thiết kế, chế độ thiết bị; đầu tư cơ sở nhà xưởng, công nghệ chế tạo thiết bị và sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường;
- Hỗ trợ việc chế tạo thiết bị và sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ để sản xuất thiết bị và sản phẩm bảo vệ môi trường có hàm lượng công nghệ cao;
- Tăng cường liên kết giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển việc chế tạo thiết bị và sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường.
c) Đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ môi trường:
- Hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ môi trường, bao gồm: dịch vụ quan trắc môi trường; dịch vụ phân tích môi trường; dịch vụ tư vấn đánh giá tác động môi trường, kiểm toán môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn; dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; dịch vụ thiết kế, chế tạo, xây dựng hệ thống xử lý môi trường; dịch vụ tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường;
- Tăng cường liên kết giữa cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp chế tạo thiết bị và tổ chức dịch vụ để nâng cao năng lực và hoạt động dịch vụ môi trường.
5. Sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường:
a) Tăng cường hiệu quả hoạt động cung cấp nước sạch, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải, phế liệu, sản phẩm đã qua sử dụng;
b) Nghiên cứu chế tạo, chuyển giao và ứng dụng các loại thiết bị sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường;
c) Đẩy mạnh các hoạt động phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; xử lý và cải thiện chất lượng môi trường các khu vực bị ô nhiễm và suy thoái, đặc biệt là những khu vực bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.
6. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp môi trường:
a) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp môi trường cho các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư;
b) Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ về công nghiệp môi trường;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ngành công nghiệp môi trường.
7. Kinh phí để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau: vốn ngân sách nhà nước; vốn của các tổ chức, cá nhân, nhất là của doanh nghiệp trong nước; vốn viện trợ, tài trợ, đầu tư của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Phê duyệt về nguyên tắc 5 dự án thành phần để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án (phụ lục chi tiết kèm theo). Tổng kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện 5 dự án thành phần trong giai đoạn 2009 – 2015 dự kiến là 150 tỷ đồng trên cơ sở tổng hợp kinh phí của từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
1. Giải pháp về tổ chức, quản lý và cơ chế, chính sách:
a) Đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường;
b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường;
c) Thực hiện lồng ghép việc phát triển ngành công nghiệp môi trường vào các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương;
d) Xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp môi trường;
đ) Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc khu vực nhà nước;
e) Khuyến khích việc thành lập các tổ chức dịch vụ tư vấn môi trường phục vụ phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường.
2. Giải pháp về đầu tư, tài chính và thị trường:
a) Nhà nước hỗ trợ qua tín dụng nhà nước để phát triển ngành công nghiệp môi trường;
b) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường;
c) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế theo quy định của pháp luật;
d) Khuyến khích các tổ chức và cá nhân lập quỹ bảo vệ môi trường, phát triển các công cụ kinh tế để đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường;
đ) Tạo lập và phát triển thị trường thuận lợi cho các hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp môi trường.
3. Giải pháp về khoa học và công nghệ:
a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra ở trong nước vào các hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp môi trường;
b) Khuyến khích áp dụng công nghệ, máy móc, thiết bị, sản phẩm bảo vệ môi trường tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường;
c) Gắn kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp công nghiệp môi trường.
4. Giải pháp về hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực:
a) Tăng cường việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác với các nước tiên tiến nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường Việt Nam;
b) Thu hút và có chính sách ưu đãi đối với chuyên gia nước ngoài, nhất là người Việt ở nước ngoài tham gia vào việc phát triển ngành công nghiệp môi trường nước ta;
c) Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực ở trong nước và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.
5. Giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức:
a) Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp môi trường của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhất là các doanh nghiệp;
b) Sớm xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về ngành công nghiệp môi trường.
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập Ban điều hành do Bộ trưởng làm Trưởng ban để giúp Bộ trưởng triển khai, thực hiện Đề án. Thành phần, quy chế hoạt động của Ban điều hành và Văn phòng giúp việc do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 5 năm và hàng năm để thực hiện các dự án thành phần của Đề án.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong Đề án; định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)
Dự án 1: Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2010 – 2011.
Dự án 2: Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2010 – 2015.
Dự án 3: Nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức dịch vụ tư vấn môi trường.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2010 – 2015.
Dự án 4: Hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2009 – 2015.
Dự án 5: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp môi trường.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2009 – 2015.